Nhìn vào Quân ủy Trung ương Trung Quốc 2012
Ảnh hưởng quân sự lớn hơn không có nghĩa là giới này nắm hết mọi quyền lực. Trung Quốc sẽ cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đồng minh, cũng như duy trì quan hệ quốc tế vì chiến lược kinh tế quốc gia và vì thực tế là quân đội của họ chưa hẳn đạt được khả năng như các đối thủ cạnh tranh chủ chốt. Nhưng ảnh hưởng gia tăng của quân đội sẽ thúc đẩy sự quả quyết hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong cuộc đối mặt với những nguy cơ từ trong nước cũng như bên ngoài.
>> Trung Quốc và cuộc "đại tu" giới lãnh đạo
>> Phần 2: Nhận diện thế hệ lãnh đạo Trung Quốc 2012
>> Lãnh đạo Trung Quốc tương lai: Giới quân sự tăng thế lực
LTS: Phần cuối cùng trong bài viết của John Mauldin đăng trên Forbes tập trung phân tích đặc điểm của Quân ủy Trung ương trong bộ máy lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc từ 2012. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Quân ủy Trung ương
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình liệu có là người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc? Ảnh: AP
Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) là cơ quan quân sự quyền lực nhất của nước này, gồm 10 lãnh đạo quân sự hàng đầu và một lãnh đạo dân sự của đất nước làm chủ tịch. Điều này có nghĩa là, CMC được tiếp cận tự do với lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và có thể ảnh hưởng tới vị này thông qua một kênh trực tiếp hơn là thông qua các đại diện nhỏ tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Hơn thế nữa, không chỉ đưa ra quyết định chủ chốt của quân đội Trung Quốc, CMC còn là nơi lãnh đạo quân sự có thể ảnh hưởng tới lãnh đạo dân sự.
Việc thăng cấp cho những lãnh đạo chủ chốt trong quân đội của Trung Quốc dựa trên tuổi, vị trí chính thức hiện tại của họ - ví dụ, người này có mặt trong CMC hay Ủy ban trung ương CPC - và các mối quan hệ cá nhân. Các sĩ quan sinh sau năm 1944 sẽ quá tuổi với việc thăng cấp do họ sẽ ở tuổi 68 vào năm 2012. Những sĩ quan đủ điều kiện tuổi tác và nắm giữ các vị trí trong CMC hoặc vị trí chỉ huy trong một quân chủng hay trong 7 quân khu (hoặc các vị trí tương đương dành cho chính ủy) có thể thích hợp cho quyết định thăng cấp.
Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc có thể cùng lúc nắm giữ nhiều chức vụ như chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân ủy trung ương, giống như ông Hồ Cẩm Đào hiện tại. Tuy nhiên, không phải lúc nào vị lãnh đạo tối cao cũng nắm giữ cả ba vị trí. Ông Giang Trạch Dân còn nắm giữ ghế Chủ tịch CMC trong hai năm sau khi nhiệm kỳ làm chủ tịch nước của ông kết thúc năm 2002. Do đó, ông Hồ Cẩm Đào không trở thành Chủ tịch CMC cho tới năm 2004, và có thể ông sẽ duy trì chiếc ghế ở Quân ủy của mình tới năm 2014, hai năm sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ làm chủ tịch nước và lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thiết hợp lý chứ không phải là thực tế.
Thú vị là, ông Hồ Cẩm Đào chưa hề bổ nhiệm Phó Chủ tịch Tập Cận Bình là người kế nhiệm ông tại CMC, làm dấy lên đồn đoán trong suốt năm qua rằng, liệu ông Hồ Cẩm Đào không sẵn sàng trao cho ông Tập vị trí phó Chủ tịch Quân ủy hay vị trí của ông Tập có thể có rủi ro. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào sẽ hầu như bổ nhiệm ông Tập vào chức vị Chủ tịch CMC sớm, có lẽ trong tháng 10.
Trở lại khả năng ông Hồ Cẩm Đào còn duy trì ghế tại CMC tới 2014, thì ảnh hưởng của ông Tập với quân sự sẽ còn phụ thuộc vào ông Hồ Cẩm Đào cho tới khi đó, làm dấy lên hoài nghi về việc hai người này sẽ tương tác với nhau và với quân sự thế nào trong suốt thời gian này. Mặt khác, ông Tập Cận Bình được cho là sẽ nắm giữ vị trí tối cao về quân sự cũng như trong đảng và nhà nước Trung Quốc năm 2012.
Xu hướng cũ - mới
Nhìn vào các nhân vật quân sự, có thể nhận ra một số xu thế. Sự thiên vị địa phương trong tuyển dụng và thăng cấp vẫn có sức mạnh quyền lực. Các khu vực có sự hiện diện lớn nhất tại CMC trong quá khứ sẽ tiếp tục giữ vị trí nổi bật trong bộ máy tương lai: Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây và tỉnh Liêu Ninh (theo nghiên cứu của Thành Lực, một học giả nổi tiếng Trung Quốc). Những tỉnh này là cốt lõi trong nền tảng ủng hộ của CPC.
Người ta nhận thấy trong lực lượng lãnh đạo quân sự cấp cao, có sự hiện diện ít hơn từ Thượng Hải, Quảng Đông, Tứ Xuyên hoặc các khu vực phía tây - tất cả được biết đến với tư tưởng địa phương chủ nghĩa và thiên về tư tưởng khác biệt với Bắc Kinh.
Một nhóm lãnh đạo (hữu danh vô thực) dường như sẽ nắm vai trò lớn hơn trong CMC vào năm 2012, phần lớn bởi họ là con cái hay người thân của các anh hùng cách mạng. Ví dụ như Tư lệnh hải quân (cũng là thành viên CMC hiện tại) Vũ Thắng Lợi, Chính ủy Nhị pháo Trương Hải Dương và hai phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên, Trương Thẩm Sinh.
Trong chính trị, nhóm lãnh đạo này không nhất thiết phải cố kết bè phái. Lòng trung thành của nhóm lãnh đạo này được củng cố bởi các mối quan hệ gia đình và thừa hưởng từ cha, ông, hay những người thân khác, sự nghiệp của họ được hưởng lợi từ những đặc quyền này và họ được mọi người nhìn nhận, đối đãi như một nhóm riêng.
Trong quân sự, họ dường như hình thành một nhóm thống nhất với quan điểm chặt chẽ. Sự hiện diện mạnh mẽ của họ có thể tạo thành một nhóm lợi ích trong giới lãnh đạo quân sự có khả năng gây sức ép mạnh mẽ.
Sự khác biệt đáng kể trong CMC sắp tới là vai trò gia tăng của PLAN, PLAAF và Nhị pháo, tương phản với truyền thống bộ binh chiếm ưu thế. Sự phát triển này đã phần nào được đề cập thông qua việc mở rộng của CMC năm 2004, tăng cường sự hiện diện của các chỉ huy đến từ những đơn vị ngoài bộ binh vào CMC. Xu thế này được cho là sẽ tiếp tục diễn ra vào 2012.
Bộ binh sẽ vẫn là đơn vị có ảnh hưởng nhất với toàn bộ giới lãnh đạo quân sự thế hệ thứ 5, nhưng theo sát là hải quân, không quân và đơn vị tên lửa. Tuy nhiên, điều quan trọng là, trong CMC 2012, sự hiện diện của bộ binh có thể giảm sút tương đối với các đơn vị khác, do ba thành viên CMC hiện tại đủ tư cách ở lại trong bộ máy tương lai chỉ có một người thuộc lực lượng bộ binh trong khi rất nhiều ứng viên cấp cao lại đến từ các đơn vị khác.
Sau tất cả, khả năng tên lửa cùng sức mạnh không quân, hải quân đang gia tăng vị thế quan trọng khi Trung Quốc tập trung vào sứ mệnh đảm bảo an ninh với các mạng lưới cung cấp quốc tế và ngăn chặn một cường quốc nước ngoài lớn hơn (như Mỹ) cố gắng tiếp cận quá gần các khu vực chiến lược. Vị thế lớn hơn của PLAN, PLAAF và Nhị pháo ngày càng được củng cố khi các chỉ huy từ những đơn vị này từ chỗ chưa từng được đảm bảo hiện diện trong CMC giờ đây dường như có một chỗ đứng cố định và thường trực.
Có một khả năng ít ỏi là, hai cá nhân được lựa chọn làm phó chủ tịch CMC có thể đều xuất phát từ một nền tảng trong hoạt động quân sự. Hai người này có thể bao gồm một chỉ huy tập trung vào hoạt động quân sự, một tập trung vào các vấn đề chính trị. Điều này nhằm đảm bảo kiểm tra dân sự về giới lãnh đạo quân sự, với chính ủy giám sát quân đội trong thời bình và chỉ huy quân đội có quyền lực tối cao trong thời chiến.
Tuy nhiên, tiền lệ có thể bị phá vỡ và các vị trí này đều do chỉ huy đến từ một nền tảng hoạt động quân sự nắm giữ. Cơ cấu như vậy trong CMC có thể là kết quả của xu thế nhấn mạnh đến khả năng và hiệu quả của quân đội hơn là các giải pháp chính trị cho các vấn đề. Nhưng có hai chuyên gia quân sự ở ghế phó chủ tịch quân ủy là một khả năng ít ỏi. Có một chuyên gia chính trị đảm nhận vị trí phó chủ tịch quân ủy sẽ duy trì được sự cân bằng truyền thông và vai trò dẫn dắt của CPC về các vấn đề quân sự.
Lãnh đạo dân sự
Sự gia tăng hiện nay về quyền lực quân sự trong hệ thống Trung Quốc có thể được biểu hiện nhiều cách. Các sĩ quan quân sự, những người thường nghỉ hưu sớm hơn lãnh đạo dân sự, có thể bắt đầu nắm giữ các vị trí dân sự trong các bộ ngành hay trong bộ máy hành chính quốc gia. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, lịch sử Trung Quốc gần đây là việc tăng cường mô hình lãnh đạo dân sự.
Đảng Cộng sản vẫn duy trì kiểm soát CMC, bộ máy lãnh đạo trung ương và tỉnh thành, các tập đoàn và ngân hàng nhà nước, những tổ chức lớn và phần lớn truyền thông.
Hơn nữa, dường như chưa xuất hiện một nhân vật quân sự đủ mạnh mẽ để thách thức với giới lãnh đạo dân sự. Vì thế, trong khi ảnh hưởng của quân sự rõ ràng gia tăng, và bộ phận lãnh đạo dân sự sắp tới có thể rơi vào bế tắc về chính sách, thì quân sự cũng không ở vị trí nắm giữ quyền lực.
Thay vào đó, nó là “cuộc thao diễn” để giành ảnh hưởng lớn hơn trong hệ thống, thêm tình tiết vào việc thương lượng cơ cấu đã định nghĩa chính trị cấp cao ở Trung Quốc. Nhưng bất chấp khả năng bất đồng quân sự - dân sự, PLA sẽ hướng tới việc duy trì chế độ, chế ngự hoặc ngăn chặn bất cứ lực lượng bên trong cũng như bên ngoài nào muốn hủy hoại mục tiêu ấy.
-
Thái An (Theo Forbes)