Không bỏ tiêu ngữ "CHXHCN Việt Nam" trên văn bằng

Cập nhật lúc 06:38, 09/11/2010 (GMT+7)

- Thông tin về tiêu ngữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" dự kiến sẽ không còn trong nội dung văn bằng chứng chỉ (VBCC) của hệ thống giáo dục quốc dân khiến nhiều bạn đọc lưu tâm.

Sau khi dự thảo được đăng tải trên website của Bộ GD-ĐT, VietNamNet đã tìm tới luật sư Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) để xác minh rõ hơn phần nội dung này. Ông Thanh nói "không thể có bất cứ chủ trương và ý kiến nào đề nghị bỏ dòng chữ rất quan trọng đó trên mẫu VBCC". Khá bận rộn với các cuộc họp trong ngày đầu tuần, đến chiều tối ngày 8/11, ông Thanh đã gửi lại qua email 3 nội dung trả lời trong số 8 câu hỏi mà VietNamNet đặt ra.

Mô tả ảnh.
Mẫu phôi bằng ĐH hiện hành

- Thưa ông, hiện nay Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế văn bằng, chứng chỉ (VBCC) của hệ thống giáo dục quốc dân. Lý do sửa đổi, bổ sung văn bản này là gì?

Qua 3 năm thực hiện, văn bản này đã phát huy tác dụng góp phần giúp cho việc quản lý thống nhất và chặt chẽ hơn về cấp phát và quản lý VBCC, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục theo quy định tại các điều 8 và điều 14 của Luật Giáo dục.

Trong quá trình thực hiện, quy chế 33 đã phát sinh một số chi tiết cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang gửi dự thảo văn bản dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế 33 để xin ý kiến góp ý của các cơ sở giáo dục và đào tạo; các trường ĐH, CĐ và TCCN và đưa lên website của Bộ để xin ý kiến góp ý rộng rãi của toàn xã hội.

- Những nội dung sửa đổi, bổ sung về văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân lần này gồm những gì?

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân lần này gồm các nội dung sau:

Một là bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan cấp VBCC phải lập đầy đủ hồ sơ làm căn cứ để cấp phát, quản lý VBCC và lưu trữ lâu dài, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phát phôi VBCC; trách nhiệm công bố công khai toàn bộ thông tin về cấp VBCC trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp VBCC.

Hai là thống nhất về một số nội dung chủ yếu ghi trên VBCC.

Tiếp nữa là sửa đổi, bổ sung các quy định về chỉnh sửa VBCC cho phù hợp và đồng bộ với các quy định của ngành tư pháp.

Trong trường hợp sau khi được cấp VBCC, người học được cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ, tên, chữ đệm; xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự; xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa được định hình chính xác về giới tính, thay đổi giới tính… mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính theo quy định của pháp luật.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nội dung của Điều 9 của Quy chế VBCC của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 được đăng trên website Sở GD-ĐT Bến Tre (ảnh trái) và dự kiến sửa đổi nội dung này được đăng trên website của Bộ GD-ĐT (ảnh phải)

- Thưa ông, ở điều 9 của Quy chế VBCC của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007, phần quy định chung có 7 nội dung, trong đó có nêu rõ phần tiêu đề của VBCC là "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Còn trong dự thảo về sửa đổi, bổ sung mà Bộ GD-ĐT đưa lên website để xin ý kiến góp ý rộng rãi của toàn xã hội ngày 5/11/2010, ở điều 9, còn 6 nội dung và không có phần nội dung tiêu đề này nữa. Ông giải thích điều này như thế nào?

Điều 9 và điều 10 của Quy chế 33 quy định về những nội dung cần có của VBCC, còn mẫu cụ thể của từng VBCC và thể thức của VBCC như Quốc hiệu, kích thước, màu sắc, hoa văn, tiêu đề, cách thể hiện… được quy định cụ thể tại từng mẫu văn bằng phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" là yếu tố bắt buộc trong thể thức văn bằng, thể hiện sự trang trọng về văn bằng chứng chỉ của Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, không thể thiếu trong VBCC.

Dòng chữ này đã được quy định trong các thông tư quy định về từng loại mẫu của từng loại VB và CC.

Hiện nay mẫu bằng giáo dục ĐH được quy định tại Thông tư số 21/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp CĐ; Thông tư số 22/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH; Thông tư số 23/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng thạc sĩ; Thông tư số 24/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tiến sĩ, tất cả các thông tư quy định về từng loại mẫu trên đây đều có trang trọng dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Quy định này đang và sẽ tiếp tục có hiệu lực. Theo tôi, không có và không thể có bất cứ chủ trương và ý kiến nào đề nghị bỏ dòng chữ rất quan trọng này trên mẫu VBCC.

- Cảm ơn ông!

Liên quan tới những mối quan tâm của bạn đọc về câu chuyện VBCC, VietNamNet có hỏi thêm một số thông tin khác như số lượng phôi VBCC của các loại hình đạo tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được in hàng năm, những bất cập nảy sinh của quy định hiện hành về VBCC...

Đáng lưu ý, cũng trong ngày 5/11, Bộ GD-ĐT có công văn giao trách nhiệm in và cấp chứng chỉ Giáo dục thể chất cho sinh viên tới Giám đốc các ĐH, học viện; hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Liệu động thái này nằm trong lộ trình phân cấp tạo điều kiện cho các trường tự chủ hơn trong việc đào tạo, in ấn, quản lý và cấp chứng chỉ cho học viên? Nếu có chủ trương như vậy, thì đến khi nào sẽ giao trách nhiệm này cho các cơ sở đào tạo?

Về những nội dung này, ông Thanh cho biết, cần thêm thời gian để tổng hợp thông tin.

  • Kiều Oanh - Hạ Anh (Thực hiện)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Vinh Hòa, Nha Trang, 11:49, 09/11/2010

Cá nhân tôi không thích Tiêu ngữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM bằng Tiêu ngữ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA. Quốc hiệu giống như Bác Hồ đã đặt trước kia thì hay hơn và được đại đa số nhân dân, kể cả những người có chính kiến khác nhau, chấp nhận hơn. Tuy nhiên đối với văn bằng do Nhà nước cấp thì không thể bỏ Tiêu ngữ được, dù văn bằng của ta hiện nay giá trị chưa cao. Việc nâng cao giá trị của văn bằng là trách nhiêm của ngành giáo dục và sự nghiêm minh của pháp luật (chống nạn bằng giả).

Truc Anh, 10:20, 09/11/2010

Hoan nghênh nhà quản lý, một phản hồi nhanh chóng, kịp thời và chính xác, một động thái cần thiết trong thời đại thông tin như hiện nay, tránh dư luận không hay.

Cao Văn Hà, Đại Học Sư Phạm Hà Nội, 10:13, 09/11/2010

Mấy hôm nay đọc được tin "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" dự kiến sẽ không còn trong nội dung văn bằng chứng chỉ (VBCC) của hệ thống giáo dục quốc dân. Tôi đã rất lo lắng vì dòng chử quan trọng không còn nữa liệu hiệu lực cũng như tính pháp lý của tấm bằng có còn không? hơn thế nữa dòng chử còn thể hiện sự thiêng liêng và tinh thần dân tộc. Hôm nay đọc được tin sự khẳng định của luật sư Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) "không có và không thể có bất cứ chủ trương và ý kiến nào đề nghị bỏ dòng chữ rất quan trọng này trên mẫu VBCC" riêng tôi cảm thấy vui mừng vì tình yêu Tổ Quốc thiêng liêng trong tôi không bị xâm phạm! Xin cảm ơn Vietnamnet

HungBa, 08:27, 09/11/2010

Việc cần làm là nâng cao giá trị thật của văn bằng, tiêu ngữ "CHXHCN Việt Nam" thiết nghĩ chỉ nên giữ mà không nên bỏ.

Quoc, 08:24, 09/11/2010

Mau phoi bang DH hien hanh dung la phai sua o phan Tieng Anh, dich the khong on.

nguyen minh, tp HCM, 07:50, 09/11/2010

Tôi nghĩ muốn nâng cao văn bằng của học sinh,sinh viên VN không phải là bỏ Quốc huy mà phải làm một cuộc cách mạng về giáo dục.Hãy bỏ lối giáo dục đào tạo rộng,chuyển sang đào tạo nghành hẹp.Bỏ các kiểu dạy thêm,cua của các trường,mở rộng thư viện để học sinh ,sinh viên tìm hiểu,nâng cao kiến thức bằng sách vở.Thu hẹp Đại học chính qui,mở rộng đại học tại chức(học phải đúng với công việc mà học sinh đang làm) hẳn như vậy kiến thức sẽ nâng lên.

Đào Hải Đường, Hà Tĩnh, 07:35, 09/11/2010

Tôi hoàn toàn đồng ý không nên bỏ dòng chữ 'CHXHCN Việt Nam' trên văn bằng là đúng đắn

Các tin khác