Chuyện bị hài ở chung cư:

"Lấy ròng rọc chở quan tài xuống à?"

Cập nhật lúc 07:35, 18/11/2010 (GMT+7)

- Con cháu muốn mua nhà chung cư cho bố mẹ ở trên tầng cao để các cụ ở cho thoải mái. Nhưng các cụ nhất quyết không chịu vì lo rằng “sau này mình chết đi, việc ma chay tổ chức trên cao thế nào, rồi quan tài của mình làm sao chúng nó đưa xuống đất được”.

>> Những chuyện lạ ở chung cư giữa Thủ đô

“Lấy ròng rọc đưa quan tài bố mẹ xuống à?”

Hiện nay, việc tổ chức đám ma ở các khu chung cư là cực kỳ khó khăn. Với các khu chung cư cao cấp thì các nhà sinh hoạt chung vẫn được để trống để tiện cho các căn hộ làm việc ma chay, cưới hỏi.

Nhưng các khu chung cư ở mức trung bình thì hầu như tầng 1 đều phục vụ mục đích kinh doanh: làm văn phòng, nhà hàng, quán café, siêu thị… Còn các khu tái định cư thì hầu như không có nhà sinh hoạt chung.

Có những chuyện xót xa như gia đình chị H.A tại khu Đền Lừ, khi mẹ chị mất, đám tang vẫn được tổ chức tại nhà nhưng gia đình chị không dám gọi đội kèn trống đến vì sợ ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

Nhà cửa thì bé, hành lang lại chật chội nên những người đến viếng cũng phải gọi trước đặt chỗ, đặt giờ.

Căn hộ vốn có diện tích chật hẹp, thêm vào đó, quan tài của người đã khuất vào thang máy không lọt, vì thế phải mất hơn một giờ đồng hồ, gần chục thanh niên mới khiêng nổi quan tài xuống đất theo lối cầu thang bộ.

Nhắc lại chuyện này, chị H.A vẫn nói trong nước mắt: “Đời người có một lần sinh tử, ngôi nhà và láng giềng là mối quan hệ quan trọng với người Việt, nếu lúc ra đi mà phải vội vã và bối rối như thế thì thật ấm ức".

Khi đăng ký mua căn hộ chung cư ở khu Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), gia đình anh Hoàng Mạnh Q. khấp khởi mừng, vì từ bây giờ, bố mẹ mình không phải leo tầng nữa, chỉ loanh quanh trong nhà với mấy phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp thì sẽ tiện biết bao.

Chưa kể là các cụ không phải ở trong căn nhà cuối ngõ Thổ Quan (phố Khâm Thiên) mà cả ngày chả thấy chút nắng nào vào nhà, xung quanh ì xèo tiếng cãi vã rồi mùi nấu nướng của mấy hàng cơm bình dân bên cạnh. Anh Q. dặn vợ khi đi đăng ký chọn nhà thì nhớ chọn căn tầng cao một chút, tầm tầng 9 hay 10 cho các cụ ở thoáng, lại được ngắm đường phố từ trên cao cho thoải mái.

Các nhà tái định cư đều không có khu sinh hoạt chung. Hành lang chung thì bị biến thành nơi phơi quần áo (Ảnh: Thu Lý)

Thế nhưng, sau khi đăng ký xong căn hộ tầng 10 ở khu F4, phường Yên Hòa, vợ anh hồ hởi mang giấy tờ về cho bố mẹ chồng xem thì đột nhiên mẹ chồng khóc hu hu, còn bố chồng chị nổi giận đùng đùng. Hóa ra, ông bà cho rằng, vợ chồng chị bất hiếu.

“Bố mẹ già đã đến lúc xế chiều, vậy mà đi mua căn nhà cũng không biết suy nghĩ. Sao chúng mày không nghĩ đến lúc bố mẹ về với tổ tiên thì chúng mày làm đám ma cho bố mẹ thế nào? Làm trên tầng 10 á? Rồi chúng mày định lấy ròng rọc mà chở quan tài của bố mẹ xuống à?” - các cụ mắng.

Thế rồi, mặc dù vợ chồng anh Q. đã rất vất vả mới đăng ký được căn hộ này, ông bà cũng kiên quyết không ở tầng cao mà đòi bán đi, “chỉ mua tầng 2 để còn rước được quan tài theo đường thang bộ xuống”.

“Nhức đầu thì đóng cửa vào!”

Mặc dù đã chuyển lên ở chung cư được gần 1 năm, nhưng gia đình ông Phạm Văn M. ở khu chung cư Yên Hòa vẫn không tài nào hòa nhập được với lối sống chung như vậy. Mỗi khi các cụ hưu trí đến chơi với ông M. là cả một tiệc trà được bày ra để các cụ đánh cờ, bàn chuyện.

Hơn một chục cụ cùng bàn chuyện, nói oang oang giữa trưa khiến cả tầng đều nghe hết, không ai ngủ được.

Mô tả ảnh.
Thang máy luôn bẩn ( ảnh: Thu Lý )

Hàng xóm khẽ khàng sang nhắc nhỏ, cụ M. nổi cáu: “Sao anh chị buồn cười thế, nhà ai biết nhà ấy, thấy ầm thì đóng cửa vào, nhà tôi từ trước đến giờ quen nói thế rồi, không nói bé được”.

Hộ gia đình chị Nguyễn Thùy T. mới chuyển về chung cư 25 Vũ Ngọc Phan được vài hôm. Cả nhà còn chưa hết mừng vui vì được ở nhà mới thì bỗng nhiên, căn hộ ngay phía trên nóc nhà chị ầm ầm vài ngày liên tiếp, rồi trần nhà vệ sinh bỗng chốc bị rạn ra, nước từ trên chảy xuống.

Hớt hải chạy lên tầng trên xem sự tình ra sao, chị T. mới biết hóa ra nhà trên đang sửa nhà vệ sinh. Và quên mất là đang ở chung cư nên họ cứ cho thợ thản nhiên khoan đục xuống dưới nền mà không nhớ rằng, ngay dưới nhà mình còn là căn hộ khác.

Các cháu nhỏ mới đựơc chuyển lên ở chung cư là khổ nhất. Nhà ở trên tầng cao, xuống dưới sân chơi thì bố mẹ không quản lý được. Vậy là các cháu nhỏ chỉ còn cái hành lang chung bé xíu của cả khu để hò hét, chạy nhảy.

Nhưng được cái, thang máy tiện lợi, cứ đến giờ cơm là các mẹ, các bà và cả các bác giúp việc thi nhau cho trẻ vào thang máy, ấn lên ấn xuống để dỗ ăn. Có cháu đang ở trong thang máy còn hứng chí vạch quần ra “tè” thẳng ra thang máy.

Sau giờ ăn bao giờ cũng là cảnh thang máy "ngổn ngang" cơm nước, bãi tè của các cháu. Sau vài năm đưa vào sử dụng, khu chung cư Đền Lừ gần như đã không còn thấy sự sạch sẽ ban đầu. Tầng nào cũng ngập rác. Thang bộ biến thành nơi để đồ cho người dân.

Có hộ còn sáng tạo làm chuồng cọp đua ra để biến thành cả vườn rau trên cao cho gia đình. Để rau được tươi tốt, lớn nhanh, hộ này còn lấy thêm cả nước tiểu tưới cây cho tiện. Nước tràn xuống tầng dưới. Thế là cả mấy tầng cãi nhau kịch liệt.

vuon rau
Vườn rau trên cao của một hộ dân khu Đền Lừ (Ảnh: Thu Lý)


Sau 6 năm đưa vào sử dụng, 5 tòa nhà với trên 500 căn hộ thuộc khu TĐC Định Công đã xuống cấp nghiêm trọng. Gạch lát đã đua nhau bật khỏi nền đất. Hệ thống cống thoát nước xung quanh tòa nhà cũng xoắn hình vỏ đỗ, nghiêng ngả, đổ vỡ. Bùn đen và nước thải xộc lên mùi xú uế.

Với thói quen sử dụng nhà chung cư theo kiểu nhà riêng dưới đất, nhiều hộ gia đình chưa hòa nhập đựơc với cách sống theo kiểu cụm dân cư, kiểu chung đụng nên gần như những gì thuộc về của công, của chung để không đựơc người dân giữ gìn. Vậy là chỉ sau vài năm, các khu chung cư đều xuống cấp gần giống như những khu tập thể cũ. Đây là một thực tế ở rất nhiều khu chung cư tại Hà Nội hiện nay.

  • Hải Bình

Các tin khác