Ngành tòa án "làm phờ phạc cũng không hết việc"
- Người cuối cùng đăng đàn trước UBTVQH chiều 19/3 - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình - cho hay ngành của ông “làm ngày đêm cũng chỉ giải quyết được 1/3 công việc”.
Chánh án TANDTC đã nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề án oan sai và hủy sửa, án tồn đọng và tình trạng thiếu thẩm phán.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Hải nêu vấn đề: Riêng trong lĩnh vực đất đai, số án bị tòa phúc thẩm hủy và sửa năm ngoái là 11,5%, trong khi toà án thụ lý hơn 20.000 vụ, nghĩa là có khoảng 2.000 vụ bị hủy hoặc sửa.
Tuy ngành tòa án đã cố gắng giải quyết được đến 79%, và thực tế là có quá ít thẩm phán (trung bình mỗi người phải xử lý 150 vụ mỗi năm, trung bình hai ngày một vụ), đó vẫn là con số cao.
Ông Hải muốn biết trong chương trình làm việc từ nay đến hết nhiệm kỳ QH, Chánh án có cách nào giảm bớt những vụ án phức tạp, kéo dài, gay gắt, oan sai không, bởi “thời hiệu thì vô hiệu, nhưng nỗi oan thì không vô hiệu”.
Chánh án TANDTC: Một năm tôi xem xét giải quyết hơn 1.000 đơn án nhạy cảm, bức xúc. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh giải pháp nâng cao chất lượng thẩm phán thông qua quá trình đào tạo từ bậc đại học, đào tạo nghiệp vụ xét xử, sự rèn luyện của mỗi người, đào tạo nâng cao ở trình độ chuyên gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đặt câu hỏi tuy ngành tòa án mới giải quyết được gần 40% đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, nhưng cũng có hàng ngàn vụ bị kháng nghị. Vậy ngoài các yếu tố liên quan đến công tác tố tụng, ngoài trình độ của thẩm phán thì còn nguyên nhân nào khác, ví dụ như cố ý làm sai.
Ông Bình cho rằng nguyên nhân chủ quan là không loại trừ, vì vậy cần đảm bảo thực hiện tốt trình tự tố tụng để khắc phục từ sơ thẩm đến phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; nâng cao kỷ luật ngành và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo ông Bình, "tiêu cực chắc là có nhưng phổ biến thì không, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh".
Tuy nhiên ông Bình khẳng định ngành tòa án có “làm việc hết công suất ngày đêm cũng chỉ giải quyết được một phần ba công việc”, thế nên lãnh đạo ngành cũng thấy ngạc nhiên không hiểu làm sao có thể giải quyết được 40%. Ông Bình cho biết cán bộ ngành đã phải làm thêm cả thứ 7, chủ nhật, “làm hết sức, làm phờ phạc” mà vẫn không thể giải quyết hết.
Ông Bình chia sẻ rằng ông cũng đã “làm hết sức”: “Ngoài công việc điều hành chung hàng ngày, tôi nghiên cứu 2-3 vụ án, đã qua các cấp thẩm định, đã cô đọng lại rồi mà vẫn mất hai - ba tiếng đồng hồ một vụ”.
Chánh án TANDTC cũng cho hay ông trực tiếp xem xét giải quyết các vụ án nhạy cảm, bức xúc, dư luận đang quan tâm: “Một năm tôi xem xét giải quyết khoảng hơn 1.000 đơn án loại này, năm qua trực tiếp xem xét kháng nghị trên 200 vụ”.
ĐB Nguyễn Văn Thuận cũng đặt câu hỏi tương tự “liệu có lý do nào khác” với thực trạng đơn thư khiếu nại tồn đọng nhiều không được giải quyết, dẫn đến tình trạng “khi rờ đến thì hết thời hiệu kiến nghị giám đốc thẩm rồi”.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết cũng có người hỏi ông có phải tòa “găm” án để đến hết thời hiệu không. Ông Bình khẳng định đây không phải chủ trương của Tòa án và Viện kiểm sát, nếu có cũng không phổ biến.
Với nguyên nhân cơ bản mà ông Bình nhấn mạnh là đội ngũ thẩm phán các cấp còn thiếu và yếu do khó khăn trong việc tìm người, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng muốn biết trong hơn 10 năm qua, ngành tòa án đã khắc phục như thế nào.
Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng giải quyết vấn đề này phải đi từ nguyên nhân chính: Chính sách thu hút gồm lương, chế độ, địa vị xã hội đối với thẩm phán, còn đang là vấn đề phải suy nghĩ.
“Lương thì thấp, chế độ chính sách chưa rõ ràng”, ông Bình nhận định. Theo ông, cần thêm chính sách về lương để mức sống của thẩm phán phải ở mức khá so với xã hội.
Ngoài ra còn phải có chính sách điều động hợp lý sao cho các thẩm phán chịu về vùng sâu vùng xa. “Thời buổi này, vào làm công chức nhà nước là người ta nghĩ đến phải có nhà cửa, phương tiện, không có thì khó thu hút”.
-
Thủy Chung