12 Girls Band - Một "The Bond" mới của phương Đông?
16:28' 26/12/2003 (GMT+7)

Cho dù họ tự nhận mình là một nhóm nhạc không theo bất kỳ một hình mẫu nào và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ ai nhưng giới truyền thông cũng như những “đôi tai” sành điệu vẫn có thể nhận thấy được ở họ có thấp thoáng một vài nét gì đó của nhóm tứ tấu nổi tiếng phương Tây: The Bond, từ phong cách trình diễn cho đến những vẻ đẹp ngoại hình.  

Thập nhị cô nương.

Chỉ có một khác biệt rõ nhất và cũng là điểm gây được sự tán thưởng lớn nhất là âm nhạc của họ lại mang đậm màu sắc phương Đông, màu sắc của vùng thảo nguyên bát ngát Tân Cương hòa trộn cùng những dòng phù sa bồi đắp của con sông Dương Tử. Những ngọn núi cao ngất cùng những con sông thấm đẫm chiều dài lịch sử văn hóa Trung Quốc cứ nối đuôi nhau trở thành cảm hứng trình bày của họ…  

Thập nhị cô nương này tuổi đời chỉ khoảng từ 23 đến 25 nhưng lại hấp dẫn người nghe ở mọi lứa tuổi. Để tránh sự rườm rà cho người xem, xin giới thiệu luôn tên của 12 cô gái trẻ. Đó là Nancy, Stephanie, Bobo, Vivien, Gabel, Zena, Stella, Janet, Tina, Maggie, Geany, Elven, đừng ngạc nhiên vì tuy với tên lót tiếng Anh nhưng họ đều là người Trung Quốc chính gốc 100%, đến với nhau từ nhiều thành phố của Trung Quốc và hiện đang biểu diễn tại Hong Kong. The Bond trước khi lập nhóm thì họ đều quen biết nhau vì đã từng chơi chung với tư cách là những nhạc công đệm cho nhiều ban nổi tiếng như Primal Scream, Spice girls, Talvin Sight … Còn 12 Girls Band chỉ thực sự biết nhau sau khi tham gia một buổi sát hạch âm nhạc. Họ được lựa chọn từ 200 “niềm hi vọng” tại một cuộc tuyển lựa ở Bắc Kinh năm 2001 để thành lập một nhóm “chuyên trị” thể loại âm nhạc cổ truyền Trung Quốc. 12 cô gái trẻ tài năng (đều xuất thân từ những lò luyện âm nhạc cổ điển danh tiếng) với dáng vẻ thanh xuân tươi mát bước lên sân khấu và đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt trong lòng công chúng châu Á.

 

Trong một buổi ghi âm
 

Cái tên “12 Girls Band” thoạt đầu dễ gây cảm giác nhàn nhạt và không mấy ấn tượng nhưng ngay sau khi nghe âm nhạc của họ mới thấy cái tên này có lý, 12 người bằng vai phải lứa, không một ai trội hơn ai, đó là ban nhạc của 12 cô gái trẻ, 12 con người luôn khao khát khẳng định mình. Và bên cạnh đó, đối với người Trung Quốc con số hoàn hảo nhất của họ chưa phải là con số 8 thần tài mà là 12, con số tượng trưng cho sự vẹn tròn âm dương và biểu trưng của 12 tháng trong năm. 4 mùa của hiện tại và những khoảnh khắc Xuân, Hạ, Thu, Đông của lịch sử Trung Hoa dập dìu nhau bước vào mái nhà âm nhạc của 12 Girls Band. Điểm mấu chốt để xác định sự khác nhau giữa họ và The Bond là họ thể hiện loại hình âm nhạc cổ truyền Trung Quốc với những chất liệu mới kết hợp với phong cách hiện đại.

 

Trên sân khấu.
 

Âm nhạc của họ mang nặng tính tập thể và ít đề cao tính cá nhân, kể cả ở những đoạn gian tấu đều thấy cuộn lên âm hưởng chung của cả nhóm. Điều này phù hợp với sức mạnh chiều dài của nền văn hóa đồ sộ Trung Hoa. 1 đàn tranh, 2 đàn tam thập lục, 2 sáo, 3 cây tì bà kết hợp với 4 cây độc huyền cầm cộng với sự giúp đỡ tối ưu của kĩ thuật âm thanh hiện đại đã đưa người nghe đến những cảm xúc bất tận. Phong cách nhạc của họ không mang đậm nét đặc thù của lối chơi nhạc truyền thống. Nhạc của họ là sự gắp ghép những giá trị cũ trong một bối cảnh mới. Bên cạnh những nhạc cụ dân tộc thì phía vẫn có dàn dây với đầy đủ những nhạc cụ phương Tây như violon, piano, bass ... hỗ trợ tích cực cho họ và cũng là một phong nền tô sáng bức tranh văn hóa truyền thống mà họ đang mong muốn tạo thành... Nhạc hòa tấu dễ làm con người chìm vào liên tưởng, trên sân khấu lúc này không còn hình ảnh của 12 cô gái mà thay vào đó là hình ảnh của mặt trời đỏ từ từ nhô cao trên Tử Cấm Thành, là đoàn lạc đà lững đững đi dưới những tia nắng chói chang của con đường tơ lụa xa xưa, là những phản lưng nhễ nhại mồ hôi đang đặt những viên đá đầu tiên xây nên Vạn Lý Trường Thành bất tử, đó còn là tiếng chày khuya, tiếng lửa bập bùng cháy, là tiếng vó ngựa trong đêm, là những lễ hội cầu mưa của cư dân 2 bên bờ Hoàng Hà... 

Tài năng của họ đã làm mê mẩn công chúng

Cũng có thể âm nhạc của họ dễ gây dị ứng với những đôi tai âm nhạc “bác học”, nhưng đối với số đông thì đó lại là một phương hướng rất cần thiết. Mỗi thế hệ lớn lên đều cần phải được lắp đầy những giá trị cội nguồn, những truyền thống văn hóa dân tộc để tạo cho mình một nền tảng, một sức mạnh riêng. Cũng hơi khó, khi bảo những thế hệ mới lớn phải nghe những giá trị muôn đời một cách thụ động, họ chỉ nghe những gì ảnh hưởng đến họ hàng ngày. Với thế hệ mới, thế hệ của những lon Coca đỏ rực, của những chiếc xe bóng nhoáng đắt tiền, của những ban nhạc phương Tây thị trường, nổi tiếng hay tàn lụi đi đều do sự điều khiển của những ông bầu và của cả một kỹ nghệ truyền thông đại chúng thì sự xuất hiện của những nhóm như 12 Girls Bond lại là một điều hết sức đáng khen ngợi. Chấp nhận đi chung đường với những nét văn hóa mới không phải là một sự đồng hóa, 12 Girls Bond sử dụng những nét văn hóa thể kỷ 21 để lôi kéo người nghe  trở về với những giá trị bao thế kỉ trước và vì thế họ sẽ phải cạnh tranh với những Westlife, A1, O-Town ... để xuất hiện trên tủ đĩa của người nghe hiện đại.

 

Album đầu tay của họ sau 2 năm thành lập “Beautiful energy” đã chứng tỏ lối đi của họ là đúng hướng. Hơn 1,5 triệu bản được bán trong vòng 3 tháng và tự thân nó cũng đứng được trên các bảng xếp hạng châu Á suốt 10 tuần liền. Họ rất được hâm mộ ở Nhật, một đất nước luôn rộng mở lòng mình với mọi nền văn hóa. Ở Hong Kong họ được đón chào nồng nhiệt mỗi khi có một cuộc trình diễn. Không dừng lại đó, những nước phương Tây đang là mục tiêu kế tiếp của họ, trước đây âm nhạc cổ truyền Trung Quốc không hề kém cạnh trên những sân khấu nơi đây nhưng với những ban nhạc như 12 Girls Band vẫn còn là hiếm. Sử dụng lối trình diễn phương Tây với một âm hưởng của văn hóa cổ truyền Trung Quốc quả là một nét lạ. Và biết đâu như lời của Janet Zhan Lijun, tay độc huyền cầm của nhóm thì họ có quyền mơ một lúc nào đó sẽ đoạt một giải Grammy cho riêng  mình. 

Phong cách trình tấu mỗi người một vẻ, nhưng thật duyên dáng.
 

Chưa thể khẳng định họ có làm được điều đó hay không và cũng chưa dám nói mô hình của 12 cô gái này sẽ đi đến đâu, chỉ dám khẳng định một điều dù sao đi nữa họ sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của người nghe mọi giới. Nếu bạn chưa thể mua được CD của họ thì mời bạn vào trang http://www.platia-ent.co.jp/artist/jyosi.html để có thể có cái nhin rõ hơn về họ. Điều khá lý thú là ở album này bạn sẽ được nghe một bài Jazz nổi tiếng của Paul Desmond “Take five” được 12 Girls Band tấu lại. Thật thú vị khi nghe những điệu Jazz lãng đãng qua sự trình bày của những nhạc cụ cổ truyền Trung Quốc, 4 cây độc huyền cầm làm chủ đạo xuyên suốt bài tạo cho người nghe cảm giác rất châu Á. Và biết đâu một ngày nào đó người ta sẽ thấy 12 Girls Band trên sân khấu diễn chung cùng 4 tay violon xinh đẹp The Bond. Có quyền hy vọng lắm chứ?

   

  • Minh Cường

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chung khảo Liên hoan các ban nhạc Hà Nội lần thứ II (26/12/2003)
Bruce Springsteen lãi lớn trong năm 2003 (24/12/2003)
Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2003 (24/12/2003)
Một năm hoàn hảo cho Robbie Williams (23/12/2003)
Những điều đọng lại sau một cuộc thi... (22/12/2003)
Jessica và Nick lên kế hoạch ra album chung (22/12/2003)
Nhạc sĩ Mai Đình Tới với những “nhạc cụ”… khác thường (20/12/2003)
Giới trẻ Nhật và cơn bão "hip-hop" (19/12/2003)
Lam Trường và những người bạn (19/12/2003)
"Tôi mở phòng thu vì mệt mỏi với sự hãnh tiến..." (18/12/2003)
''Nắng mới'' của Thủy Triều Đỏ sẽ 'sưởi ấm' đêm Noel (17/12/2003)
Món quà Giáng sinh đặc biệt của ngài Paul (17/12/2003)
Khai mạc cuộc thi độc tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống II (16/12/2003)
Người viết nhạc nổi tiếng cho phim kinh dị qua đời (16/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang