"Chạy chức, chạy quyền đã thành "đấu thầu" cán bộ"?

Cập nhật lúc 11:14, 29/10/2010 (GMT+7)

- Góp ý cho dự thảo các văn kiện trình ĐH Đảng XI tại phiên họp tổ ngày 28/10, ĐB Lê Văn Cuông cho rằng phải thay đổi cơ chế bầu chọn cán bộ. Có dân chủ thì mới có được cán bộ đủ năng lực phẩm chất.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> ’Đảng không nên quyết tất cả’

"Có bắt được đâu mà xử"

Từ khóa XI, ông Lê Văn Cuông (ĐB Thanh Hóa) đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung về nạn chạy chức, chạy quyền. Khóa này, ông tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Văn Tuấn hai lần nữa. "Dư luận rất đồng tình, nhưng mọi người bảo tôi chất vấn mãi mà chẳng thấy chấn chỉnh gì, thậm chí chạy chức quyền còn phát triển mạnh. Suy cho cùng là bởi vì không có giải pháp mạnh. Người dân bây giờ gọi là "đấu thầu" cán bộ chứ không chỉ là "chạy" nữa".

Theo ông Cuông, những giải pháp như "xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ tham nhũng, xử lý nghiêm những người bao che..." hay "có chế tài xử lý nghiêm các loại chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân chương…" là không khả thi "bởi ít người "lộ" lắm".

"Có bắt được đâu mà xử. Cơ chế như hiện nay chỉ béo bở cho những người biết chạy, tích cực chạy. Phải thay đổi cơ chế, áp dụng cách thức bầu chọn dân chủ thì mới có được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất", ông Cuông tha thiết.

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Lân Dũng: Ở ta chỉ mới "cấp dưới phục tùng cấp trên". Ảnh: Hoàng Long

Các ĐB Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam), ĐB Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) lo lắng khi người dân sụt giảm niềm tin "cứ thấy cán bộ chạy xe hơi là dân bảo ông này tham nhũng. Họ đồn đại đồng chí này có bao nhiêu tiền, đồng chí kia có con thăng tiến quá nhanh, người nhà đồng chí nọ nắm các ngành kinh tế chủ đạo".

Kiến nghị của ĐB Trịnh là những người nào có dính dáng đến tham nhũng, dù nhiều hay ít thì cũng không được vào Trung ương khóa tới.

Vấn đề dân chủ trong Đảng khiến ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) ưu tư: "Tôi thấy trong một đơn vị, chẳng ai dám phê thủ trưởng cả, cùng lắm chỉ phê không giữ gìn sức khỏe. Lẽ ra cơ chế phải là thủ trưởng sợ trừng phạt, chứ không thể chỉ trông đợi vào cái tâm, cái tự giác".

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) thì cho rằng, Đảng có hai nguyên tắc: cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, nhưng dường như ở ta mới chỉ áp dụng nguyên tắc phục tùng, nên không phát huy được trí tuệ đảng viên.

Cùng suy nghĩ đó, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị nên chăng áp dụng nguyên tắc "dân chủ tập trung" thay vì "tập trung dân chủ".

Phân tích thực tế ban chấp hành được đại hội bầu, lẽ ra đó mới là cơ quan có quyền quyết định cao nhất giữa hai kỳ đại hội, nhưng ở ta, vai trò lãnh đạo quá tập trung vào thường trực, thường vụ, còn đưa ra ban chấp hành thì mức độ thảo luận rất ít, ông Hải lo ngại "chỉ dựa vào cái tập trung thì không sáng tạo, rất dễ dẫn đến áp đặt, và thực tế đã chứng minh nhiều sự áp đặt thất bại".

’ĐB
Ảnh: Lê Anh Dũng

Dân chủ XHCN khác gì dân chủ khác?

Tiến thêm một bước, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) và ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) đặt vấn đề "Đến bao giờ Đảng thôi làm thay nhà nước?". Nói như ĐB Đào, "đã là ý tưởng do bí thư đưa ra thì cứ thế mà thực hiện, dẫn đến tình trạng lãnh đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Dẫn câu chuyện từ bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" như cuộc đấu tranh gian nan để xoá bỏ sự áp đặt về tư duy, tư tưởng, ông Đào bày tỏ: "Tôi nghĩ điều nhân dân muốn tôi nói thay là Đảng đừng làm thay nhà nước nữa. Đảng chỉ ra đường lối, chỉ ra những ý tưởng cơ bản, còn thực hiện như thế nào, hãy để nhân dân. Rồi Đảng có thể từ thực tiễn của nhân dân tổng kết thành lý luận của Đảng, làm sáng tỏ hơn thực tế".

Nhiều vấn đề lý luận được các ĐB đưa ra bàn thảo, đề nghị trong Cương lĩnh phải có giải thích các khái niệm để không chỉ đảng viên mà toàn dân có thể hiểu được những định hướng mạch lạc, thực tiễn, khả thi của Đảng.

ĐB Vũ Quang Hải và Phạm Thị Loan (Hà Nội) băn khoăn về nội hàm của nền kinh tế thị trường XHCN và dân chủ XHCN.

"Dường như ta vẫn né tránh vấn đề này. Có khi ở trong nước ta tự nhận ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng khi ra nước ngoài lại chỉ là kinh tế thị trường thôi. Vậy khác nhau thế nào? Rồi dân chủ XHCN khác các dân chủ khác thế nào. Tôi thấy rất trừu tượng, nếu không làm rõ những khái niệm thì sẽ chỉ mang tính khẩu hiệu, bản thân đảng viên cũng không hiểu nổi".

ĐB Nguyễn Ngọc Đào thì không biết khi đảng viên đã được làm kinh tế thì có sai với lý tưởng đảng viên không được bóc lột không? "Đảng viên làm chủ doanh nghiệp, sử dụng lao động có là bóc lột không? Cụm từ “bóc lột” hiện nay được hiểu thế nào? Đây là một phạm trù khoa học rất lớn mà trong văn kiện này chưa giải thích".

  • K.Linh - V.Anh - L.Anh - T.Chung

Ý kiến của bạn

Các tin khác