Tiền đền bù 1m2 đất chỉ mua được… 2kg thịt bò
- Hơn 200 hộ dân ở cụm dân cư Bằng A (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) không đồng thuận với việc bàn giao đất nông nghiệp cho dự án khu đô thị mới Tây
Tiền đền bù đất quá… bèo bọt!
Tháng 9/2007 khi nhận được QĐ 3789 của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất nông nghiệp để giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD - Bộ Xây dựng) triển khai dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, người dân Bằng A đã thực sự lo lắng.
Bởi, dự án này thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hiện có của người dân nơi đây với diện tích lên tới 44ha trong tổng số gần 50ha đất của dự án.
Những người nông dân Bằng A đang tập trung phản ánh bức xúc với VietNamNet ngay khi Pv vừa đặt chân đến đây. Họ đều lo cho cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn khi đất nông nghiệp không còn, mọi thứ sẽ thay đổi. Mặc dù đã lên phường nhưng quang cảnh ở đây vẫn còn nguyên một làng quê thuần tuý. Ảnh: Duy Tuấn |
Họ lo lắng hơn bởi vì đây là lần thứ 3, thành phố thu hồi đất của họ. Hai lần thu hồi trước diện tích tuy không lớn nhưng cũng làm cho họ bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp – nơi mưu sinh bao đời của người dân nơi đây. Và cũng đều giao cho Tổng HUD để làm dự án khu đô thị.
Người dân Bằng A cho biết, lần đầu thu hồi đất giá đền bù chỉ đươch 51.700 đồng/ m2, lần thứ 2 thì có khá hơn nhưng cũng chỉ được 120 nghìn đồng/m2. Nhìn những ngôi biệt thự trong khu đô thị mới Linh Đàm xây trên đất nông nghiệp của họ được bán với giá nhiều tỷ đồng, so với giá đất lúc đền bù, họ tỏ ra nuối tiếc.
Ngay khi triển khai việc thu hồi đất lần thứ 3 vào năm 2007, dự án này đã vấp phải sự không đồng thuận quyết liệt của hàng trăm hộ dân. Bởi khi biết rằng trong số đất bị thu sẽ có hơn 10ha được dùng vào việc xây dựng nhà ở thấp tầng, cao tầng, biệt thự… bán theo giá kinh doanh.
Tuy vậy, giá đất đền bù mà họ nhận chỉ có 252 nghìn/m2 nên họ nhất định không đồng ý vì cho rằng chủ đầu tư lấy đất nông nghiệp để kinh doanh mà giá đất thì lại quá thấp.
Bà Thảo, 70 tuổi, một hộ dân Bằng A cho biết, giá đền bù như thế thì làm sao chúng tôi chấp nhận được trong lúc giá cả đời sống ngày một cao. Đứa cháu tôi mới chỉ học mẫu giáo thôi mà mỗi tháng đã mất tới 2 triệu. Nếu tính ra thì phải mất 8m2 đất mới cho cháu học được 1 tháng. Còn nếu đi chợ thì 1m2 đất được đền bù cũng chỉ đủ mua 2 kg thịt bò mà thôi.
Những cánh đồng rau xanh ngát sắp bị biên thành khu đô thị như phần đất nông nghiệp trước mà thành phố đã thu hồi giao cho HUD xây dựng. Nhìn những ngôi biệt thự được chủ đầu tư bán với giá hàng tỷ đồng, những nông dân Bằng A lại nhớ đến khoản tiền đền bù ít ỏi mà họ nhận được trước đây. Ảnh: Duy Tuấn |
Còn ông Nguyễn Xuân Sáu, năm nay 73 tuổi cũng bày tỏ ý kiến: “Tôi thì hiện nay còn hơn 1000m, đợt 1, đợt 2 mất một ít. Thu hồi hết đất của chúng tôi mà trả với cái mức bèo bọt quá. Chỉ 252.000đ/1m2, vậy thì 1 sào chưa được 100 triệu, làm sao sống được. Như tôi già hơn 70 tuổi cũng chưa chắc sống nổi chứ đừng nói con cái của chúng tôi từ 18, 20 tuổi không có một tý đất nào cả, chúng tôi đòi hỏi làm theo chủ trương chính sách đề ra”.
“Thu hết đất chúng tôi lấy gì sống?”
Các cánh đồng Vườn Thán, Cửa Đình, Đồng Cao của nông dân Bằng A vốn được biết đến với nghề trồng rau sạch. Người dân ở đây mấy năm trở lại đây không còn trống lúa vì dù đất tốt có thể trồng 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm nhưng cho thu nhập thấp. Họ đã chuyển sang trống rau vì cho thu nhập cao hơn.
Không ít gia đình với hơn 10 nhân khẩu, mọi sinh hoạt trong cuộc sống, học hành đều trông vào những ruộng rau, nhưng gánh rau thơm mỗi khi các bà các chị ra chợ. Như gia đình chị Trần Thị Quý. Cả gia đình hơn 10 người chủ yếu nhìn vào số diện tích đất 800m2 được chị trồng rau thơm.
Trung bình mỗi ngày chị hái được 100 mớ rau, với giá 4.000 đồng một mớ chị cũng đã thu về được 400 nghìn đồng.
Đa phần thu nhập của người nông dân Bằng A là trông chờ vào những ruộng rau. Có hộ như chị Quý (áo đen) hơn 10 nhân khẩu sống nhờ vào ghánh rau hàng ngày của chị. Ảnh: Duy Tuấn |
Nhà chị Quý đông người lại không có nghề nghiệp gì nên chỉ biết quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, cầu mong sao cho rau được xanh tốt để bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học.
Từ khi biết tin số diện tích ruộng còn lại sẽ bị thu hồi hết nhưng chỉ nhận được giá đền bù 1 m2 đất không bằng một ngày chị đi bán rau, chị Quý thấy lo cho cuộc sống sau này của mình. “Chúng tôi rời ruộng ra thì biết lấy gì để sống, nghề nghiệp thì không có, nếu muốn lấy đất của chúng tôi để kinh doanh thì phải thoả thuận giá cả với chúng tôi”, chị Quý cho biết thêm.
Gia đình ông Nguyễn Đình Đăng và bà Nguyễn Thị Cảnh cũng ở trong hoàn cảnh tương tự nhà chị Quý, nguồn thu nhập chính cũng trông chờ vào các ruộng rau. “Chúng tôi ít am hiểu nhưng nếu nhà nước lấy đất để phục vụ lợi ích quốc gia thì chúng tôi sẵn sàng trao đất. Nhưng đây là dự án có cả kinh doanh, cứ nhìn những ngôi biệt thự họ bán hàng tỷ được xây trên đất của chúng tôi thì biết. Thu đất chúng tôi làm gì thì phải đền bù tương xứng theo thoả thuận để chúng tôi ổn định cuộc sống, không thì chúng tôi lấy gì sống?”, ông Đăng cho biết.
“Hàng ngàn lao động có nguy cơ ra đứng đường” (?)
Nỗi lo lắng lớn nhất của người dân Bằng A là việc rồi đây khi đất bị thu hồi hết, không còn việc làm, hàng ngàn con người chủ yếu sống dựa vào nghề nông không biết rồi sẽ ra sao? Trong lúc đó dự án này không có phương án chuyển đổi việc làm cho người dân, tất cả đều quy ra tiền.
Theo phương án bồi thường mà họ nhận được từ ban GPMB của UBND huyện Hoàng Mai thì ngoài 252 nghìn đồng thì mỗi m2 đất họ còn được nhận thêm tiền hỗ trợ. Cụ thể là 30 nghìn đồng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm, 35 nghìn tiền hỗ trợ đời sống và 3 nghìn đồng tiền… thưởng tiến độ.
Tổng cộng trên mỗi m2 đất họ nhận được 317 nghìn đồng
Chị Lưu Thị Sơn, nguyên Đại biểu HĐND phường Hoàng Liệt lo ngại: "Lấy đất của chúng tôi mà chỉ áp giá 252000/m2 đất, thử hỏi hàng nghìn lao động của thôn Bằng A chúng tôi đi về đâu? Chắc phải ra đứng đường thôi. Làm gì để ăn, làm gì để sinh sống? Công ăn việc làm thì không hứa hẹn". Ảnh: Duy Tuấn |
Chị Lưu Thi Sơn, 51 tuổi, nguyên là đại biểu HĐND phường Hoàng Liệt cho biết thêm: “Ngay ban đầu khi QĐ 3789 ra đời nhân dân đã không đồng tình. Thành phố cũng làm văn bản cấp dưới của luật, không thể làm sai luật được. Nếu là công trình phục vụ mục đích quốc gia, quốc phòng thì nhân dân chúng tôi đồng ý hết nhưng lấy đất để kinh doanh, lấy của người nghèo bán cho người giàu là không thể được. Nếu không thoả thuận, không họp với dân thì người dân sẽ không giao đất”.
“Lấy đất như thế thì phải thoả thuận với chúng tôi. Lấy đất của chúng tôi mà chỉ áp giá 252.000/m2 đất, thử hỏi hàng nghìn lao động của thôn Bằng A chúng tôi đi về đâu? Chắc phải ra đứng đường thôi. Làm gì để ăn, làm gì để sinh sống? Công ăn việc làm thì không hứa hẹn”, hàng loạt câu hỏi được chị Sơn đưa ra.
Tuy vậy, hàng loạt câu hỏi không nhận được câu trả lời thoả đáng. Họ, những người nông dân thuần tuý không còn biết trông chờ vào đâu. Họ còn bức xúc hơn nữa vì một số cách làm việc "không dân chủ" của một số cán bộ chính quyền địa phương.
- Duy Tuấn – Thu Hương