Cao Sỹ Anh Tùng và đêm độc diễn ghita
15:40' 21/05/2003 (GMT+7)
Cao Sỹ Anh Tùng.

(VietNamNet) - Cây ghita Cao Sỹ Anh Tùng được biết đến với vai trò là trưởng nhóm Latin Sky. Đây có thể coi là ban nhạc đầu tiên và hiện tại cũng là duy nhất ở Việt Nam chơi thể loại nhạc latin bằng ghita. Mặc dù bận rộn với công việc của một giảng viên ghita tại Nhạc viện Hà Nội và "trách nhiệm" với ban nhạc Latin Sky nhưng anh vẫn quyết định tổ chức một chương trình cho riêng mình. Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 24/5/2003.

Cao Sỹ Anh Tùng bắt đầu làm quen với cây đàn ghita từ khi mới đủ tuổi vào lớp 1. Người dạy anh những ngón đàn đầu tiên và cũng là người thầy đầu tiên chính là cha anh. Có lẽ năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc đã chảy trong dòng máu của anh từ đó. Khi lên 9 tuổi, cậu bé Anh Tùng đã theo học trường Cao đẳng nghệ thuật, từ hệ sơ cấp rồi lên trung cấp. Năm 1997, Anh Tùng mới 18 tuổi nhưng anh đã có gần chục năm được đào tạo ghita một cách bài bản. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục theo học hệ đại học tại Nhạc viện Hà Nội. Anh Tùng hoàn thành những năm tháng đại học khá nhẹ nhàng và ra trường sớm 1 năm vì thành tích xuất sắc. Cùng với vị trí thủ khoa và tấm bằng đỏ trong tay, năm 2000, anh đã được giữ lại làm giảng viên, nhận trọng trách chỉ bảo những tài năng ghita nhỏ tuổi. Anh đã truyền niềm đam mê và những ngón đàn điêu luyện sang các em và không ít học trò đã mang lại vinh dự cho anh. Trong cuộc thi Tài năng trẻ ghita toàn quốc (tháng 5/2002), học sinh của anh đã được xếp ở vị trí thứ 3 và giải thưởng đặc biệt dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất... Thành tích này không thua kém người thầy của các em. Năm 1997, "guitarist" Anh Tùng tham dự cuộc thi Tài năng trẻ ghita TP.HCM mở rộng và đạt được giải khuyến khích cùng giải diễn tấu bài hiện đại hay nhất.

Ngày ngày, anh vẫn đều đặn lên lớp song niềm đam mê âm nhạc, đam mê được biểu diễn và cống hiến đã thôi thúc anh đứng ra thành lập ban nhạc Latin Sky với 4 thành viên đều chơi ghi ta thùng. Họ chơi theo phong cách latin, trẻ trung, sôi nổi và chuyển soạn nhạc sao cho hợp với cây đàn ghita. Tất cả 4 người đều được đào tạo một cách bài bản về ghita cổ điển từ nhỏ. Khi được hỏi những khó khăn của ban nhạc, Anh Tùng thổ lộ: "Khó khăn nhiều lắm chứ, ban nhạc chưa có đơn vị nào đỡ đầu. Chúng tôi phải tự túc về chuyên môn, sáng tác, chuyển soạn và cả chi phí. Tất cả các chương trình của Latin Sky đều do nhóm bỏ tiền túi ra từ A đến Z bởi chúng tôi chưa tìm được nhà tài trợ. Nói chung là rất khó khăn. Song niềm đam mê âm nhạc và mong muốn đem âm nhạc đến với mọi người đã thôi thúc chúng tôi tổ chức các chương trình tiếp theo. Nhóm cũng đang phấn đầu để tổ chức các chương trình định kỳ 2 tháng/lần".

Mặc dù luôn bận rộn với các buổi lên lớp, công việc với Latin Sky nhưng "guitarist" Anh Tùng vẫn tìm được thời gian để thực hiện một chương trình riêng cho mình. Anh gần như đã hoàn tất công việc cần thiết cho buổi ra mắt "một mình một đàn" vào tối 24/5 này tại Hà Nội. Anh tâm sự rằng công việc của mình hết sức vất vả, phải lo hết mọi thứ và lúc nào cũng "cảm thấy buồn ngủ". Nhưng bù lại, anh nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía bạn bè và gia đình. Mặc dù phải thực hiện cả một núi công việc cho một chương trình độc tấu ghita cổ điển kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ mà không phải ai cũng dám làm nhưng Anh Tùng rất tự tin: "Tôi không cảm thấy lo lắng vì tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Tôi muốn đem âm nhạc đến mọi người và để cây ghita gần gũi với mọi người hơn. Tôi muốn thực hiện một chương trình độc tấu ghita với hy vọng nâng âm nhạc của mình lên một cái gì đó cao hơn".

Cao Sỹ Anh Tùng đang gấp rút tập luyện với các tác phẩm kinh điển đòi hỏi người thể hiện phải khổ công luyện tập và có sự nhạy cảm với âm nhạc. Tổ chức một chương trình độc tấu ghita cổ điển không dễ bởi nó đòi hỏi người thực hiện phải đạt được một đẳng cấp nào đó trong âm nhạc và có được những thủ pháp nghệ thuật với những ngón nghề điêu luyện. Một lý do nữa là đây là dòng nhạc rất kén người nghe nên đòi hỏi người chơi phải có trình độ nhất định cũng như phải dày công tập luyện.

Chương trình biểu diễn của anh chỉ gồm 8 bản nhạc nhưng không dễ thực hiện. Người hâm mộ sẽ có cơ hội nghe lại những giai điệu quen thuộc, từ Người Hà Nội đến Concierto. Đặc biệt, một ca khúc Nhật Bản khá quen thuộc với bạn yêu nhạc Việt Nam mang tên Hoa Anh Đào đã được chính tác giả chuyển soạn cho ghita. Bản Elogio de la Danza cũng sẽ được anh giới thiệu trong chương trình này. Đây là bản nhạc đã mang lại cho anh giải khuyến khích trong cuộc thi âm nhạc năm 1997. Ngoài ra, "guitarist'' Anh Tùng cũng sẽ giới thiệu bản Fuga a-moil của J. Bach. Đây là bản nhạc hết sức phức tạp đòi hỏi người chơi phải có kỹ năng điêu luyện. Chính vì vậy, nó được chọn là bản nhạc bắt buộc trong các cuộc thi âm nhạc Việt Nam và thế giới. Trong chương trình solo của mình,  Anh Tùng lần đầu tiên đánh trọn vẹn 3 chương của bản Concierto de Aranjnez dài tới 25 phút. Đây cũng là bản nhạc được Anh Tùng chọn làm tiêu đề của chương trình độc tấu ghita đầu tiên của mình. Một bản nhạc mang đậm màu sắc Tây Ban Nha. Concierto de Aranjnez cũng chính là thử thách với Anh Tùng vì theo anh nếu chơi tốt được bản này có nghĩa là đã thể hiện được trình độ chơi ghita của mình.

Đối với một nghệ sĩ mới khởi nghiệp như anh, những thử thách bước đầu là điều không tránh khỏi. Nhưng với niềm đam mê âm nhạc và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự sáng tạo không ngừng, chắc chắn anh sẽ gặt hái được những thành công trong tương lai và có chỗ đứng vững chắc trong lòng nguời yêu nhạc. 

  • Bích Hạnh
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cắm nhà làm... live show (21/05/2003)
Hoàn thành bộ phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (03/11/2003)
Bảo hiểm nghề nghiệp cho diễn viên: Nên hay không? (21/05/2003)
Phục trang phim truyền hình: ''Được hình mất tiếng'' (21/05/2003)
Liên hoan phim châu Âu lần thứ 3 tại Việt Nam (21/05/2003)
Hoàng Cúc đoạt danh hiệu Hoa hậu Hữu Nghị (20/05/2003)
''Cần kết hợp với ngành thuế để thu thuế ca sĩ'' (21/05/2003)
Harry Potter tiếp tục ghi kỷ lục? (20/05/2003)
Khánh thành tượng 4 danh nhân văn hóa (20/05/2003)
Vi Thuỳ Linh: "Tôi bị tấn công và tôi phải tự vệ" (20/05/2003)
Người ta ''hành thơ'' để làm gì? (20/05/2003)
Devdas bội thu "Oscars" điện ảnh Ấn Độ (20/05/2003)
Tăng tốc cuộc đấu tranh bảo vệ bản quyền (20/05/2003)
Triển lãm ''Qúa khứ trong hiện tại'': Độc đáo và sâu sắc (20/05/2003)
Gặp Quang Hải - Hải Yến trong Vũ khúc con cò (19/05/2003)
Tro ve dau trang