Tòa địa phương phải thoát "vòng kim cô"

Cập nhật lúc 17:00, 10/05/2010 (GMT+7)

- Khi việc bổ nhiệm thẩm phán vẫn phải qua cấp ủy, tòa án muốn xin khoản này, khoản kia vẫn phải chờ ở trên phê duyệt, thì thẩm phán toà án huyện, tỉnh khó lòng "bác" một quyết định sai trái của vị chủ tịch ủy ban, cho dù quyết định đó ảnh hưởng đến người dân.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa: LN

Những lo ngại trên được đưa ra tại phiên thảo luận ở Ủy ban Thường vụ QH sáng nay (10/5) về Luật tố tụng hành chính.

Đơn thư chạy lòng vòng

Dự án luật này được đưa ra với kỳ vọng sẽ giúp xử lý những oan sai liên quan đến các quyết định hành chính (cưỡng chế nhà, đất đai, buộc thôi việc...) ảnh hưởng quyền lợi của người dân, vốn lâu nay bị bỏ quên.

Theo Pháp lệnh hiện hành, muốn gửi đơn lên tòa án để yêu cầu giải quyết một vụ việc, người dân trước tiên phải qua một khâu bắt buộc là gửi đơn khiếu nại lên cơ quan hành chính. Tòa án chỉ vào cuộc sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại mà dân vẫn thấy chưa thỏa đáng.

Nhưng, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, có một thực tế là các cơ quan hành chính khi nhận đơn thư khiếu nại thì chuyển lòng vòng, không thực hiện đúng trách nhiệm.

"Đó là một sự xấu hổ của hệ thống hành chính, không có một nền hành chính nào lại làm như vậy", ông Thuận nói.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, về lý thuyết, nền hành chính phục vụ là nền hành chính mà mọi việc liên quan đến dân đều phải làm đến cùng vì lợi ích nhân dân chứ không phải làm cho hết trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đưa ngay dẫn chứng, năm 2008 cả nước chỉ giải quyết được 650 vụ khiếu nại, tố cáo. Nhưng hơn một nửa trong số đó còn sai sót. Điều đó chứng tỏ dù dân muốn cũng không dễ gì gửi đơn lên tòa xin giải quyết được ngay.

Vì thế, Thường vụ Quốc hội kiến nghị ban soạn thảo nên để ngỏ hai khả năng.

Đó là, người dân khi bức xúc với những quyết định hành chính hoặc vi phạm hành chính của một tổ chức nào đó, thì có quyền hoặc gửi đơn thư khiếu nại đề nghị xem xét lại, hoặc khởi kiện thẳng lên tòa. Như vậy, người dân sẽ không phải mệt mỏi chờ đợi gửi đơn thư khiếu nại, chờ đợi được giải quyết. Để rồi cuối cùng vẫn phải kiện lên tòa án vì vụ việc không được xử lý thoả đáng.

Điều khiến Thường vụ Quốc hội quan tâm, đó là chừng nào tòa án còn chưa có được vị thế độc lập, cả về bổ nhiệm nhân sự lẫn ngân sách, chừng đó dân vẫn phải vác đơn chạy lòng vòng.

"Vòng kim cô"

Nói như ông Trần Thế Vượng, giả sử trong một vụ án khiếu kiện về tranh chấp nhà cửa, chủ tịch huyện ra phán quyết cưỡng chế thu hồi nhà không đúng pháp luật. Đem ra tòa xử, đường đường là một quyết định sai. "Nhưng ai dám bảo ông chủ tịch huyện là quyết định đó sai, phải hủy?", ông Vượng đặt câu hỏi.

Vị Trưởng Ban Dân nguyện nói, ông không thể hình dung được việc tòa án ở huyện, tỉnh có thể yêu cầu các vị chủ tịch huyện, tỉnh phải thu hồi lại những quyết định hành chính sai. Nhất là khi bổ nhiệm cán bộ địa phương đều phải qua cấp ủy. Hơn nữa, muốn mở tòa lưu động hay làm việc gì cần đến kinh phí vẫn phải xin chính các vị chủ tịch đó.

Những rào cản này khiến Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hầu như đang dậm chân tại chỗ. Còn ông Vượng gọi đây là một "vòng kim cô" ai cũng nhận ra, nhưng lúng túng, rồi cứ thế gác lại.

"Nhiều vụ án dưới địa phương phải đem hồ sơ lên Tòa án Tối cao để đảm bảo quyền và tính độc lập của thẩm phán", bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến trên để chỉnh sửa và hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác