Thủ thỉ với hai nữ sinh đánh bạn bị ghi hình
- Khá bất ngờ là cả hai nữ sinh ăn mặc rất giản dị, áo trắng quần sẫm màu. Diệp búi tóc gọn gàng để lộ khuôn mặt tròn khá xinh xắn, dễ thương, Huyền có nước da ngăm đen, đôi mắt to và mái tóc tém nghịch ngơm. Cả hai chẳng có dấu ấn gì của những nữ sinh trước đây từng bị gọi là có những hành động như "côn đồ". Năm nay cả hai bạn đều đang học lại lớp 10 do kết quả học tập và rèn luyện năm học trước đều yếu.
Năm học 2009 - 2010, trước sự việc đánh bạn và ghi hình đưa lên mạng, Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nôi) đã quyết định xử phạt "đuổi học treo" đối với hai nữ sinh.
HS Trường THPT Trần Nhân Tông trong giờ học thể dục. Ảnh: Nguyễn Hường.
Với hình thức kỷ luật này, nhiều người cho rằng quá nhẹ và không đủ sức răn đe. Nhưng đối với Chu Minh Huyền và Vũ Ngọc Diệp, việc "được" lên báo và trở nên "nổi tiếng" có lẽ đã đủ là một bài học đáng nhớ của thời áo trắng.
"Bây giờ, chúng em bắt đầu lại từ đầu..." - Huyền và Diệp tâm sự.
Ở trường, hai nữ sinh vẫn đang trong thời gian thử thách nên được thầy cô rất quan tâm, thường xuyên hỏi han, động viên. Học lực năm nay của Diệp và Huyền được cải thiện hơn một chút. Thầy Đoàn Văn Vinh nhận xét: cả hai đã tiến bộ rất nhiều nhưng vẫn chưa thực sự chăm chỉ và nỗ lực cao trong học tập.
Điều hai nữ sinh biết ơn nhất là thầy cô đã cho qua chuyện cũ. Từ khi sự việc kết thúc, cả bố mẹ, thầy cô và bạn bè không còn nhắc nhớ về sự việc ấy nữa.
TIN LIÊN QUAN: |
Hai bạn nhớ nhất lời thầy Sơn nói: "Một lần vấp ngã đã qua, bây giờ các em cố gắng đứng dậy. Một lần hành động không suy nghĩ gây ra bao nhiêu hậu quả, từ nay các em làm gì thì cũng phải suy nghĩ nhé!".
Thầy giáo chủ nhiệm Đoàn Văn Vinh được Diệp và Huyền nhắc đến bằng tình cảm yêu mến và kính trọng.
Trong khi các thầy cô đang băn khoăn, e ngại việc nhận những học sinh "nổi tiếng" vào lớp mình, "thầy đã giang tay đón chúng em vào!"- Diệp nói.
"Chúng em rất quý thầy Vinh. Tuy nhiều lúc thầy nghiêm khắc quá, nhưng mỗi lần phạm lỗi gì, thầy đều tâm sự riêng với cả hai. Đặc biệt, thầy không bao giờ nhắc đến chuyện cũ. Thầy chỉ nói: Chúng em cố gắng giúp thầy làm cho lớp tốt hơn. Cả hai phải sửa đổi để tốt cho chúng em chứ không phải tốt cho thầy!"-Hai nữ sinh chia sẻ.
"Lời nào thầy nói đều có ý nghĩa. Lớp của thầy Vinh năm nào cũng nổi tiếng là ngoan... Có chúng em vào, thầy phải cố gắng nhiều hơn. Em thấy cảm động và thương thầy... vì thầy cũng già rồi..." - Hai cô học trò nghẹn ngào nhắc đến những lần nghe thầy chủ nhiệm khuyên nhủ .
"Em được giữ chức lớp phó kỷ luật!"- Diệp khoe. "Hồi đầu năm, mới vào lớp, các em bảo cũng sợ các chị, không dám gần chúng em đâu. Nhưng từ sau buổi thầy tổ chức cho cả lớp gặp gỡ đầu năm, cùng ngồi trò chuyện, đi chơi ở khu du lịch sinh thái, rồi cùng nhau ăn uống, tụi nó bảo đã nghĩ khác, vì thấy các anh chị hoà đồng , vui tính! Bây giờ, trong lớp các em ấy cũng quý em lắm!"- Hai bạn hồn nhiên khoe về cộng đồng mới.
"Trong lớp được gọi là chị, tự nhiên em thấy mình người lớn hơn, và ...có trách nhiệm hơn ấy ạ!"- Diệp vui vẻ nói thêm.
NHỮNG BỨC THƯ CẢM ĐỘNG |
Năm nay, thấy mình hiền hơn nhiều so với năm ngoái. Không cho phép mình nghịch ngợm quá đáng và gây ra chuỵện gì nữa. Thầy bảo phải thay đổi con người của mình 100%. Bây giờ, không bỏ học nữa, không đi học muộn hoặc bỏ ghi chép bài nữa.
Tuy nhiên, tâm lý "đề phòng kẻo lại vi phạm kỷ luật" vẫn là yếu tố chính giúp các bạn ngoan hiền.
Tự đánh giá những cố gắng trong học tập và giữ nề nếp, cả Diệp và Huyền đều tự nhận: "Chúng em cố gắng được 5- 6 phần rồi ạ!".
Diệp mơ ước sau này trở thành tiếp viên hàng không. Nếu gặp chuyện tương tự, cả hai nhất định phải cố gắng kiềm chế, dùng lời nói để hoà giải chứ không dùng hành động. Hai bạn đều theo khối D và cố gắng học hành để đến cánh cổng trường ĐH còn đang ở rất xa.
-
Nguyễn Hường