Bài 2:

Có chất gây ung thư trong môi trường KCN Quang Minh

Cập nhật lúc 07:11, 29/01/2010 (GMT+7)

- Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã nói về kết quả quan trắc môi trường xung quanh KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Đáng chú ý, kết quả quan trắc cho thấy có một số chất gây nguy cơ ung thư trong môi trường xung quang KCN này. Trước đó, Báo VietNamNet đã có nêu lên thực trạng đáng sợ này.

Các thông số được báo cáo đánh giá trong kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường cho thấy nhiều chất cao hơn giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Môi trường tại KCN này được đánh giá là đang trong tình trạng bị ô nhiễm đáng “báo động”.

Môi trường bị ô nhiễm đáng "báo động"

Đoàn kiểm tra của Sở TNMT Hà Nội đã lấy mẫu nước, đất, không khí ở nhiều vị trí xung quanh KCN để quan trắc, đánh giá tổng thể. Các thông số được đưa ra phân tích cho từng chất lượng môi trường để so sánh với Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và nồng độ tối đa cho phép.

Chất lượng môi trường không khí xung quanh tại điểm sát tường rào ngăn cách giữa KCN và khu vực xung quanh cho thấy: Nồng độ bụi cao hơn TCVN cho phép 1,108 lần, nồng độ H2S vượt giới hạn cho phép 3,379 lần. Ở một số địa điểm khác, kết quả quan trắc cũng cho thấy, H2S và bụi vượt quá giới hạn cho phép của TCVN nhiều lần.

’Những ’Những
’Những
’Những

Những nguồn nước xung quanh thôn Ấp Tre bị "đầu độc" kể từ khi KCN Quang Minh bắt đầu hoạt động. Hệ thống nước thải của KCN xả trực tiếp vào con mương tiêu rồi chảy qua Đầm Và (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh). Kết quả quan trắc cho thấy có rất nhiều chất gây ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong môi trường ở đây. Ảnh: Duy Tuấn

Chất Benzen tại các điểm lấy mẫu cũng vượt quá chỉ số cho phép. Như tại vị trí sau Công ty Marumitsu cách Công ty Thú y Việt Nam, nồng độ Benzen vượt quá 1,2 lần; Vị trí ngã ba khu G1 và gần Công ty Kangaroo, nồng độ bụi, H2S và Benzen đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Về kết quả phân tích nước mặt, cơ quan chức năng cũng đã phân tích các thông số pH, màu sắc, BOD5 ở 200C, COD, Amoni, Hg, Ni, Photpho, Coliform… ở các địa điểm quanh khu công nghiệp, mương thoát nước ở khu dân cư đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các chỉ số về Amoni đều rất cao, vượt trên 10 lần. Có điểm nồng độ Hg cao hơn giới hạn cho phép 17 lần.

Phân tích nước thải tại cống thải chung của KCN (bao gồm nước thải sau khi xử lý, nước thải từ hệ thống thoát nước mặt, nước thải chưa được xử lý của các cơ sở), kết quả cũng cho thấy: Nồng độ các chất như TSS, Sunfua (S2- ), Fe, BOD5 ở 200C … cũng đều vượt giới hạn cho phép.

Đặc biệt, kết quả phân tích nước ngầm tại một số điểm trong khu dân cư ở thôn Ấp Tre cho thấy hàm lượng Colifom (chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh) vượt quá cao giới hạn. Như tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dư, Tổ 9, thôn Ấp Tre, nồng độ chất này vượt quá 153,33 lần. Tại gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến, cũng ở Ấp Tre thì chất này đạt con số kỷ lục, vượt quá tiêu chuẩn 300 lần.

Kết quả quan trắc mẫu đất, phân tích các thông số As, Cu, Zn cũng vượt giới hạn cho phép rất nhiều lần.

Có nhiều loại chất gây ung thư

Mô tả ảnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, có một số chất gây ung thư rất nguy hiểm trong môi trường xung quanh KCN Quang Minh. Ảnh: Thu Hương

Để hiểu thêm về tác hại của từng loại hoá chất, từng thông số được đánh giá trong kết quả phân tích của Trung tâm quan trắc, bà Đào Thị Anh Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Trưởng đoàn kiểm tra môi trường KCN Quang Minh phân tích.

Ở đây có thể hiểu H2S đặc trưng là thể hiện mùi hôi (mùi lưu huỳnh), mùi khí và đặc biệt nó có màu đen. Khi đốt than hay lò hơi, chất phụ da đều có loại chất này.

Nếu vượt quá tiêu chuẩn cho phép 3,379 lần thì chắc chắn là lớn và có ảnh hưởng đến hô hấp. Còn mức độ cao hay thấp hoặc nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì phải có chuyên môn mới đánh giá được.

Tuy nhiên, nói đến hô hấp là ảnh hưởng đến sức khỏe vì môi trường xung quanh đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Có thể khẳng định môi trường hiện nay đã bị ô nhiễm”, bà Điệp nói.

Đặc biệt là chất Benzen vượt quá tiêu chuẩn trong môi trường. Bà Điệp cho biết: Benzen (H6C6 ) là chất gây ung thư, chất hữu cơ khó phân hủy. Bản chất của nó là nằm ở trong dầu mỏ, người ta dùng để làm dung môi; hòa tan sơn hoặc có thể dùng trong vécni và trong công nghiệp. Nói tóm lại đây là chất mà người ta dùng trong tất cả những gì người ta muốn hòa tan.

’Những ’Những
’Những
’Những

Những goá phụ mất chồng vì căn bệnh ung thư ở thôn Ấp Tre. Môi trường ở đây ô nhiễm đã nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Họ không biết có những chất gì trong nguồn nước, không khí và đất, chỉ biết từ khi KCN về cũng mang lại ô nhiễm, bệnh tật cho họ. Nhắc đến nỗi ám ảnh của căn bệnh ung thư, ông Quất, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 9 đã phải thốt lên: "Án tử hình ai mà không sợ"! Ảnh: Duy Tuấn

Bà Điệp cũng giải thích rằng muốn biết 2 loại chất trên đã có trong thời gian lâu chưa thì phải thường xuyên đo chứ các thông số bằng mắt thường thì không thể biết được. Còn riêng không khí xung quanh KCN thì không dám đánh giá là ô nhiễm nghiêm trọng nhưng về nước thải là có.

Nồng độ COD là nồng độ ô xy, mức độ phân hủy nhỏ vừa. Khi xử lý nước thải nhiều thì mức độ ô nhiễm sẽ lớn. Hai loại chất pH và CHS được gọi là nồng độ kiềm và tổng chất lơ lửng, ở đây vượt dưới 2 lần thì là nhỏ. Riêng photpho thì được hiểu là 1 hóa chất nếu vượt quá tiêu chuẩn 3,13 lần là cao.

Về nồng độ Amoni (Nh4+-N) vượt quá tiêu chuẩn cho phép 14,5 lần được cho là nước mặt, nguồn nước này bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, nếu dùng nước này để tưới tiêu sẽ ảnh hưởng đến bệnh tật, nồng độ vượt hơn 14,5 lần là lớn nên ảnh hưởng là đương nhiên. Tự làm sạch sông hồ thì không làm sạch được, nước đó cao quá nếu thiếu ô xy thì mức độ ô nhiễm ngày càng lớn. Ngày xưa sông hồ nó trong như thế nên cá sống được, bây giờ ăn cá thì nó không bị bệnh ngay mà ngấm dần vào cơ thể.

Cùng thông tin với VietNamNet về kết quả quan trắc còn có bà Nguyễn Thị Kim Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường. Bà Phương nói đến chất Hg (thủy ngân) có trong môi trường là đặc biệt nguy hiểm.

Mô tả ảnh.

Bà Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin thêm, ngoài chất Benzen thì chất Hg (thuỷ ngân) cũng gây ra bệnh ung thư. Ảnh: Thu Hương

Loại chất này có màu ánh bạc, màu của kim loại nặng. Nó là loại chất gây ung thư ảnh hưởng đến bệnh cao, nếu trồng rau mà dùng nước nhiễm Hg để tưới rau, khi ăn vào sẽ không đào thải được mà nó tích tụ trong cơ thể, đương nhiên ảnh hưởng đến bệnh tật.

Vượt quá tiêu chuẩn cho phép 23 lần là nhiều, quá bằng nước thải rồi. Nhưng vấn đề là mình sử dụng nước ấy làm gì, nếu như lấy trồng lúa; trồng rau rồi ăn.

Bây giờ thì nó không bị nhưng vài năm sau mới mắc bệnh. Đặc biệt nồng độ Sunphua (S2) thì hợp chất này có từ lưu huỳnh, axít, có tác hại, nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ ảnh hưởng là chắc chắn”, bà Phương cho biết.

Trong báo cáo kết quả còn thể hiện 22/31 cơ sở không đăng ký chất thải nguy hại. Bà Phương cũng cho biết quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định thì ảnh hưởng đến nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Riêng phân tích nước ngầm bị ô nhiễm là quá nguy hiểm.

Trước đó, VieNamNet đã có phản ánh về tình trạng hàng loạt người chết vì bị ung thư ở thôn Ấp Tre, thị trấn Quang Minh. Không chỉ người dân mà ngay cả những cán bộ thôn xóm cũng tỏ ra khiếp sợ với “án tử hình” ung thư treo trên đầu họ. Họ một mực khẳng định tình trạng ô nhiễm, bệnh tật xuất hiện sau khi KCN này hoạt động và xả nước thải vào môi trường dân cư.

Như vậy, dù chưa có văn bản chính thức của các cơ quan chức năng để khẳng định có nhiều chất gây ung thư trong môi trường dân dư cạnh KCN Quang Minh nhưng qua lời lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường và kết quả quan trắc thì phần nào đã nói lên được môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khoẻ của người dân. Dư luận đang trông chờ vào kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng ở Hà Nội.

  • Thu Hương - Duy Tuấn

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác