“Sao em dám ghi bài hả?”

Cập nhật lúc 06:37, 22/10/2010 (GMT+7)

- Đứng một mình ở góc lớp, quay mặt vào tường, tôi run rẩy và cảm giác xa lạ, sợ hãi, xấu hổ bắt đầu bao quanh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao thầy có thể lạnh lùng đến vậy?

Mô tả ảnh.
Một lớp học của HS.

Sau kỳ thi học sinh giỏi, tôi cùng các bạn đạt giải được chuyển ra trường huyện để học lớp năng khiếu. Vì nhà cách trường đến gần chục km nên chỉ sau nửa năm, tôi đã ốm nhách, gầy đi trông thấy.

Bác tôi chuyển tôi lên thành phố, vừa gần nhà, vừa tiện chăm sóc việc học cho tôi. Đó là đầu năm tôi học lớp 5.

Những ngày đầu vào lớp mới, tôi thấy thật dễ chịu vì thầy chủ nhiệm rất hiền từ, luôn quan tâm vì biết tôi còn bỡ ngỡ. Các bạn cùng lớp không “phân biệt đối xử” mà còn thích thú bắt chuyện với tôi. Lúc đó, chúng tôi thật vô tư và ngây ngô lắm.

Lớp tôi học là lớp chọn nên được nhà trường ưu ái, dành những thầy cô “xịn” nhất trường dạy Toán và Văn. Bác tôi nói, thầy giáo dạy Văn cực kỳ nghệ sỹ và dạy rất giỏi. Tôi vốn yêu văn nên càng mong đến ngày có tiết giảng của thầy.

Buổi học thứ 3 ở lớp mới thật hồi hộp vì có tiết Văn. Giờ học bắt đầu, tôi càng choáng ngợp hơn khi thầy bước vào lớp. Mái tóc hoa râm, dáng người cao ráo, thầy diện bộ comple phẳng phiu, đeo kính râm, đầu đội mũ nhung, giày da bóng. Thầy oai phong đi vào lớp và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống.

Tôi ngồi bàn thứ hai nên có thể ngắm thầy khá rõ, lòng hồi hộp chờ được nghe những lời văn thầy giảng. Thầy giới thiệu, viết tên bài lên bảng và trở lại bàn, bắt đầu giảng bài.

Giọng thầy vang và rất rõ. Nghe thầy giảng có những ý hay quá, tôi đã chuẩn bị sẵn bút vở, háo hức ghi tóm tắt lại. Đó cũng là thói quen của tôi từ khi còn học ở quê nhà để không bỏ sót những ý văn “một đi không trở lại” của thầy cô giáo.

Cả lớp đang im phăng phắc lắng nghe. Bỗng tôi giật bắn mình vì một tiếng quát lớn của thầy:

“Em kia!”.

Tôi nhìn lên, vẫn chưa biết thầy đang quát ai. Nhìn lên thầy, tôi mới biết là thầy quát…chính tôi. Ánh mắt thầy nhìn tôi nghiêm khắc, tức giận. Thầy nói rõ từng tiếng:

“Em đi lên kia”.

Theo tay thầy chỉ, tôi đi lên bảng và tiến về phía góc lớp, lòng hoang mang không biết mình đã phạm lỗi gì. Lúc này, dưới lớp mới có tiếng lao xao nho nhỏ:...khi thầy đang giảng bài thì không được ghi chép.

Tôi dừng lại ở góc lớp run run nhìn thầy và chưa hết bất ngờ về quy định mới mẻ mà mình vừa được nghe. Thầy ra nốt lệnh: “Quay mặt vào tường và đứng đó cho tôi".

Thầy quay ra tiếp tục bài giảng. Tôi sốc thật sự. Trước đó, tôi vốn học khá và được các thầy cô yêu quý, thường được khen chứ hầu như không bị phạt. Đứng một mình ở góc lớp, quay mặt vào tường, tôi run rẩy và cảm giác xa lạ, sợ hãi, xấu hổ bắt đầu bao quanh.

Dưới lớp, một vài bạn lí nhí thưa thầy về việc tôi là học sinh mới chưa biết quy định nhưng thầy dường như không quan tâm đến. Tôi đang bị cái hình phạt mà thầy cô tôi học từ trước đến nay chỉ áp dụng khi trò thực sự phá quấy.

Nước mắt tôi bắt đầu trào ra và tai ù đi không nghe rõ. Thầy vẫn giảng một mạch và lớp không một tiếng động. Chỉ có tôi đứng run rẩy ở góc bảng với tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi tưởng thầy chỉ phạt một lúc, nhưng không ngờ, thầy đã để tôi đứng đó suốt một tiết học với nỗi oan ức không thể nào bày tỏ.

