Nhờ luật, chủ tịch tỉnh có dám hầu tòa?

Cập nhật lúc 05:54, 05/06/2010 (GMT+7)

- Liệu luật có thể tạo ra văn hóa một thủ trưởng cơ quan hành chính, một chủ tịch tỉnh hay huyện dám đứng ra hầu tòa không? - Câu hỏi của Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Tiến Dũng khi thảo luận về dự luật Tố tụng hành chính chiều 4/6.

>> Nóng bỏng nghị trường

Thẩm phán dũng cảm

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga: Có thể có những nể nang vì thẩm phán do cấp ủy bổ nhiệm. Ảnh: TC
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga: Thẩm phán có những lo ngại nhất định, vì bổ nhiệm thẩm phán phải xin ý kiến cấp ủy. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, do thói quen nghĩ "dân kiện quan ra tòa, dễ gì dân thắng" nên vướng mắc mà Luật Tố tụng hành chính cần vượt qua chính là tâm lý người dân.

Bà Nga khẳng định suy nghĩ trên có cơ sở vì hệ thống tòa án hiện nay tổ chức theo đơn vị hành chính.

Mặc dù tòa án hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nhưng quy trình bổ nhiệm thẩm phán có bước phải xin ý kiến cấp ủy. Mà cấp ủy là ai? Cấp ủy có phó chủ tịch UBND cùng cấp, là phó bí thư của cấp ủy đó. Thế nên ít nhiều thẩm phán cũng có những lo ngại nhất định.

“Nếu như thẩm phán dũng cảm thì sẽ loại bỏ được chuyện này, nhưng không phải thẩm phán nào cũng dũng cảm”, bà Nga nói.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh cũng cho rằng điểm đáng chú ý lớn của luật, đó là cho phép công dân có quyền khởi kiện bất cứ nơi nào mà không phải qua thủ tục hành chính mới đến tòa án.

Thực tế từ trước đến nay vướng như thế. Đơn từ chạy loanh quanh, chuyển đi đâu dân không biết. Luật sẽ là bước tiến lớn về cải cách tư pháp”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình dự thảo luật quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính mà đề xuất thỏa thuận nhưng không bắt buộc. Hai bên có thể kéo nhau ra tòa, nhưng đến phút chót tại tòa có thể rút lại quyết định khởi kiện thông qua hòa giải, thương lượng.

Chúng ta có thể đồng ý cho thủ tục thỏa thuận giữa bên khởi kiện và bên bị kiện nhưng không là thủ tục bắt buộc. Cơ chế đó rõ ràng, minh bạch hơn, giải quyết được nhiều vấn đề. Việc con kiến đi kiện củ khoai khó lắm, đây là dân đi kiện quan. Thực chất hòa giải càng nhiều càng tốt”, ông nói.

Cần cơ quan cưỡng chế thi hành?

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: Liệu luật có thể tạo ra văn hóa mà một thủ trưởng cơ quan hành chính, một chủ tịch tỉnh hay huyện dám đứng hầu tòa không?

Mô tả ảnh.
ĐB Ngô Văn Minh (phải): Luật sẽ là bước tiến lớn về cải cách tư pháp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông đề xuất luật phải buộc trách nhiệm chủ động của người đứng đầu cơ quan hành chính, nếu không, “chủ tịch huyện muốn giữ uy tín chả bao giờ muốn ra tòa cả… để rồi dân lại đứng giữa đường”. Đại biểu của Hà Tĩnh cho rằng luật cũng chưa chú ý vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong việc đảm bảo tuân thủ quyết định của tòa án một cách khách quan.

Các phán quyết theo Luật tố tụng dân sự và hình sự hiện nay đều có cơ quan thi hành án, nhưng tố tụng hành chính là một hình thức đặc biệt vì liên quan đến việc lãnh đạo các cấp phải hủy hay không hủy các quyết định hành chính. Câu hỏi đặt ra: Liệu có cần một cơ quan cưỡng chế thi hành không?

Theo bà Lê Thị Nga, trước mắt, Chính phủ có thể lập một cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các phán quyết của tòa hành chính. Bà không ủng hộ đưa viện kiểm sát vào quá trình tố tụng hành chính, vì việc này về cơ bản là “dân kiện nhà nước”. Viện kiểm sát lại là cơ quan công tố, không thể tham gia kiện nhà nước.

Trong tình huống phán quyết của tòa hành chính sai thì cần một cơ chế và trình tự đặc biệt để giải quyết do án hành chính là loại án đặc biệt.

Bà Nga dẫn lại lời Phó Chủ tịch QH khóa trước Nguyễn Văn Yểu rằng “trên thế giới không có nước nào biết sai mà không sửa, đặc biệt những cái sai liên quan đến lợi ích của công dân. Không thể đổ lỗi cho luật, thậm chí phát hiện sai là cơ hội điều chỉnh cho luật đúng đắn…”.

  • Xuân Linh - Thủy Chung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác