221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
861612
UBND TP.Hà Nội giải trình về dự án ''triệu đô tai tiếng''
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
UBND TP.Hà Nội giải trình về dự án ''triệu đô tai tiếng''
,

(VietNamNet) - Sau khi Thanh tra Chính phủ hoàn tất kết luận thanh tra việc thực hiện Dự án Tăng cường năng lực quản lý GTĐT tại Hà Nội, dư luận dấy lên làn sóng mà đa phần các ý kiến và dẫn chứng được nêu đều phản ánh sự kém hiệu quả, lãng phí của ''dự án triệu đô'' này. Hôm nay, UBND TP.Hà Nội chính thức có ý kiến giải trình kết luận thanh tra, gửi Thủ tướng Chính phủ.

Soạn: HA 948573 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nút giao thông ĐH Ngoại ngữ - Triều Khúc được báo chí tổng kết là ''đốt tiền ngân sách'' vì có tới cả thảy 15 cái cột đèn, xếp thành 7 hàng, khoảng 50 bóng!
Ảnh: Lê Anh DZũng.

Công văn số 5162/UBND-XDĐT ngày 7/11/2006 của UBND TP.Hà Nội giải trình 10 vấn đề cụ thể, gồm: vấn đề liên quan Tư vấn MVA và Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng giao thông công chính (''đưa ra giải pháp không sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh tại nút Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, nam cầu Chương Dương''); vấn đề của Tư vấn Louis Berger (việc tư vấn và nhiều ý tưởng thiết kế ban đầu chưa sát thực tế, ảnh hưởng tiến độ thi công, lãng phí vật tư...); về kiến nghị giảm trừ quyết toán của Tư vấn Louis Berger; về gói đèn tín hiệu giao thông; về một số thiết bị vi phạm quy chế nhãn mác; về tính toán giảm trừ vật tư thiếu của các nhà thầu; giảm trừ chi phí phụ trợ; giảm trừ khối lượng do thi công thiếu chiều dày đường; về kiến nghị tạm ngừng quyết toán một số nhà thầu về chi phí Ban quản lý dự án giao thông đô thị.

VietNamNet trích đăng một số nội dung mà dư luận quan tâm trong bản giải trình:

Tư vấn Louis Berger không có trách nhiệm liên quan(!?)

Theo UBND TP.Hà Nội: ''Tư vấn Louis Berger là Tư vấn của dự án được lựa chọn thông qua đấu thầu quốc tế rộng rãi. Kết luận thanh tra nêu: Việc khảo sát và nhiều ý tưởng thiết kế ban đầu của Công ty Tư vấn chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và lãng phí vật tư, khi thiết kế chi tiết đã phải cắt bỏ hoặc bổ sung các phần việc như: nhà chờ xe buýt, dải phân cách hành lang Bạch Mai, các đảo trong khu phố cổ...

Trên thực tế, quá trình lập các thiết kế tổ chức giao thông được thực hiện theo trình tự: Tư vấn tiến hành khảo sát giao thông như lưu lượng, thành phần phương tiện, các thói quen đi lại, thống kê tai nạn giao thông và nguyên nhân..., khảo sát địa hình, địa chất... sau đó tiến hành phân tích các vấn đề tồn tại về tổ chức giao thông của đoạn đường hoặc nút (như số lượng các điểm xung đột, vị trí tập trung các điểm xung đột giữa các luồng giao thông) và đề xuất phương án tổ chức giao thông để khắc phục tồn tại.

Các phương án thiết kế sau đó được trình bày hoặc gửi xin ý kiến đóng góp của các ngành như: giao thông công chính, cảnh sát giao thông, các giáo sư chuyên ngành cầu đường và tổ chức giao thông.

Nhiều không phải đã là tốt?! - cái gì cũng vậy, đèn giao thông cũng không ngoại lệ (ảnh chụp tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh DZũng.

Riêng đối với 2 khu vực nhạy cảm là khu phố cổ và khu phố kiến trúc kiểu Pháp, tháng 8/2000, UBND TP đã chỉ đạo Ban quản lý tổ chức hội thảo xin ý kiến của giới chuyên môn và chính quyền địa phương, với sự tham dự của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, UBND quận Hoàn Kiếm và UBND các phường Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Gai, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Phòng Cảnh sát giao thông (CA TP.Hà Nội) và các giáo sư Nguyễn Xuân Đào, Nguyễn Quang Toản, Đỗ Bá Chương, các báo, đài Trung ương và địa phương.

Hồ sơ thiết kế sau khi được lập theo quy trình nói trên đã được thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước, đã tổng hợp các ý kiến góp ý bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Sở Quy hoạch kiến trúc... Các hạng mục công việc chính đã thực hiện theo đúng mục tiêu đầu tư và nội dung đầu tư quy định trong Quyết định đầu tư và Hiệp định vay tín dụng.

Trong quá trình thi công, do ý thức chấp hành luật giao thông của người đi đường còn chưa cao, dẫn đến các phản ứng gay gắt với một số biện pháp tổ chức giao thông mang tính cưỡng chế. Sở GTCC là cơ quan chuyên ngành của UBND TP.Hà Nội đã buộc phải chỉ đạo điều chỉnh làm giảm tính cưỡng chế nhưng vẫn đảm bảo tuân theo luật giao thông, như: thay thế một số đảo cứng bằng đảo sơn, một số dải phân cách bằng vạch sơn liền nét và không liên quan đến trách nhiệm của Tư vấn''.

Thay đổi phương án cào bóc là do nguyên nhân khách quan(!?)

Kết luận thanh tra nêu ''phương án cào bóc mặt đường 3cm, 5cm và 6cm tại các tuyến phố cổ không phù hợp, phải đổi sang cào bóc sâu 15cm''. UBND TP.Hà Nội giải trình: ''Nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi phương án thiết kế cào bóc là do hiện trạng mặt đường các tuyến phố thuộc khu phố cổ thời điểm tư vấn khảo sát có cường độ mặt đường không đồng đều. Một số phố mặt đường có cường độ >1.200kg/cm2 như Hàng Ngang, Hàng Đường còn phần lớn các phố có cường độ mặt đường nhỏ hơn 1.000kg/cm2. Mặt đường các tuyến thuộc khu phố cổ và phố Bà Triệu sau nhiều lần thảm bê-tông nhựa cải tạo có độ cao hơn nền nhà dân 2 bên đường.

Nhiều nơi ngay tại Hà Nội cứ ngắm ''rừng'' đèn tại nút giao thông này (một trong những nút nhiều ''điều tiếng'' thuộc dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị) mà thèm! Ảnh: Lê Anh DZũng.

Sau khi Tư vấn lập phương án cào bóc sau 5cm năm 2002, Dự án Thoát nước Hà Nội đã tiến hành thi công cống thoát nước trên một số tuyến phố thuộc 2 khu phố trên, dẫn đến việc thay đổi kết cấu mặt đường và phải điều chỉnh lại phương án cào bóc. Tư vấn đã xem xét kiến nghị thay đổi thiết kế và việc thay đổi phương án thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thay đổi phương án cào bóc là do những nguyên nhân khách quan làm thay đổi kết cấu mặt đường.''

Vướng nhiều "chướng ngại vật" khi lắp đèn giao thông

Về việc Kết luận thanh tra kiến nghị giảm trừ quyết toán ''số tiền 8.192,75USD của Công ty Tyco (phần nhà thầu đã chấp thuận giảm giá 2,5% giá trị cột đèn)'', UBND TP.Hà Nội giải trình: ''Nhà thầu Tyco chào trong hồ sơ thầu là cột nhập từ Thái Lan, nhưng thực tế triển khai thiết kế thi công, nhà thầu phát hiện mặt bằng thi công vướng nhiều công trình ngầm, cây cối nên việc di chuyển vị trí móng cột từ 0,5-2m xảy ra ở hầu hết các nút.

Do đó, cần điều chỉnh phần tay vươn của cột (là yêu cầu cột nhập ngoại không thể đáp ứng). Nhà thầu Tyco đã chọn cột do HAPULICO (đạt chứng chỉ ISO) và tự nguyện giảm giá so với giá bỏ thầu 2,5% (tương đương 8.192,75USD). Việc kết luận của Thanh tra sử dụng từ ''giảm trừ'' dễ gây hiểu lầm cho Nhà thầu Quốc tế, vì đây là khoản tiền Nhà thầu đã có văn bản tự nguyện giảm trừ từ tháng 11/2004.

... Đối với gói đèn tín hiệu, Đoàn thanh tra nêu ý kiến một số thiết bị thành phần của hệ thống tủ điều khiển của gói thầu đèn tín hiệu giao thông không ghi nhãn, nhưng trên thực tế các thiết bị này đều được sản xuất, lắp đặt tại Úc, có chứng chỉ xuất xứ của thiết bị tổng thành do Phòng Thương mại Công nghiệp bang New South Wales (Úc) cung cấp. Nhà thầu Tyco cũng đã có văn bản cam kết khẳng định về xuất xứ hàng hoá, tuân thủ quy định Hợp đồng về tiêu chuẩn hàng hoá, trong đó có nhãn mác.

Trong trường hợp các gói thầu mua sắm thiết bị của dự án này - không thể lấy quy định của Quy chế nhãn mác để áp dụng mà phải tuân thủ các tiêu chuẩn đấu thầu của Nhà tài trợ đã được Hiệp định tín dụng quy định''.

Về việc thi công thiếu chiều dày: Không thể lấy đại diện để tính cho toàn tuyến(?!)

Xây cho được rồi phá cũng bằng sạch - bức ảnh này giờ là... lịch sử!

Khi tiến hành khoan xác xuất 47 vị trí tại các tuyến phố cổ và phố kiến trúc kiểu Pháp để kiểm tra phần bê-tông nhựa, đoàn thanh tra phát hiện nhiều chỗ không đạt chiều dày thiết kế, khối lượng bê-tông bị thiếu là 61,28m3 (trị giá 332.620.288 đồng). Tại 24 vị trí vỉa hè khác, phát hiện thêm 2 phần vữa và bê-tông lót không đạt chiều dày thiết kế - khối lượng thi công thiếu là 340,63m3 vữa lót; 180,72m3 bê-tông lót và 64m3 cát vàng (trị giá 112.500.009 đồng). Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Ban Quản lý dự án giảm trừ quyết toán của các nhà thầu số tiền trên.

Về việc này, UBND TP.Hà Nội đưa ý kiến: ''Việc kiểm tra chiều dày các lớp kết cấu đã được tư vấn, Ban quản lý tiến hành theo các quy trình hiện hành của Nhà nước. Cụ thể như, kiểm tra chiều dày phải dựa trên kết quả đo cao độ trước và sau khi thi công, kết hợp với khoan kiểm tra và tính toán khối lượng theo phương pháp trung bình mặt cắt. UBND TP.Hà Nội đề nghị Đoàn thanh tra xem xét việc tính toán giảm trừ do thiếu chiều dày dựa trên căn cứ kết quả một số vị trí khoan (số vị trí thiếu chiều dày là 4/46 vị trí/43km).

Vì, theo quy trình thi công nghiệm thu bê-tông nhựa 22TCN 249-98, cứ 200m dài đường hai làn xe hoặc 1.500m2 mặt đường - phải lấy 1 tổ 3 mẫu, trong khi Đoàn chỉ tiến hành khoan tối đa 1 mẫu/1 tuyến phố hoặc 46 vị trí/43km. Do mật độ khoan quá thưa nên kết quả khoan chỉ phản ánh chiều dày cục bộ tại vị trí khoan mà không phản ánh hết được chiều dày kết cấu tại các vị trí khác nhau và không thể lấy đại diện để tính cho toàn tuyến vì không đúng quy trình nghiệm thu của Nhà nước!

Ngoài ra, trong số 47 mũi khoan của Đoàn thanh tra có 43 mũi có chiều dày đạt và vượt chiều dày thiết kế - Kết luận thanh tra đã không đề cập đến việc bổ sung cho nhà thầu! Đề nghị Thanh tra Chính phủ giao Ban quản lý dự án khi quyết toán phải căn cứ vào quy trình thi công nghiệm thu mặt đường bê-tông nhựa 22TCN 249-98 để kiểm tra khối lượng thi công của các nhà thầu và thanh toán đúng thực tế''!

Theo UBND TP. Hà Nội, các công việc dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị đã thực hiện và hiệu quả của dự án này là: Cải tạo gần 2 triệu m2 đường và gần 200 nghìn m2 hè; cải tạo, xây dựng mới 10.000m hệ thống thoát nước khu vực dự án; cải tạo, trồng mới hơn 46.000m2 công viên, cây xanh; các chỉ tiêu về giao thông theo yêu cầu của WB như tốc độ xe chạy, số vụ tai nạn giao thông đều đạt yêu cầu.

Như vậy, nhìn lại một cách tổng quát các luồng quan điểm xoay quanh dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị, có thể nhận thấy gay gắt nhất, bức xúc nhất vẫn là phản ứng từ phía người dân (những người lẽ ra được thụ hưởng nhiều nhất từ dự án này). Còn mọi việc đối với các cơ quan, ban, ngành trực tiếp quản lý, triển khai dự án thì đều đã được lý giải: tư vấn không có lỗi, nhà thầu không vi phạm, đơn vị thi công không thất thoát, lãng phí mà thậm chí còn cần được bổ sung tiền! Việc phải thay đổi, dỡ bỏ một số biện pháp điều tiết giao thông trên đường phố cuối cùng cũng ''do ý thức chấp hành luật giao thông của người đi đường còn chưa cao''!?

Khác nhau cơ bản giữa quan điểm của người LÀM và người HƯỞNG (người LÀM thì coi không vấn đề gì, người HƯỞNG lại thấy quá nhiều vấn đề!) có lẽ bởi: người dân chỉ quan tâm nhất đến
hiệu quả của dự án này tác động lên cuộc sống của họ, vì sao đèn tín hiệu giao thông lại mắc lỗi ngớ ngẩn? vì sao đèn giao thông nhiều nơi chỉ để ''trang trí'', hiện diện một cách vô ích trong khi nhiều chỗ khác lại thiếu nghiêm trọng và mòn mỏi chờ được lắp đèn? vì sao dựng lươn, đắp trạch, thảm đường rồi phá? vì sao đặt đảo, phân luồng mà giao thông chỗ đó vẫn rối ren? vì sao phải mất thời gian, tiền bạc chắp vá, gia công những chiếc xe Rebel với dáng vẻ ăn chơi thành xe cảnh sát, trong khi hoàn toàn có thể làm tốt hơn như vậy???... còn việc giảm trừ hoặc bổ sung quyết toán một ít, chênh lệch vật tư một chút (thiếu nọ thừa kia) - âu cũng là ''tình hình chung'', qua thanh, kiểm tra hầu như dự án nào chẳng mắc!

Song đến nay, không phải câu hỏi nào của người dân về hiệu quả của Dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị cũng đã sẵn câu trả lời!

Soạn: HA 948521 gửi đến 996 để nhận ảnh này
PGS. TS. Hà Đình Đức. Ảnh: L.A.Dũng
PGS. TS. Hà Đình Đức - Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô:
''Theo tôi, việc lãng phí, kém hiệu quả - cho dù đó là vốn ODA, ngân sách hay tiền của nhân dân dù chỉ một đồng cũng cần xem ai là người có trách nhiệm chính, cụ thể chứ không thể ''hoà cả làng'' như vậy! Những kinh nghiệm đáng buồn ''xây rồi phá'', ''làm rồi vứt'' của dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị này, nên được rút ra để những lần sau các việc khác cần công khai, lấy ý kiến người dân minh bạch hơn nữa.

  • Tràng An Nguyễn

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,