Gò Đống Thây, di tích lịch sử bị lãng quên
- Gắn liền với chiến công oanh liệt tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, gò Đống Thây thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội là di tích lịch sử đã được xếp hạng nhưng hiện nay di tích này chỉ còn ngổn ngang rác và vật liệu xây dựng.
Gần 20 năm bị “bỏ hoang”
Nằm trong đoạn đường rẽ từ đường Khuất Duy Tiến vào khu tập thể của Đại học Kiến Trúc, khu di tích gò Đống Thây có tổng diện tích hơn 26.000m2 đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ngay cả tấm bảng chỉ dẫn có ghi hàng chữ: “Gò Đống Thây – di tích lịch sử đã được xếp hạng, cấm xâm phạm” cũng bị những quán trà đá lấn chiếm và che khuất khiến cho nhiều người qua đường khó có thể nhận ra sự tồn tại của nó.
Khung cảnh hoang tàn của di tích gò Đống Thây. |
Ngày 28/09/1990, thực hiện theo quyết định số 993/QĐ-VHTT của Bộ Văn hóa và Thông tin trước đây, gò Đống Thây được xếp hạng là di tích lịch sử cần được bảo tồn. Tuy nhiên, đã gần 20 năm qua, gò Đống Thây không những chưa từng một lần được tu tạo mà còn ngang nhiên bị xâm hại.
Một số người dân sống gần khu vực này cho biết khu di tích gò Đống Thây hiện nay nhìn chả khác gì một bãi đất bỏ hoang. Nhiều người đến đây đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng khu di tích lịch sử hoang phế. Thậm chí có những người sống quanh khu vực này cũng không hề biết sự tồn tại của gò Đống Thây.
Cũng chính vì sự bỏ mặc này mà gò Đống Thây trở thành tụ điểm về tệ nạn xã hội. Trước đây, vào ban đêm, các đối tượng nghiện hút thường tập trung tiêm chích nhưng thời gian gần đây hiện tượng này có dấu hiệu suy giảm bởi các đơn vị chức năng thường xuyên truy quét.
Di tích thành nơi tập kết rác thải
Phải đi lòng vòng và tốn khá nhiều thời gian hỏi đường chúng tôi mới có thể tới được đích. Đoạn đường dẫn vào khu di tích gò Đống Thây phủ trắng cát bụi, một vài tấm biển chỉ dẫn đã hoen ố, xiêu vẹo và cũng không thể nhìn nổi những dòng chữ viết trên đó.
Hai bên đường cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Phần lớn khu vực tường rào bao quanh khu di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn còn không có tường rào do đổ vỡ. Nhìn từ ngoài vào khó tránh khỏi cảm giác đây là một bãi đất hoang. Ngay sát đó là dãy nhà tạm cấp 4 của một số hộ dân dựng lên làm nơi bán hàng khiến cho khu di tích càng thêm nhếch nhác.
Lối đi dẫn tới khu di tích bị bụi và vật liệu xây dựng phủ trắng. |
Do hàng rào bảo vệ không còn phát huy được tác dụng nên nhiều hộ dân tự ý đổ rác thải vào khu di tích. Đi vào sâu phía trong, khuôn viên gò Đống Thây đã không biết từ bao giờ biến thành khu tập kết vật liệu xây dựng, gạch ngói, sỏi đá, túi nilông... được đổ ngổn ngang xung quanh.
Không những thế, tình trạng mất vệ sinh và cỏ dại mọc um tùm khiến cho gò Đống Thây bỗng nhiên bị biến thành nơi thả chó và nhà vệ sinh lộ thiên.
Khó quản lý vì lực lượng mỏng
Qua tìm hiểu được biết, năm 1997 thành phố đã có chủ trương giao di tích lịch sử gò Đống Thây cho Ban Quản lý danh thắng, Sở VHTT quản lý. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, trong khuôn viên khu di tích xuất hiện nhiều lều dựng, lán tạm trên đất chiếm.
Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Hữu Vân - bảo vệ của khu di tích - cho biết: “Việc cưỡng chế, giải tỏa khu vực này là không khó nhưng vấn đề là làm thế nào để không tái diễn tình trạng trên, tôi cũng đã lên tiếng nhắc nhở những người vi phạm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nhiều người còn lén lút đổ trộm rác thải vào ban đêm” .
Đã nhiều lần chúng tôi lên tiếng lên các cơ quan chức năng, họ đưa xe đến chở những đống rác trong khu di tích đi chỗ khác. Nhưng ngay sau đó, tình trạng này lại tiếp diễn... xem ra khó có thể giải quyết triệt để được”.
Cứ mỗi lần giải tỏa xong, vài ngày sau lều tạm lại mọc lên như nấm sau mưa. |
Ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung - cũng cho hay đã nhiều lần có văn bản gửi lên UBND quận Thanh Xuân và Ban quản lý di tích về tình trạng xuống cấp của khu di tích và phường cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế những công trình vi phạm nhưng cứ tháo dỡ là vài hôm sau lại đâu vào đấy.
Cũng do lực lượng mỏng nên phường cũng không thể túc trực được cả ngày. Hiện tại phần diện tích của khu di tích gò Đống Thây đã giảm đi đáng kể. Phần lớn những hộ dân đến đây dựng nhà và lều bạt đều từ các địa phương khác tới khiến cho tình trạng an ninh trật tự của nơi đây ngày càng phức tạp.
- Vũ Thành