Thư Nam Phi: Vé giả, khán đài trống & sự cố...

Cập nhật lúc 21:53, 13/06/2010 (GMT+7)

- World Cup đã bước sang ngày thứ 3 với những diễn biến ngày càng hấp dẫn trên sân cỏ, những vũ hội bất tận trước các màn hình lớn trên khắp đất nước Nam Phi. Nhưng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không chỉ có vậy

>>
Giữ mãi những nụ cười Soweto
>> Thư Nam Phi: Soweto, bản sắc bóng đá Phi châu
>> Chào châu Phi, chào World Cup 2010!
>> Bị chia điểm, Nam Phi khai hội trong tiếc nuối
>> Rực sỡ sắc màu CĐV ngày khai hội


Những chiếc ghế trống

Một trong những ấn tượng của tôi về World cup 2006 tại Đức là trước khi trận đấu bắt đầu, ban tổ chức bao giờ cũng thông báo số khán giả đến sân trên màn hình lớn và giọng người xướng ngôn viên vang lên một cách đầy tự hào “the match is sold out”. Vé bán hết sạch và sân kín chỗ trong cả 64 trận đấu, một kỳ tích thực sự của người Đức.

Arg_Nigeria. Ảnh: Getty
Dù có Argentina thi đấu thì cũng không lấp đầy được các khán đài. Ảnh: Getty


Còn ở Nam Phi điều gì đang xảy ra, 800 ghế trống ngay trong trận khai mạc của đội chủ nhà làm ban tổ chức thực sự đau đầu. Trong trận đấu Hàn Quốc gặp Hy Lạp quá dễ dàng để nhận ra những khán đài trống vắng.

Ngay kể cả ứng cử viên vô địch Argentina ra quân trong trận đấu tại sân Ellis Park nằm ngay trung tâm Johannesburg cũng phải chứng kiến cảnh có vài ngàn ghế không ai ngồi.

Điều gì đã xảy ra vậy? Trong lời giải thích chính thức của mình về 800 ghế trống ở ngày khai mạc, FIFA cho biết: “Đã có những khán giả không thể đến sân hoặc đến quá muộn… rất nhiều vé dành cho các nghệ sỹ biểu diễn… Nhưng chúng tôi đang tìm hiểu thêm về nguyên nhân tại sao có ít khán giả tới sân?”

tickets_G
Không phải người dân Nam Phi không cuồng nhiệt với bóng đá mà do BTC phân phối vé thiếu hợp lý dẫn đến tình trạng trên. Ảnh: Getty

Có thể có nhiều nguyên nhân cho những trận đấu vắng khán giả, nhưng phải khẳng định rằng ban tổ chức đáng ra phải làm tốt hơn, vì ở ngoài sân luôn luôn có hàng ngàn người mong muốn tìm cho mình chiếc vé vào xem trận đấu. Vé đã được phân phối không đúng chỗ.

Nếu ai được tận mắt chứng kiến cảnh kẹt xe trên các ngả đưởng dẫn tới sân Soccer City trong ngày khai mạc chắc sẽ hiểu tại sao có nhiều khán giả không thể tới sân đúng giờ.

Người lái xe chở chúng tôi tới sân dù rất thạo đường và lại có thêm sự ưu tiên của cảnh sát dành cho xe chở phóng viên tác nghiệp nhưng cũng đành chào thua, chúng tôi phải theo dõi trận đấu qua màn hình lớn ở khu Soweto Fanfest cách sân Soccer City 8km.

Trên các đại lộ ở Johannesburg người ta thấy có làn đường ưu tiên dành cho xe bus nằm giữa hai làn chính, những con đường ưu tiên này dẫn thẳng đến các sân vận động và nó được xây dựng để phục vụ các cổ động viên bóng đá.

Traffic. Ảnh: Getty
Kẹt xe cũng là một trong những nguyên nhân khiến có người không thể đến sân dù có vé trong tay. Ảnh: Getty

Nhưng 3 ngày qua tôi chưa nhìn thấy bất cứ một chiếc xe nào chạy trên các làn đường đó. Người lái xe lắc đầu giải thích: “Chúng chưa được hoàn thành, tôi cũng không biết tại sao, tôi đã nghe về việc thay đổi các nhà thầu xây dựng, Chúa mới hiểu được tại sao nó không được đưa vào sử dụng trước World Cup”.

Rõ ràng, sự hiệu quả của các phương tiện giao thông công cộng là điều khác biệt hoàn toàn giữa Nam Phi và Đức khiến nước chủ nhà lần này không thể chờ đợi những khán đài chật cứng khán giả như bốn năm trước.

Một nghịch lý diễn ra. Khán đài trống, nhưng lại xuất hiện... vé giả. Rất nhiều chiếc vé thật đã không tìm được đường tới sân bóng, nhưng mặt khác lại có rất nhiều khán giả cố gắng vào sân bằng vé giả.

Người soát vé tại sân Ellis Park ngày hôm qua đã khẳng định với tôi như vậy. Những chiếc vé giả đã được chuyển lại cho ban tổ chức để tìm biện pháp ngăn chặn.

Niềm vui dang dở

Shakira. Ảnh: Getty
Khi Shakira cất lên lời ca, nhiều khán giả theo dõi qua màn hình lớn đã không thể chứng kiến do sự cố cúp điện. Ảnh: Getty

Ở khu Orlando của Soweto chuyện bị cắt điện, hoặc các gia đình không có truyền hình cáp để xem bóng đá là chuyện quá đỗi bình thường.

Thế nên những màn hình lớn ở các khu công viên công cộng là cách duy nhất để người dân nghèo ở đây tận hưởng World Cup lần đầu tiên được tổ chức trên chính đất nước mình.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra suôn sẻ. Do lượng tiêu thụ điện bất thường dẫn tới quá tải, nhà cung cấp điện tư nhân Eskrom đã buộc phải cắt điện tại khu truyền hình trực tiếp bóng đá công cộng ở gần sân Orlando.

Soweto. Ảnh: Getty
Ngay cả trận ra quân của đội nhà, nhiều người cũng không được theo dõi đầy đủ cũng bởi ông nhà điện. Ảnh: Getty

Và thay vì được chứng kiến đoạn cuối đầy kịch tính của đội nhà trong trận khai mạc, 2.700 khán giả đã phải mò mẫm tìm lối ra về.

Graeme Joffe, người điều hành khu Fanfest này chia sẻ: “Thật đáng buồn, họ bị kẹt lại trong bóng tối ngay ở trận đấu mà họ chờ đợi nhất. Ngày hôm qua cũng vậy buổi hòa nhạc chào mừng World Cup được truyền hình trực tiếp tại đây, điện mất đúng vào thời điểm khán giả được thấy Shakira biểu diễn”...

Ngày thứ 3 ở World Cup, ngày thứ 3 châu Phi được tận hưởng niềm vui của World Cup và họ cũng nhận ra rằng World Cup không phải lúc nào cũng chỉ có nụ cười...

  • Quốc Khánh (từ Nam Phi)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác