,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
921490
Nguyễn Thế Vinh: Một tay tạo sóng
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Nguyễn Thế Vinh: Một tay tạo sóng

Cập nhật lúc 14:50, Thứ Bảy, 14/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong làng “quái kiệt” của nghệ sĩ Sài Gòn, Nguyễn Thế Vinh là người it tuổi nhất. “Thua vai” nhưng không “lép vế” so với các bậc đàn anh đâu nhé! Một tay, Nguyễn Thế Vinh có thể hoà tấu guitar và harmonica một cách nhuần nhuyễn. Ít ai biết, để có thể điều chỉnh từng nốt nhạc trên cung đàn, anh đã mất hơn ba năm ròng rã tìm ra một cách chơi nhạc riêng khi mình chỉ có một cánh tay.  

’’’’’"Quái’’’’
"Quái kiệt" Nguyễn Thế Vinh (Ảnh: Hồng Sơn)

Và khi Vinh lướt tay trên những dây đàn, âm thanh phiêu diêu, sâu lắng của những bản tình ca vang lên khiến không ít khán giả phải ồ lên trầm trồ và lặng phắc ngay sau đó để nhường chỗ cho giai điệu. Không ít lần bỗng dưng có khán giả hiếu kì phải bước tới gần anh để xem bằng được chàng trai này làm cách nào để có thể một tay hoà tấu?! 

Gọi cho Nguyễn Thế Vinh lần gần nhất, hỏi thăm, anh cười khề khà: “Giờ, Vinh làm giáo làng, đang dạy học ở Bình Dương, cuối tuần về Sài Gòn chơi đàn”. Với người khác “giáo làng” thật giản dị, nhưng với Vinh, đó là một bến đỗ bình an, không phải ai trong hoàn cảnh anh cũng neo lại được. 

Nỗi buồn như sóng

Nhìn gương mặt hiền lành với nụ cười tươi mỗi khi trò chuyện, khó mà biết cuộc sống của Nguyễn Thế Vinh đã trải qua nhiều cảnh ngộ mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Sinh năm 1970, ở làng quê nghèo xứ cát bỏng: Bắc Bình, Bình Thuận - vùng đất thừa nắng, thừa gió và đất bạc màu. Nỗi buồn bắt đầu cuốn lấy Vinh từ tuổi lên 4, triền miên như thể là định mệnh đã buộc vào. Cha mất vì bom đạn chiến tranh, ba năm sau, người mẹ quá đau buồn, sức khoẻ và tinh thần cũng theo đà tuột dốc, bỏ lại đàn con thơ theo chồng về chín suối. Tiếp đó, người anh trai cũng buồn quá mà đi theo cha mẹ.

Lên 8 tuổi, Vinh bị ngã gãy tay trong một buổi chăn bò. Lý do nghe thật đơn giản mà đắng chát: “Do mình nhỏ quá, ngồi trên lưng con bò đi trước, kéo con sau, bị con bò giằng sợi dây lại, thế là ngã gãy tay”.

Bấy giờ, do không có điều kiện, lại tin tưởng hơi quá vào những thầy “lang băm”, chỉ bó tay bằng thuốc Nam với những nắm thuốc lá qua loa nên cánh tay bị nhiễm trùng, hoại tử. Đưa vào bệnh viện thì đã trễ, phải cưa cụt cả cánh tay. Hè năm lên lớp 3 ấy, Vinh phải vượt qua nỗi đau đầu tiên bằng cách tập viết tay tái. Lần đầu vào lớp 1, Vinh thuận tay trái, cô giáo phải cầm thước khẻ lên tay để cậu tập viết thuận tay phải. Lên lớp ba lại tập viết bằng tay trái, vì cánh tay phải đã gãy mất. 

Nguyễn Thế Vinh ở quê anh (ảnh nhân vật)
Nguyễn Thế Vinh ở quê (Ảnh nhân vật)

 Hụt hẫng, đau, cảm giác ngày ấy in đậm mãi trong Vinh. Tuổi thơ của cậu còn đọng lại vẫn là những buổi chăn bò, giúp ông ngoại ra sông lưới cá, mọi việc đều một tay vật lộn mà không lời kêu ca. Khó khăn khiến Vinh có vẻ nhỏ thó, đen đúa. Cậu già trước tuổi với đôi mắt ngợp ưu phiền. Sau những chật vật cuộc đời đẩy đưa, Vinh luôn ý thức: mình là trụ cột trong gia đình chỉ còn một chị, một em trai. 

 Ngã rẽ về Sài Gòn 

Vinh theo học hết cấp 3 ở Bình Thuận, lặn lội vào Sài Gòn học nghề vẽ quảng cáo để mưu sinh. Đất Sài Gòn vẫn là điểm đến của nhiều số phận hẩm hiu nhưng tràn trề hy vọng. Vinh ở trọ cùng mấy anh sinh viên Đại học Kinh tế, bị “khích” thi đại học. Ừ thì thi, cùng với sự nỗ lực tự thân và sự giúp đỡ lẫn “khích bác”, sẻ chia của đám bạn, Vinh rẽ vào đường học như thế và đậu kỳ thi ấy. Làm một cậu sinh viên Đại học Kinh tế - “mỗi mình già” phần vì tuổi nhiều hơn, phần vì hoàn cảnh khắc hằn trên gương mặt.

Ngày vào thành phố trọ học, Vinh chỉ mang theo mình bộ đồ và túi đựng sách bút. Học, cố gắng lấy học bổng, và đi dạy kèm, không ngại kiêm luôn việc giữ xe ở khu Ký túc xá Trần Hưng Đạo, anh gồng gánh luôn người em từ quê vào. Có năm, Vinh phải bảo lưu kết quả học một năm, đi dạy kèm kiếm tiền, rồi mới học tiếp. Ra trường, qua nhiều công việc, anh dừng lại với nghề điện tử, kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động, lúc này đang là “mốt” vì nhiều khách, nhiều hàng. (cách đây 5, 7 năm).

Việc làm “thầy thuốc” chữa trị những chú “dế” mobile nho nhỏ không phải dễ với Vinh. Một tay anh phải xoay chuyển nhẹ nhàng để chiếc máy không lệch so với tư thế của mình. Chuyện “đổ mồ hôi hột” vì sửa máy là thường tình. Chỉ một cánh tay, mọi việc có thể sẽ khó gấp đôi so với người khác. Chàng trai này chia sẻ như thế.

Tuy nghề sửa chữa điện thoại giúp Vinh “sống ổn” ở Sài Gòn, nhưng xem ra không phù hợp với anh chàng có mái tóc xoăn, nụ cười hiền, thoáng buồn và nước da ngăm ngăm này. Vinh quay lại nghề dạy học, với vốn liếng kinh nghiệm từ những ngày dạy kèm thời sinh viên. “Vinh làm anh giáo làng”, cụm từ ấy thật chất phác, nhưng chứa bao hạnh phúc, thanh thản đối với Vinh.

“Ngày xưa có anh Trương Chi…”, Vinh vẫn tránh nói về những chuyện đời tư dù ánh mắt buồn diệu vợi ấy vẫn luôn ăm ắp yêu thương. Có lần, anh chỉ chia sẻ ngân nga câu nhạc Trịnh: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. 

Nhạc ở tâm hồn  

Một tay hoà tấu: cần năng khiếu, yêu nhạc và nỗ lực

"Tôi từng nghe Vinh đàn cách đây cũng lâu, đó là một tay đàn đặc biệt. Vinh đặc biệt vì một tay chơi guitar – phải có trình độ kỹ thuật cao mới có thể dùng kỹ thuật Coule’ (vừa bấm vừa móc bằng một tay), lại là tay trái. Hơn thế, vừa chơi guitar, vừa chơi Harmonica mà không cần người đệm là một sự khó khăn; chơi hai tuyến giai điệu độc lập sẽ rất khó vì đòi hỏi khả năng tập trung rất cao. Phải có có năng khiếu thực thụ mới có khả năng tập luyện những “ngón đàn” đó, nếu không, có tập luyện mấy chục năm cũng sẽ thất bại mà thôi". (Nhà báo, Nhạc sĩ Hữu Trịnh).

Bên cạnh công việc kiếm sống, niềm đam mê âm nhạc là một phần cuộc sống của Vinh. Mê tiếng đàn guitar từ bé, mỗi lần nghe người cậu hay những người bạn gảy đàn, Vinh lại nhóm trong mình quyết tâm một tay tập đánh đàn. Sau ba năm nuôi “ngọn lửa” ấy, Vinh cũng tìm cho mình cách đánh như ngày hôm nay: gẩy đàn bằng ngón trỏ và bấm phím bằng các ngón còn lại, mọi thao tác đều diễn ra chỉ trên một đoạn cần đàn. Phải hằng năm sau anh mới có thể nhuần nhuyễn, mềm tay với cách đánh ấy. Để có được “ngón đàn” điêu luyện như hôm nay, không thể đếm hết bao lần ngón tay bị bật máu, lột da, bao lần mỏi mệt. Thậm chí có khi nản chí vì phải nghĩ ra một điều tưởng đơn giản: “Làm sao để đánh đàn”.

Khi đã luyện thành thạo cây guitar, Vinh lại mong tự mình có thể hoà tấu mà không phải nhờ thêm người bạn nào. Anh nghĩ cách gắn cố định cây Harmonica – cây kèn anh mê chơi từ nhỏ – vào cái giá gắn cố định vào thùng đàn guitar. “Xử” lần lượt từng “thằng” thì thật dễ, nhưng không dễ chút nào khi phải phân tâm, chơi cùng hai thứ một lúc. Thế mà, dần dần hai “đứa” cũng phải khuất phục Nguyễn Thế Vinh.

Nghe Vinh đàn, ai cũng hiểu trong tiếng đàn ấy, ngoài năng khiếu, ngoài sự chịu khó còn là một chiều sâu trong tâm hồn của người biểu diễn. Vinh bảo, tình cờ gặp nỗi buồn của mình trong nhạc Trịnh, niềm vui của mình cũng gặp ở đó, thế là mê. Nỗi đau từ ấu thơ của gia đình anh rất gần với những vết thương chiến tranh còn khoét sâu trong ký ức. Chính vì thế, Vinh hồn nhiên mê những “Ca khúc da vàng” của Trịnh, như một tiếng nói tri âm. Anh tìm được ở đó nỗi buồn, niềm vui cụ thể, lúc nào tâm trạng mình cũng có thể chung nhịp cùng.

Từ mê “Ca khúc da vàng” Vinh mê tình ca Trịnh. Từ tình ca Trịnh, Vinh mê luôn dòng nhạc trữ tình với những Văn Cao, Phạm Duy… Nghe anh hoà tấu “Thiên thai”, “Trương Chi”… tại ATB , chính bà chủ ATB – ca sĩ  Ánh Tuyết phải ghi nhận: “Rất phiêu, rất hồn, đúng chất trữ tình không lạc đi đâu được”. 

Không có sự thông cảm trong nghệ thuật 

nguyenthevinh.jpg
Nguyễn Thế Vinh đang chơi đàn ở quán Hội Ngộ. Ảnh: Hồng Sơn

Anh tình cờ gia nhập Hội quán Hội ngộ đầu năm 2004. Theo dòng du ca, mỗi khi rảnh rỗi anh ôm đàn và kèn lang thang các quán sá, nơi có những người cùng đam mê dòng nhạc trữ tình với mình, gửi tới họ giai điệu những khúc tình ca. Cuối tuần, anh lại chạy xe từ Bình Dương về Sài Gòn đi biểu diễn ở một vài tụ điểm, hoàn toàn không phải mục đích thêm thu nhập, mà vì niềm vui được chia sẻ. Niềm vui ấy khiến Vinh thấy Sài Gòn thật gần với mình, mà không hề ngại chạy xe đường dài, dù ắt hẳn với một cánh tay sẽ có những lúc mỏi mệt.  

Độ này, niềm vui của Nguyễn Thế Vinh được nhân lên nhiều lần khi cuộc sống của anh cũng tạm đỡ cơ cực, và gặp được những người bạn tâm giao: Hà Chương, Thuỷ Tiên cùng anh lập nhóm hát. Hà Chương được biết đến là nhạc sĩ khiếm thị có tài với album “Món quà của sóng” đã ra mắt. Thuỷ Tiên dù bị khuyết tật ở miệng vẫn hát rất hay những ca khúc Trịnh Công Sơn, đã ra mắt album “Xin cho tôi”. Họ đến với nhau bởi “hữu duyên” từ âm nhạc, từ những tâm hồn, tấm lòng đồng điệu. Nhóm không ngại ra tận Miền Trung, lặn lội về miền Tây Nam Bộ để đưa lời ca tiếng đàn của mình về với khán giả, nhất là những khán giả khuyết tật với mục đích duy nhất: làm từ thiện.

“Nghệ thuật không có sự thông cảm, dù khi bị khuyết tật”. Để hiểu hơn về Vinh, có lẽ không gì hơn là hãy một lần đến với tiếng đàn của anh. Bởi khi nghe Vinh đàn, đã không ít người như ca sĩ Ánh tuyết, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9… thấy lòng mình khe khẽ rung lên xúc động, không phải vì trước một tâm hồn yêu nhạc của người khuyết tật Nguyễn Thế Vinh mà từ tay đàn đầy rung cảm nghệ thuật Nguyễn Thế Vinh.

  • Mai Anh  

Ý kiến của bạn?

,

Tin khác

Tin khác của 'Ký sự nhân vật'

,
,