Cuối tiết học, thầy cho tôi trở về chỗ ngồi. Khiếp sợ và hai mắt sưng mọng vì khóc, tôi không dám ngẩng mặt lên nhìn thầy. Tiếng thấy oang oang thông báo lại quy định: “Các em nhớ, giờ của tôi, khi tôi giảng bài chỉ được chú ý lắng nghe, không ai được ghi chép một chữ nào cả. Nếu còn vi phạm như em này thì tôi cho ra khỏi lớp.”

Thì ra, thầy quy định như vậy vì cho rằng, chúng tôi chỉ cần nghe là hiểu và nhớ bài học. Vì vậy, buổi học nào, vở của chúng tôi cũng trắng tinh. Chỉ có đôi ba dòng đề mục của từng phần trong bài thầy giảng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao thầy có thể phạt tôi như vậy, trong khi tôi là một học trò mới? Sao thầy có thể để tôi đứng run rẩy suốt một tiết học với nước mắt lã chã? Sao thầy có thể lạnh lùng đến vậy với một đứa trẻ mới học lớp 5?

Hình phạt đó của thầy đã theo tôi suốt năm học. Tôi sợ thầy nhiều hơn, mặc dù khi thầy nhận thấy tôi học tốt môn Văn đã tỏ ra quan tâm đến tôi.

Tôi cũng không thấy mình học được nhiều từ thầy vì không ghi chép được bài giảng. Điểm môn Văn lớp tôi trong kỳ thi tỉnh năm đó không cao. Có lẽ nguyên nhân chính vì những gì thầy giảng đã trôi tuột ra khỏi đầu chúng tôi khi hết giờ vì chẳng ai được ghi chép lại.

Bây giờ, tôi nhận thấy sau khi giảng, nhiều thầy cô giáo đọc cho học sinh chép lại. Các em hầu như không biết kết hợp giữa việc lắng nghe cô giáo với việc tự ghi chép tóm tắt bài giảng của cô.

Vì vậy, khi về nhà học lại, các em phải đọc lại cả bài văn dài lê thê mà không biết chắt lọc ý chính cho mình. Lâu dần, các em sẽ học thuộc lòng bài học hơn là học để hiểu.

  • Nguyễn Hường

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

huyenduong, 16:22, 24/10/2010

Haiz, khổ thân ông thầy. Kiểu giảng trơn như thế này chỉ phù hợp với những học sinh say mê và biết cảm thụ văn thôi. Thầy bị đặt nhầm chỗ hoặc bất đắc chí rồi.
Riêng tôi rất ghét trong lúc đang nghe thầy giảng say sưa, truyền cảm thì mấy bạn đế vào: Thầy ơi chậm thôi cho bọn em còn chép. Mất hứng! Chép cái gì không biết.

Trần Đăng Trung, Hà Nội, 00:14, 24/10/2010

Đọc và chép !
Hiện nay có nhiều ý kiến nên xóa bỏ đọc chép trong quá trinh học trên lớp . Tôi nghĩ không nên xóa bỏ hoàn toàn. Theo tôi ,sách giáo khoa cũng như giáo trinh bây giờ phải soạn kỹ lưỡng hơn, thật chi tiết và đầy đủ ( kể cả việc diễn giải các khái niệm, ví dụ) và các tài liệu đó phải phát trước cho học sinh vào đầu kỳ học. Học sinh lên lớp sẽ không phải ghi bài giảng nữa mà chỉ ghi các ý chính, các ý hay mà học sinh tự nhận thấy quan trọng. Thời gian trên lớp hãy để học sinh toàn tâm toàn ý nghe giảng, làm ví dụ và trao đổi với giáo viên. Về nhà, học sinh chỉ xem lại sách giáo khoa, tài liệu và vở ghi là đủ học bài . Theo tôi như thế là tốt hơn , nếu bỏ hết đọc chép cũng không hay và cũng chưa cẩn đầu tư vào nhiều thiết bị đắt tiền khác.

hương, văn quán -hà đông, 10:25, 23/10/2010

Tôi nói, hình phạt đó theo tôi suốt cả năm học, chứ không phải đến tận bây giờ.

Điều tôi muốn nói là nhiều thầy cô giáo hãy xem lại cách dạy văn của mình. Theo kinh nghiệm gia sư và những gì tôi biết, học sinh bây giờ rất rất nhiều em không biết tự ghi chép bài học, thậm chí chỉ là ghi những gì thầy cô đang giải thích về bài học. Ngay cả học sinh lớp 12, đi ôn thi đại học, cũng không tự ghi chép bài học bao giờ, mặc dù thầy cô giảng rất rõ ý. Chúng đều quen rằng sau khi giảng qua, thầy cô sẽ đọc cho chúng chép. Cái này còn biến dạng đến mức thầy cô đọc cả bài mẫu, học thuộc lòng, đi thi cứ thế mà bê vào.

Tôi nghĩ, việc dạy học sinh tự ghi chép không dễ, nhưng cũng không khó, chỉ một vài lần là các em sẽ quen, sẽ biết để ý những cái hay, cái quan trọng thầy cô giảng mà ghi chép lại.Dạy theo kiểu giảng rồi chép, vô hình trung khiến cho các em thiếu sáng tạo, thiếu cảm nhận và suy nghĩ riêng khi học văn, từ đó mà thấy môn văn nhàm chán, luôn nghĩ rằng rập khuôn bài giảng mới là đúng.

Tôi không rành về khả năng ghi nhớ của con người lắm, nhưng theo tôi, học mà không biết tự ghi chép thì không khác ăn sẵn là mấy, hay học mà không dược ghi chép như tôi đã từng thì có lẽ phải kiệt xuất mới giỏi nối.

Cảm ơn bạn Minh Hoàng (Hà Nội) vì góp ý chân thành của bạn!

Đinh Tuấn Minh, Quảng Nam, 09:17, 23/10/2010

Mỗi cá nhân có một phương pháp học khác nhau, vì vậy giáo viên nên linh hoạt và để cho học sinh tự tiếp cận phương pháp học của riêng mình mà học sinh cho là hiệu quả nhất.

Tôi không đồng ý với cách dạy của giáo viên được phản ánh trong bài viết trên. Khi học bên cạnh nghe giảng, thì việc ghi chép những nội dung chính hoặc những nội dung được mở rộng trong thực tế là rất cần thiết. Không ai có thế nhớ hết được tất cả các nội dung mà giáo viên truyền đạt nếu không ghi chép. Tôi rất thông cảm cho bạn. Hy vọng bài viết của bạn sẽ có nhiều giáo viên đọc và rút kinh nghiệm.

Hoc sinh ngay tho, 03:25, 23/10/2010

Xin lỗi bạn Lê Hoa, sao bạn biết học sinh sẽ tiếp thu tốt hết, việc ghi chép hay không là tùy mức độ tiếp thu và phương pháp học của mỗi học sinh.

Nếu không bắt buộc học sinh chép thầy nên giảng cho họcsinh hiểu nên ghi những ý hay còn lại tập trung nghe và nhớ.

Tôi từng là học sinh chuyên văn nhưng nói tôi nhớ hết mọi ý hay của bài giảng văn trogn khi sau đó còn bao nhiếu tiết học thì tôi xin chịu.

Không biết bạn làm được không, hoặc bạn tìm thêm các nghiên cứu trên thế giới về bộ óc con người để hiếu hơn!

Còn về thầy giáo, mà là dạy VĂN nữa chứ. Lớp 5 là lứa tuổi cần dạy nhân cách, học trò đã nhắc thầy về tính công bằng mà thấy còn xử thế thì giỏi gì chẳng biết.

ThienBinh, Hà Nội, 23:19, 22/10/2010

Tôi không đồng tình với một thầy giáo như vậy về phương pháp.

Thứ nhất, chỉ được nghe mà không được ghi chép là phản khoa học. Con người có nhiều hơn một giác quan để cảm nhận. Nếu chỉ nghe thì dù bài giảng có hay đến mấy cũng không bao giờ đọng lại hết trong trí óc người học (nếu không nhầm thì chỉ nhớ được 2/10 nội dung là quá tốt rồi). Ở các buổi thuyết trình người nghe luôn được chuẩn bị tài liệu để theo dõi, hay họ còn được nhìn trên slide,...

Thứ hai, nếu học sinh không được ghi chép, tức là về mặt biên bản người quản lý sẽ không thể quản lý, kiểm tra, giám sát nội dung thầy giảng trên lớp được. Các bậc phụ huynh cũng vậy, không biết con mình đi học được gì.

Thứ ba, là một người dạy văn mà thầy không có cái tâm của một người dạy văn. Đúng như tác giả nghĩ, với một học sinh lớp năm lại là học sinh mới (mà tôi tin rằng ở hoàn cảnh đó thầy biết rõ) thầy lại hành xử như vậy.

Phạt học sinh để thể hiện cái uy nghiêm của mình là phản giáo dục. Ở lứa tuổi này phải làm cho các em biết yêu quý người thầy chứ không phải dọa nạt, phạt để học sinh sợ sệt.


Giáo dục ở nước ta đúng là còn nhiều thứ phải làm, làm thực sự chứ không phải chỉ là hô hào, kiểu như:dạy học lấy học sinh làm trung tâm".

thanh cong, 23:14, 22/10/2010

Theo tôi việc vừa nghe giảng vừa chắt lọc ý chính là 1 việc rất cần làm không có việc gì phải bị lên án cả,

Minh, Hai Ba Trung Ha Noi, 21:15, 22/10/2010

Tôi không đồng ý với cách dậy của thầy bạn vì trong một buổi học các bạn sẽ phải học nhiều môn, không riêng một môn Văn, bạn không thể nào nhớ nổi một khối lượng kiến thức lớn như vậy nếu không được ghi chép (nhất là một học sinh lớp năm).

Ghi chép không có nghĩa là ghi lại tất cả những gì thấy nói rồi học thuộc như con vẹt mà thu nhận thời thầy giảng theo ý hiểu của mình để giúp mình nhớ và hiểu sâu hơn (biến kiến thức của người khác thành của mình). Cách dậy của thầy bạn quá áp đặt và thiếu tôn trọng học sinh.

vinhnguyen, 334 nguyen trai, 20:42, 22/10/2010

Tôi rất chia sẻ với bạn, tác giả câu chuyện

nguyen nguyen bao uyen, quebec, 20:05, 22/10/2010

Tôi thấy ý kiến của bạn thật là đúng.

Dùng bất cứ hình phạt nào đi chăng nữa, thì cũng phải cho người có lỗi nhìn thấy lỗi của họ rồi mới phạt sau.

Đằng này chị là 1 học sinh mới chưa biết quy luật gì hết, hoặc là chị đã biết nhưng mới phạm lần đầu vẫn có thể tha thứ được mà.Hành động của thầy giáo chị quá nghiêm khắc, vô tình làm cho học trò sợ hãi, lẫn tránh, ghét thầy và không còn tôn trọng thầy nữa (dù có dạy hay tới đâu).

Mặt khác, nói nhiều quá sẽ không vô đầu mà dội ra hết. Không ai có thể ngồi không nghe suốt 1 tiếng được nhất là học trò lớp 5 còn quá nhỏ. Nếu chị là giáo viên nên áp dụng cách thức của chị đi

. Vì khi tiếp thu trong đầu, tay chị chép ra, mắt chị nhìn thấy, kiến thức lại trở lại trong đầu, cách thức học này nhớ bài gấp 3 lần học thuộc lòng đó.

nguyenchihiep, q7 HCM, 20:02, 22/10/2010

Tôi là học sinh thế hệ trước năm 1975 , khi ấy trong giờ học môn giảng văn bao giờ cũng vậy các Giáo Sư đều bắt học trò phải ghi nháp những gì mình hiểu được và tuyệt đối không đọc bài cho học sinh viết bởi vì căn bản đó nó đã ghi trong sách giáo khoa0 .

Do đó chuyện đọc cho HS viết và bắt HS học thuộc lòng môn này không khác chuyện dạy con vẹt nói và con vẹt chỉ biết noí cho giống chứ hàm ý bên trong thì không hiểu gì cả ...

Mạnh Hoàng, hà nội, 15:01, 22/10/2010

Thật lòng mà nói bạn là người nhỏ mọn khi mang theo những chuyện này trong tâm trí đến tận bây giờ.

Học trò đi học có thể bị thầy cô mắng hay là thậm chí bị đánh vài cái thước.

Những chuyện đó, rất bình thường ở một đất nước phương đông có truyền thống tôn sư trọng đạo như việt nam.

Thẳng thắn mà nói dám khẳng định đến bây giờ bạn vẫn chưa đạt được thành công gì quá to lớn. bạn là kẻ tầm thường nhỏ mọn, hay để ý vớ vẩn..........

hnbk077, HN, 14:02, 22/10/2010

Phương pháp của ông thầy này thật lập dị,học trò giỏi là những người có phương pháp học cho riêng mình,chắt lọc những điều hay từ thầy cô ,sách vở,... để biến thành kiến thức của mình.

luu dinh hanh, thu duc, thanh pho ho chi minh, 10:57, 22/10/2010

bạn đang sống và làm việc tại việt nam, đôi khi phải chấp nhận vậy thôi......

Lê Hoa, Đà Nẵng, 08:04, 22/10/2010

Cho dù tôi cũng không thích cách xử sự của thầy giáo đối với em vì em là người mới và chưa biết qui định của thầy. Nhưng riêng tôi lại thấy rất thích nguyên tắc dạy của thầy (dù hơi lập dị).

Các em sẽ tiếp thu toàn bộ kiến thức trên lớp từ sự truyền đạt của thầy.

Chỉ có những thầy cô giáo giỏi mới có khả năng truyền đạt để học sinh có thể tiếp thu được kiến thức ngay trên lớp theo kiểu như thầy giáo đó mà thôi. Còn bạn, do bị ức chế bởi cách giáo dục thông thường nên sốc cũng là chuyện bình thường.

Nếu bạn hiện là giáo viên thì tôi mong bạn sẽ học cách truyền thụ kiến thức như thầy giáo nọ

Các tin khác