|
GS NGND Nguyễn Lân. |
(VietNamNet) - Nhân 49 ngày mất của GS NGND Nguyễn Lân, VietNamNet xin chia sẻ với bạn đọc vài mẩu chuyện thú vị về những người bạn, người thân của ông mà còn rất ít người biết đến.
Ba người bạn tâm giao
Đó là nhóm: Nguyễn Lân, Trần Văn Tuất, và Nguyễn Thị B. Thời đó các cô học sinh thường có một tên hiệu, B có tên hiệu là Mỹ Văn. Tình bạn của họ chân tình, gắn bó, thủy chung hơn nửa thế kỷ. Ban đầu, chàng sinh viên Nguyễn Lân cũng có nhiều cảm tình với Mỹ Văn. Nguyễn Lân đã làm thơ tặng Mỹ Văn bày tỏ nỗi lòng mình. Bà cụ Minh Mỵ, em họ và cũng là bạn tâm tình của bà Mỹ Văn, năm nay dù tuổi đã cao (83 tuổi), nhưng còn nhớ được hai bài thơ tỏ tình của cụ. Bài “Vịnh hoa trắng gà”, một loài hoa đẹp thường trồng trong đình, chùa. (hai câu đầu bị quên):
Cánh trắng phau phau mầu bạch tuyết
Lá xanh biêng biếc sắc thiên thanh
Mỹ miều khiến khách nhìn không chán
Văn vẻ xui ai nhắc chẳng đành
Ví thử hoa kia tung cánh phượng
Cùng ta bay bổng chín tầng xanh.
Năm Mỹ Văn tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, được phân công về dạy ở tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Lân hồi đó ở Hồ Tây có gửi bài thơ:
Trông trăng lại nhớ đến người
Ngắm trăng luống những bồi hồi lòng ta.
Trăng ơi chiếu khắp gần xa
Đố trăng có biết ai là tri âm
Nhìn trăng mối cảm khôn cầm
Này trăng ta nhắn chân tâm mấy lời.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in non Thuý… nửa soi Tây Hồ.
Chuyện tình không thành, họ vẫn gắn bó trong tình bạn cao cả và trong sáng. Gia đình bà Mỹ Văn nhận Nguyên Lân là con nuôi. Ba người giao ước với nhau: ai lập gia đình khi có con sẽ đặt theo tên của bạn trong nhóm: trai thì tên người bạn trai, gái thì lấy tên người bạn gái. Và Nguyễn Lân sinh con trai đầu lòng đặt tên là Tuất.
Lần duy nhất không quở mắng con
|
Gia đình GS Nguyễn Lân Tuất. |
Các con cháu cụ đều được dạy dỗ rất nghiêm khắc từ điều ăn tiếng nói, không ai dám nói tục, đặc biệt không nói bậy trước mặt bố mẹ. Người con trưởng Nguyễn Lân Tuất có một cuộc sống khá đặc biệt: Năm 1960 được cử sang Liên xô (cũ) học âm nhạc, Lân Tuất yêu một cô gái người Nga, rồi ở lại Liên Xô dạy học và sáng tác âm nhạc. Mãi đến khi đất nước mở cửa, năm 1989, Lân Tuất mới được về nước qua đường du lịch. Xa cách gần 30 năm, ông bà luôn thương nhớ người con xa xứ, khi ra đón ở sân bay Nội Bài, mừng mừng, tủi tủi, bà ôm lấy con và hỏi “Con đi đường có vất vả không?” Bức xúc vì những phiền toái, trục trặc trên đường về, Lân Tuất buột mồm một câu không được hay lắm, mà ngày thường là có thể bị “lĩnh thẻ đỏ”. Cụ bà hoảng quá ghé mắt nhìn cụ ông, sợ ông rầy la, nhưng chỉ thấy cụ ông rút khăn lau nước mắt. Sau đó về nhà cụ ông nói nhỏ với cụ bà “Gần ba chục năm trời mà nó không quên tiếng mẹ đẻ bà ạ"
Lời cảm ơn độc đáo của cô cháu
Năm 1991, GS TS nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đưa vợ và con gái về quê ăn Tết. (Vợ ông là Xvetlana, nhạc sĩ, PGS cùng dạy Nhạc viện Novoximbiek, con gái Natasa cũng là nhạc sĩ chơi đàn Piano tại dàn nhạc giao hưởng của thành phố). Mùng một Tết con cháu đến nhà cụ Nguyễn Lân. Nhà rất đông, cụ ngồi giữa nhà, lần lượt các con cháu xếp hàng đi đến, được cụ mừng tuổi, đến lượt cô cháu người Nga được cụ mừng tuổi. Nhận phong bao lì xì, Natasa nói câu tiếng Việt khá rõ ràng: “Tao xin cám ơn mày” làm cả nhà giật mình và một trận cười vang như pháo nổ, mà ông nội là người cười to nhất. (Chả là trước đó Natasa có hỏi bố “Ở Việt Nam khi thân mật thì gọi nhau như thế nào?”, bố nói rằng, khi thân mật nhất thì gọi nhau bằng “mày tao” thế là Natasa nhờ các em dạy học thuộc lòng câu cảm ơn này, bê nguyên xi câu dặn của bố vào câu cảm ơn ông nội đầu xuân!
Tôi có hai điều ân hận
Sống một cuộc đời trong sáng, không màng công danh, phú quý, dồn hết tâm trí vào việc "trồng người”, GS NGND Nguyễn Lân được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, hàng năm nhân dịp Tết cổ truyền, ngày nhà giáo Việt Nam, các vị lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đều đến thăm và tặng quà cụ. Cụ có lần tâm sự “Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, những do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được. Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của GS Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”. Bây giờ hai cụ đều ở cõi vĩnh hằng, chắc rằng hai nhà trí thức lớn của nước nhà đều cười vui, thông cảm trong niềm kính trọng nhau.
|