World Cup 2010: Những vở kịch nhạt

Cập nhật lúc 16:07, 14/06/2010 (GMT+7)

- 2/3 trận đấu trong ngày thứ 3 World Cup 2010 diễn ra với chất lượng chuyên môn trung bình, nếu không muốn nói là thấp. Ở trận còn lại, có đến 4 bàn thắng được ghi, nhiều nhất kể từ ngày khai mạc, nhưng không nói lên được tính hấp dẫn mà chỉ thể hiện sự chênh lệch giữa các nền bóng đá. Phải chăng, World Cup đang mất giá?

>> ĐT Đức: Chiến thắng của tập thể
>> ’Xe tăng’ Đức giải hạn bàn thắng cho World Cup
>> Chơi hơn người, Ghana hạ đo ván Serbia
>> Mắc sai lầm, Algeria ’tặng’ chiến thắng cho Slovenia
>> Thư Nam Phi: Vé giả, khán đài trống & sự cố...

>> Nhân viên phục vụ World Cup biểu tình vì bị... quịt tiền?

Nhạt nhòa World Cup

Nếu Ghezzal không dùng tay chơi bóng trong vòng cấm để rồi phải nhận thẻ vàng thứ 2 chỉ sau 15 phút, phá kỷ lục mà Lodeiro của Uruguay lập trong ngày khai mạc, thì trận Algeria - Slovenia sẽ chẳng có gì đáng nói.

Với pha chơi bóng bằng tay thô thiển, Ghezzal trở thành cầu thủ phải nhận 2 thẻ vàng liên tiếp nhanh nhất ở World Cup 2010. Ảnh: Getty Images
Với pha chơi bóng bằng tay thô thiển, Ghezzal trở thành cầu thủ phải nhận 2 thẻ vàng liên tiếp nhanh nhất ở World Cup 2010. Ảnh: Getty Images

Với lợi thế hơn người, Slovenia đã ghi được bàn thắng quyết định để tranh cho trận đấu kết thúc theo hướng không thể tẻ nhạt hơn. Đây cũng là những điểm số đầu tiên mà đại diện châu Âu này có được sau hai kỳ tham dự World Cup.

Tương tự, cũng phải đợi đến một cái tay khác (của Kuzmanovic), theo chiều hướng ngược lại, thì Ghana mới tìm được bàn thắng quyết định trước Serbia, từ chấm 11m.

Thật khó để có thể hình dung tại sao Kuzmanovic, một cầu thủ có tiếng ở Serie A và Bundesliga, lại chơi bóng một cách nghiệp dư như vậy, trong hoàn cảnh dù hơn người nhưng Ghana không tạo được sức ép cần thiết.

Hai pha chơi bóng bằng tay của Ghezzal và Kuzmanovic đã cứu cho FIFA bàn thua trông thấy, bởi nếu không có những tình huống ấy, hai trận đấu đầu tiên của ngày thứ 3 World Cup 2010 chẳng khác gì cuộc so tài ở một giải VĐQG hạng trung.

’Đức
Đức thắng "4 sao" trong thế trận một chiều. Ảnh: Reuters

Những trận đấu nghèo bàn thắng và thiếu hấp dẫn nhanh chóng được người Đức bù đắp bằng màn trình diễn rất ấn tượng, thể hiện bộ mặt của một trong những ứng viên cho ngôi quán quân.

Thế nhưng, 4 "quả pháo" mà "xe tăng" bắn vào lưới Australia có thực sự hấp dẫn và kịch tính? Không, nó chỉ phản ánh được thế trận một chiều mà người Đức tạo ra, và cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa các đội bóng.

Chưa có một trận đấu nào thực sự mang đến cảm xúc và kịch tính tột đỉnh, khi lượt đấu đầu tiên của vòng bảng đi qua nửa chặng đường. Có lẽ, phải đợi đến khi vòng bảng khép lại để được chứng kiến những trận cầu hấp dẫn hơn?

Sức nóng ngoài sân cỏ

Chất lượng 3 trận đấu của ngày thi đấu thứ 3 không thể tạo sức hút cho truyền thông và người hâm mộ bằng những vấn đề bên lề.

Bằng cách nào mà CĐV Algeria này có mặt trên giàn đèn? Ảnh: Getty Images
Bằng cách nào mà CĐV Algeria này có mặt trên giàn đèn? Ảnh: Getty Images

Cho đến lúc này, người ta vẫn đang tự hỏi vì sao một anh chàng CĐV Algeria lại có thể xuất hiện trên... giàn đèn của sân Peter Mokaba để cổ vũ cho đội nhà? Hình ảnh này trở thành đề tài hấp dẫn nhất của trận Algeria - Slovenia.

Lực lượng an ninh trên sân cùng đội bảo vệ ở đâu mà không thể can thiệp, để cho anh này đứng rất lâu bên cạnh những bóng đèn chiếu sáng? Sau sự cố này, BTC World Cup 2010 và BTC các sân diễn ra những trận đấu sẽ phải nghiêm khắc hơn với chính mình, để điều tương tự không xảy ra.

Vấn đề nóng hơn, gây chú ý nhiều hơn là cuộc "tấn công" vào quả bóng Jabulani vừa được "khởi động" trở lại.

Lần lượt Green của Anh đến Chaouchi của Algeria bị biến thành những anh chàng vụng về đến tội nghiệp, trong các tình huống không có gì nguy hiểm nhưng lại mang đến bàn thắng quyết định cho đối phương.

Chaouchi trở thành thủ môn thứ 2 bị biến thành gã hề. Ảnh: Reuters
Chaouchi trở thành thủ môn thứ 2 bị biến thành gã hề. Ảnh: Reuters

Không phải ngẫu nhiên mà những thủ thành có kinh nghiệm như Green và Chaouchi lại xử lý hết sức nghiệp dư như vậy. Đúng là cả hai có sự chủ quan nhất định, nhưng chỉ vì quỹ đạo bay của bóng khiến cho họ bị bất ngờ nên không kịp trở tay.

Trong cả hai tình huống ấy, Green và Chaouchi đã đón trước hướng đi của bóng, động tác mà họ nhắm mắt cũng làm được. Tuy nhiên, trong cả hai pha này, bóng đều đập đất và thay đổi quỹ đạo một cách đáng kinh ngạc, khiến cả Green lẫn Chaouchi đều bị biến thành những anh hề.

Còn ai nữa, sau Green và Chaouchi, trở thành nạn nhân của Jabulani?

  • Ngọc Như

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác