Lãnh đạo Trung Quốc tương lai: Giới quân sự tăng thế lực

Cập nhật lúc 06:04, 24/09/2010 (GMT+7)

Sau công cuộc cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình, giới quân sự Trung Quốc bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của họ để tham gia công nghiệp và kinh doanh.

>> Trung Quốc và cuộc "đại tu" giới lãnh đạo
>> Phần 2: Nhận diện thế hệ lãnh đạo Trung Quốc 2012

LTS: Phần tiếp trong bài viết của John Mauldin đăng trên Forbes tập trung vào vai trò của giới quân sự trong bộ máy lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc từ 2012. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vượt ra khỏi bề ngoài cân bằng lực lượng trong tổ chức đảng và chính phủ, vẫn còn sự ganh đua giữa chính quyền trung ương tại Bắc Kinh và 33 chính quyền tỉnh. Nếu ở thời thế hệ lãnh đạo thứ 5 có bất ổn, thì nó xảy ra ở chính phạm vi địa phương. Sự khác biệt rõ rệt đã nảy sinh khi các tỉnh sản xuất vùng duyên hải của Trung Quốc mạnh mẽ tiến lên phía trước trong khi các tỉnh nằm sâu trong nội địa, miền tây và đông bắc lại tụt hậu.

a
Vai trò của quân đội trong đời sống xã hội, ngoại giao, an ninh tại Trung Quốc ngày một gia tăng. Ảnh minh họa: BBC

Giải pháp của CPC cho vấn đề này nói chung là phân phối lại thịnh vượng từ vùng duyên hải giàu có tới khu vực nội địa với hy vọng trợ cấp cho các khu vực kém phát triển hơn cuối cùng sẽ kích thích kinh tế phát triển. Ở một số trường hợp, như tại tỉnh Thiểm Tây hay Tứ Xuyên, tốc độ đô thị hóa và phát triển đã được đẩy mạnh trong vài năm gần đây. Nhưng nói chung, vùng nội địa vẫn yếu và phụ thuộc vào trợ cấp từ Bắc Kinh.

Vấn đề với giới lãnh đạo Trung Quốc là mô hình tăng trưởng hướng xuất khẩu của các tỉnh duyên hải vốn rất hiệu quả trong suốt ba thập niên qua và bắt đầu đạt đỉnh, tỉ lệ tăng trưởng hai con số hàng năm của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại do nhu cầu nước ngoài giảm sút, giá lao động cùng giá nguyên liệu tăng. Kết quả là nhu cầu ngày một lớn từ các tỉnh nghèo và việc siết chặt kiểm soát ở các tỉnh giàu sẽ làm nảy sinh cạnh tranh sâu sắc hơn, thậm chí ở một số trường hợp có thể dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các khu vực.

Địa phương chủ nghĩa

Hơn hẳn thế hệ trước, thế hệ lãnh đạo thứ 5 rất giàu trải nghiệm xuyên khu vực. Đó là vì vị trí dẫn đầu trong đảng và chính phủ ngày càng đòi hỏi nhiều lãnh đạo đầu tiên cần phụng sự trong các tổ chức trung ương ở Bắc Kinh, sau đó đảm nhận cương vị trong tổ chức đảng hoặc chính quyền một tỉnh, trước khi quay trở lại vị trí cao hơn trong đảng và chính phủ tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đi theo con đường như vậy, cũng như rất nhiều gương mặt ứng viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Nhiều thành viên khả năng có mặt trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc 2012 đều có kinh nghiệm phụ trách tỉnh. Điều đó có nghĩa là, khi những vị lãnh đạo này nắm giữ những vị trí hàng đầu quốc gia, về mặt lý thuyết, họ sẽ hiểu rõ hơn những thực tế đối mặt của các tỉnh mà họ dẫn dắt. Phần nào đó nó có thể giảm bớt khó khăn của chính phủ trung ương trong nỗ lực giải quyết sự chênh lệch lợi ích giữa trung ương và các chính quyền tỉnh.

Nhưng những khác biệt địa phương đã ăn sâu bám rễ trong các thực tế nguyên tắc, địa lý và dân tộc, và trở nên ngày càng trầm trọng vì sự chênh lệch lợi nhuận trong sự thành công kinh tế của Trung Quốc. Nhưng thay đổi nhất thời về vị trí ở khắp Trung Quốc sẽ không ngăn chặn các nhà lãnh đạo nước này từ việc tạo ra ràng buộc lâu dài với một số tỉnh tới việc lãng quên những khu vực khác; và rất nhiều chính khách vẫn có những trải nghiệm riêng biệt với chính quyền cấp khu vực, chứ không phải với trung ương.

Hệ thống bảo trợ - khi các quan chức Trung Quốc dâng hiến lòng trung thành cho cấp trên để đổi lấy địa vị chính trị hay phần thưởng đáng giá - vẫn không thể bị diệt trừ. Những mạng lưới cá nhân mở rộng khắp trong đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương. Chỉ có số ít lãnh đạo địa phương “miễn nhiễm” sự lôi kéo từ những mạng lưới khu vực ấy, và không ai có thể giữ vững quyền lực lâu dài nếu nền tảng quyền lực địa phương của họ không còn. Căng thẳng giữa trung ương và các tỉnh sẽ vẫn là một trong những nguồn căng thẳng lớn nhất với các nhà lãnh đạo trung ương khi họ thương lượng chính sách quốc gia.

Các nhà lãnh đạo thế hệ thứ 5 sẽ nắm giữ nhiệm sở với rất ít kinh nghiệm theo đúng nghĩa gánh vác công việc quốc gia đại sự. Lãnh đạo cấp tỉnh được chuẩn bị khá tốt, nhưng cá nhân các thành viên chưa thể hiện rõ dấu hiệu của những khả năng lãnh đạo quốc gia thực sự. Người dân chỉ chứng kiến một số ít thành viên khả năng có mặt trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã thành công khi gánh vác sự kiện quan trọng (ví du như phản ứng của Tập Cận Bình với bão Bilis, cách xử lý của Vương Kỳ Sơn với đại dịch SARS và Olympic Bắc Kinh); một người duy nhất có kinh nghiệm quân sự (Tập Cận Bình, dù ít ỏi) và ít người khác thể hiện sự độc lập, mạnh mẽ trong phong cách lãnh đạo (Vương Kỳ Sơn và Bạc Hy Lai).

Điều đó không có nghĩa thế hệ lãnh đạo thứ năm được trù định là yếu kém. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường có chiến lược “ẩn mình”, không phô bày mọi điểm mạnh tới khi cần thiết.

Lãnh đạo quân sự

Sau công cuộc cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình, giới quân sự Trung Quốc bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của họ để tham gia công nghiệp và kinh doanh. Các nhà chỉ huy quân sự đã bổ sung vào ngân sách chính phủ cung cấp từ đế chế kinh doanh của họ. Cuối cùng, chính phủ trung ương và lãnh đạo đảng trở nên lo lắng rằng, những liên minh quân sự - chính trị - kinh doanh sẽ trở nên gắn bó với lợi ích của họ và đối tác nước ngoài hơn là Bắc Kinh.

Vì thế, khi Giang Trạch Dân tiến hành cuộc cải tổ toàn diện quân sự những năm 1990, ông đã kêu gọi tái cơ cấu và hiện đại hóa (bao gồm việc cắt giảm lực lượng bộ binh đồ sộ và thúc đẩy các đơn vị khác), đồng thời yêu cầu giới quân sự ngừng quan tâm đến kinh doanh. Mặc dù các nhà chỉ huy ban đầu miễn cưỡng tuân theo, nhưng cuối cùng mô hình kinh doanh do quân sự kiểm soát đã kết thúc.

Bù đắp tổn thất lợi nhuận và tái thiết quân sự, chính phủ trung ương bắt đầu tăng cường cung cấp ngân sách tập trung vào mua sắm thiết bị mới, công nghệ cao hơn, đào tạo cũng như tổ chức để nâng cao tính chuyên nghiệp. Quá trình hiện đại hóa đã đem lại cho quân sự ý thức mới về mục tiêu và sức mạnh, mang lại vai trò lớn hơn cho Hải quân Quân đội Trung Quốc (PLAN), Không quân (PLAAF), và Nhị pháo (Đơn vị tên lửa chiến lược).

Ảnh hưởng quân sự dường như tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây vì những lý do sau:

- Sứ mệnh duy trì ổn định nội địa tại Trung Quốc trong một số trường hợp quan trọng đã chứng kiến vai trò chủ chốt của lực lượng vũ trang. Thảm họa tự nhiên như lụt, động đất đặt ra yêu cầu với giới quân sự trong việc hỗ trợ, cung cấp viện trợ, đem lại sự chú ý ngày càng lớn với kế hoạch quân sự và vì thế cải thiện được các nỗ lực tuyên truyền, xây dựng hình ảnh, danh tiếng của quân đội với người dân. Đồng thời, bất ổn xã hội ngày càng tăng cũng đòi hỏi quân đội tham gia giải quyết vấn đề ngày một lớn hơn.

- Khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những ràng buộc quốc tế theo đó cũng gia tăng. Trung Quốc phụ thuộc vào sự ổn định và an ninh của các hệ thống cung cấp nhằm duy trì nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô, linh kiện phục vụ xuất khẩu và hàng hóa thành phẩm. Phần lớn vận chuyển hàng hóa và giao dịch thương mại diễn ra trên biển, nghĩa là rất dễ tổn thương bởi sự can thiệp từ hải tặc, khủng bố, xung đột giữa các quốc gia nước ngoài hay can thiệp của lực lượng hải quân khác. Vì thế, PLAN cần mở rộng khả năng để đáp ứng sứ mệnh đảm bảo các nguồn cung cấp sống còn, mặt khác, những cú sốc kinh tế có thể gây bất ổn chính trị, xã hội. Chính sách này cũng cho phép PLA nắm giữ vai trò tích cực hơn trong nỗ lực gìn giữ hòa bình LHQ và các hoạt động quốc té khác, mở rộng sự tương tác cũng như quan hệ với quân sự nước ngoài…

- Cạnh tranh với các quốc gia bên ngoài ngày một sâu sắc khi Trung Quốc trở thành nước có nền kinh tế mạnh mẽ, địa vị nổi bật trên trường quốc tế. Trung Quốc đã trở nên quả quyết hơn trong việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng - đặc biệt ở Biển Đông, khu vực mà năm nay, Bắc Kinh đã khẳng định là “lợi ích cốt lõi” quốc gia cũng như trên biển Hoa Đông.

- Hiện đại hóa quân sự Trung Quốc vẫn là chính sách ưu tiên của quốc gia. Quá trình này bao gồm việc mua sắm và phát triển các loại vũ khí tiên tiến, cải thiện công nghệ thông tin và viễn thông, tăng cường khả năng trên biển và trên không, phát triển khả năng trong những lĩnh vực mới như chiến tranh ảo và không gian. Nó cũng gồm cả yêu cầu cải tổ tính linh hoạt của lực lượng vụ trang, phản ứng nhanh, cải tổ các lực lượng đặc nhiệm và khả năng kết hợp giữa các đơn vị khác nhau.

* Còn tiếp

  • Thái An (Theo Forbes)

Ý kiến của bạn

Các tin khác