"Hóa ra đại biểu cũng đứng về phía chính quyền?"

Cập nhật lúc 17:20, 29/10/2010 (GMT+7)

- "Luật quy định hàng tháng bộ trưởng và chủ tịch tỉnh phải tiếp công dân. Nhưng trong hơn 4 năm làm Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, tôi chưa từng thấy Bộ trưởng tiếp dân lần nào, toàn ủy nhiệm thứ trưởng. Thứ trưởng lại vỗ vai nhờ tôi xử lý giúp", ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) kể ở phiên họp tổ sáng nay (29/10) góp ý cho Luật khiếu nại.

Không đảm bảo tính khách quan

Chuyện của ĐBQH Bùi Sĩ Lợi "đụng" đến vấn đề được tổ Thanh Hóa - Thái Nguyên mổ xẻ về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại công dân, hạn chế tình trạng đơn thư chạy lòng vòng không có điểm dừng.

Mô tả ảnh.
ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Dự thảo Luật chỉ là tách cơ học Luật khiếu nại và Luật tố cáo. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bàn đến Luật khiếu nại cũng là dịp để nhiều ĐBQH giãi bày những bức xúc về tình trạng khiếu kiện đông người, nhất là vòng luẩn quẩn bế tắc của việc không ai chịu trách nhiệm cuối cùng, khiến cơ quan công quyền luôn bị mang tiếng là "vô cảm, thiếu trách nhiệm".

"Người dân nhiều khi vẫn biết ông A, ông B chịu trách nhiệm chính, nhưng họ vẫn cứ gửi đơn thư lòng vòng đến nhiều nơi, nhiều cấp để tạo áp lực", ĐBQH Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) phân tích.

Đại biểu Quốc hội chính những người được dân tin tưởng gửi gắm đơn thư nhiều nhất.

Một số tình huống, ĐBQH có thể "tác động" để thúc đẩy tiến độ xử lý. Nhưng đa số trường hợp đơn thư vẫn cứ "ách" lại.

"Đến nỗi có người dân còn nói, ông Cuông trên diễn đàn QH nói gay gắt thế mà rồi không đứng ra giúp giải quyết đơn thư khiếu nại cho dân. Hóa ra ĐBQH cũng đứng về phía chính quyền", ông Cuông kể lại.

ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cho rằng, Luật khiếu nại lần này vẫn chưa giải quyết được rốt ráo tình trạng đơn thư lòng vòng.

"Rồi dân đến nhiều lần thì lại giải quyết bằng cách chuyển về địa phương. Phải giải quyết khiếu nại sao cho hiệu quả ngay từ lần đầu để tạo tín nhiệm cho người dân. Nếu để người đi khiếu nại nhiều lần sẽ gây ác cảm", ông Đồng phân tích.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng thắc mắc, không hiểu sao trong Luật vẫn chưa nói rõ cách xử lý những trường hợp không giải quyết đơn thư của dân.

Theo ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên), cơ chế giải quyết khiếu nại hiện nay không đảm bảo tính khách quan. Người bị khiếu nại cũng đồng thời là người đứng ra nhận đơn thư và giải quyết.

Sửa Luật đất đai

80% các vụ khiếu nại hiện nay liên quan đến đất đai, vì thế điều mà các ĐBQH cho rằng phải làm khẩn thiết là cần song song sửa Luật đất đai mới mong giải quyết được tình hình. Bởi Luật khiếu nại chỉ đưa ra cơ sở pháp lý về thủ tục giải quyết, trong khi gốc rễ căn cơ chính là những vấn đề liên quan đến đất đai.

Theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, khiếu nại diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao.

Nói như ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, đơn thư khiếu nại gửi đến Thanh tra Chính phủ đã chất cao như núi. Kèm theo đó là thực tế chưa được pháp luật thừa nhận về những vụ việc khiếu kiện đông người (cũng chỉ liên quan đến đất đai).

Liên quan đến quy trình, thủ tục, ĐB - luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói, cần phải có quy đinh rõ, cơ quan hành chính nhận đơn thì phải có trách nhiệm với công dân, phải ra quyết định đàng hoàng chứ không phải chỉ bằng công văn. "Nếu ra công văn thì tòa không xử được. Tòa xử lý là xử quyết định hành chính chứ không xử công văn", ông Trừng nói.

Dự án Luật khiếu nại được tách ra từ Luật Khiếu nại, tố cáo và trình lần đầu tại kỳ họp này.

  • L.Nhung - C.Nhật

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác