Bài 4:

Thuyết phục, "ép" dân không được thì cưỡng chế?

Cập nhật lúc 09:03, 07/01/2010 (GMT+7)

- Một không khí lo lắng bao trùm lên cuộc sống của hơn 200 hộ dân Bằng A (Hoàng Liệt, Hoàng Mai - Hà Nội). Họ sắp bị mất hết đất. Những khiếu nại của họ vẫn không được giải quyết, đất thì sẽ bị cưỡng chế.

 

Người dân cho rằng, chính quyền quá "ưu ái" chủ đầu tư. Họp thì bị hạn chế phát biểu, ruộng đồng bị cắt nước, điện không cho sản xuất. Thuyết phục, “ép” không được thì ra quyết định hành chính xử phạt rồi cưỡng chế (?).

 

Không liên quan cũng bị kỷ luật 

Cả cụm dân cư Bằng A đều biết đến ông Nguyễn Như Mẫn, nguyên chuyên viên chính của Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT. Khi về hưu, ông về sống với vợ con tại cụm dân cư Bằng A. Ấy thế mà, chỉ vì ông phát biểu quan điểm không đồng tình với cách làm việc của cán bộ cơ sở, chính quyền địa phương trong khi triển khai dự án, con cái ông không đồng ý nhận tiền giao đất nên ông đã bị kỷ luật khiển trách về đảng. 

’Ông
Ông Nguyễn Như Mẫn rất bức xúc vì "tự nhiên" bị kỷ luật đảng vì "không hoàn thành nhiệm vụ" khi người nhà của ông không đồng ý nhận tiền đền bù. Ảnh: Duy Tuấn

Lý do được đưa ra là do ông “liên đới trách nhiệm, vạch đường cho hươu chạy, không vận động được gia đình, không hoàn thành nhiệm vụ”.  

Tôi về nghỉ hưu thấy bất bình lắm, chính quyền phường không cho dân nói, các anh tổ chức họp dân nhưng không cho dân phát biểu, câu trước câu sau các anh gạt, không tôn trọng quyền dân chủ.

Người dân chưa đồng thuận thì đã cho công binh về dò mìn trên đất của họ. Đừng bắt người nông dân thiệt thòi như thế, chuyển đổi ngành nghề cho người ta là 65.000đ, cộng lại là 317.000đ/m2, đồng tiền thì càng ngày càng mất giá”, ông Mẫn bày tỏ bức xúc.. 

Ngoài ông Mẫn, 10 đảng viên ở cụm dân cư Bằng A cũng bị kỷ luật vì những lý do tương tự. 

Không phải đảng viên nhưng chị Lưu Thị Sơn lại được nhân dân Bằng A tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND khoá 2004 – 2009 của phường Hoàng Liệt. Chị là người thẳng thắn nói lên nguyện vọng của nhân dân. 

Thế nhưng cũng cùng cảnh ngộ với những đảng viên bị kỷ luật, tháng 7/2009, chị Sơn bất ngờ bị miễn nhiệm chức danh đại biểu HĐND phường. Lý do được đưa ra là chị không vận động được gia đình ra lấy tiền đền bù.

Mô tả ảnh.

Hình ảnh về buổi cưỡng chế để phục vụ cho Dự án Tây Nam hồ Linh Đàm trong sáng 5/1/2010. Những ruộng rau xanh đã bị cày xéo, một số người dân chỉ kịp thu hoạch được một ít rau đưa về. Ảnh: Duy Tuấn

Chị Sơn cho biết: “Bản thân tôi là dâu thì tôi phải phụ thuộc vào gia đình chồng chứ, làm gì có quyền. Mà với cái giá đền bù như thế thì dân chúng tôi không sống được, trong cơ chế thị trường này, từ khi gạo 4.000 đồng 1 cân nay lên đến mười mấy nghìn một cân.

Trong khi đó, hôm qua, tôi phát biểu tại HĐND lý do gì từ cấp thành phố, quận, phường đều đứng về phía Tổng HUD, bảo vệ cho họ. Bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp mà không bảo vệ quyền lợi cho người dân (?)  

Các đồng chí lấy hết quyền lợi của dân. Tôi đã nói với bí thư chi bộ là cho nhân dân họp để nhân dân bầu ra người tham gia ban GPMB để cho dân chủ nhưng đồng chí nói không được, chỉ có mặt trận được bầu là đủ. Nhưng tôi cũng là thành viên mặt trận, tất cả thành viên mặt trận không ai được bầu. Ở đây chỉ có bà Vân, Trưởng ban Mặt trận và ông Tuất bí thư bầu ra 6 người tham gia GPMB. Những người này không hiểu hết thì làm sao bảo vệ được quyền lợi cho dân”. 

Không nhận tiền thì sẽ bị đưa đi lao động? 

Trong những câu chuyện mà chúng tôi nghe được về cái mà người dân nói là chính quyền ép họ thì có câu chuyện hơi khó tin: Anh Nguyễn Công Hạnh, sinh năm 1968, phải nhận tiền đền bù đất vì bị một công an nói rằng “nếu không nhận thì sẽ bị đưa đi lao động” (?) Điều đáng nói hơn là anh Hạnh là một người “không bình thường lắm”. 

Bà Lưu Thị Trại, mẹ của anh Hạnh, vẫn chưa hết bức xúc kể với chúng tôi: “Con tôi đi bộ đội về bị tai nạn nên không bình thường lắm. 12 năm trước đây, nó bị vướng vào một vụ ăn cắp xe đạp, chỉ nộp tiền phạt rồi về. Lâu nay không vi phạm gì cả. Đợt vừa rồi có cán bộ nói rằng “lấy đi, không lấy thì phải đi lao động". Nghe thế gia đình tôi sợ quá, lo cho con nên nói thôi thì nhận chứ đi lao động thì khổ lắm”. 

Mô tả ảnh.
Đại diện người dân Bằng A đang trình bày những bức xúc tại toà soạn Báo VietNamNet. Điều họ bức xúc nhất vẫn là cách làm việc "mất dân chủ" của một số cán bộ cơ sở. Ảnh: Duy Tuấn

Về thông tin trên của bà Trại, ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt khẳng định: Không có chuyện cán bộ doạ nạt dân như thế, có thể quá trình thực hiện thì người dân họ nói thôi. Bởi cách làm như thế thêm được 1-2 trường hợp cũng không ăn thua, không làm thế đâu. 

Riêng đối với phần diện tích của mình, bà Trại vẫn chưa đồng ý nhận tiền. Bà cho biết, chỉ cần chủ đầu tư về họp với dân để làm rõ một số thắc mắc của người dân thì chỉ một ngày là có thể lấy được đất. 

Một vấn đề nữa là việc đất dịch vụ mà nhà nước hứa hỗ trợ cho người dân khi bị mất 30% đất nông nghiệp vẫn không được chính quyền giải thích rõ ràng. Theo quy định, mỗi hộ dân sẽ được cấp 60m2 đất dịch vụ để chuyển đổi nghề nghiệp, thế nhưng hiện nay họ vẫn đang mù mờ về phần đất này.

Đất dịch vụ họ nói có nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy đâu. Ông Tuất bí thư có nói là ai lấy trước thì được ưu tiền bên ngoài, nếu lấy sau thì chỉ có trong xó. Nhưng tôi vẫn chưa có lòng tin với họ. Phải về đây bàn với chúng tôi, làm sổ đỏ cho chúng tôi. Phải tiền trao cháo múc, chỉ một ngày là xong thôi. Bởi bao nhiêu lần tăng giá rồi”, bà Trại cho biết thêm. 

Không thuyết phục được người dân giao đất nhận tiền, chính quyền địa phương thông báo sẽ gửi số tiền đó vào kho bạc. Không những thế, gần đây, UBND quận Hoàng Mai còn ra quyết định xử phạt hành chính đến từng hộ gia đình, phạt mỗi hộ 1 triệu đồng và thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 1/2010.  

Mô tả ảnh.
Trông vào những ngôi biệt thự xây trên phần đất nông nghiệp trước đây được bán với giá nhiều tỷ đồng, người dân bị mất đất lại nghĩ đến số tiền đền bù ít ỏi mà họ nhận được. Ảnh: Duy Tuấn

Tất cả những cách làm trên của chính quyền các cơ sở khi triển khai dự án đều vấp phải sự  không đồng thuận của hơn 200 hộ dân. Họ vẫn tiếp tục yêu cầu được giải quyết theo luật khiếu nại, tố cáo, tổ chức họp giữa nhân dân, chủ đầu tư với chính quyền để làm rõ một số vấn đề. 

Tuy vậy, mong ước của người dân khó thành hiện thực bởi chính quyền các cấp đang ra sức thực hiện các biện pháp hành chính để tiếp tục triển khai dự án. 

Bà con chúng tôi sống nhờ đất, chết cũng nhờ đất. Nhà nước thu hồi hết đất mà không đền bù, hỗ trợ thoả đáng thì chúng tôi sống ra sao? Làm sao phải hài hoà lợi ích xã hội – doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, bà con chúng tôi buộc lòng phải đi khiếu nại lên các cấp, các ngành để đòi lại sự công bằng khi bị thu hồi hết đất”, đơn của hơn 200 hộ dân Bằng A. 

(Còn nữa)

  • Duy Tuấn – Thu Hương

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác