Lũ ngày một nhiều là do phá rừng?
Bên cạnh những nguyên nhân như đặc điểm địa lý, biến đổi khí hậu,... khiến tình trạng mưa lũ ở miền Trung ngày càng trở nên khốc liệt, còn có nguyên nhân trực tiếp của con người đặc biệt là nạn phá rừng.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Trung tuần tháng 10 vừa qua trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung đã diễn ra mưa lụt nhiều ngày liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đợt mưa lũ lần này được các ngành chức năng đánh giá là trăm năm mới có một. Còn một số người dân địa phương, dường như đã nhận ra hệ quả của nó, không lấy làm ngạc nhiên khi đưa ra kết luận, là do nạn chặt phá rừng đầu nguồn.
Còn nhớ, khi thấy các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật về tình hình lụt lội, đói khổ và bị bao vây giữa biển nước mênh mông ở các tỉnh miền Trung, bà Hoàng Thị Ân (58 tuổi) - sống ở Hà Nội - thường xuyên về quê ở huyện vùng cao của Nghệ An thẳng thắn nói, mưa lụt lớn như vậy là do phá rừng đầu nguồn vô tội vạ.
"Chúng tôi đã từng nhìn thấy bao nhiêu xe tải chở những khúc gỗ to đã được đẽo gọt chạy rầm rầm. Thử hỏi như vậy thì làm sao còn cây to giữ nước trên nguồn", bà Ân chia sẻ.
GS.TSKH Trương Quang Học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng nói đến tác dụng của rừng với con người và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố có tác dụng giữ nước, cản dòng chảy.
Ông Học nhấn mạnh: "Khi rừng đầu nguồn bị chặt, cường độ của lũ lụt đi nhanh, làm cho nước dâng cao rất nhanh…”.
Mới đây, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Tiến đã phải thốt lên rằng: "Cứ phá rừng thế này thì lũ mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một dữ dội" - Báo điện tử VTC news dẫn lời.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, GS Hoàng Hòe (Phó chủ tịch Hội Lâm nghiệp, nguyên viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng) cũng cho biết, việc làm thủy điện đã phá đi nhiều rừng quá, hàng ngàn hecta rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh bị phá dẫn tới lũ ngày càng hung dữ và khốc liệt hơn.
Theo ông Hòe, thiếu sót là chúng ta đã có những quyết định cho làm hàng chục thủy điện trên một dòng sông để rồi buộc phải phá hàng ngàn hecta rừng tự nhiên, sau đó lại yêu cầu phủ xanh bằng rừng trồng. Đó là cách hiểu sai, là một sự nhầm lẫn. Hàng ngàn hecta rừng trồng cũng đâu bằng 1 hecta rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên. Trong khi đó, để trồng lại rừng cũng không dễ.
Trong 2 đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, VietNamNet đã cử phóng viên vào tận hiện trường lũ để phản ánh đến bạn đọc những hình ảnh chân thực và đầy đau thương của bà con. Đây là những hình ảnh do PV VietNamNet thực hiện từ rốn lũ và những chuyến hàng cứu trợ của bạn đọc gửi đến bà con miền Trung đau thương.
Tại Quảng Bình gần biên giới Việt - Lào, một phụ nữ nằm chờ đẻ trên nóc trạm xá trong cái lạnh giá. Còn tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, thương tâm nhất là có cụ già đã phải cõng cô cháu gái ôm vào cây mít để chờ cứu hộ khi lũ đột nhiên ập xuống.
Trong cơn đói và rét, các thầy cô giáo ở Trường THCS Lê Hữu Trác 2 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải đốt giáo án sưởi ấm cho con. Theo lời kể của các thầy cô, lũ trong đêm 17/10 lên nhanh quá nên họ chỉ kịp đưa trẻ con lên tầng hai ngôi trường để lánh nạn.
Đau xót hơn cả là vào khoảng 4h sáng 18/10, xe ôtô khách mang BKS 48K - 5868 trên đường từ Nam ra Bắc, đến đoạn đường Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn 1, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị nước lũ cuốn trôi khiến 20/37 người trên xe mất tích. Sau khi trục vớt chiếc xe khách (ngày 21/10), các ngành chức năng đã tìm thấy 15 thi thể. Hiện vẫn còn 5 người xấu số chưa tìm thấy và ngày qua ngày, người thân của họ đang đau đáu nhìn xuống dòng sông Lam.
Theo thống kê đến ngày 21/10, lũ tại miền Trung đã khiến 66 người chết, 8 người mất tích và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng về tài sản.
TIN LIÊN QUAN |
- Minh Hồ (tổng hợp)