Vượt qua bão tố, trở lại Hoàng Sa
- Đã hơn 10 ngày trôi qua, nhiều tàu thuyền bị chìm, hàng chục ngư dân không một dòng tin tức được xem là mất tích. Nhưng người thân trên bờ vẫn hy vọng họ còn sống trở về.
- Gặp những người thân tàn ma dại trở về từ Hoàng Sa
- Thoát chết trên miệng tử thần ở Hoàng Sa
- Làng chài những đêm thức trắng chờ tin dữ
Cơn cuồng phong đã qua, nỗi đau từ bão dữ nơi vùng biển Hoàng Sa vẫn luôn là nỗi ám ảnh với ngư dân hàng trăm năm nay, nhưng không làm họ chùn bước, vẫn hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió để mưu sinh mà với mỗi ngư dân như cột mốc sống chủ quyền trường tồn trên vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc giữa trùng khơi…
Không hề run sợ trước bão dữ Hoàng Sa
Dẫu bão tố tai ương rập rình, dầu bao thế lực hung bạo cậy tàu to, súng lớn, những ngư dân Quảng Ngãi suốt mấy trăm năm nay vẫn ngày đêm bám biển Hoàng Sa không hề chùn bước run sợ.
Ngay sau bão tan, hàng trăm chiếc tàu từ Hoàng Sa xác xơ trở về, nhiều gia đình ngư dân lâm vào cảnh trắng tay do tàu bị chìm, nhiều tàu không đánh bắt được lỗ nặng do chi phí nhiên liệu. Nhưng tất cả những bạn đi tàu đã kề vai sát cánh cùng với chủ tàu vượt qua lúc khốn khó này để sửa lại tàu chuẩn bị ra lại Hoàng Sa.
Nhiều tàu bị hư hỏng sau bão Côn Sơn cũng đã được kéo lên bờ để sữa chữa chuẩn bị ra lại Hoàng Sa
Thuyền viên Nguyễn Anh Quân đi trên tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Quang bảo rằng, mỗi chuyến ra Hoàng Sa anh em trên tàu đều đoàn kết một lòng, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Sự đoàn kết ấy đã giúp anh em bạn tàu nhiều lần vượt qua bão tố và tai ương rập rình giữa biển khơi xa.
Những ngày sau bão dữ, tôi về các làng chài ven biển Bình Châu, Bình Sơn hay huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đi đến đâu cũng gặp cảnh ngư dân mỗ heo, sắm lễ vật cúng tạ ơn mẹ biển và thần Bà đã giúp họ vượt qua tai ương bão tố. Nhiều ngư dân bảo với tôi rằng, dù có nghèo, cũng cố mà sắm sanh lễ vật để cúng thần biển vì mình đã hứa khi gặp nguy nan giữa biển khơi xa thoát khỏi tử thần.
Câu chuyện thấm đẫm nước mắt của lão kình ngư Phạm Cư đi trên tàu QNg-95904. đã có thâm niên hơn 15 năm bám biển Hoàng Sa vừa được cứu sống trở về kể lại những giờ phút hiểm nguy nơi mắt bão: “Khi tàu bị chìm, cả 13 con người thề sống chết cùng nhau, nên đã tự cột nhau bám trên chiếc phao tự tạo để cùng sống chết. Nhưng bão đánh tan tành phao và dứt dây cột làm 10 người mất tích, chỉ còn lại 3 người may mắn được tàu hải quân cứu sống…”.
Ông Cư bảo rằng, giữa sự sống và cái chết nơi biển khơi xa rất mong manh. Những lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng bình tĩnh và can đảm sẽ vượt qua tất cả. Ngồi kể chuyện cùng tôi, ông thông báo một số ngư dân cùng ông trên chiếc phao bị bão dữ đánh tan tành cũng đã có cơ may sống sót khi trôi dạt vào đảo Phú Lâm và bị Trung Quốc bắt giữ tất cả còn sống 4 người. Những người còn lại, ông hy vọng họ bị trôi dạt đâu đó chưa liên lạc được..
Nhiều ngư dân sắm lễ vật cúng tạ thần biển tại miếu Bà làng Gành Cả sau bão Côn Sơn
Giữa những ngày này, về các làng chài ven biển Bình Châu, Bình Sơn, hay huyện đảo Lý Sơn, những chiếc tàu đánh bắt từ Hoàng Sa trở về sau bão đang khẩn trương đưa lên bờ để sửa chữa cho kịp chuyến ra lại Hoàng Sa. “Sau mỗi trận bão là anh em tụi tui phải làm ngày làm đêm mới kịp cho tàu ra khơi…” Thợ sửa chữa tàu Nguyễn Hùng tại cảng Sa Kỳ kể.
Chỉ hơn 10 ngày sau bão, toàn bộ số tàu bị bão làm hư hỏng đã kịp sửa chữa và chuẩn bị nhổ neo ra lại Hoàng Sa. Lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn, làng Gành Cả, xã Bình Châu, Bình Sơn Quảng Ngãi, người đã có thâm niên hơn 25 năm bám biển Hoàng Sa kể rằng mỗi năm tàu anh vài lần bão tố vùi dập. Nhưng nhờ tàu to, công suất lớn nên tất cả đều vượt qua.
Ngay trong trận bão Côn Sơn, tàu anh Tuấn bị sóng đánh bật cửa ca bin và hư hỏng nặng. Anh bảo rằng, giữa lúc hiểm nguy ấy, anh em trên tàu đều bình tĩnh, cùng một lòng để chống chọi lại bão dữ suốt hơn 1 ngày đêm nơi đảo chìm
Trắng tay lên bờ sau bão, ngư dân Dương Lúa đang suy nghĩ đóng lại tàu mới để ra lại Hoàng Sa
Anh Tuấn nhớ lại đêm kinh hoàng nơi mắt bão Hoàng Sa, giữa khuya ngày 16/7, bão bắt đầu mạnh dần lên, sóng biển như những mái nhà đổ ầm xuống chiếc tàu mong manh đang neo đậu. Tất cả can dầu, thùng phuy được huy động làm phao kẹp hai bên tàu. Anh em chia nhau mỗi người mỗi việc. Thanh niên trai tráng thì tát nước trong khoang ra, người yếu thì trực máy, kiểm tra dây neo. Nhờ sự đồng lòng, tựa lưng vào nhau mà tàu anh chống chọi qua cơn bão dữ.
Không riêng gì tàu anh Tuấn, mà tàu của Nguyễn Thanh Quang, cùng hàng trăm tàu khác của bà con ngư dân Quảng Ngãi đã vượt qua cơn bão dữ để vào bờ an toàn. Hơn 100 tàu đánh bắt tại Hoàng Sa lọt vào mắt bão, nhưng chỉ có 5 tàu công suất nhỏ bị bão đánh chìm. “So với bão dữ Chanchu hồi 2006, cơn bão Côn Sơn cũng không kém hung hãn, toàn bộ tàu đều lọt vào mắt bão do dự báo bão trên bờ không chính xác. Thiệt hại như vậy là nhẹ so với các cơn bão dữ khác…”, anh Tuấn tâm sự.
Trở lại Hoàng Sa
Để lại phía sau những tiếng thở dài của bao người vợ trẻ, những chiếc tàu vừa mới đối mặt với bão dữ cách đây hơn 10 ngày lại bắt đầu nhổ neo quay lại Hoàng Sa để tiếp tục cuộc mưu sinh.
Lão kình ngư Lê Thuận (80 tuổi) ở làng Gành Cả đã rủ áo lên bờ khi tuổi cao sức yếu khẳng định với tôi rằng suốt hơn 300 năm nay, những đứa con của vùng biển này vẫn vậy, không hề biết run sợ trước bão tố. “Ngày trước anh em tụi tui đi biển bằng ghe nhỏ, ra Hoàng Sa mất 5 ngày đêm mới đến nơi. Những trận bão kinh hoàng, nhưng chẳng ai hề hấn chi vì chạy kịp vào đảo tránh gió, trời yên biển lặng mới về. Còn bây giờ tàu to gấp nhiều lần, chỉ hai ngày đêm là đến nơi. Nhưng khi gặp bão là mất tàu. mất người. Do tàu của ngư dân mình không vào được đảo tránh bão.
Ngư dân chuẩn bị lại đồ nghề lặn biển để ra lại Hoàng Sa sau khi bão dữ Côn Sơn nhấn chìm tàu mất toàn bộ phương tiện
Nhiều lão ngư tôi gặp, tất cả đều bảo rằng kể từ sau giải phóng, khi đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ. Tàu đánh bắt của bà con ngư dân không vào được đảo trú ẩn nên thường gặp nạn. Mấy trăm năm trước, ghe tàu đánh bắt tại Hoàng Sa cứ tháng giêng căng buồm ra Hoàng Sa, đầu tháng 8 trở về. Ghe tàu gặp nạn chủ yếu là trên đường về gặp bão tố, nhưng rất ít khi gặp nguy hiểm như bây giờ.
Vẫn biết hiểm nguy rập rình phía trước, nỗi ám ảnh kinh hoàng từ bao cơn bão dữ nơi biển Hoàng Sa vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bao ngư dân. Nhưng tất cả đều không chùn bước. Những con tàu của bà con ngư dân chuẩn bị tiếp thêm nhiên liệu và lương thực nơi cảng Sa Kỳ chuẩn bị nhổ neo ra Hoàng Sa.
Những con tàu trở về sau bão ra a lại Hoàng sa sau bão Côn Sơn tại cảng Sa Kỳ
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, Phan Như Lâm, Nguyễn Tày cùng hàng trăm chủ tàu khác nơi vùng biển Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi bảo rằng đang theo dõi thời tiết trên biển. Nếu trời yên, biển lặng trở lại là lập tức cho tàu nhổ neo ra lại Hoàng Sa.
Lão ngư Phan Như Lâm khẳng định rằng Hoàng Sa với tất cả ngư dân nơi vùng đất này như là mái nhà thứ 2 giữa biển khơi xa. Mỗi năm 8 tháng họ bám biển Hoàng Sa từ tháng giêng đến tháng 8, đến khi mùa biển động dữ dội họ mới cho tàu vào bờ nghĩ ngơi chuẩn bị cho mùa đánh bắt sang năm.
Chuyện bão tố cuồn phong bất ngờ nỗi lên giữa biển họ đối mặt hàng ngày. Những trận bão kinh hoàng như Chanchu hồi 2006, nhiều tàu của ngư dân nằm giữa mắt bão khi dự báo trên bờ không chính xác. Hàng trăm người vĩnh viễn nằm lại với biển Hoàng Sa, hàng trăm ngư dân khác bị bão đánh tơi bời trôi dạt nhiều ngày liền mới được cứu sống trở về. Bão tan, họ lại lên tàu ra lại Hoàng Sa không một chút sợ run.
Những con tàu trở về sau bão đang ra lại Hoàng Sa để bám biển khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc
Hàng trăm ngư dân bám biển Hoàng Sa tôi đã từng gặp họ trở về sau những cơn bão tố dập vùi hay bị Trung Quốc bắt giữ. Tàu chìm do bão, hay tàu bị những kẻ bất lương thu giữ, cho tàu đâm chìm. Trắng tay họ lại lên bờ, vay mượn đóng mới tàu và lại ra Hoàng Sa.
Với họ, Hoàng Sa như lẽ sống còn trong mỗi con tim khối óc của ngư dân vùng ven biển khó nghèo này. Tất cả đều khẳng định Hoàng Sa là nơi chốn đi về không thể thiếu vắng trong bất kỳ hoàng cảnh nghiệt ngã nào…
-
Vũ Trung