221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
1237200
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ: "Vì tôi thiếu cương quyết..."
0
Photo
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ: 'Vì tôi thiếu cương quyết...'
,

 - Sáng nay (24/9), TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Giám đốc PMU Đông - Tây cùng cộng sự về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

 

Đúng 8 giờ sáng, phiên tòa bước vào phần khai mạc, ông Nguyễn Đức Sáu – Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên Trần Ngọc Quang đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.

 

Ngoài ra, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đã mời 4 luật sư tham gia bào chữa, đại diện nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây (viết tắt là Ban QLDA) và hơn 80 người liên quan cũng được triệu tập có mặt tại tòa.

 

Ngay trong phần khai mạc, công bố nội qui phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đề nghị các phóng viên không chụp hình trong quá trình bị cáo trả lời thẩm vấn nhằm tránh làm phân tâm các bị cáo trong quá trình tố tụng.

 

Vẫn giữ nguyên quan điểm cáo buộc, VKS cho rằng, trong thời gian từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2002, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ – Giám đốc Ban QLDA Đại lộ Đông – Tây cùng cộng sự Lê Quả đã tự ý cho Công ty PCI thuê phòng làm việc tại căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 để thu lợi 80.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng) để ngoài sổ sách.

 

Dai-dien-co-quan-Vien-kiem-sat-cong-bo-cao-trang-luan-toi.jpg
Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. (Ảnh: Vũ Như)
 

Trong tổng số 1,2 tỷ đồng nói trên, các bị cáo giữ lại 350 triệu đồng để chi phí tiếp khách, số còn lại đem chia chác cho cán bộ nhân viên trong Ban QLDA. Riêng bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ có 42 lần nhận tiền, tổng cộng là 52.250.000 đồng. Bị cáo Lê Quả có 42 lần nhận tiền, tổng cộng là 53.900.000 đồng.

 

Mở đầu phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Lê Quả. Trước tòa, Lê Quả khai nhận toàn bộ hành vi mà cáo trạng của cơ quan công tố quy kết là phù hợp.

 

Được hỏi về việc có biết giá nhà nước cho thuê căn nhà số 3, Nguyễn Thị Diệu cho Ban QLDA làm việc giá bao nhiêu không, bị cáo Quả cho biết không nhớ rõ nhưng khoảng 2 triệu đồng/tháng. Về việc các bị cáo tự ý cho PCI thuê lại phòng làm việc không thông qua cơ quan chức năng mà cụ thể là Công ty quản lý nhà TP.HCM, ông này khẳng định mình không có thẩm quyền quyết định.

 

Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả trước vành móng ngựa

 

Bị cáo Quả cho rằng mình chỉ là Phó Giám đốc, là người giúp việc cho Giám đốc, không có thẩm quyền quyết định. Việc cho PCI thuê lại phòng làm việc để thu “lời”, bị cáo hỏi ý kiến Giám đốc Huỳnh Ngọc Sĩ, nếu “sếp” đồng ý thì được, không đồng ý thì thôi. Việc này bị cáo đã báo cáo trong cả cuộc họp và được “sếp” Sĩ đồng ý, giao cho giải quyết. Lúc đầu, giá PCI đưa ra là 2.000 USD/tháng nhưng bị cáo Quả đã tiến hành thương lượng và nâng giá thuê cuối cùng lên 5.000 USD vì như thế mới đủ chia cho anh em cán bộ.

 

Ngoài ra, bị cáo cũng trình bày do nghĩ rằng dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM là một dự án rất lớn, phức tạp vào hạng nhất nhì Đông Nam Á hiện nay nên việc tạo điều kiện cho quá trình trao đổi kinh nghiệm là cần thiết, việc PCI làm việc tại cùng căn nhà trên sẽ rất thuận lợi cho việc trao đổi thông tin.

Thu nhập từ tiền cho thuê nhà sẽ góp phần cải thiện đời sống công nhân viên do đời sống nhân viên còn nhiều khó khăn. Từ những lý do trên, bị cáo đã có hành vi sai phạm, bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 350 triệu đồng mà mình và “sếp” giữ lại để chi tiếp khách.

 

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ trước vành móng ngựa

 

Về phần mình, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ cũng thừa nhận sai phạm trước tòa. Huỳnh Ngọc Sĩ khai rằng vào tháng 8/2001, cấp dưới Lê Quả đã cho PCI thuê nhà nhưng mãi đến cuối năm bị cáo mới biết. “Khi bị cáo biết và Lê Quả báo cáo, bị cáo có đồng ý không?” – “Bị cáo không đồng ý” – “Không đồng ý sao PCI vẫn làm việc ở đó?” “Do bị cáo thiếu cương quyết”.

 

“Là giám đốc, bị cáo là người làm chủ về mặt hành chính, pháp lý cao nhất. Nếu bị cáo không đồng ý cho PCI làm việc ở đó thì PCI có ở đó làm việc không?” “Theo bị cáo Ban QLDA có quyền cho thuê lại căn nhà trên không?”…Huỳnh Ngọc Sĩ thừa nhận sai phạm trước những lời chất vấn của tòa và tiếp tục cho rằng do mình thiếu cương quyết với cấp dưới.

 

Trả lời thẩm vấn của vị đại diện cơ quan công tố về việc Lê Quả khai đã xin ý kiến giám đốc về việc cho PCI thuê nhà có đúng hay không, ông Sĩ khai là không. Ông này cho biết thêm sau khi biết sự việc đã chỉ đạo Lê Quả ngừng ngay việc cho thuê từ cuối năm 2001. Viện kiểm sát tiếp tục chất vấn rằng bị cáo chỉ đạo ngừng ngay việc cho thuê từ cuối năm 2001 mà sao năm 2002 vẫn nhận tiền thì bị cáo im lặng.

 

Trước đó, bà Ngô Thị Ngọc Thanh, đại diện Công ty kinh doanh quản lý nhà TP.HCM cho biết căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho Ban QLDA thuê lại từ năm 2000, hợp đồng ghi rõ không được cho thuê lại nếu không được công ty này cho phép. Trong quá trình PCI thuê lại, công ty kinh doanh nhà có kiểm tra, nhưng không phát hiện được.

 

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

VietNamNet đã ghi nhận một số hình ảnh “khai mạc” của phiên tòa này. 

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại phiên tòa khi bị hạn chế hoạt động bên trong pháp đình.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả trước vành móng ngựa.
Người dân theo dõi diễn biến phiên tòa từ 2 màn hình lớn được đặt ở tiền sảnh TAND TP.HCM.
Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử TAND TP.HCM thẩm vấn 2 bị cáo.
  • Vũ Như – Đ. Đệ

25/1/2000: UNBD TP.HCM ra quyết định số 637/QĐ-UB-ĐT thành lập Ban quản lý dự án (PMU) đại lộ Đông Tây TP.HCM.   

 

26/9/2000: UBND TP.HCM có quyết định số 245/QĐ-UB-VX bổ nhiệm ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên xung phong thành phố giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở GTCC, kiêm Giám đốc  PMU đại lộ Đông Tây.

 

29/4/2002: UBND TP.HCM ra quyết định sáp nhập PMU đại lộ Đông Tây và PMU Cải thiện Môi trường nước thành phố thành PMU đại lộ Đông Tây và Môi trường nước (ĐLĐT & MTN). Cùng ngày, UBND TP.HCM ra quyết định số 107/QĐ-UB bổ nhiệm ông Sĩ, Phó Giám đốc Sở GTCC kiêm Giám đốc PMU  ĐLĐT & MTN; ông Lê Quả làm Phó Giám đốc thường trực.

 

5/2001: Ông Sĩ và ông Quả dùng nhà thuộc sở hữu Nhà nước (3 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3, TP.HCM) cho Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International-  viết tắt PCI) trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế đại lộ Đông Tây thuê với giá 2.500 USD/tháng.

 

31/01/2005: Dự án đại lộ Đông Tây TP.HCM, được Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ vốn chính thức được khởi công.

25/6/2008: Nhật báo Yomiuri (Nhật) đưa tin PCI bị điều tra vì những vụ bê bối tài chính và  đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ ở Đông Nam Á, trong đó có cán bộ của PMU ĐLĐT & MTN.

28/6/2008: Báo chí Nhật thông tin các quan chức của PCI đã tiết lộ danh tính cán bộ có trách nhiệm trong PMU ĐLĐT & MTN nhận tiền của họ.

25/8/2008: Bốn cựu quan chức của PCI chính thức bị cơ quan tố tụng Nhật truy tố vì hành vi “đưa hối lộ”. Số tiền khoảng 820.000 USD được cơ quan này cho biết, các quan chức của PCI khai nhận đưa cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong khoảng thời gian từ 2003- 2006.

9/2008: Tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an (C37) vào TP.HCM xác minh thông tin mà báo chí Nhật loan tin.

19/11/2008: Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định số 663/QĐ/UBND tạm đình chỉ công tác đối với ông Sĩ.

4/12/2008: Đại sứ Nhật tại Việt Nam tuyên bố, Nhật Bản tạm ngừng mọi dự án ODA mới có lãi suất ưu đãi cho Việt Nam, tới khi có kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ của PCI liên quan đến cán bộ của PMU ĐLĐT & MTN.

8/12/2008: C37 ra quyết định khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra từ năm 2003 - 2006 tại PMU ĐLĐT & MTN TP.HCM.

29/1/2009: Tòa án quận Tokyo (Nhật Bản) tuyên án đối với ba trong bốn cựu quan chức của PCI, sau khi kết luận họ có tội trong việc hối lộ một quan chức tại PMU ĐLĐT & MTN TP.HCM. 

10/2/2009: Viện kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Ngọc Sĩ vì hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật Hình sự.

11/2/2009: C37 tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Sĩ và ông Quả, sau đó di lý ra Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra.

24/9/2009: TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử ông Sĩ và ông Quả. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, hai ông này bị cáo buộc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,