Kỳ cuối:

Nước mắt người già còng lưng trên những ruộng rau

Cập nhật lúc 07:11, 29/01/2010 (GMT+7)

- Trong những người dân Bằng B (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) mang đơn “kêu cứu khẩn cấp” đến các cơ quan chức năng, trong đó có báo VietNamNet, đáng chú ý có những bà cụ cao tuổi. Họ đã vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi đáng ra đã được hưởng thụ chăm sóc. Thế nhưng họ vẫn là những người nông dân, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cảm thấy không đồng tình với cách làm của chính quyền nên cũng phải mang đơn đi khiếu nại.

Nếu như Dự án Tây Nam hồ Linh Đàm phát triển kinh tế, đưa lại cho người dân nhiều lợi ích như lời của chính quyền các cấp thì tại sao những người phụ nữ, bà cụ nông dân này phản ứng như vậy?

“Không có tên trong dự án, sao lại cưỡng chế đất của tôi?”

Nếu so với hơn 44ha đất nông nghiệp mà người dân Bằng A bị thu hồi thì số diện tích của người dân Bằng B chỉ là con số lẻ. Thông tin từ đơn kêu cứu “Về việc thu hồi đất nông nghiệp khi chưa có quyết định thu hồi đất” của 26 hộ dân Bằng B thì bị thu 16.000 m2 đất nông nghiệp.

Họ không bị mất hết 100% đất nông nghiệp như Bằng A và đây cũng là lần thứ 2 họ bị thu hồi đất để giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD - Bộ Xây dựng) đầu tư dự án.

Mô tả ảnh.

Ruộng đồng ở Bằng B cũng chịu chung số phận như ở Bằng A. Không mất hết 100% đất nông nghiệp nhưng điều khiến gần 30 hộ dân này bức xúc là vì trong quyết định của thành phố không có địa danh họ nhưng vẫn bị thu hồi. Chính quyền trả lời không thoả đáng. Ảnh: Duy Tuấn

Cũng như Bằng A, đồng ruộng của người dân Bằng B cũng không còn trồng lúa từ lâu. Việc chuyên trồng rau sạch đã đưa lại cho họ nguồn thu nhập khá từ nhiều năm nay. Cuộc sống ở nơi đây cũng chủ yếu dựa vào đồng tiền thu nhập từ bán rau.

Là hộ dân sống chủ yếu do nguồn thu từ bán rau mang lại, bà Mai Thị Thảo, 56 tuổi, có 7 nhân khẩu cũng đang rất bức xúc vì bị cưỡng chế sau khi chính quyền thuyết phục không được. “Đất của tôi không nằm trong dự án mà người ta về lấy với giá đền bù của nhà nước 252 nghìn/m2 thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Dự án này là kinh doanh mà chúng tôi có nằm trong tên dự án đâu. Đất của tôi bị mất là 284m đang sản xuất rau, chủ yếu ngải cứu, mà một lứa rau (1 tháng - Pv) cũng được ít là 5triệu/sào, nhà tôi chưa đến 1 sào cũng được 3 triệu/tháng”, bà Thảo cho biết.

Trong lúc thuyết phục không được, những hộ dân có đất ở Bằng B cũng bị chính quyền ra quyết định xử phạt. Tuy vậy, việc xử phạt chỉ diễn ra trên văn bản, thực tế người dân không nộp. “Hôm cán bộ phường đưa quyết định xử phạt gia đình tôi 1 triệu đồng vì không nhận tiền đền bù, tôi có nói là nếu các anh đọc cho tôi nghe trong quyết định 3789 có thu hồi đất ở Bằng B, trong đó có gia đình tôi thì tôi sẽ nộp cho. Cán bộ phường nghe xong không giải thích được đành bỏ đi”, chị Hoà, một hộ dân mất đất nói.

Mô tả ảnh.

Trong số những người nông dân tìm đến VietNamNet để "kêu cứu" thì có rất nhiều bà cụ đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời. Một đời họ chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Thế mà nay cũng phải mang đơn thư đi khiếu nại. Ảnh: Duy Tuấn

Cụ bà Lưu Thị Thực năm nay đã 85 tuổi bày tỏ nguyện vọng: Họ lấy đất của tôi nhưng đền bù thấp quá, không chấp nhận được. Và có lấy đất thì cũng phải có quyết định thì chúng tôi mới chấp nhận giao đất nhưng phải thỏa thuận với người dân chúng tôi.

Những người dân Bằng B đều cho biết, họ không chống đối các chính sách của Nhà nước ban hành, họ chỉ muốn khi Nhà nước lấy đất để phục vụ cho dự án thì phải có quyết định thu hồi đất mới chứ không thể nói là mốc giới là thu được.

Khóc trên ruộng rau ngày cưỡng chế

Ám ảnh chúng tôi nhất trong những người dân mang đơn đi “kêu cứu” là hình ảnh bà lão lưng còng Nguyễn Thị Kiểm, năm nay đã 80 tuổi, cũng lọ mọ theo chân đoàn người đi khiếu nại. Cụ Kiểm cho biết cả đời cụ có bao giờ biết khiếu nại là gì đâu? Và việc các cơ quan chức năng triển khai dự án, thực hiện theo Luật hay Nghị định gì thì cụ càng không thể biết được. Cụ chỉ biết là trong quyết định không có tên làng cụ nên cụ nhất định không giao đất lấy tiền.

Cũng như những người dân khác, không nhận tiền đền bù, cụ Kiểm cũng bị xử phạt hành chính rồi cưỡng chế.

Mô tả ảnh.

Cả làng Bằng B không ai không biết đến khó khăn của bà Kiểm. Cuộc sống chỉ nhìn vào mảnh ruộng 200m2 trồng rau, nhưng nay cũng đã bị cưỡng chế. Giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt bà cụ 80 tuổi khi nhớ lại thời điểm bị cưỡng chế, bà đã khóc trên mảnh ruộng của mình. Cả đời bà nghèo khó, có biết đến các văn bản hành chính như thế nào đâu, thế mà đến cuối đời bà phải lâm vào tình cảnh này... ! Ảnh: Duy Tuấn

Nhớ lại ngày các lực lượng đến cưỡng chế trên ruộng rau ngải cứu xanh tốt mà cụ vừa mua phân đạm bón cho tốt thêm bán ngày Tết, lấy tiền tiêu và cho cháu, cụ Kiểm lại rươm rướm nước mắt. Giọt nước mắt của bà lão đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời cũng khiến cho những người có mặt không thể giấu nỗi xúc động.

Nghe tin đoàn cưỡng chế đến, sáng đó (5/1) cụ lại lên ruộng rau rộng 200m2 của mình để tranh thủ cắt ít rau để bán.

Tôi lên để cắt rau nhưng máy cứ cào liên tục, cắt được mớ rau mà nước mắt cứ ngắn dài. Tôi xót ruột quá, ông chủ thầu đứng đấy cứ bắt cào nên họ cào, tôi không xin cắt được. Cứ vãi nước mắt trên sào ruộng mà không làm gì được. Bình thường ngày nào tôi cũng lên nhổ cỏ thế mà bây giờ… Tôi nhớ ruộng rau lắm”, cụ Kiểm kể.

Khổ lắm, tôi có chống chế cái gì đâu. Mấy trăm mét ruộng của tôi trồng rau để thỉnh thoảng ăn quà và sinh sống. Ngày nào tôi cũng có tiền đấy. Cán bộ cứ thuyết phục tôi lấy mấy chục triệu về làm lại cái nhà nhưng tiền lấy về rồi cũng tiêu hết mà không đủ để làm gì? Tôi để ruộng đấy ngày nào tôi cũng có tiền, đến khi nào Nhà nước thu hồi đúng thì tôi chấp hành. Thu đất tôi làm nhà bán hàng trăm triệu thì tôi không chấp nhận được. Tiền tiêu hết thì mồm treo à?”, câu hỏi của cụ Kiệm dường như không lời giải đáp.

Mô tả ảnh.

Người dân Bằng B muốn được cấp có thẩm quyền giải thích, vì sao trong QĐ 3789 của thành phố không có địa danh làng của họ nhưng chính quyền các cấp vẫn thu hồi? Ảnh: Duy Tuấn


Mất ruộng, không có việc để làm, nhớ đồng ruộng, ngày ngày cụ Kiểm cứ thẫn thờ đi lên khu ruộng nhà mình nay đã bị san phẳng và rào kín. Người nông dân đã 80 tuổi lại khóc. Cụ khóc nhiều hơn cho cái gia cảnh nghèo nàn của mình, khi không còn gì trong tay. Chỉ còn mầy ngày nữa là đến Tết, cụ không biết sẽ kiếm đâu ra tiền để mua manh áo mới cho đứa cháu không may mắn chỉ có mẹ mà không có cha của cụ?

Nhà quê chúng tôi thì chỉ trông vào đồng ruộng thôi, mong các anh chuyển tải thông tin đến các cơ quan chức năng để giúp đỡ với”, câu nói của những người dân, cùng với đó là những ánh mắt loé lên tia hy vọng sẽ có một thay đổi nào đó khi chúng tôi rời thôn Bằng B.

Trả lời phóng viên VietNamNet về việc tại sao không có tên trong quyết định 3789 nhưng vẫn tiến hành thu hồi đất của người dân Bằng B ngày 22/12/2009, ông Nguyễn Kiến Thuận (Chủ tịch phường Hoàng Liệt) và ông Chu Mạnh Phúc (Thường trực Ban GPMB quận Hoàng Mai) đều cho biết: Đúng là trong quyết định không có địa danh Bằng B nhưng trong phần mốc giới của quyết định đưa ra và bàn giao của Sở TNMT thì có phần đất Bằng B (?!).
  • Duy Tuấn

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác