Đổi hân hoan pháo hoa để sưởi ấm miền Trung

Cập nhật lúc 20:10, 10/10/2010 (GMT+7)

- “Không có pháo hoa nhưng Hà Nội sẽ vẫn đẹp, vẫn rực rỡ. Đổi cái đẹp, cái hân hoan trong 15 phút bắn pháo hoa ấy để góp ánh sáng sưởi ấm nhân dân miền Trung vừa oằn mình gánh cơn lũ lớn thì đẹp hơn nhiều!”- Hoàng Thị Ngọc Tú- ĐH Hà Nội chia sẻ.

Người Hà Nội mấy hôm nay xôn xao với quyết định hủy bắn pháo hoa. Toàn bộ kinh phí này sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai. Một quyết định được cho là đúng đắn, dù có để lại ít nhiều luyến tiếc…

“Hơi tiếc”

Đại lễ đã đi đến những ngày cuối cùng. Người dân thủ đô, người dân khắp các miền đổ về Hà Nội đã được mãn nhãn với biết bao màn trình diễn ấn tượng, những sự kiện văn hóa ấn tượng. Một tiết mục hứa hẹn nhiều hấp dẫn là màn pháo hoa nghệ thuật tại 29 điểm đã chính thức gác lại.

Lưu Thị Quỳnh Hoa- SV Học Viện Báo chí- tuyên truyền có người yêu ở quê. Do hoàn cảnh “yêu xa”, hai bạn rất ít có cơ hội gặp nhau. Dịp đại lễ, cả hai đã thống nhất “lên lịch” để có một cái hẹn thật đáng nhớ: Ra bờ Hồ đón đại lễ, ngắm pháo hoa lung linh.

dd

Cụ Nguyễn Thị Hồng- 87 tuổi nuối tiếc “Chắc chả còn dịp nào tôi được xem "mặt mũi" pháo hoa Hà Nội ra làm sao nữa…”

Trước tin hủy bắn pháo hoa, Quỳnh Hoa tỏ ra tiếc nuối: “Từ trước Đại lễ chúng mình đã tính từng ngày để đón sự kiện này. Lên kế hoạch kĩ lắm rồi… Thế mà…”.

Màn bắn pháo hoa nghệ thuật được quảng bá là đầy ấn tượng, là món quà rực rỡ chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Chiêm ngưỡng pháo hoa không chỉ là ao ước của các bạn trẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng (quê Nam Đinh) năm nay 87 tuổi. Đại lễ 1.000 năm, con trai cụ ở phố Hàng Đào đã rày công năn nỉ đón cụ lên Hà Nội chơi. Cụ cho biết: “Tôi lên Hà Nội nửa tháng nay, nhớ quê, nhớ nhà lắm nhưng vẫn nán ở đây lại chơi cho biết Đại Lễ, 1000 năm mới có một cơ mà!”.

Kí ức về pháo hoa với cụ Hồng chỉ là những lần bắn pháo hoa đón giao thừa hồi nhà nước còn chưa cấm đốt pháo. Lần này lên Hà Nội, cụ cũng khấp khởi được xem pháo hoa nghệ thuật. Nay nghe có thông báo Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa nữa, cụ tiếc rẻ: “Cũng tiếc, chắc chả còn dịp nào tôi được xem "mặt mũi" pháo hoa Hà Nội ra làm sao nữa…”.

Không ít người dân từ các vùng quê cũng đã chuẩn bị tinh thần đi xem pháo hoa đại lễ đành đổi kế hoạch. Họ đều lũ lượt… về quê sau khi dạo quanh Hồ Gươm, phố cổ, Hoàng Thành.

Ấm tình đồng bào

Dù tiếc nuối là vậy, nhưng hầu hết mọi người khi được hỏi đều tỏ ra đồng tình với quyết định ngừng bắn pháo hoa của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

“Không có pháo hoa nhưng Hà Nội sẽ vẫn đẹp, vẫn rực rỡ. Đổi cái đẹp, cái hân hoan trong 15 phút bắn pháo hoa ấy để góp ánh sáng sưởi ấm nhân dân miền Trung vừa oằn mình gánh cơn lũ lớn thì còn đẹp hơn nhiều!” - Hoàng Thị Ngọc Tú - ĐH Hà Nội chia sẻ.

d
Không pháo hoa, lòng người vẫn rạng rỡ vì miền Trung được "sưởi ấm".
Tú có một người bạn thân quê Quảng Bình. “Mới đầu tháng, cô bạn khoe bố mẹ ở quê vừa gom góp xây được ngôi nhà khang trang hơn, đang sắm sửa “về nhà mới”. Ấy thế mà đùng một cái, lũ về. Nhà ngập, tan hoang hết cả. Cô bạn của Tú gọi điện về cho gia đình rấm rứt khóc cả buổi…”.

“Làm sao san sẻ cho hết những nỗi mất mát ấy của bạn bè mình, đồng bào mình? Hủy bắn pháo hoa là quyết định khó khăn, nhưng ý nghĩa. Mình tin rằng không pháo hoa nghệ thuật, chúng ta vẫn vui đại lễ như thường” - Tú nói.

Hơn bao giờ hết, chữ đồng bào lại cất lên tha thiết. Vào thời điểm Hà Nội rạo rực chào đại lễ, trời đẹp, nắng vàng thì miền Trung vật vã với cơn tức giận của thiên nhiên. Niềm vui vì thế mà trùng xuống, nỗi buồn vì thế mà len lên.

Chẳng người dân Hà Nội nào có thể thờ ơ khi chứng kiến những hình ảnh tang thương của miền Trung. Việc dừng bắn pháo hoa để ủng hộ miền trung được đông đảo người dân tham gia Đại lễ ủng hộ.

Chị Nguyên Thị Huyền (huyện Gia Lâm- Hà Nội) khẳng định: “Đây là hành động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách của nhân dân ta. Đại lễ ý nghĩa hơn, đẹp và ấm lòng người hơn vì dành kinh phí bắn pháo hoa gửi về hỗ trợ nhân dân vùng lũ”.

Anh Nguyễn Trọng Nguyên (Phố Huế- Hà Nội) là người quê gốc Hà Tĩnh. Anh tâm sự: “Mấy ngày nay bật máy tính, đọc tin về lũ lụt mà tôi phấp phỏng lo sợ. Dù sống xa quê nhiều năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác nơm nớp mỗi mùa lũ… Quê mình chìm trong biển nước, mình thì ở ngoài này vui lễ hội, tôi vui có mà lòng chẳng được an…”.

Những người dân như anh Nguyên sẽ an lòng hơn, những người dân quê anh cũng sẽ ấm lòng hơn khi được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia của đồng bào cả nước, đặc biệt là Hà Nội.

  • Quỳnh Anh

Các tin khác