Cuộc chiến với “kho” súng giữa đại ngàn

Cập nhật lúc 08:44, 06/08/2010 (GMT+7)

- Đã có hàng ngàn khẩu súng tự chế bị công an tịch thu, nhưng mỗi năm đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, Thái lại cho ra lò hàng loạt súng tự chế, một loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm nơi “cổng trời” xứ Nghệ.

Trong vai người đi mua súng, không quá khó để mua được một khẩu súng tự chế ở huyện Tương Dương hay ở huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Theo chân những người đi săn thú rừng, chúng tôi được nghe những câu chuyện kể rùng rợn về những cái chết giữa đại ngàn.

“Xưởng sản xuất” súng giữa đại ngàn

Theo chân anh bạn người Thái, chúng tôi tìm đến những “lò” chế tạo súng tưởng chừng đã lạnh nguội, chìm dần trong ký ức tại xã Yên Na, huyện Tương Dương. Khi tìm đến lò đúc súng của ông Vi Văn Minh (60 tuổi) trú ở bản Bón, thật không may là ông lại vác súng lên rừng làm rẫy từ khi còn tờ mờ sáng.

Người thợ đúc súng Vi Văn Tiến đang chế lại khẩu súng ở khâu khó nhất là tiến hành làm bộ cò.

Người thợ đúc súng Vi Văn Tiến đang chế lại khẩu súng ở khâu khó nhất là làm bộ cò

Lò súng của ông thực chất là một cái lò rèn chuyên làm các loại dao, đúc và sửa các loại súng săn tự chế.

Không từ bỏ quyết tâm, người bạn dẫn đường lại chỉ đến một “nghệ nhân” là Vi Văn Tiến (51 tuổi) trú bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, là người từng đã từng chế hàng trăm khẩu súng phục vụ trai bản lúc băng rừng săn bắn, bảo vệ mùa màng.

Từ bao đời nay, mỗi khi lên rừng làm nương rẫy, trai bản đều mang súng tự chế bên mình. Súng kíp tự chế trở thành “người bạn đường” thân thiết, một vật dụng bất ly thân khi đi săn bắn hay tổ chức hái lượm.

Tiến nói, để làm được một khẩu súng kíp bắn được thì người con trai ở bản đây ai cũng có thể làm được. Nhưng để làm được một khẩu súng có độ an toàn, bắn chính xác và không thương tích cho người sử dụng thì đòi hỏi về kỹ thuật rất tinh xảo, chính xác từng li từng tí một.

Trong tất cả các công đoạn thì phần khó nhất của khẩu súng là làm bộ cò.

Trong tất cả các công đoạn thì phần khó nhất của khẩu súng là làm bộ cò.
Trong tất cả các công đoạn thì phần khó nhất của khẩu súng là làm bộ cò

Tiến kể: “Những thợ làm súng như tôi thì công đoạn làm bộ cò của súng là khó nhất, cộng thêm với kỹ thuật bịt nòng để đo đúng tầm tránh thương vong khi cho phát nổ. Người làm bộ cò giỏi hiện nay rất còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Phải có kinh nghiệm, tính bền bỉ mới làm ra được bộ cò khi bắn được chuẩn xác”.

Ngoài bộ cò, theo Tiến thì nòng súng, các ống nòng ngày trước làm mới vất vả, chứ bây giờ làm khỏe re. Chỉ cần ra chợ thị trấn Hòa Bình mua một ống thép Thái Lan về có thể hàn đáy, khoan lỗ tra kíp là trở thành nòng súng.

Ngày trước, thuốc nổ cho các loại súng tự chế chủ yếu làm bằng bằng than cây dẻ trộn với phân dơi, còn đạn được làm bằng chì nấu chảy rồi cho nhỏ giọt xuống nước.

Tùy từng mục tiêu sát thương mà người đi săn chế vào nòng súng từ 15 đến 19 viên đạn để có thể bắn hạ con mồi.

Thử súng tự chế.
Thử súng tự chế

Cách đây chưa lâu, xưởng lò rèn truyền thống của “nghệ nhân” Vi Văn Tiến luôn đỏ lửa, bụi than bay khắp cả núi rừng. Đâu đâu cũng biết đến tài nghệ của Tiến khi mỗi lần cho ra lò một khẩu súng.

Nói xong, Tiến vào nhà xách 2 khẩu súng mình tự chế, minh chứng cho thời kỳ “đỉnh cao” chế súng. Tiến còn chỉ bảo những kinh nghiệm xương máu cho mọi người tập bắn sau quả đồi nhà mình.

Đến bây giờ, “nghệ nhân” Tiến đã không thể nhớ nổi mình đã từng chế bao nhiêu khẩu súng để bán, tặng cho con trai các bản làng.

Mỗi khẩu súng như thế này bán ra khoảng từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, có thể mua được ở bất kỳ ở bản nào tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong.

Khi đưa súng ra sau đồi nhà ngắm bắn thử, Tiến nhớ lại: “Có nhiều người đi săn không bình tĩnh khi phát hiện các con vật quá lớn, nên nhồi thuốc súng quá nhiều để hòng sát thương bắt được mục tiêu. Chính anh bạn đi săn cùng tôi đã dính hậu quả khôn cùng, nòng súng chịu áp lực thuốc nổ quả lớn dẫn đến vỡ nòng, gây sát thương toàn thân khi đi săn”.

Trong câu chuyện của Tiến cùng với chàng trai bản nói, tựu trung súng có nòng dài khi bắn tỷ lệ an toàn cao hơn so với súng nòng ngắn. Nhìn súng thì đơn giản, nhưng khi sử dụng không kiểm tra kỹ càng thì nguy cơ chết người rất cao.

Những cuộc đi săn chết người

Các tay súng thiện xạ kể rằng, từ rất xa xưa khi chim muông, hổ báo gầm thét, voi rừng quật phá ngày đêm đe dọa phá hoại mùa màng, hoa màu của đồng bào, những loại vũ khí thông thường như dao quắm, cung tên dùng để xua đuổi thú đã không còn hiệu quả.

Ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, người ta mang súng tự chế hiên ngang đi qua trường học.

Ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, người ta mang súng tự chế hiên ngang đi qua trường học

Cũng từ đây, giữa những cánh rừng bạt ngàn đã xuất hiện những lò đúc súng tự chế, súng kíp, súng hỏa mai… lần lượt ra đời. Loại vũ khí mới mẻ này đã phát huy hiệu quả, tận diệt các loại thú rừng ở khoảng cách an toàn.

Chúng tôi hỏi Tiến có còn nhớ “ông tổ” của “ngành chế tạo súng” tự chế là ai? Tiến lắc đầu. Chỉ biết sung tự chế đã có mặt từ khi Tiến còn chưa lọt lòng.

Ngày nay, những cuộc đi săn cũng thưa dần đi vì các loài thú quý hiếm cơ bản đã bị dọn sạch. Những cuộc đi săn bắn nhầm trâu, bò, lợn, gà… và thậm chí là bắn chết cả bạn đi săn cùng đã xảy ra nhiều ở Tương Dương hay Kỳ Sơn (Nghệ An).

Với kinh nghiệm 34 năm đi săn từ loại súng tự chế, Vi Văn Tiến, tay súng thiện xạ với những lần vây bắt thú rừng truyền lại cho thế hệ hậu sinh rằng:

Khi cầm súng lên là phải kiểm tra tất cả các bộ phận, xem có con vật nào đang trú ẩn trong nòng súng. Tính kiên nhẫn, sự cẩn thận luôn đặt lên hàng đầu trong lúc đi săn bằng súng tự chế, nòng súng phải rút cách kim hỏa khoảng 2 phân, tránh những viên đạn bay ra ngoài ý muốn khi súng cướp cò”.

Khẩu súng săn tự chế là vật bất ly thân của những người dân miên Tây xứ Nghệ mỗi khi đi rừng.

Khẩu súng săn tự chế là vật bất ly thân của những người dân miên Tây xứ Nghệ mỗi khi đi rừng

Hơn nữa, chế thuốc súng vào nòng vừa phải tránh vỡ nòng súng. Chuẩn bị ngắm bắn phải quan sát toàn thân con vật, nhìn thật rõ đúng là con thú hoang thì mới lên nòng để bóp cò.

Có rất nhiều cuộc đi săn bằng súng “quá hạn”, nổ nòng bét cả bàn tay, bắn nhầm từ các con vật nuôi như gà, lợn, bò,… Thậm chí, chết cả người cùng đi săn.

Tiến không còn nhớ nổi mình đã từng bắn gục bao nhiêu thú hoang giữa những cánh rừng già: “Để bắn được nhiều thú rừng nhất phải đi săn vào thời gian từ 4 giờ đến 6 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian các con thú ở trong hang đang đi ra ngoài tìm kiếm thức ăn như gà rừng, sóc, chồn…”

Đi săn là một “thú chơi” của đồng bào dân tộc miền núi. Con người đã mất cả tính mạng từ những cuộc săn thú hiếm hoi đó.

Thống kê những vụ đi săn dùng súng tự chế bắn chết người trong năm 2010: ngày 19/3, anh Vi Văn Tới, giáo viên cấp 2 xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn cầm súng đi săn cùng anh Lương Văn Giót trạm trưởng y tế xã, trong lúc cả hai người đang đi săn trên quả đồi Huồi Khe, do sơ suất anh Tới đã để đạn cướp cò khiến anh Giót bị thương nặng.

Cũng trong huyện Kỳ Sơn, ngày 28/5, tại xã Keng Đu, 2 người bạn cùng đi săn là Lương Bá Chông đã bắn nhầm bạn Moong Văn Quang tử vong ngay tại cánh rừng bản Huồi Xui.

Ngày 29/5, anh Lương Văn Tá, trú tại xã Lưu Kiền, Tương Dương mang súng săn tự chế đi lên rẫy, sau 3 ngày không về người dân phát hiện anh Tá bị đạn bắn xuyên qua đầu.

Những khẩu súng tự chế còn dùng để thanh toán lẫn nhau. Hoặc chồng bắn vợ rồi tự sát bằng súng.

Câu chuyện chưa lâu về 3 em học sinh lấy súng ra đùa nghịch trong lúc bố mẹ vắng nhà, dùng súng dí vào ngực bạn và bóp cò khiến một em học sinh chết ngay tại chỗ tại bản Na Tống, xã Tam Thái, Tương Dương.

Hàng ngàn khẩu súng tự chế được công an huyện Tương Dương thu giữ.
Hàng ngàn khẩu súng tự chế được công an huyện Tương Dương thu giữ

Trung tá Nguyễn Văn Tuyết, Công an huyện Tương Dương dẫn chúng tôi vào xem kho súng vừa mới tịch thu về tại 1 bản ở xã Tam Quang thu được gần 40 khẩu súng tự chế.

Anh cho biết: “Súng tự chế ở trên miền núi là vật dụng làm bạn đường không thể thiếu mỗi khi lên rừng làm nương rẫy. Bình quân mỗi hộ dân đều có 1 khẩu súng tự chế trên địa bàn huyện Tương Dương. Nhưng kinh phí để thu hồi, kêu gọi bà con phá hủy súng tự chế đang còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Hiện tại, Công an huyện Tương Dương thu được từ trước đến nay có gần 2.000 khẩu súng. Trong 6 tháng đầu năm 2010, công an huyện đã tịch thu được 120 khẩu súng tự chế.

Thượng tá Lô Văn Liên, Phó trưởng Công an huyện Tương Dương cũng cho biết: “Súng tự chế của bà con dùng để bảo vệ mùa màng, dùng đi săn và hầu như năm nào trên địa bàn cũng có tình trạng đi săn bắn nhầm chết người. Đặc biệt là tại xã Tam Đình năm nào cũng có án mạng từ việc sử dụng súng tự chế”.

Rời mảnh đất Tương Dương, Kỳ Sơn, nơi có những “cơn lốc” đang ngày đêm quật ngã nhiều sinh mạng vô tội, chúng tôi thầm nghĩ không biết đến bao giờ kho súng giữa đại ngàn được dọn sạch, để những phát súng oan nghiệt không còn là nỗi ám ánh ở miền sơn cước này.

  • Quốc Huy

Ý kiến của bạn

Các tin khác