Để dân kiện quan không còn giống "con kiến kiện củ khoai"

Cập nhật lúc 21:38, 18/06/2010 (GMT+7)

- Thảo luận tại Hội trường về dự Luật tố tụng hành chính sáng nay (18/6), nhiều đại biểu, trong đó có những người nằm trong bộ máy tư pháp, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho dân khiếu kiện hành chính và đảm bảo cho tòa án xét xử độc lập.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
>> Nhờ luật, chủ tịch tỉnh có dám hầu tòa?

Cần Tòa hành chính

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhấn mạnh điều khó nhất trong luật này chính là chỗ phải bảo vệ công dân trong mối quan hệ với Nhà nước, mà công dân luôn ở vị trí yếu thế.

"Dân ta thường nói "con kiến mà kiện củ khoai". Rất nhiều vụ khiếu nại đến tay tôi, tôi khuyên người ta nên đi khởi kiện thì họ đều từ chối", ông Xuân cho hay.

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Đình Xuân: "Dân ta thường nói "con kiến mà kiện củ khoai" và rất nhiều vụ khiếu nại đến tay tôi, tôi khuyên người ta nên đi khởi kiện thì họ đều từ chối". Ảnh: Lê Anh Dũng

Trưởng Đoàn luật sư TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng nêu thực tế cơ quan hành chính, công chức khi có hành vi hành chính làm thiệt hại quyền lợi công dân, công dân khiếu kiện các quyết định đó nhưng "chính cơ quan hành chính này, công chức này đứng ra giải quyết thì dân sẽ không tin".

"Cho nên, rất cần thiết phải có một cơ quan thứ ba, đó là Tòa hành chính".

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ đề xuất quy định cho phép người khởi kiện chọn tòa án xét xử khiếu kiện của mình không cùng lãnh thổ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hành chính.

Ông Độ lấy ví dụ "nếu khởi kiện quyết định của tòa án quận Đống Đa thì tòa án cơ quan hành chính quận này có thể khởi kiện sang tòa án quận Hoàn Kiếm hoặc của tỉnh A có thể khởi kiện sang tỉnh B. Có như vậy thì tòa án mới độc lập tuyệt đối trong việc xét xử".

Tòa phục vụ dân hay dân phục vụ tòa?

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, nhiều đại biểu chia sẻ với quan điểm tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định đối với một số lĩnh vực mà ban soạn thảo cho là "có tính chuyên môn cao" như quản lý đất đai, xây dựng, thuế, sở hữu trị tuệ thì phải thông qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện.

Ông Nguyễn Đăng Trừng nói quy định này không có cơ sở: "Hoạt động xét xử của tòa án phục vụ nhân nhân hay nhân dân phải phục vụ việc xét xử của tòa án?"

Mô tả ảnh.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng: "Tôi hình dung là bà con nhân dân cả nước đang đi rất nhanh, gần như chạy mà Tòa án nhân dân tối cao lại đi từ từ". Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, quy định như dự thảo luật thì có những khó khăn nhất định.

"Người dân có thể lựa chọn nhưng sự lựa chọn đó phải hoàn toàn theo tinh thần tự do, dân chủ chứ không phải chúng ta bắt buộc họ đi đường vòng... Qua thực tiễn theo dõi, tôi thấy không phải người dân muốn ra tòa ngay đâu", bà Thu Ba nói.

"Nếu trong thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan hành chính không giải quyết, người dân được quyền kiện ra tòa hành chính, theo tôi nên đi theo con đường đó. Chúng ta không nên phân biệt lĩnh vực này khiếu nại trước giải quyết sau vì đó là cuộc đánh đố với công dân, tổ chức và đánh đố ngay với chính cơ quan hành chính Nhà nước".

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng

Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhận định tòa án chính là cơ quan giải quyết khiếu kiện chuyên nghiệp, và "con đường ra tòa là con đường dân chủ và chuyên nghiệp nhất". Với điều kiện là tòa án độc lập, chất lượng tòa án được nâng lên, bà Thu Ba hy vọng "con đường này là tiến bộ và tốt nhất cho người dân".

Cũng cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng ràng buộc điều kiện của người dân phải khiếu nại hành chính trước khi kiện ra tòa là "hạn chế quyền lựa chọn của người dân".

"Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính hiện nay giống như muốn đi từ Vinh ra Hà Nội thì có 2 phương tiện tàu hỏa và ô tô, bạn có thể chọn đi hoàn toàn bằng tàu, nhưng nếu chọn đi ô tô thì trước hết bạn phải đi tàu, đến một ga nào đó mới xuống rồi mới được đi ô tô, còn không được đi hoàn toàn bằng ô tô".

Quy định như vậy, theo bà Nga là rất bất hợp lý, nhất là khi gần 80% khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai.

Do đó, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị bỏ quy định về điều kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính phải qua thủ tục khiếu nại tại điều 67 dự thảo. Trong trường hợp bỏ quy định, người dân sẽ có ba con đường để lựa chọn.

Thứ nhất, hoàn toàn bằng con đường ở cơ quan hành chính. Thứ hai, hoàn toàn bằng con đường tòa hành chính. Thứ ba, giải quyết bằng con đường khiếu nại hành chính nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết, đều có thể khởi kiện ra tòa theo đúng cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

  • C.Nhật - V.Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác