Dấu Chân Online 14: Những ngọn gió rừng ma Hua Tát

Cập nhật lúc 10:14, 01/07/2010 (GMT+7)
Dấu chân Online
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 14: Những ngọn gió rừng ma Hua Tát
  • Những ngọn gió rừng ma Hua Tát
Tôi để ý tìm Hua Tát đã nhiều năm. Kể từ sau ngày đọc Nguyễn Huy Thiệp, tập “Mười truyện trong bản nhỏ” khi còn in trên các trang sách giấy đen, và kể từ lúc có cơ hội qua lại miền Tây Bắc. Vì nơi đó có các huyền thoại về “Trái tim hổ”, “Nàng Sinh”, “Chiếc tù và bị bỏ quên”, “Sói trả thù”… mà những nhân vật chính giờ đều đã hoá thành đất bụi và tro than cả, nhưng linh hồn họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau – cút nhà sàn. Như những ngọn gió.

Sách bảo, bản nhỏ cô đơn này chỉ nằm cách chân đèo Chiềng Đông chừng dặm đường thôi. Nhưng năm bảy lần thất vọng, chỉ thấy những Cò Nòi, Hua Min, Púng Khoai, Pom Co Đo, Luông Mé, Huổi Phù, Bó Ún… Cuối năm, một cú điện thoại từ Yên Châu gọi về, nói nơi này giờ gọi là bản Tà Vài, không giữ tên cũ nữa, và phải đi thêm khoảng ba chục cây mới tới được Chiềng Đông. Tôi lại mang ba lô ngược núi đồi lên Tây Bắc. Để vào Hoa Tát, để nghe những gì gió nói…



Giữa đêm, trong men rượu trắng lẩu xiêu buổi ban chiều, men rượu cần lẩu xá lúc đêm lên, mỗi lúc một ngấm vào từng thớ thịt, tôi loáng thoáng nghe thấy một tiếng hờn khóc vọng về, tức tưởi từ phía cửa sổ nhà sàn. Thẳng hướng đó chưa đầy trăm mét, là rừng Ma Hua Tát. Rừng Ma nổi tiếng thiêng, nơi hội tụ linh hồn trăm đời của bản, đàn ông can trường nhất Hua Tát đêm hôm một mình cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện bước chân vào. Trai tráng đã từng cuộc nhau một chiếc Simson cho người nào liều lĩnh làm việc đó, nhưng rốt cục không ai dám nhận. Tôi lờ mờ phỏng đoán, chắc tai mình nhầm vì trong đầu vẫn ong ong tiếng cồng chiêng suốt từ lúc trăng lên, mà cùng lắm thì tre nứa rừng già mượn sức của gió đêm, doạ người một chút. Tôi liếc nhìn ngọn đèn, Bí thư bản Quàng Lóng ý tứ đốt để cho khách ngủ, nhanh chóng thiếp đi.

Mới bảnh mắt, cố tình khoe cái tivi Samsung đen trắng chạy bằng ắc qui, Lóng mở oang oang. Thấy khách lồm cồm bò dậy, Lóng lại ý tứ tắt đi. Lần này thì không nhầm được nữa. Tiếng khóc vẫn âm ỉ vọng về, nhưng chỉ còn là tiếng nấc cụt của một người kiệt sức. Có ai đó đã ngồi khóc suốt đêm qua ở giữa rừng khuya.

Lóng dẫn tôi vào rừng ma Hua Tát. Đúng là cấm địa, không vết tích của sự sống cho dù được 124 nóc nhà sàn vây bọc xung quanh như một đường tròn, chu vi gần ba cây số. Cây rất cao, dây leo chằng chịt, không một tiếng động, chỉ có cành cây khô sụm xuống dưới chân người, và tiếng sương rơi choen choét trên mặt lá.

Rừng ma bỗng hơi cựa mình vì một cơn gió ban mai, hất vào tôi một thứ mùi chưa từng ngửi thấy. Tôi đột ngột nhớ lại mùi khét tóc cháy của những đêm coi sách khuya vô tình cúi sát vào ngọn đèn dầu. Không chỉ khét, nó có cả cái nhừa nhựa của mùi thuở trẻ con, bạn bè nặn mụn nhọt cho nhau rồi nghịch, quẳng luôn miếng gạc đầy máu mủ vào bếp lửa. Gió đã thổi cái mùi xác người bị thiêu cháy ám trên lá cây rừng ấy tới. Lóng ngó tôi tự nhiên sững lại bằng một cái nhìn bình thản. Người Thái đen Hua Tát có lệ thiêu người, và cái mùi thân thuộc này luôn luôn bay quanh bản, hoà cả vào trong hơi thở, trong nước uống, trong vò rượu uống hàng đêm.
rungma1.jpg



Người phụ nữ khóc đêm qua ngồi đó, che vải trắng trên đầu. Già Quàng Thị Ín, 103 tuổi, mất vừa được thiêu ngày hôm trước. Đêm đầu tiên tro than của thân xác cũ đặt trong rừng Ma, phải có một người thương già nhất canh giữ, cho cú chuột khỏi lục lọi, và để khoắn pí – hồn ma khỏi lạnh, ngỡ ngàng trước khi về với đất. Ai thương người quá cố thì được phép khóc thật nhiều, để linh hồn bay lên tầng trời trên cùng, thế giới của những người “ăn sương, ăn gió”, sống lang thang đây đó, đeo dao ở cổ, hoặc sống cùng với Then Luông trong những nhà sàn đẹp đẽ, rộng lớn “voi phi qua hàng cột”, trang trí toàn bạc và vàng; khóc nhiều để người mình thương không lạc lối xuống dưới mặt đất, ở Mường Ma với những người tí hon ăn lá mục, rễ cây. Người phụ nữ trùm khăn trắng trông mệt mỏi, hơi run vì sương lạnh, nhưng gương mặt đầy thanh thản.

Vừa đi, Quàng Lóng vừa rì rầm nói chuyện. Anh là một người tiến bộ. Anh vất vả nhiều. Lóng đã từng chạy nơi nọ nơi kia vay mượn, huy động bà con, bỏ cả tiền túi được ba triệu đồng, cho san phẳng một quả đồi năm 1998, dựng trường mở lớp. Trẻ con từ tận Nà Phiêng còn đi bộ xuống đây để học nhờ. Cho chữ về Hua Tát. Và Lóng đã nghĩ cả đến chuyện cho san phẳng rừng Ma, lấy chỗ trồng sắn, trồng ngô, nếu không thì rời cả bản đi nơi khác, vì ô nhiễm quá. Nhưng anh chưa dám nói với ai. Vì Lóng còn sờ sợ người già, cả những linh hồn bay trên các khau cút nhà sàn, như những ngọn gió.

Lóng không biết đấy thôi…
rungma2.jpg
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 14: Những ngọn gió rừng ma Hua Tát


Già Quàng Thị Ín mất đi, thì già Quàng Văn Xôm là cây rừng lớn tuổi nhất của Hua Tát. Già là người biết tiếng Kinh đầu tiên của bản. Từ thời đi đào củ mài, lính Pháp lên mới mang giống sắn lên theo, chèo thuyền xuôi sông Đà gần 10 ngày mới mang được gánh muối về, giờ đã tròn trăm tuổi mới có nhà báo đến chơi. Con chuột lông vàng trắng, già ôm trong tay, thỉnh thoảng lại vô tình bị bóp cho một cái, cứ rít lên the thé.

Khi già còn trẻ, Hua Tát nằm lọt thỏm giữa vòng vây núi Sắn Tênh Hươn, chỉ có mười bốn nóc nhà, rừng hoang ăn về tận cửa. Hạn hán thì mời già làng khiêng sọt tre, trong đựng những hình nộm, nào rồng nào rắn gọt bằng cây xương rồng, đi từ nhà này sang nhà nọ đứng dưới chân cầu thang xin mưa. Chủ nhà sẽ gói muối ớt ném vào sọt, té cho người xin mưa một ít nước dành dụm. Rồi rất cả ra bờ suối khô cạn, hát rằng: “Cho gì cũng xin, canh rau không muối cũng còn lấy, xin một hạt mưa to bằng quả trứng, rơi xuống làm chân mạ”… Người được mệnh danh là Quàng Hiên – già thông minh, cái gì cũng biết, cười, mắt lấp loáng sau cặp kính tự gò bằng thân máy bay Mỹ bị bắn rơi gần bản: “Tao bảo với mấy đứa trưởng tộc là bọn tao già rồi, khiêng cái sọt đi xin mưa nặng lắm. Chúng mày làm gì đi chứ? Bọn nó kéo lên huyện Yên Châu, nhờ ông Quàng Chỉnh, rồi xin được “một cái phi chính phủ” về. Năm năm nay chúng nó lôi nước từ mãi Đồng Nắm Sàn về được tận đây, người già không phải khiêng sọt nữa”.

Rồi già kể thêm về một huyền thoại của Hua Tát. Có một người khách lạ đến đây, đã dùng mẹo giết chết sạch loài thuỷ quái ở bến suối Huổi Lắc cạnh bản, chuyên đội lốt người tìm trẻ con ăn thịt, ai biết thì phân biệt được chúng ở điệu cười đỏ tươi mầu máu. Tên người anh hùng được đặt tên cho dòng suối. Người Hua Tát vốn biết nhớ ơn. Khi Nhà nước cho xây dựng cây cầu bắc qua dòng suối, các già làng đã bắt con cháu đổi tên bản, từ Hua Tát – thác đầu nguồn – thành Tà Vài – là qua suối bằng bè, lấy tay khoả nước. Đặt như thế để con cháu nhớ rằng, những người chỉ còn là tro than trong rừng Ma kia, đã sống suốt cả đời vất vả.

Quàng Hiên là một người cô đơn. Cha mẹ anh em đều đã mất trong trận dịch tả kinh hoàng năm già mới hai mươi tuổi, mà bây giờ hai chữ “tài hà” vẫn còn khắc trong lòng như một vết sẹo dài. Còn con già đều chết cả, sinh con ra mà không được nuôi đứa nào đến lúc trưởng thành. Cô đơn thì sao? Tuyệt tự thì sao? Sẽ phải có một ai đó chứ, thức với già đêm cuối cùng trong rừng Ma Hua Tát, khóc bằng tất cả sức lực để linh hồn già được sống trên cả tầng trời của những người khổng lồ như Chô Côm, Ải Lậc Cậc… được Then cử ra để xây dựng trần gian vào buổi sơ khai? Tôi nhìn con chuột đã ngủ ngon lành trong tay Quàng Hiên như một mảng nắng ấm…

Có điều Quàng Hiên chưa biết đấy thôi!

Hua Tát vẫn mang mang không khí huyền thoại, bởi sương mù phủ quanh năm, bởi mầu hoa nghệ trắng dành cho khách đường xa ngậm khi uống rượu để không say mà trò chuyện, vẫn nở lánh nhánh dưới thang gác nhà sàn. Người ta đợi tôi rất đông trong nhà Trưởng bản Quàng Sướng để gặp mặt, với những bộ quần áo bạc màu còn nguyên nếp gấp. Họ nhìn nhau cười rụt rè. Một người nói: “Nhà báo đi nhiều, thấy nhiều, đừng chê bản nhỏ, đói nghèo”. Họ không biết đấy thôi!

Cần phải viết thêm đôi dòng về người đưa đường cho tôi vào Hua Tát, mà lúc đầu tôi không hiểu sao ông tận tình đến thế. Sau mới biết ông ôm mộng văn chương bước chân lên Tây Bắc, nhưng không viết nổi một tác phẩm nào, vì tiếng Kinh chẳng dùng mấy, ngôn ngữ cứ cùn mòn dần bởi miếng cơm manh áo. Ông tên là Đào Quang Tố, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, lên và ở mãi đất này gần nửa thế kỷ. Ông lên khi Pháp mới rút chạy, lính đồn Chiềng Đông thả luôn lũ hổ chúng vẫn nuôi bằng thịt những cán bộ cần thủ tiêu. Cả Yên Châu đi lùng săn hổ để bảo vệ cán bộ, có năm bắn được tới 28 con. Hua Tát cũng đỏ lửa. Ông biết Hua Tát từ lúc, khi mới thưa thớt dăm mái nhà sàn, dân ghét người xuôi, nhà nào cũng uống nước lã đựng trong ống bương khi mục mới bỏ đi, bát giã muối để quanh năm không bao giờ rửa. Người ta sống bằng các huyền thoại kể bên bếp lửa. Giờ thì khác, Hua Tát gọi ông là Quàng Công – người có công với bản, là “thầy giáo lai Thái rồi”. Đó là tên thường, khi có cháu bế rồi người ta ngại gọi tên. Cả Hua Tát, cả Chiềng Hặc gọi ông là Thầy. Ông giáo đã thấy các cư dân ở đây lớn lên, và thấy cả họ chết đi, ông dạy chữ cho nhiều thế hệ.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 14: Những ngọn gió rừng ma Hua Tát


Đi qua dòng Huổi Lắc, người thầy của Hua Tát bảo tôi nhặt một viên sỏi nhỏ. Người Hua Tát có lệ, trước mỗi chuyến đi xa, đem theo một viên sỏi sẽ không bao giờ bị gió độc, bị lạ nước, không bao giờ quên người đưa chân và lối quay về bản nhỏ ven rừng. Tôi nhặt một viên vừa lòng bàn tay, ông giận: “Nhặt viên to to ấy”. Ôi thầy giáo bản ơi, đâu có phải là sỏi to thì nhớ thương nhiều hơn viên sỏi nhỏ?

Trời chiều, đường về xuôi rất ít xe qua. Ông cùng tôi đứng ở bên đường, kể thêm một chuyện: “1952, có người cán bộ tên Nguyễn Thị Quỳ, bị hổ vồ ở bản Hát Sét trong khi chị đi chặt cây để đóng cọc mở đường. Giờ khoảng mộ ở ngay phía sau trụ sở UBND xã Chiềng Hặc. Tôi muốn xin xây mộ bia của chị ấy, một mộ tưởng tượng người thời đó đã dám bỏ nhà cửa để đi khai phá miền Tây Bắc, rồi bị hổ ăn, để mỗi lần đăng ký kết hôn cho các cháu nó ra thắp hương ở đó. Đôi khi nghĩ lại về niềm hy vọng của đời mình, trở thành một nhà văn, tôi đau buồn lắm nhưng không nói cùng ai được. Giá như tôi đi bộ đội, rồi chết như chị ấy, thành liệt sĩ, có phải là đã tốt hơn chết già vô dụng ở xó rừng không?”.

Ông không biết đâu…

Những đứa trẻ con Hua Tát sau này lớn lên, chắc gì đã nhớ nổi những câu chuyện cổ mà ngay bây giờ, chỉ mỗi Quàng Hiên là còn kể? Chúng sẽ chỉ nhớ đến người đầu tiên dựng lớp mở trường, cầm tay dạy chữ, đem nước về bản… cho con dân Hua Tát mà thôi. Tên tuổi họ sẽ đi theo đời chúng, y như những ngọn gió phù trợ cho đời họ, giờ vẫn đang phơ phất thổi trên các khau cút nhà sàn. Họ cũng là những ngọn gió. Họ không biết đấy thôi.

Tôi về xuôi, ngồi vào bàn, đặt viên sỏi nhỏ lên trang giấy, và viết lại những gì đã nghe gió nói.

(Chuyển thể từ ký sự: Như những ngọn gió của nhà báo Việt Thường )
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 14: Những ngọn gió rừng ma Hua Tát
  • Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet

a

Ý kiến của bạn

Các tin khác