Bài 5:

Dân khiếu nại trong 2 năm, quận bảo không nhận được đơn?

Cập nhật lúc 08:36, 08/01/2010 (GMT+7)

- Đại diện UBND phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai (Hà Nội) đều cho rằng: khi tiến hành dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, chính quyền các cấp đã tiến hành đúng quy trình. Và, chưa có dự án nào mà người dân được hưởng lợi như dự án này? Đáng chú ý là việc người dân khiếu nại hơn 2 năm qua, vị Thường trực ban GPMB quận Hoàng Mai cho rằng không nhận được đơn, chỉ là đơn thư dân nguyện?

Phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt và ông Chu Mạnh Phúc, Thường trực hội đồng đền bù GPMB quận Hoàng Mai xung quanh khiếu nại của người dân đối với dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm.

Sẽ có đất dịch vụ trong… 18 tháng!

Về thắc mắc của dân đối với việc có được cấp đất dịch vụ hay không, cấp vào thời điểm nào và như thế nào, ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết: Người dân bị thu hồi đất sẽ được nhận 60m2 đất dịch vụ. Tuy nhiên, số diện tích này sẽ được giao trong vòng 18 tháng kể từ khi người dân bàn giao hết mặt bằng đất cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng: Không có dự án nào dân được hưởng lợi như dự án này? Ảnh: Thu Hương
Ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng: Không có dự án nào dân được hưởng lợi như dự án này? Ảnh: Thu Hương

Đến bây giờ, đối với dự án này thì UBND TP. Hà Nội, quận Hoàng Mai, chủ đầu tư và phường đã thực hiện đúng quy trình, đặc biệt là quyền lợi người dân hết sức được quan tâm.

Không có một dự án nào trên TP. Hà Nội lại được cấp đất dịch vụ đối với quận nội thành như dự án này. Để lại 16,7ha để nhân dân chuyển đổi sau khi thu hồi đất để phát triển kinh tế, giao phường lập đề án.

Dân được hưởng 60m2 đất dịch vụ, đất ở lâu dài thời hạn trong 50 năm. Đây là một chính sách đặc thù, rất ưu đãi đối với quận Hoàng Mai. Người dân được xây dựng 80% trên diện tích 60m2 đó và xây nhà không quá 3 tầng”, ông Thuận cho biết.

Theo ông Thuận thì chính sách về đất dịch vụ đã được niêm yết công khai ở khu dân cư 2 tháng, mọi người dân ở cụm Bằng A đều biết. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân Bằng A đều đang rất mơ hồ vì không biết có được cấp đất dịch vụ hay không.

Về vấn đề tại sao đến giờ người dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, còn bức xúc với dự án, vị chủ tịch phường cho biết: "Người dân vừa muốn được hưởng đất dịch vụ vừa muốn hưởng đền bù theo Nghị định (NĐ) 69 của Chính phủ (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất bồi thường và hỗ trợ tái định cư - NV). Nhận cái này thì thôi cái kia, nếu nhận theo NĐ 69 mới nhất thì không có đất dịch vụ. Một dự án không thể thực hiện 2 chính sách".

Nghị định 69 của Chính phủ áp dụng từ tháng 10/2009 nhưng phương án đền bù dự án này được phê duyệt vào năm 2007, chính vì vậy chỉ có thể áp dụng theo quyết định 18 của UBND thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư đã hỗ trợ thêm 240 nghìn đồng/m2 khi thu hồi đất ngoài giá nhà nước quy định”, ông Thuận nói thêm.

Chưa có phương án chuyển đổi nghề nghiệp

Mối lo lớn nhất của người dân mất 100% đất là việc mất việc làm, trong lúc đó chủ đầu tư, chính quyền địa phương đều không đả động gì đến phương án cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con.

Mô tả ảnh.
Toàn bộ số đất nông nghiệp ở cụm Bằng A sắp biến thành khu đô thị. Tuy vậy, đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa đồng thuận với dự án, họ đã "kêu" hơn 2 năm nay. Nếu như dự án này cho họ được hưởng nhiều quyền lợi như lời chính quyền địa phương cho biết, vậy tại sao họ lại phản ứng như vậy? Ảnh: Duy Tuấn

Về vấn đề này, ông Thuận cũng cho biết, 16,7ha đất được trích lại là dành riêng cho phát triển kinh tế, chuyển đổi việc làm cho bà con sau khi bị thu hồi đất. Cụ thể chuyển đổi như thế nào thì sẽ do phường với khu dân cư, bàn con cùng nhau lập một đề án cho khả thi. Phường và quận sẽ có 11,7ha để làm việc này. Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con.

Như vậy thì người dân sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong một thời gian dài trong khi chờ chuyển đổi nghề.

Việc phát triển, đô thị hoá là vấn đề đương nhiên chứ cũng không thể trong một đô thị lại xen kẽ cả đất nông nghiệp. Trách nhiệm chuyển đổi việc làm là của chính quyền. Chúng tôi sẽ bàn bạc lại và học tập những địa phương khác để giải quyết công ăn việc làm cho bà con”, ông Thuận nói.

Ông Chu Mạnh Phúc, Thường trực HĐĐB GPMB quận Hoàng Mai.

Ông Chu Mạnh Phúc, Thường trực HĐĐB GPMB quận Hoàng Mai.

Đại diện UBND phường Hoàng Liệt khẳng định không có việc ép người dân trong quá trình thực hiện dự án nhưng vẫn thừa nhận đã kỷ luật hàng loạt đảng viên là vì “không thực hiện chính sách của đảng và nhà nước”.

Còn ông Chu Mạnh Phúc, Thường trực hội đồng GPMB quận Hoàng Mai thì cho biết thêm: “Đây là dự án rất đặc thù. Thành phố đã thấy được thiệt thòi của dân khi đất nông nghiệp chuyển thành đô thị, rất khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm.

Thực hiện việc hậu GPMB là để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho dân địa phương. Phương án chuyển đổi việc làm, thành phố HN luôn luôn quan tâm. Đã là đền bù GPMB, liên quan đến thu hồi đất, tại QĐ 18 của thành phố có chính sách chung hỗ trợ cho hộ dân 35 nghìn /m2 chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ổn định đời sống 30 nghìn/m2, cấp thẻ cho các hộ dân mất 30% đất nông nghiệp trong độ tuổi lao động được đi học để chuyển đổi nghề, đó là cơ chế chung, không chỉ riêng dự án này”.

Quận không nhận được đơn khiếu nại?

Người dân Bằng A cho biết, họ vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình. Đã có lần chính quyền đưa quyết định đến nhưng do chưa đồng thuận với một số vấn đề của dự án nên họ không nhận. Hơn nữa, một số hộ dân nói rằng việc họ không nhận là do QĐ thu hồi đất được lập tháng 3/2009 mà đến tháng 12/2009 họ mới nhận được. Vì thế cho nên phải thực hiện đền bù theo Nghị định 69.

Về vấn đề này, ông Phúc tiếp tục khẳng định: "Đến thời điểm này đã có QĐ thu hồi đất đến từng hộ. Tháng 3/2009 đã ban hành QĐ số 457, tổ công tác đã tổ chức đi giao 2 ngày nhưng không hộ dân nào nhận cả, chúng tôi đã có lập biên bản từng hộ dân không nhận".

Mô tả ảnh.
Người dân khiếu nại trong 2 năm qua, kể cả trong các báo cáo của quận Hoàng Mai về những khó khăn trong việc tiếp tục triển khai dự án cũng có đề cập đến. Vậy mà vị đại diện Hội đồng đền bù GPMB quận Hoàng Mai lại nói không có đơn khiếu nại mà chỉ có đơn dân nguyện (?!) Ảnh: Duy Tuấn

Việc hơn 200 hộ dân liên tục khiếu nại về một số vấn đề liên quan đến dự án này trong 2 năm qua, ông Phúc thông tin rằng “UBND quận cũng như Hội đồng đền bù GPMB đều chưa nhận được đơn khiếu nại”. Và ông cho rằng, có nhận được đơn nhưng chỉ là trình bày dân nguyện?

Trong khi đó, người dân Bằng A cho biết, ngay từ năm 2007, họ đã có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều cơ quan. Tuy vậy, chưa khi nào họ nhận được thông tin là sẽ có đoàn thanh tra về kiểm tra sự việc. Kể cả gần đây, UBND quận Hoàng Mai chưa trả lời đơn khiếu nại theo trình tự nhưng đã ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế.

Trong QĐ 3789, UBND TP. Hà Nội có nội dung “Chủ đầu tư phải giao lại cho thành phố 20% diện tích đất với tổng diện tích là 22.320m2”. Người dân thắc mắc số đất này được dùng vào việc gì? Về vấn đề này, ông Thuận và ông Phúc đều nói rằng "không thuộc thẩm quyền trả lời?".

Và, việc dân muốn chủ đầu tư dự án phải đến thoả thuận với dân vì cho rằng đây là dự án kinh doanh, ông Phúc nói thêm: Quận tiến hành GPMB và không quan tâm đến việc đây có phải là dự án kinh doanh hay không bởi... không thuộc thẩm quyền (?!)

  • Duy Tuấn – Thu Hương

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác