Những phụ nữ tìm hạnh phúc trong bóng tối

Cập nhật lúc 10:51, 20/10/2010 (GMT+7)

- Vào với thế giới sâu kín của những người phụ nữ khiếm thị, lắng nghe những tâm sự của họ, người ta thật khó kìm được những nỗi xúc động nghẹn ngào… Bài viết cảm động về ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 của tác giả Quỳnh Anh - Vân Anh.

Chơi vơi tình yêu, chơi vơi hạnh phúc

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Mất đi đôi mắt nhưng những người phụ nữ khiếm thị mà tôi may mắn được gặp vẫn không khóa chặt tâm hồn mình. Họ vẫn khát khao hướng đến cuộc đời, hướng đến tình yêu, hạnh phúc. Dù có khi họ phải đứng giữa những ranh giới chơi vơi đắng đót…

Chị T.H.- Hội người mù quận Hoàng Mai (Hà Nội) tâm sự: “Mình bị cận bẩm sinh. Năm 21 tuổi bị bong võng mạc, mất đi đôi mắt lành từ đó. Buồn khổ nào thì cũng phải nuốt vào trong, mình tham gia sinh hoạt tại trung tâm Hội người mù Hoàng Mai. Ở đó mình đã gặp và yêu anh…”.

Chị Nguyễn Thị Thơm- ““Đàn bà, ai chẳng ước được có một mái ấm, một người đàn ông để nương tựa, một đứa con để yêu thương. Nhưng… khó lắm”.”
Chị Nguyễn Thị T.- ““Đàn bà, ai chẳng ước được có một mái ấm, một người đàn ông để nương tựa, một đứa con để yêu thương. Nhưng… khó lắm”.”

Tình yêu của anh chị diễn ra êm đẹp, cũng lãng mạn và đầy mơ mộng. Có điều, hơn 3 năm trôi qua, mà gia đình anh vẫn cực lực phản đối hai người nên vợ nên chồng. Người yêu chị lại không thể vì chị mà đi ngược lại lời cha mẹ. Vậy là chị quyết đinh chia tay.

Những trở ngại về gia đình, về dư luận khiến những phụ nữ như chị H. khó tìm được hạnh phúc lứa đôi cho mình. Nỗi buồn đau như nhân đôi thêm sau một lần đổ vỡ…

“Mình mất một thời gian dài để quên anh và trở lại với nhịp sống thường nhật. Sau này cũng có không ít người tìm đến, nhưng thực sự mình chưa đủ dũng cảm để mở lòng thêm một lần nữa. Hi vọng vào một hạnh phúc gia đình ngày càng mong manh khi mà mình “mỗi năm mỗi tuổi”.

Trong cuộc sống của những người phụ nữ khiếm thị, ánh sáng tình yêu dường như hơi xa vời với họ. Không nói ra, nhưng dường như ai cũng hiểu rằng tìm kiếm một hạnh phúc lứa đôi thật khó khăn.

Giấu nét buồn trong nụ cười, chị Nguyễn Thị T. (HNM tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Đàn bà, ai chẳng ước được có một mái ấm, một người đàn ông để nương tựa, một đứa con để yêu thương. Nhưng… khó lắm”.

Dòng suy nghĩ của chị chảy ngược về những ngày tham gia lớp học hòa nhập HNM của tỉnh, chị kể: “Tôi gặp và yêu anh ấy khi tham gia học tập, sinh hoạt tại trung tâm. Cũng thiết tha hi vọng, cũng nhớ nhung dâng đầy. Dù ngay từ đầu, tôi đã có những linh cảm chẳng lành, song tình yêu lại lấn tới, đánh bại mọi suy nghĩ lý tính. Tôi nhận lời yêu anh… Kết thúc lớp học, chẳng ai nói ra mà tôi cũng hiểu, vậy là chia tay mãi mãi”.

Người đàn ông đó một đi không trở lại, kỉ niệm tình yêu cũng trở thành một nốt trầm vừa xót xa, vừa ngọt ngào đối với chị.

“Người phụ nữ bình thường tìm được một người đàn ông tin cậy đã khó, người phụ nữ khiếm thị tìm được một người yêu chân thành, đáng tin còn khó hơn…” - chị T.H tâm sự rất thật. Với những trái tim nhạy cảm, tình yêu mãi là khát khao cháy bỏng, là món quà tặng thật xa vời…

Bước qua vực sâu cuộc đời

Với chị Dương Bạch Yến (phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội), những khát khao ấy là khởi đầu của một chuỗi vừa hạnh phúc vừa đẫm nước mắt.

Chị Yến bắt đầu mối tình thầm lặng của mình với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Có điều, ngườiđàn ông ấy đã không giành trọn vẹn tình yêu cho chị. Có với anh một bé gái, chị Yến quyết định một mình nuôi con, vượt mọi thử thách để gìn giữ hạnh phúc làm mẹ của mình.

Chị tâm sự: “26 tuổi, mất đi đôi mắt, tôi chỉ thấy trước mặt mình là dốc cao vời vợi, còn đằng sau là vực sâu tuyệt vọng…”.

Rồi sau đó, chị gặp anh – người đàn ông khiếm thị đã “yên bề gia thất”. Chị không đòi hỏi gì ở anh hơn một đứa con. Thật hạnh phúc khi ước nguyện của chị trở thành hiện thực: Đứa bé chào đời.

“Tôi đã ôm con mà tự nhủ rằng: Mình không còn cần gì hơn nữa. Mình sẽ nuôi cháu ăn học, ngoan ngoãn, khôn lớn thành người”.

Được vỗ về, được lo lắng và chăm sóc cho con là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị. “Nhìn con lớn lên từng ngày, tôi cũng tự nhủ mình phải vượt lên, làm một người mẹ gương mẫu cho con”. Có lẽ tấm lòng ấy của chị đã được đền đáp xứng đáng, bởi cô con gái Diệu Linh rất ngoan và yêu mẹ.

Mới sáu tuổi, Diệu Linh đã biết thủ thỉ với mẹ: “Con muốn được bố mẹ đưa con đến trường như nhiều bạn khác, nhưng con biết bố không ở bên mẹ con mình, còn mẹ thì mắt kém. Nên mẹ cũng đừng buồn vì điều đấy nhé. Con chỉ muốn nói với mẹ mơ ước đấy của con thôi”.

Lời con khiến chị nghẹn ngào. Nhưng sau nỗi nghẹn ngào tủi thân, lại là niềm hạnh phúc. “Dẫu đây chỉ là hạnh phúc “một nửa” thì với tôi nó cũng là niềm an ủi, niềm hạnh phúc nhất đời rồi!”

Những người xung quanh thấu hiểu hoàn cảnh mẹ con chị, không ai là không yêu mến. Nói về chị, anh Vũ Thủy - Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai nhận xét: “Ở chị có một nghị lực mạnh mẽ mà không phải ai cũng vượt lên được. Câu chuyện của chị khiến không chỉ các chị em mà ngay cả giới mày râu như tôi cũng phải khâm phục”.

  • Quỳnh Anh- Vân Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác