''Anh hùng xạ điêu'' gánh quá nhiều quảng cáo
17:43' 11/09/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - ''Anh hùng xạ điêu'' là một bộ phim hấp dẫn nên đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả khu vực Hà Nội. Nhưng rất nhiều người phải bực bội vì ''nhà đài'' đã lạm dụng bộ phim để phát quá nhiều quảng cáo, khán giả thường xuyên phải đợi từ 10 đến 20 phút quảng cáo để xem có vẻn vẹn 45 phút phim.
Chu Tấn - Diễn viên thủ vai Hoàng Dung trong phim Anh hùng xạ điêu.

Đơn cử tối 9/9, nhạc hiệu chương trình Phim truyện của Đài Hà Nội nổi lúc 21h26 phút, sau đó là các tiết mục quảng cáo và tới 21h44phút thì các diễn viên của phim mới hiện ra. Như vậy là khán giả phải chờ đợi tới 18 phút quảng cáo. Tối 10/9 thì quảng cáo kéo dài 12 phút.

Khán giả

Anh Kỳ (nhà số 7, ngõ 445 đường Nguyễn Trãi) nói: ''Phim thì hay thật đấy, và chúng tôi cũng biết là đài Hà Nội phải tranh thủ cơ hội để quảng cáo, nhưng hết cả kiên nhẫn vì phải xem từ 10 đến 20 phút quảng cáo mỗi tối. Đáng ra chỉ nên quảng cáo trên dưới 5 phút là vừa. Quảng cáo thì dài, phim thì được 1 tý.''

Đức Sinh - sinh viên năm thứ I Đại học Giao thông vận tải cũng phàn nàn: ''Em rất mê Kim Dung nhưng khi nghe Đài Hà Nội có thông báo tiếp theo đây sẽ phát ''Tiếu ngạo giang hồ'', lại thấy giảm hứng thú nhiều lắm rồi vì phải đợi quảng cáo cáo quá lâu mà phim xem được thì quá ngắn''.

Đa số khán giả cho rằng, vẫn biết quảng cáo có vai trò rất quan trọng và là nguồn thu đáng kể của các phương tiện truyền thông, nhưng nếu lạm dụng quá thì vô hình chung sẽ gây tâm lý bực mình và cảm thấy bị coi thường từ phía khán giả đối với ''nhà đài''.

''Mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá năm phút'' - Đó là quy định trong Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung Pháp lệnh Quảng cáo, đã được Bộ trưởng Bộ VHTT Phạm Quang Nghị ký ban hành ngày 16/7/2003. Nhưng thông tư trên lại không quy định rõ mỗi bộ phim được quảng cáo kèm theo bao nhiêu phút khiến liên tục trong nửa tháng qua, trước khi trình chiếu bộ phim ''Anh hùng xạ điêu'', Đài Phát thanh - truyền hình Hà Nội thường phát quảng cáo dài như vậy.

Pháp lệnh Quảng cáo, nằm trong Nghị định 24/2003, được Chính phủ ban hành ngày 13/3/2003 cũng quy định: ''Mỗi đợt phát sóng cho một sản phẩm quảng cáo trên Đài phát thanh, Đài truyền hình không quá 8 ngày. Mỗi chương trình phim truyện trên Đài truyền hình không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá năm phút; mỗi chương trình vui chơi giải trí trên Đài phát thanh, Đài truyền hình không được quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút''.

Nghị định 24 cũng không cho phép quảng cáo ngay sau khi xuất hiện hình hiệu, nhạc hiệu của các chương trình Phát thanh - Truyền hình, ngoại trừ các chương trình chiếu phim, văn nghệ thể thao, vui chơi giải trí. Mỗi đợt phát sóng cho 1 sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Nhà quảng cáo nói gì?

Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc Công ty Quảng cáo Denpsn: Về phía Đài truyền hình, quảng cáo là một nguồn thu quan trọng, nhất là khi truyền hình ở nước mình không bán được cho ai. Tâm lý của người Việt Nam lại rất ghét quảng cáo trong khi nếu muốn quảng cáo có người xem tức là phải chiếu vào chương trình có đông người theo dõi. Tuy nhiên, nếu quảng cáo dài quá thì người tiêu dùng nên phản ảnh với Đài truyền hình.

Bây giờ có nhiều người và mỗi người có một ý muốn. Những nhà quảng cáo thì muốn quảng cáo nhiều, người xem cũng có năm bảy loại, mỗi người thích 1 kiểu, chính vì thế mà chúng ta cần điều chỉnh để cân bằng được cả doanh thu của truyền hình lẫn nhu cầu của người xem.

Nếu quảng cáo liên tục 15 phút thì tôi nghĩ cũng là quá dài đối với người Việt Nam. Ngày càng có nhiều người có nhu cầu xem giải trí mà nhiều chương trình quảng cáo nước mình khiến mọi người mệt mỏi chứ không gây vui vẻ như các quảng cáo của nước ngoài. Khán giả phản ứng không tốt với quảng cáo vì nhiều khi các chương trình quảng cáo quá dở chứ chưa đạt đến mức ''giải trí hoá'' như ở nhiều nước.

Nếu phần đông khán giả cho rằng quảng cáo 10-15 phút là quá dài thì hiển nhiên mình cũng phải cho rằng chuyện đó là quá dài và cần điều chỉnh nếu không muốn ''mất khách''.

Việc này nếu chiếu theo quy định của Chính phủ thì vẫn là làm đúng luật. Tuy nhiên, luật của nước ta nhiều khi chưa căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế mà có vẻ như việc ngồi một chỗ mà ra luật. Ví dụ như quy định ''mỗi đợt phát sóng cho một sản phẩm quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình không quá 8 ngày thì người ta quảng cáo 7 ngày, nghỉ 1 ngày rồi lại tiếp...

Tôi nghĩ đơn giản là thế này. Nếu số đông khán giả cho là nhiều thì nghĩa là cần chỉnh. Như thế rất nên có ý kiến phản hồi về đài truyền hình để người ta thấy nên làm thế nào là tốt nhất. Bây giờ không thiếu kênh truyền hình, nếu như Đài truyền hình không điều chỉnh thì đến lúc nào đó sẽ mất lòng tin. Tất cả mọi thứ đều phải vì nhu cầu người tiêu dùng.

Ông Phan Thanh Việt - Giám đốc Truyền thông của Công ty quảng cáo Leo Burnett:

Cái đầu tiên tôi nhìn nhận về mặt kinh tế. Quảng cáo rất cần thiết cho mọi nền kinh tế. Thứ hai, chính bản thân các quy định của Chính phủ đã làm ra những hạn chế đó. Bởi không cho phép quảng cáo giữa phim nhiều nên người ta phải xử lý như vậy khi có quá nhiều nhà sản xuất muốn quảng cáo ở chương trình đó.

Nếu tôi là ''nhà đài'' thì tôi sẽ bằng cách nào đó thông báo đến độc giả rằng khán giả hãy thông cảm vì những lúc quảng cáo như thế giúp cho đài có những bộ phim hay cho khán giả.

Ở TP.HCM cũng có nhiều trường hợp tương tự, đứng đứng về phía độc giả thì tôi thấy khó chịu thật. Nhưng đững về khí cạnh kinh tế, nếu muốn phim hay cũng nên chấp nhận quảng cáo. Đài truyền hình nên có giải thích rõ ràng đối với khán giả và như thế cũng là tôn trọng độc giả hơn.

  • Hồng Phúc

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Paul Simon và Art Garfunkel lưu diễn sau 10 năm gián đoạn (11/09/2003)
''Trộm cắp tượng Phật hình như rất dễ?" (11/09/2003)
Vui Trung thu với NSƯT Hồng Kỳ (15/09/2003)
Trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại Bỉ (11/09/2003)
Múa cổ Kathak ra mắt khán giả Hà Nội (11/09/2003)
Làm phim về vụ đánh bom khủng bố trên đảo Bali, Indonesia (11/09/2003)
Việt Nam tham dự Liên hoan âm nhạc châu Á (10/09/2003)
"Sẽ mang tâm hồn và giọng điệu Việt Nam" (10/09/2003)
Đại hợp xướng 'Carmina Burana' sẽ ngân vang trên đất Việt (10/09/2003)
Chương trình Rối đặc biệt nhân dịp Trung thu (10/09/2003)
Sẽ hình thành trung tâm VH-DL Văn Miếu-Quốc Tử Giám (10/09/2003)
Mỹ Linh được mời vào BGK Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2003 (10/09/2003)
Ca sĩ Thanh Lam '' vẫn mong có một tình yêu vô điều kiện'' (10/09/2003)
Nhiều ngôi sao điện ảnh tham dự Lễ khai mạc LHP Toronto (09/09/2003)
Lễ hội Văn hoá và ẩm thực Thái Lan chào mừng Seagames 22 (09/09/2003)
Tro ve dau trang