Những “kỳ nhân” trong làng "dị thảo" Việt

Cập nhật lúc 07:55, 15/10/2010 (GMT+7)

– Đại lễ 1.000 năm đã hội tụ những kỳ nhân của bao “dị thảo” trong khắp làng cây cảnh Việt Nam.

Đại gia mê cây bỏ nghề

Triển lãm sinh vật cảnh chào mừng Hà Nội 1.000 tuổi đã trở thành cơ hội ngàn năm có một để những cái tên nức tiếng trong làng cây cảnh Việt Nam có dịp so tài.

Vì thế, không ai “dại” mà mang những tác phẩm chưa hoàn thiện đến để “phơi mặt” ra giữa bàn dân thiên hạ. Cho nên, những cây có mặt tại triển lãm, đều là những tác phẩm có tiếng, theo kiểu “mang chuông đi đánh xứ người”.

Mô tả ảnh.

Ông Tuyến "than" bên cây quý "Nghênh phong cuốn thủy".


Ngoài những “cây khủng” đã có thương hiệu như "Cửu long tranh châu", "Mộc thạch nghênh phong", "Mâm xôi con gà", "Cuốn thủy", "Lực sỹ", "Chung một cội nguồn"…, những cây cảnh đầy "tiềm năng" lần đầu xuất hiện trước công chúng đã được các con mắt nhà nghề đánh giá, sẽ có mức giá nhiều tỷ đồng trong thời gian không xa.

Không chỉ có “cây khủng”, những câu chuyện về cuộc đời của các chủ cây, cũng khiến người xem phải tròn mắt, hoặc chỉ có thể tự lý giải, đó là những “dị nhân” không giống ai.

“Thụ lâm bồng thạch” và “Nghênh phong cuốn thủy”, hai tác phẩm cây của ông chủ có tên Phan Thế Tuyến – chủ cây đất thành cổ Sơn Tây, tuy chưa có “thương hiệu”, nhưng được nhiều người sành cây để ý.

Mô tả ảnh.

"Thụ lâm bồng thạch" - cây sanh được giới chuyên môn đánh giá có thể ngồi "cùng chiếu" với những thương hiệu triệu đô.

Mô tả ảnh.

"Nghênh phong cuốn thủy" nhìn từ mặt sau.

Giới chơi cây cho rằng, đây là hai cây cảnh “đáng mặt” và “đủ tư cách” để ngồi chung chiếu với những cây “hàng hiệu”.

"Thụ lâm bồng thạch" là một cây cảnh dáng trực trượng phu, thể hiện cái mạnh mẽ, dứt khoát của bậc quân tử. Nếu chiết tự, thụ là cây cổ thụ, lâm là rừng, cây cổ thụ trong rừng bồng đá. Sự hòa quyện giữa cây và đá trở thành một mối khăng khít không tách rời, càng tôn vinh vẻ đẹp của cây.

Cây có sáu tay cành vươn khỏe khoắn ra xung quanh, cùng một ngọn cây vươn mạnh mẽ tạo quả phúc đầy đặn, khiến "Thụ lâm bồng thạch" có sự sang trọng của một tác phẩm hoàn thiện. Những tay cổ già tới tận đầu dăm. Ba cành buông từ thân theo chiều hướng xuống đất tạo cho cây có sự mềm mại và có điểm nhấn. Bề rộng thân khoảng nửa mét, cao gần 2m, tán rộng 2 mét.

"Thụ lâm bồng thạch" có tuổi đời khoảng 150 năm, đó là thông tin được anh Tuyến đưa ra dựa vào cuốn sổ ghi chép của một dòng họ ở Ninh Bình, khi cây còn được trồng tại từ đường của dòng họ này.

Giới chơi cây đánh giá "Thụ lâm bồng thạch" có cốt cách của cây cổ thụ ngoài đời, rất phóng khoáng, giống như một "trang nam tử" không bao giờ biết đến những suy nghĩ hẹp hòi.

Bên cạnh “Thụ lâm bồng thạch”, cây sanh cổ thế "Nghênh phong cuốn thủy" cũng là một cây cảnh có tuổi đời khoảng 180 năm.

Thời gian đầu, "Nghênh phong cuốn thủy" ở đất Hà Nội, sau đó “lưu lạc” về đất thành cổ Sơn Tây chừng 20 năm. Năm 2003, anh Tuyến mua lại từ một nhà vườn.

Mỗi cây tiềm ẩn một sự kỳ bí khác nhau. Cây cảnh đẹp, tự nó giữ chân và nảy sinh lòng ham muốn chiếm đoạt đối với người ngắm nó. Tuy nhiên, để được trở thành chủ nhân của nó, không phải cứ có tiền là mua được, mà quan trọng nhất, phải có duyên tương ngộ.

Sự quyến rũ của những cây thế này đã khiến Phan Thế Tuyến có một quyết định kỳ quặc và nhanh nhất từ trước đến nay: bỏ nghề để chơi cây.

Trước khi “dấn sâu” vào nghề cây, Phan Thế Tuyến là một đại gia buôn than có tiếng đất Sơn Tây. Biệt danh “Tuyến than” dường như không ai ở Sơn Tây là không biết.

Trước đó, anh cũng đã phiêu bạt đủ nghề. Có thời kỳ, Phan Thế Tuyến là một trong những tay có máu mặt trong nghề buôn gỗ. Đã có lần, Tuyến gặp rắc rối với một số lượng không nhỏ gỗ quý, khi anh hám lợi mà liều "đánh quả".

Nhưng rồi, sự liều lĩnh và phiêu bạt giống như một con ngựa bất kham trong anh Tuyến, rốt cuộc cũng được “dừng lại” bởi sự quyến rũ của những cây cảnh.

Những vất vả lăn lộn mưu sinh trong một thời gian dài khiến Phan Thế Tuyến già trước tuổi. Nhìn anh, không ai nghĩ đấy là một người sinh năm 1970, bởi bộ râu quai nón để dài như… Lý Quỳ cùng đôi mắt biết cười. Ở anh, toát lên sự khảng khái của gã ăn to nói lớn.

Nhưng dù tướng mạo có “dữ dằn” đến mức nào, “con ngựa bất kham” Phan Thế Tuyến rốt cuộc cũng bị dừng chân trước sự lôi cuốn đến kỳ bí của những cây cảnh. Có thể, biệt danh “Tuyến than” sẽ bị thay thế bằng “Tuyến cây cảnh” trong một thời gian không xa.

"Đại bàng tung cánh" từ… đất miền Trung

“Muôn hoa đua sắc, muôn nhà đua tiếng”. Đại diện của tỉnh Quảng Ngãi cũng không ngại quãng đường cả ngàn cây số để mang “Đại bàng tung cánh” từ đất lửa miền Trung ra Thủ đô… đấu đá.

Đây là một trong những tác phẩm “đáng mặt” của đất Quảng Ngãi, bởi hình thù cổ quái cùng cái tên nghe… giật đùng đùng như trong… phim chưởng.

Mô tả ảnh.

Lê Duy Phương - chủ nhà vườn đất miền Trung nắng cháy.


Chủ nhân của nó, anh Lê Duy Phương, ngụ tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. 35 tuổi. Dáng người thấp đậm, chắc nục như một cây pơ mu.

Những người tham dự triển lãm cây cảnh, nói công bằng, đều là những người có máu mặt trong giới chơi cây. Tại triển lãm, giữa biển người, có thể không ai biết họ nếu như không được ai giới thiệu, tuy nhiên, tại “ao nhỏ” quê nhà, đó là những cái tên nức tiếng trong… hàng tỉnh.

Mô tả ảnh.

"Đại bàng" vượt cả ngàn cây số để có mặt tại sinh nhật Hà Nội 1.000 tuổi.

Sự nổi tiếng của Lê Duy Phương tại Quảng Ngãi gắn liền với hai nhà vườn lớn bậc nhất Quảng Ngãi, cùng với tác phẩm cây thế "Đại bàng tung cánh" mà anh mang ra Bắc Kỳ thi đấu.

"Đại bàng tung cánh" là cây sanh cổ, dòng sanh da xanh, trơn, rất lâu mới có thể kết mốc hoa cau trên vỏ và thân cây. Chính vì đặc thù như thế mà cây sanh này đã "khéo léo giấu" tuổi, trong khi tuổi đời của nó đã ngót 100 năm.

Trước, "đại bàng tung cánh" là cây của hai cha con ông họa sỹ ở xã Đức Phú, Mộ Đức (Quảng Ngãi). Vì Phương quá “kết” cây này, không dưới vài chục lần anh đi qua đi lại, phần cùng vì kẹt tiền làm việc lớn, hai cha con ông họa sỹ này mới quyết định “gả cây” cho Phương.

Ban đầu, khi mới lấy cây về, tác phẩm này vẫn chưa có tên, bởi tên chung trong dân gian, người chơi chỉ thuần túy gọi là… cây cảnh.

Đồng nghiệp đến nhìn, “khiếp vía” gọi là cây bọ cạp, bởi đứng từ “đuôi” nhìn lên, cây sanh cổ này có hình thù kỳ quái, tay cành co giật cùng bệ rễ “rắc rối”, tựa như một con bọ cạp.

Tuy nhiên, cái tên nghe hơi dữ dằn này, nhất là sau khi cấy bệ đá mới, Phương đổi tên thành "đại bàng tung cánh".

Bệ đá này nguyên là đá thấm thủy, đá gốc của đất Quảng Ngãi, được phối theo mô hình nhấp nhô, tầng lớp, ngóc ngách, hang động tạo nên một tiểu cảnh "kỳ nhân dị thảo".

Hai tay cành lắc sang hai bên của cây tựa như đôi cánh đang giang rộng, tay phía sau đổ dài và xòe như phần đuôi; tay chính là thân cây đổ theo hướng ngóc lên, tạo thành thân và phần đầu của con đại bàng trong tư thế “cất cổ”; đám rễ buông ở phần mặt đá làm thành đôi chân chắc nịch đang chuẩn bị “dậm nhảy” lấy đà…

“Vua của các loài chim” hiện hữu trong thế cây, khiến người xem nhìn không biết mãn nhãn.

Sau khi thay bệ đá cho cây, tên tuổi của "Đại bàng tung cánh" đã vượt ra ngoài phạm vi của Quãng Ngãi. Nhiều đại gia trong làng cây biết tiếng kéo tới thẩm định, và ngỏ ý muốn mua nhưng Phương chưa “gả”.

Nhất là sau đợt Đại lễ 1.000 năm, "Đại bàng tung cánh" lại có thêm “thương hiệu” là cây sanh cổ có mặt trong sinh nhật Hà Nội 1.000 tuổi, chắc chắn, giá trị của cây sẽ không dừng lại ở dãy số mười chữ số…

Trong lúc “đại bàng” đợi “cất cánh” thì ông chủ của nó, “lão nông” Lê Duy Phương lại tiếp tục ấp ủ bao khát vọng mới, nhưng, khát vọng ấy vẫn liên quan đến… cây – niềm đam mê của những ai trót “dính”, đều không dễ dàng “rút chân” ra được.

Các tin khác