"Không đi đâu mà vội vàng"

Cập nhật lúc 05:23, 28/10/2010 (GMT+7)

- Vô cùng lo lắng cho tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, ĐB Nguyễn Đình Xuân than: Chúng ta đánh bại thực dân, đế quốc, mà không đánh bại được vàng tặc, sa tặc...

Cùng với ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐB Nguyễn Đình Xuân tỏ ra thất vọng vì 86 điều của dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi "nếu thông qua sẽ không cải thiện được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt một cách bừa bãi, thất thoát như hiện nay", bởi không xác lập và duy trì được sở hữu toàn dân, hay chính xác hơn là sở hữu nhà nước - với vai trò đại diện toàn dân - đối với khoáng sản.

Đi đâu mà vội vàng

Nhiều ĐB yêu cầu phải nghiêm khắc trong các hoạt động liên quan đến khoáng sản, từ quy hoạch đến thăm dò, khai thác.

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Đình Xuân: Luật thông qua sẽ không cải thiện được tình hình. Ảnh: Hoàng Long

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Nhà nước phải biết rõ chúng ta đang có những gì, phải quy hoạch khai thác khoáng sản theo cả không gian và thời gian, với một khoáng sản cụ thể thì trữ lượng khoảng bao nhiêu, sẽ khai thác trong 30, 50 hay 100, 200 năm, khoáng sản nào khai thác trước, khoáng sản nào để sau...

"Chúng ta đánh bại thực dân, đế quốc, mà không đánh bại được vàng tặc, sa tặc... Lẽ ra phải quy định đó là trộm cắp, tham ô để nghiêm cấm, ai vi phạm thì xử thật nặng. Phải quy trách nhiệm rất cụ thể cho chính quyền địa phương", ông Xuân nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ, môi trường Nghiêm Vũ Khải (ĐB Điện Biên) thì "chất vấn" về quy định tổ chức, cá nhân không đáp ứng được quy định phải cam kết sau khi được cấp giấy phép thăm dò sẽ hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện được hành nghề. Theo ông, "không đi đâu mà vội vàng, đủ điều kiện thì cấp phép, không thể cấp phép trước rồi sau đấy cam kết sẽ thực hiện, nhìn thấy trước sẽ gây rất nhiều hậu quả".

Tuy đồng tình hoạt động thăm dò khoáng sản không đem lại lợi nhuận nên không phải đấu thầu, nhưng theo ĐB Xuân, phải nghiêm cấm người thăm dò được khai thác, nếu không, họ sẽ cố tình nói giảm trữ lượng khoáng sản để được lấy quyền khai thác chính thức. "Chưa kể nếu doanh nghiệp khác vào khai thác, trữ lượng lấy lên không đúng như công bố khi thăm dò thì cơ quan thăm dò phải bồi thường", ông Xuân nghiêm khắc.

Với hoạt động khai thác, theo ĐB Trần Đình Nhã, đã có quy định đấu thầu khai thác thì phải ưu tiên hình thức này, "chỉ với những nơi không ai muốn tham gia đấu thầu thì mới cấp phép theo kiểu xin - cho".

ĐB Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) thì không đồng ý chuyển nhượng giấy phép. Theo bà, nếu tổ chức, cá nhân sau khi trúng thầu quyền khai thác khoáng sản mà không đủ khả năng khai thác thì "phải làm thủ tục trả lại cho cơ quan có chức năng và bồi hoàn kinh phí tổ chức đấu giá để đấu giá lại, tránh tình trạng đầu cơ, tiêu cực".

Mô tả ảnh.
ĐB Vũ Thị Phương Anh: Phải quy định rõ thời hạn hoàn thành việc phục hồi. Ảnh: Hoàng Long

3 đồng cũng là giúp

Nội dung được các ĐB tập trung phân tích, phê phán nhiều nhất là việc bỏ quên quyền lợi của người dân, địa phương nơi khoáng sản được khai thác, khiến "doanh nghiệp thì giàu có còn địa phương thì xác xơ". Các ý kiến đều "phê" dự thảo luật vẫn trình bày quá chung chung, chỉ mới mang tính khuyến nghị, định hướng chứ chưa định lượng, làm cũng được mà không làm cũng chẳng sao.

"Nhà nước sẽ điều tiết từ khoản thu để chia lại cho địa phương, vậy nhà nước là ai? Điều tiết bao nhiêu? khi nào? Địa phương sẽ là cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh. Quy định chỉ toàn phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ, giúp 3 đồng cũng là giúp, hỗ trợ 10.000 đồng cũng là hỗ trợ, quy định thế này thì thà không quy định còn hơn", ĐB Trần Đình Nhã "bức xúc".

Giải pháp được ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đưa ra là phải quy định rõ trong luật tỷ lệ phân chia lợi nhuận dựa trên doanh thu: chẳng hạn 30 - 40 - 30 (cho nhân dân địa phương - nhà nước - tổ chức cá nhân khai thác), đồng thời có cơ chế sử dụng nguồn thu của địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động công ích, văn hóa.

Theo ĐB Vũ Thị Phương Anh, phải quy định rõ sau khi triển khai dự án khai thác bao lâu sẽ phải hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục hồi môi trường, "bởi nếu chúng ta không quy định thì có thể sau khi khai thác hết rồi, ba năm sau cũng chưa duy tu, bảo dưỡng, chỉnh sửa thì sao?".

ĐB Tống Văn Thoóng (Lai Châu) đề nghị phải ghi rõ việc bồi thường cả trong trường hợp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt bị ô nhiễm, chứ không phải chỉ khi người dân bị mất đất hoặc phải di dân tái định cư.

Việc chuyển đổi việc làm cho người dân nơi khoáng sản được khai thác cũng khiến nhiều ĐB ưu tư, như ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị "đã có quy định khi tái định cư, nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nay phải thêm quy định trong việc chuyển đổi việc làm cũng phải "việc làm mới, thu nhập mới phải bằng hoặc tốt hơn việc làm, thu nhập cũ".

Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp này.

  • Khánh Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác