"Hết cách mới dùng camera ở trường mầm non"
– Chỉ có lương tâm của giáo viên mới là người giám sát tốt nhất. Chỉ có tình yêu của giáo viên đối với trẻ con mới giúp họ làm tốt công việc của mình, thay vì lắp camera. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet xung quanh dự định thí điểm camera giám sát ở các trường mầm non.
Thưa bà, theo tinh thần của cuộc họp với các đơn vị quản lý mầm non trên địa bàn TP.HCM, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm nay của ngành là lắp đặt thí điểm camera tại các phòng học, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động của cô và trò trong lớp. Bà có thể cho biết về chủ trương này?
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Đây mới là dự kiến sẽ thí điểm lắp đặt camera, chưa phải chủ trương chính thức của sở. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng việc lắp camera ở các trường mầm non, hiệu trưởng cần phải cân nhắc thật kỹ.
"Chỉ có lương tâm, tình yêu thương của giáo viên với trẻ em mới là camera tốt nhất". |
Cái gì cũng có hai mặt của vấn đề. Chỉ khi nào không còn biện pháp nào khác thì hãy sử dụng việc lắp đặt camera. Có camera giám sát nhưng công cụ này sẽ bị hạn chế tầm nhìn, không thể “chạy” theo hoạt động của các bé trong lớp.
Phạm vi hoạt động của bé rất rộng từ trong phòng học, ngoài sân, hàng lang, toilet… nên camera không thể soi hết được.
Quan trọng hơn, camera sẽ gây áp lực tâm lý với giáo viên, dường như là thiếu tôn trọng họ.
Một xã hội văn minh thì không nên dùng biện pháp này, nhất là tính đến vấn đề tâm lý giữa con người với con người.
Thử hỏi, giáo viên cứ nghĩ lúc nào cũng bị một camera chiếu thẳng vào mình “dò xét” từ ngày này sang tháng khác sao chịu nổi? Những người hiểu biết về tâm lý sẽ không tán thành biện pháp này.
Bên cạnh đó, mỗi trường nhóm trẻ tư thục muốn trang bị camera phải tốn kinh phí từ vài chục triệu trở lên. Song song, hệ thống này phải được bảo trì tương đối thường xuyên. Ở một số trường từng áp dụng biện pháp này nhưng được vài năm đã bị hỏng.
Vậy theo bà, biện pháp nào thật sự hiệu quả, cần thiết để nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy ở các trường mầm non?
Hiệu trưởng các trường phải xây dựng được môi trường thân thiện để không có camera nào giám sát. Chỉ có lương tâm của giáo viên mới là người giám sát tốt nhất. Chỉ có tình yêu của giáo viên đối với trẻ con mới giúp họ làm tốt công việc của mình, thay vì lắp camera. Lương tâm, trách nhiệm và tình yêu thương trẻ mới là quan trọng nhất.
Camera được lắp đặt trong phòng học, ngoài sân chơi ở trường Mầm non Trẻ thơ, quận Tân Bình. Ảnh: Thái Phương |
Vì vậy, cần phải xây dựng môi trường thân thiện ở cả trường công lẫn trường tư. Tại sao có những giáo viên cùng ngành nhưng trường này yêu nghề, thích làm việc, trường khác lại chán nghề, muốn bỏ nghề…?
Bởi sự chăm sóc của trường, phụ huynh đối với cô giáo bằng thái độ tôn trọng. Chăm sóc không chỉ về vật chất mà còn tinh thần, “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Xây dựng tính tự giác, tình thương với trẻ, sự gắn bó với công việc…
Đừng để giáo viên khổ quá, bị stress, áp lực quá. Chẳng hạn cô Xuân Nữ vừa học vừa làm, ở quê lên nuôi 5 anh chị em, ở phòng trọ bé, thu nhập thấp… đủ thứ áp lực.
“Đừng để giáo viên áp lực quá!”
Sau vụ việc của cô Trần Thị Xuân Nữ nhốt bé 4 tuổi trong thang vận chuyển thức ăn, nhiều phụ huynh cảm thấy bất an khi gởi con ở nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục. Theo bà, làm gì để phụ huynh yên tâm gởi con ở nhà trẻ?
Ở Pháp 20 năm trước có sử dụng camera trong các phòng học. Tuy nhiên ngay sau đó, biện pháp này bị phản ứng dữ dội từ phía giáo viên. Thậm chí còn đình công bởi họ cho rằng làm việc trong môi trường bị giám sát là thiếu sự tôn trọng, tin tưởng. |
Hiện phòng Giáo dục ở các quận huyện liên tục chấn chỉnh hoạt động của các trường tư thục.
Tuy nhiên, có tình trạng khi kiểm tra tốt nhưng sau kiểm tra không tốt, không đủ giáo viên… Chế độ đãi ngộ không tốt nên giáo viên bỏ việc, trường đành phải tuyển người tay ngang chưa được đào tạo bài bản.
Hiện nay, tình trạng trường tư, nhóm trẻ thiếu giáo viên phải sử dụng bảo mẫu, giáo viên đào tạo cấp tốc xảy ra nhiều.
Các đối tượng này không được đào tạo chính quy bài bản, bị hạn chế về nhận thức, tay nghề năng lực tư duy… nên khó lường trước hậu quả.
Một thực tế là ở các vùng ven thành phố, dân nhập cư nhiều và trẻ em thường được giữ ở các nhóm trẻ gia đình. Tình trạng này khiến khả năng xảy ra sự cố tương tự là rất lớn?.
Theo quy định, trên 10 bé thì phải làm thủ tục thành lập nhóm trẻ, còn 3-5 bé thì tự trông nên chúng tôi không thể can thiệp. Đối với các nhóm trẻ tư nhân, gia đình… không có giấy phép, mình không có quyền quản lý được mà phải phường kiểm tra.
Vấn đề là người nhập cư thường rất nghèo nên phải gởi con chỗ rẻ, chỗ rẻ thì thường không phép. Nếu có phép cũng chỉ đạt điều kiện tối thiểu và luôn thiếu giáo viên khiến họ phải nhận người không chuyên môn nghiệp vụ. Điều này cứ liên tục diễn ra tạo thành vòng lẩn quẩn. Đây là vấn đề nóng của các đô thị đang phát triển.
Cám ơn bà về cuộc trao đổi.
TIN LIÊN QUAN |
-
Thái Phương (Thực hiện)