6 tháng, nhà mẹ liệt sỹ Giảng vẫn là... cái chuồng trâu
Những con người như mẹ Giảng sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này lâu nữa. Đến một lúc nào đó trong tương lai gần, cụm từ "mẹ liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ" sẽ chỉ được nhắc tới trong những buổi lễ kỷ niệm. Họ cần được quan tâm, trân trọng khẩn trương hơn nữa, bởi thời gian còn ít ỏi lắm thay!
Tri ân tấm lòng đọc giả VietNamNet
Chiều cuối năm Kỷ Sửu, chúng tôi lần theo con đường nhỏ quay trở về căn nhà tranh vách đất của mẹ Giảng và người con tàn tật. Con ngõ dẫn vào sân nhà mẹ được đổ bê tông để mẹ và người con đi khỏi ngã khi chân yếu tay mềm.
Sau 6 tháng gặp lại, mẹ Giảng trông có vẻ hồng hào hơn, người con 60 tuổi của mẹ cũng được thuốc thang đầy đủ nên khoẻ mạnh hơn. Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt bà mẹ liệt sỹ 98 tuổi này. Ảnh: Duy Tuấn
Hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy khác hơn lần trước gặp mẹ là trên khuôn mặt gầy gò và những nếp nhăn vì tuổi già và sự khổ cực thuở trẻ của mẹ đã tươi vui lên. Hai cái giường ngủ của mẹ và người con tàn tật nay đã chắc chắn hơn, trên đó là những bộ chăn, nệm mới. Đầu giường mẹ khi nào cũng có các loại thuốc, phòng khi đau ốm đột xuất.
Rưng rưng nước mắt khi đã vào độ tuổi 98, mẹ Giảng nói: "Tôi từng này tuổi rồi, sống cũng không để làm gì nữa. Từ khi có tiền ủng hộ, cuộc sống của mẹ con đã đỡ hơn rất nhiều, mùa đông cũng đã đỡ lạnh hơn. Tôi chỉ lo cho đứa con tật nguyền đã nhiều tuổi. Không biết rồi sẽ ra sao? Xin cám ơn những tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm. Cám ơn Báo
Mẹ nói, đã lâu lắm rồi mẹ không khóc nhưng khi nghĩ tới những tấm lòng của bạn đọc Báo VietNamNet, nỗi xúc động cứ tuôn trào. Ảnh: Trí Thức |
Bước sang tuổi 98, mẹ Giảng sức khỏe yếu dần. Song niềm vui từ chăn ấm, than hồng và sự đồng cảm chia sẻ của bạn đọc và chăm sóc của con cháu làm cho ấm lòng trước thềm xuân.
Sau khi VietNamNet phản ánh về gia cảnh của gia đình mẹ Nguyễn Thị Giảng, ngày 18/8/2009, Văn phòng Tỉnh uỷ Hà Tĩnh có công văn số 961-CV/VPTU gửi Huyện ủy và UBND huyện Cẩm Xuyên.
Công văn nêu rõ: “Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu Thường trực Huyện uỷ và UBND huyện Cẩm Xuyên kiểm tra nội dung báo phản ánh, có biện pháp quan tâm, giúp đỡ mẹ Nguyễn Thị Giảng”.
Trả lời Báo VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tuần (Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên) đã khẳng định với chúng tôi từ tháng 8/2009: “Huyện đã chỉ đạo xã Cẩm Duệ đưa trường hợp cụ Giảng vào danh sách hỗ trợ nhà ở và trước mắt là cho sửa chữa nhà cho cụ”.
Tiếp nhận thông tin báo chí, Tỉnh ủy Hà Tĩnh lập tức chỉ đạo địa phương quan tâm giải quyết. Nhưng sau gần 6 tháng, khi chúng tôi trở lại, người mẹ liệt sỹ đã gần 100 tuổi này vẫn sống trong căn nhà tranh ọp ẹp, chưa biết mưa gió xô đổ lúc nào.
Lý giải cho việc nhà của mẹ Giảng, ông Hà Huy Triền (Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ) cho rằng: "Sau khi có báo đăng anh em đã tổ chức họp, gọi gia đình lên thống nhất xây nhà cho bà xã đề nghị 4 nguồn: nguồn tài trợ trên (bạn đọc ủng hộ - PV), Phòng LĐTB&XH huyện Cẩm Xuyên và một phần ngân sách địa phương và ngày công, nguồn thứ tư là gia đình".
Ông cũng cho biết thêm, thường thì Phòng LĐTB&XH huyện sẽ giúp đỡ khoảng từ 8-10 triệu để làm nhà, xã cũng sẽ trích kinh phí thêm giúp đỡ. Nhưng cơ bản vẫn phải là gia đình bỏ tiền ra.
Đại diện Báo VietNamNet trao quà bạn đọc ủng hộ cho mẹ Giảng. Ảnh: Trí Thức |
Và ông Triền khẳng định khá bất ngờ: “Tiền bạn đọc ủng hộ do báo mang lại không được sử dụng vào việc gì khác. Vì nội dung bài báo phản ánh vì nhà ở của bà, tiền bạn đọc ủng hộ là để làm nhà. Nếu trên cho làm nhà tình nghĩa thì xã mới đứng chủ làm. Chúng tôi có gọi con trai bà Giảng lên nhưng con trai bà ấy chỉ đồng ý làm nhà khi Nhà nước hỗ trợ 100% số tiền”.
Người nhà mẹ Giảng lại nói rằng, quan trọng nhất vẫn là lo cho sức khoẻ của mẹ Giảng, gia đình đã dùng số tiền đó để mua thuốc thang, bồi dưỡng sức khoẻ cho bà. Xã "bắt" không được dùng tiền đó tiêu việc khác là không đúng, nhà được sửa mà mẹ yếu rồi mất đi thì để làm gì? Nếu gia đình làm nhà, xã sẽ ủng hộ cho 500 đến 700 nghìn đồng và phòng chính sách sẽ cho khoảng 1 triệu đồng.
Ngay cả Bí thư đảng uỷ xã Cẩm Duệ cũng cho rằng: "Tập thể đề nghị gia đình ông Hùng (con trai mẹ Giảng) phải làm nhà cho bà ở. Người ta ủng hộ mà gia đình không làm nhà thì gia đình phải chịu trách nhiệm trước cơ quan ủng hộ, tiền đó không làm nhà cho bà là sai mục đích”.
Hai mảnh đời, một già cả, một tật nguyền sống nương tựa vào nhau với số tiền phụ cấp. Chúng tôi thật bất ngờ khi nghe ông Chủ tịch xã Cẩm Duệ thông tin rằng, xã đã nói với gia đình là không được dùng tiền ủng hộ ngoài việc làm nhà, và trong xã này có nhiều trường hợp khổ hơn mẹ Giảng nữa, trong đó có cả mẹ liệt sỹ. Ảnh: Duy Tuấn
Không biết chính quyền xã Cẩm Duệ dựa vào đâu để “bắt” gia đình không được tiêu tiền của những nhà hảo tâm ủng hộ dùng vào những việc thiết thực, mà chỉ dành vào việc làm nhà?
Qua báo
Nhưng đến nay, khi ngày Tết cận kề, mẹ Giảng chỉ vui hơn với đồng quà, tấm bánh của những nhà hảo tâm qua báo và vẫn sống trong căn nhà nguyên là cái chuồng trâu được dựng lại.
-
Trí Thức - Duy Tuấn