,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
583750
Chuyện gã "ba toa"... "mang" Internet lên rừng
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Chuyện gã 'ba toa'... 'mang' Internet lên rừng

Cập nhật lúc 18:11, Thứ Tư, 16/05/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Gã làm nghề mổ lợn, người Mường So gọi là ’’ba toa’’. Tay dao tay thớt suốt ngày với thịt, lòng, phèo, phổi... nhưng gã đã làm nhiều người kinh ngạc. Gã ’’ba toa’’ Lê Đình Hạnh đã mở cửa hàng Internet. Từ một ước mơ thích... vui chơi, gã ’’đồ tề’’ đưa văn minh về với núi rừng Mường So... 

LTS: Cách đây 2 năm, PV VietNamNet có dịp lên với đồng bào vùng cao Mường So (Phong Thổ, Lai Châu). Điều ấn tượng nhất trong chuyến đi là giữa núi rừng hoang sơ, xuất hiện một điểm Internet tốc độ cao ’’hoành tráng’’. Ngạc nhiên hơn nữa, người chủ cửa hàng Net đó lại là một anh bán thịt lợn...

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Internet đến Việt Nam, VietNamNet đăng lại bài viết về những nỗ lực và ước mơ ’’mang’’ Net lên vùng cao của một người dân bình thường.

>> Câu chuyện 10 năm Internet và nỗ lực cho 20 năm sau
>> 10 năm Internet VN: Tạo "cơn lốc" bùng nổ thị trường
>> "2007: Thời cơ vàng để BCVT-CNTT Việt Nam đột phá!"

Ngỡ ngàng Internet !

y
Lúc rỗi, Lê Đình Hạnh thường tự mày mò tìm hiểu về Internet
Ngày đầu tiên đặt chân đến Pa So, huyện lỵ mới của Phong Thổ, chúng tôi lang thang đi tìm một nơi để ’’chơi’’. Phong Thổ là huyện mới tách từ Tam Đường, Pa So vừa được dựng lên sơ sài. Dọc con đường chính dẫn vào Pa So, chỉ mới có những hàng quán tạm bợ xen kẽ vào núi rừng xanh thẳm. Khách lạ được khuyên vượt đèo sang Mường So, trung tâm vui chơi giải trí và buôn bán sầm uất nhất của Phong Thổ, nhưng cũng giữa bốn bề là núi rừng.

Từ Pa So, vượt qua những dốc, những đèo quanh co, chạm ngay con suối Nậm So lượn lờ quanh một thung lũng rộng. Đất Mường So tính từ cây cầu Phiêng Đanh, cây cầu gắn liền với quá trình giữ đất, giữ rừng của đồng bào các dân tộc vùng cao Phong Thổ.

Mường So được biết đến nhiều hơn tất cả các địa danh của huyện miền núi Phong Thổ. Mường So là đất múa, là phát tích của những điệu xoè nổi tiếng. Những dãy phố núi ngoằn nghèo bám quanh suối Nậm So. Từ khi đường giao thông đã thuận lợi, người Mường So đã biết lấy hàng từ các nơi về bán lại cho người Mông, Dao, Hà Nhì... từ các xã lân cận tới. 

Sau mấy ngày vượt núi vào Dào San, tách biệt hẳn thế giới bên ngoài, không sóng di động, không Internet, chúng tôi nhảy bổ lên sung sướng trước một hàng Net. Ngỡ ngàng Mường So. Giữa chốn núi rừng, nơi sâu xa của tỉnh mới Lai Châu đã có bóng dáng Internet. Dấu ấn văn minh đã xuất hiện trong sắc áo thổ cẩm vùng cao Mường So.

Cửa hàng Internet nằm chìm hẳn xuống dưới thấp so với dãy phố núi. Phía sau là dòng Nậm So cuộn chảy. Phía trước là dãy Pu Kho Nhọ hùng dũng. Trong tiếng suối róc rách Nậm So, tiếng nai rừng thảng thốt Pu Kho Nhọ còn có cả ’’tiếng’’ của Internet. Những âm thanh của Chat, của Games, của nhạc online... Góc phố núi Mường So rộn ràng hơn với ’’cái Internet’’ mang về từ tận đẩu đâu...

Trên bậc lên xuống cửa hàng Nét, vài sơn nữ Dao đỏ đang thì thầm nói chuyện, mắt không ngớt nhìn vào trong chờ máy trống. Bên trong cửa hàng, mấy thanh niên người Thái đứng lô nhô, chăm chú nhìn vào cửa sổ chat của những khách hàng người Kinh. Họ cũng đang chờ đến lượt. Hôm nào cũng như hôm nào, cửa hàng Internet tấp nập khách.

’’Mang’’ Net lên núi

v

Net đã được ’’mang’’ về núi rừng Mường So

Dẫn chúng tôi lang thang vào Mường So là một nữ phóng viên Đài PTTH huyện Phong Thổ. Cô gái Hà Thanh Nhàn gắn bó với Mường So nhưng cũng bất ngờ về hiệu Internet đầu tiên ở đất Phong Thổ này. Bấy lâu, Nhàn làm việc bằng những phương tiện thô sơ, cũ kỹ của một phóng viên cấp huyện. Cô ngỡ ngàng trước các thao tác xử lý ảnh, truyền bài, lướt web của chúng tôi.

Tất cả là mới lạ với cô phóng viên miền núi. Nhàn kể, cũng đã nghe nói về Internet xuất hiện tại Mường So từ lâu, nhưng cô cứ ngỡ nó là công nghệ thông tin cao sang, ’’xa xỉ’’ với miền rừng heo hút của mình. Thế là ngại, không dám bén mảng đến. Cho tới khi chúng tôi nhờ dẫn ra Mường So tìm Net, cô mới e dè cầm đến chuột, ngập ngừng liếc nhìn các trang web.

Chỉ vài phút nhấp chuột, chúng tôi đã tạo cho Hà Thanh Nhàn một địa chỉ e-mail trên Yahoo. Cô tò mò chat thử, đọc báo mạng và gửi e-mail. Nữ phóng viên huyện cười tươi như hoa rừng khi biết mình sẽ không còn phải vất vả khi gửi bài cộng tác với các báo dưới Hà Nội hay chỉ ngồi một chỗ mà nối được tình bạn đi muôn phương. Niềm vui lần đầu sử dụng Internet ngập tràn trong lòng Nhàn. Cô thích nhất, ngồi tại Mường So mà có được nhiều, nhanh, đủ những thông tin về mây trời Tây Bắc, về mảnh đất Phong Thổ và về núi rừng Mường So, điều mà trước đây cô chưa từng có bao giờ...

Từ khi Internet về, vui nhất là đám thiếu niên Mường So và các xã lân cận. Họ chat, gửi e-mail cho bạn bè, đọc báo, nghe nhạc. Chỉ vài ngày đầu rụt rè, bây giờ nhiều cậu choai phố núi đã trở thành những chater thuần thục, lướt tất cả những trang web nào có thể, tìm tất cả những thông tin cần tìm.

Những cô gái, chàng trai dân tộc từ bản Vàng Pó, Vàng Pheo Phiêng Đanh đã biết sang Mường So dùng ’’cái Internet’’. Lúc nào cũng thế, trong cửa hàng có tới 1/3 khách hàng người dân tộc, chủ yếu là người Thái.

Không thể tả hết niềm vui của khách hàng. Trước đây, các chàng trai, cô gái Mường So thường tìm ra suối, vào rừng chơi. Vui hơn thì vào mỗi dịp lễ hội, trong các trò chơi dân gian. Ở Mường So, người Thái, người Kinh sống lồng vào nhau. Khi Internet ’’về’’, hôm trước trai Kinh biết, hôm sau gái Thái cũng đã tự tìm đến.

So với các nơi khác ở Phong Thổ, người Mường So có trình độ học vấn cao nhất. Cán bộ huyện Phong Thổ nhiều người sinh ra, lớn lên trên đất Mường So. Học sinh người Thái Mường So học giỏi, chăm học. Khi Internet ’’tràn về’’ bên suối Nậm So, người Mường So nhanh chóng ’’tiếp nhận’’...

Nhiều thanh niên Mường So bảo cái chân đã quen lội rừng thẳm, bây giờ gặp Internet cũng như gặp rừng. Đó là rừng thông tin, rừng kiến thức. Internet về, kiến thức, văn minh về theo.

’’Gã ba toa’’ và ’’thú chơi’’ net

z
’’Gã ba toa’’ Lê Đình Hạnh cũng thích chát
’’Gã ba toa’’ Lê Đình Hạnh, chủ hiệu Internet Mường So là một người kiệm lời. Lúc gã rỗi rãi chúng tôi mới tiếp cận hỏi chuyện. Gã lầm lì, hỏi gì đáp nấy.

Gã sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình. Lang thang làm đủ nghề, đủ mọi phương trời vẫn không ’’phát’’. Sau một thời gian dài xuôi ngược đường đời, gã về quê lấy vợ, sinh con rồi lại tiếp tục... lang thang làm ăn.

Một trong những nơi Lê Đình Hạnh đi nhiều nhất là miền núi Lai Châu. Miền Tây Bắc như có cái gì đó quyến chân gã trai miền xuôi. Gã nặng tình với Mường So cũng chẳng hiểu vì lý do gì. Khi số lưng vốn bao năm đèn cù vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển buôn bán đã hòm hòm. Gã bàn với gia đình, vợ con ý định lên rừng sống. Gã không thể xa được đất trời Mường So!

Lúc đầu, nhiều người trong gia đình và vợ đã hết nước hết cái ngăn cái ý định ’’điên rồ’’ đó. Sau, thấy quyết tâm hừng hực trong con người gã, biết tính cách gã, tất cả đều phải đồng thuận. Ngay chính gã, xa quê tìm lên miền rừng hẻo hút cũng chẳng biết khi nào có dịp trở về. Nhưng Lê Đình Hạnh cứ đi. Và cuộc ra đi đã mang lại cho gã nhiều niềm vui, kinh tế, hạnh phúc...

Những tháng ngày đầu tiên lên Tây Bắc, hai vợ chồng chẳng biết làm gì ngoài buôn bán nhì nhằng. Số vốn dắt lưng, gã mua đất xây nhà. Còn lại, gã quyết định làm nghề ’’tay dao tay thớt’’. Đó là nghề mổ lợn. Dân Mường So dùng từ sang trọng, mỹ miều hơn là nghề ’’ba toa’’. Gã bảo, đơn giản vì khi đó đường giao thông từ Mường So đi Tam Đường, Lai Châu khó khăn, mỗi khi cần thịt lợn, bà con phải đi mua rất vất vả. Thế là gã nảy ra ý định gắn với nghề ’’đồ tể’’. Đơn giản như khi gã quyết định lên lập nghiệp xứ núi rừng này vậy.

Khi vợ chồng gã hành nghề ba toa, cả xã Mường So khi có việc cưới, xin, ma chay, tiệc tùng đều lấy thịt nhà gã. Mười mấy năm trời, cứ 3h sáng gã dậy cầm dao hoá kiếp cho vài chú lợn bên suối Nậm So. Một mình gã vật lộn với vài con lợn mỗi ngày. Tất tần tật, từ chọc tiết, cạo lông, ’’phanh thây’’. Khi lòng, mề, phèo, phổi, tim, gan, thịt... đâu đã ra đó, gã bước ra suối Nậm So rửa tay và gọi vợ dậy cùng ra chợ. 

Đều như vắt chanh, mười mấy năm nay hai vợ chồng gã cùng dãi nắng dầm mưa với nhau. Thức dậy lúc gà rừng Pu Kho Nhọ cất tiếng báo canh. Đi ngủ khi cá suối Nậm So kéo đàn đi ăn. Cũng may, trời phú cho vợ chồng Lê Đình Hạnh sức khoẻ phi thường. Cả hai vợ chồng đều nhỏ thó nhưng chẳng mấy khi bỏ chợ vì ốm đau.

Làm ba toa mãi cũng chán vì mấy năm nay chợ Mường So đã có nhiều người bán thịt. Lê Đình Hạnh lại mở thêm một nghề khác ngoài ’’lĩnh vực dao thớt’’ bắt nguồn từ thú ’’ham chơi’’. Gã bỏ tiền ra mua bàn bi-a về đặt trước nhà cho trẻ con chơi. Vừa có thêm đồng ra đồng vào vừa được chơi. Khi có máy chơi điện tử xèng, gã lại bỏ bàn bi-a. Hàng ngày, chứng kiến khách ở các nơi khác chơi, thu nhiều tiền của thanh niên Mường So, gã lại bỏ điện tử xèng để nghĩ ra trò chơi mới cho thanh thiếu niên Mường So.

t
Điều Lê Đình Hạnh lo lắng nhất là đám trẻ vào các trang Web độc hại
Một lần, gã lên Tam Đường thấy có nhiều cửa hàng cho thuê chơi Games bằng máy tính. Về nhà, gã quyết định bỏ 40 triệu đồng ra đầu tư cửa hàng Games. Được gần 1 năm, thấy ’’những nơi phát triển khác’’ có Internet, gã lân la hỏi về vốn, về thiết bị, nhà cung cấp. Lần ’’chơi’’ này Lê Đình Hạnh bỏ thêm 60 triệu đồng nâng cấp, đầu tư cửa hàng Games thành cửa hàng Internet.

Nửa năm nay, gã vẫn không bỏ được nghề ba toa. Vẫn 3h dậy, vẫn ’’hoá kiếp’’ lợn và chia ra từng thứ rõ ràng, mang ra chợ cho vợ rồi về nhà tranh thủ ngủ đến 8h dậy bật máy cho khách vào net.

Ngày nào Lê Đình Hạnh cũng bận rộn với đống máy tính và lô nhô khách hàng vào ra. Gã khoe, gã đã tự học được cách lập hộp thư Yahoo cho khách. Lúc rảnh rỗi, gã tự vào mạng học thêm về kiến thức Internet, đọc báo điện tử. Thậm chí, đã hơn 40 tuổi nhưng gã cũng chat như đám thanh niên. Gã bảo, thích thì chat cho vui, thế thôi...

Tối trước ngày chúng tôi tạm biệt Mường So, ’’gã ba toa’’ Lê Đình Hạnh rất mong được gặp. Gã nhờ chúng tôi chỉ cách ngăn chặn các trang web độc hại mà vài khách hàng cố tình vào. Điều gã lo lắng là đúng. Internet về, ắt những mặt trái cũng tràn về.

Đó là điều ’’lương thiện’’ thích nhất ở ’’gã đồ tể’’ chơi Net, mang Nét về núi rừng Mường So...

  • Thế Vinh - Trường Giang

     

,

Tin khác

Tin khác của 'Ký sự nhân vật'

,
,