Các nhà báo, chuyên gia Mỹ nhìn nhận về phát biểu tuần trước ở Hà Nội của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.
>> Ngoại trưởng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa Mỹ vào cuộc tranh chấp quốc tế phức tạp về một chuỗi đảo ở Biển Đông. Trung Quốc và các nước châu Á lân cận từ lâu đã có những cạnh tranh xung quanh tuyên bố rằng ai là người kiểm soát các hòn đảo có vị trí chiến lược này.
Phát biểu trong một cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Hà Nội, Việt Nam, bà Clinton khẳng định, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Hãy xem các nhà báo, chuyên gia nhìn nhận những gì đang xảy ra, tầm quan trọng của vấn đề và những gì có thể tiếp diễn.
Chương trình nghị sự gây hấn của Trung Quốc: "Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã “đấu khẩu” với những quốc gia Đông Nam Á về việc kiểm soát hơn 200 đảo nhỏ, đá và các mũi cát nhô lên trong vùng biển này”, Mark Landler của New York Times giải thích.
"Tham vọng hàng hải của Trung Quốc đã được mở rộng cùng với sức mạnh kinh tế và quân sự nước này. Họ từ lâu tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông vì đó là những khu vực giàu trầm tích dầu mỏ và khí tự nhiên. Trung Quốc cũng “thẳng thắn” tuyên bố với các quan chức Mỹ là sẽ không chấp thuận sự can thiệp của nước ngoài vào vùng biển mà họ cọi là “lợi ích cốt lõi” của chủ quyền”.
Ngoại trưởng Hillary Clinton: Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao chung của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền mà không có sự ép buộc nào. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngoại trưởng Mỹ Clinton không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng Trung Quốc vẫn tức giận. Cara Anna của hãng AP viết rằng: Mỹ không ủng hộ bất kỳ nước nào trong chuyện tuyên bố chủ quyền, nhưng bình luận của bà Clinton sẽ vẫn làm Trung Quốc tức giận. Nước này luôn duy trì khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và khăng khăng yêu cầu giải quyết tranh chấp trực tiếp với các nước tuyên bố chủ quyền khác tại Biển Đông nhưng tránh xa vũ đài quốc tế.
Xây dựng hợp tác khu vực tại Thái Bình Dương. Jay Solomon của Wall Street Journal giải thích về chương trình nghị sự của Mỹ. "Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đang nỗ lực làm việc để thiết lập một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia châu Á về chủ quyền Biển Đông”, ông bình luận.
“Mỹ với vai trò là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và là một cường quốc thương mại, đang ngày càng quan ngại về cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền…Những tranh chấp làm phát sinh mối lo lắng rằng, Trung Quốc với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng có thể tìm kiếm vị trí bá chủ tại vùng biển châu Á".
Nhà báo Jonathan Adams của AOL News đánh giá quan hệ Mỹ - Việt đang ấm dần. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chiến lược tăng cường hải quân trong lâu dài của Trung Quốc. Robert Kaplan viết trên Foreign Affairs về mục tiêu trong thế kỷ 21 của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh hải quân và ảnh hưởng của nó để mở rộng tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài Đông Á.
"Trung Quốc sẽ hướng tới việc trình diễn sức mạnh ở nước ngoài thông qua lực lượng hải quân… Trung Quốc sở hữu bờ biển dài khoảng 9.000 dặm với các hải cảng tự nhiên thuận lợi, là một cường quốc trên biển cũng như trên đất liền. Tầm với thực sự của Trung Quốc vươn từ Trung Á - với sự giàu có về khoáng sản và hydrocarbon, tới những tuyến vận chuyển hàng hải chủ chốt của Thái Bình Dương”.
Hâm nóng quan hệ Mỹ - Việt. Nhà báo Jonathan Adams của AOL News đánh giá kết quả từ động thái của Ngoại trưởng Mỹ: "Quan hệ giữa hai nước đang ấm dần. Hai nước có mối quan ngại chung về chiến lược mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cùng chung mục tiêu là tăng cường thương mại và đầu tư”.
-
Diệu Thúy dịch