- Trong xã hội hiện đại, dường như không phải kẻ giết người máu lạnh nào cũng mang gương mặt của một sát nhân. Những kẻ giết người thường bị dư luận xã hội nghĩ đến với một gương mặt gớm ghiếc đến dị dạng. Nhưng trên thực tế, nhiều sát thủ giết người không ghê tay lại khoác trên mình một bộ mặt khác lạ đến không ngờ.
Kỳ 1: Giết người để… đỡ stress và được nổi tiếng?
Kỳ 2: ’Cái ác đã ẩn náu trong họ từ lâu!’
Cái ác ngự trị đằng sau những "thiên thần"
Cách đây không lâu, dư luận xã hội đã xôn xao khi một thanh niên ở Hải Dương đã đang tâm giết chết chính bố đẻ rồi chặt xác làm nhiều mảnh để phi tang.
|
My "sói" và bạn trai mang gương mặt "thiên thần" khi bị bắt giữ! (ảnh Google-imegine). |
Mới đây, dư luận lại bàng hoàng trước việc cô bé tuổi teen có tên Đào Thu Hương (biệt danh My “sói”) bị cơ quan công an bắt giữ vì cầm đầu băng nhóm chuyên cưỡng đoạt tài sản và hiếp dâm tập thể trẻ em.
Quá trình tiến hành tội ác của băng nhóm My “sói” hết sức bài bản, tàn bạo và trắng trợn càng khiến dư luận kinh sợ. Bởi, hầu hết đối tượng trong băng nhóm này đều đang ở độ tuổi vị thành niên. Hơn thế, chỉ đến khi bị bắt, gia đình những đối tượng trong băng nhóm mới bàng hoàng biết con cái mình đã hư hỏng.
Gần đây hơn, vụ án “xác chết không đầu”, mà thủ phạm Nguyễn Đức Nghĩa là một kẻ có học thức, được sinh ra trong một gia đình cơ bản càng khiến dư luận bàng hoàng. Bởi, hoá ra, cái ác giờ đây còn ẩn sau vô vàn những gương mặt khác nhau.
Nhà báo Đặng Huyền, Phó trưởng Ban chuyên đề, Báo An ninh thế giới, người chuyên viết về tội phạm, từng nhiều lần trực tiếp cùng cơ quan điều tra đối diện với những tên tội phạm khét tiếng ngay sau khi chúng bị bắt, đã có một cảm nhận hết sức đặc biệt khi nói đến những ấn tượng cá nhân về tội phạm.
Theo nhà báo Đặng Huyền, nhiều tên tội phạm, dù trước đó không lâu đã phạm những tội ác thật khủng khiếp, vậy mà khi bị bắt, chúng lại là những con người hết sức bình thường. Và tội ác mà chúng gây ra dường như chỉ có ở văn bản khi khai với cơ quan điều tra hay trong một bản cáo trạng nào đó của toà án. Chứ nhìn nhiều tên tội phạm sau khi bị bắt, hẳn nhiều người sẽ không tin những kẻ yếu đuối, thiếu tự tin nhường ấy lại có thể gây ra tội ác rung rợn đến vậy.
|
Có số má trong trò chơi Game online nhưng ở ngoài đời thì Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang trở thành những "sát thủ" máu lạnh! (Ảnh Tuoitre). |
Mặc dù, thực tế là vậy, nhưng có một sự thật lâu nay dường như đã được mặc định trong dư luận xã hội, rằng: những kẻ thủ ác kia chỉ có thể là "hiện thân của quỷ", chứ họ không phải là con người nữa. Đúng là chỉ những "hiện thân của quỷ" thì những tên tội phạm này mới có thể làm được những việc tày trời như thế.
Vậy nhưng, ẩn đằng sau những tội ác ấy, ẩn sau những gương mặt lẫn lộn cả "quỷ dữ" và "thiên thần" ấy, là một bộ mặt khác. Đó là bộ mặt khi xã hội có nhiều gia đình tan vỡ, nhiều giá trị truyền thống đang bị rạn nứt.
"Dị tật" của xã hội?
Mặc dù, tiếp xúc với rất nhiều tên tội phạm khét tiếng mà không ít trong số đó mang trên mình trọng tội, nhưng không bao giờ nhà báo Đặng Huyền hỏi những đối tượng về quá trình gây tội ác.
Chị cho biết, những tên tội phạm, trước khi gây tội ác, họ cũng như bao người bình thường khác. Vì vậy, cái mà chị quan tâm khi đối diện với những kẻ thủ ác ấy là cuộc sống gia đình, là việc học hành, công việc và các quan hệ cá nhân… Bởi, biết được những điều ấy, người ta mới lý giải được nguồn gốc sâu xa của tội ác.
|
Nguyễn Đức Nghĩa là "dị tật" của xã hội? (Ảnh VietNamNet). |
Sau hàng loạt những tội ác ghê sợ trong xã hội liên tục được cơ quan điều tra khám phá, nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia tâm lý và chuyên gia tội phạm học bắt đầu đi tìm nguyên nhân và lý giải những loại tội ác ghê gớm ấy, vì sao vẫn liên tục xảy ra trong xã hội hiện đại.
Không ít người cho rằng, những tên tội phạm chính là những “dị tật” của xã hội hiện đại. Song, cũng có ý kiến cho rằng, những tên tội phạm nảy sinh từ việc có quá nhiều “dị tật” trong chính đời sống gia đình và xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống?
Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet mới đây về nguyên nhân phạm tội của Nguyễn Đức Nghĩa, Tiến sỹ, Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Tội phạm học (thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân) mới đây vẫn cho rằng: Nguyên nhân chính khiến Nghĩa phạm tội là do sự nuông chiều và quá tin tưởng vào con của gia đình. Trong khi đó, tại Hà Nội, Nghĩa đã đối diện, va vấp và sa vào biết bao thói xấu mà gia đình không hay biết.
Hay như trường hợp My “sói”, thì nguyên nhân đầu tiên dẫn dắt My “sói” vào con đường phạm tội dường như lại xuất phát từ chính sự tan vỡ gia đình. Đó là việc My “sói” không còn gia đình ngay sau khi chào đời và phải ở với ông bà. Đến khi ông bà mất thì My “sói” không còn người quản lý, bỏ học rồi sa ngã và cứ lún sâu vào tội lỗi cho đến khi bị bắt.
Còn trong một vụ trọng án khác vừa mới xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đó là vụ án hai đối tượng Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang, hai kẻ giết người máu lạnh giết chết Phó Bí thư Quận uỷ quận Phú Nhuận cũng được cơ quan điều tra lý giải xuất phát từ chính thói quen nghiện game.
Dường như, xã hội càng phát triển hiện đại thì những nền tảng gia đình, xã hội và nhiều giá trị truyền thống đã bị thay đổi? Có quá nhiều thói xấu xuất hiện và xâm chiếm một bộ phận giới trẻ. Rồi một lúc nào đó, sự ích kỷ, thói vô cảm, sự thiếu quản lý sát sao của gia đình, nhà trường và ảnh hưởng của văn hoá phẩm bạo lực đã bất ngờ biến những người vốn mang một gương mặt thiên thần đi gây tội ác.
Chính vì thế, dường như không ai có thể khẳng định trong xã hội hiện đại chúng ta đang sống chỉ có một Nguyễn Đức Nghĩa, một băng nhóm của My “sói”, một Nguyễn Trọng Nhân hay cả một kẻ giết người vô cớ và giết người hàng loạt khác.
Bởi, ở đâu đó, những sát thủ máu lạnh mang gương mặt "thiên thần" như thế vẫn đang được “nuôi nấng”, rồi đùng một cái, chúng có thể gây tội ác ghê gớm khiến xã hội lại phải bàng hoàng bất cứ lúc nào.