221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1279536
Mặc cả giá đất như đi mua... mớ rau ngoài chợ
1
Photo
null
Kỳ 6:
Mặc cả giá đất như đi mua... mớ rau ngoài chợ
,

 – Giao đất cho dự án Tuần Châu Hà Tây được hơn 2 năm nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương không thực hiện lời hứa. Phần đa người dân các thôn ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) mất đất cho dự án này cho rằng họ bị "lừa" vì đến nay đất dịch vụ họ không được trả theo quy định, giá thì lúc đầu cam kết khác, nay lại khác. 

 

Còn lời hứa dự án sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nay dự án bị dừng đầu tư, không biết rồi nay mai họ sẽ sống bằng gì? Còn số dân chưa giao ruộng thì kiên quyết giữ đất.

“Chúng tôi bị lừa”?

 

Một điểm chung rất dễ nhận thấy khi hỏi người dân ở thôn Đa Phúc mất ruộng cho dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây là họ đều cho rằng bản thân họ bi "lừa" sau khi đồng ý giao đất cho dự án này.

 

Mô tả ảnh.

Khu đất rộng 2ha ngay dưới chân núi Thầy với di tích chùa Thầy nổi tiếng. Ông Chúc ở thôn Thụy Khuê đưa ra nhận định, nếu dự án này thành công trên diện tích gần 200ha thì núi Thầy sẽ chỉ như là hòn non bộ của dự án.

 

 

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lại, 63 tuổi, người mất tất cả tư liệu sản xuất kể: “Lúc đầu họ bảo mua đất của chúng tôi 27 triệu/sào thì trả lại đất dịch vụ 10%, dự án sẽ làm đường, điện cống rãnh cho thì chúng tôi nộp vào 200 nghìn/m2. Nhưng khi ký kết lấy tiền xong rồi thì không thấy đất dịch vụ đâu.

 

Đến bây giờ thì dự án lại nói rằng ai nộp 200 nghìn thì chỉ được thuê đất 20 năm, ai mà nộp 600 nghìn/m2 thì được cấp sổ đỏ. Tiền đền bù ít ỏi tiêu mất rồi, sản xuất thì không được, chúng tôi kiếm đâu ra tiền mà nộp”.

 

Ông Đào Quang Thắng, chồng bà Lại còn đưa cho chúng tôi xem 2 văn bản do ông Đỗ Lai Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Chủ tịch hội đồng đền bù GPMB dự án này ký. Trong đó có ghi rõ giá đất dịch vụ người dân chỉ nộp 200 nghìn/m2 đất, sau này nếu các chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có tăng thì giá đất dịch vụ vẫn giữ nguyên như vậy.

 

 

Mô tả ảnh.

Mất toàn bộ số đất nông nghiệp, 2 vợ chồng ông Thắng cứ trông chờ vào ngày được cấp số đất dịch vụ theo quy định, thế nhưng đã hơn 2 năm qua, không những gia đình ông và nhiều người dân khác không nhận được đất mà còn bị tăng giá, trái với các văn bản của huyện Quốc Oai trước đó. "Nói gọn là người dân Đa Phúc bị lừa”, ông Thắng nói.

 

 

Chúng tôi chấp hành tốt chủ trương chuyển đổi, không chống đối nhưng các anh phải làm theo đúng như thông báo, quyết định thu hồi. Thế mà cuộc họp trước Tết vừa rồi thì cán bộ về phổ biến giá đất dịch vụ là 1,2 triệu.

 

Chúng tôi phản đối, cứ làm theo thông báo thì chúng tôi mới cho san ruộng. Rồi sau đó có tổ chức cuộc họp với dân thì lại đưa ra mức là 600 nghìn mới có sổ đỏ, 200 thì chỉ được thuê 20 năm. Nói gọn là người dân Đa Phúc bị lừa”, ông Thắng cho biết.

 

Cùng nỗi bức xúc về giá đất dịch vụ cho dân, chị Phan Thị Đông nói thẳng: “Họ (dự án - PV) mặc cả giá đất với chúng tôi như mua mớ rau ngoài chợ. Thật khổ!”.

 

Còn ông Phan Văn Lâm, Hội trưởng hội nông dân thôn Đa Phúc thì nói rằng: “Dự án này nó đã bức bối từ nhiều năm nay rồi. Vừa rồi họp dân vào ngày 23/3, nhân dân mới bầu tôi làm thư ký. Chúng tôi yêu cầu bên Tuần Châu phải trả cho chúng tôi 10% đất dịch vụ và nếu chưa trả thì không được đổ đất.

 

Dự án Tuần Châu Hà Tây chưa mang lại lợi ích gì cho chúng tôi, chỉ nhìn thấy đường sá càng ngày càng bị hỏng, bởi chúng tôi không dám đầu tư để sửa chữa đường. Họ nói chúng tôi phải nộp 600 nghìn/m2 thì họ mới cấp sổ đỏ cho, là có cả điện đường trường trạm đến tận nơi chỗ ấy. Nhưng ban đầu thì giá đưa ra chỉ 200 nghìn. Rất là bức xúc, không biết kêu ai”.

 

Mô tả ảnh.

Ông Lâm, Hội trưởng hội nông dân thôn Đa Phúc: "Dự án Tuần Châu Hà Tây chưa mang lại lợi ích gì cho chúng tôi, chỉ nhìn thấy đường sá càng ngày càng bị hỏng...Dự án này nó đã bức bối từ nhiều năm nay rồi. Dân bức xúc mà không biết kêu ai". (Ảnh: D.T)

 

Chính ông Lâm cũng bị mất đất cho dự án, ông thấu hiểu được tình cảnh của những người nông dân mất ruộng. Ngay bản thân đứa con trai ông, anh Phan Văn Tiến được bố mẹ chia cho 1,3 sào ruộng để lấy vợ. Khi dự án thu hồi đất, nhận được gần 40 triệu tiền đền bù thì liền mua chiếc xe máy tay ga. Nay 2 vợ chồng lâm vào cảnh thất nghiệp.

 

Những hộ mất đất nay không có công ăn việc làm, bây giờ phải ra làm ngoài, ai bảo làm gì thì làm nấy. Mà có việc thì mới có cơm ăn không thì phải đi vay kiểu “giật gấu vá vai” thôi. Khi các anh dự án hứa hẹn thì hay lắm là có đào tạo, dạy nghề, có những nghề dạy thì dân không thể làm được.

 

Có mở lớp làm hoa cây cảnh nhưng không tổ chức được. Tôi là người mất ruộng nên cũng là người đăng ký đầu tiên nhưng mà không tổ chức được. Rồi thì tổ chức đan len cho chị em phụ nữ nhưng cũng không thành”, ông Lâm tiếp tục bức xúc.

 

Kiên quyết giữ đất cha ông để lại!

 

Không như người dân ở thôn Đa Phúc, gần 2000 hộ dân ở thôn Thụy Khuê và Phúc Đức (chiếm phần lớn diện tích của dự án) đến nay vẫn chưa đồng ý bán đất. Họ, những người chỉ có duy nhất nghề nông vẫn kiến quyết bám trụ mảnh đất của cha ông để lại.

 

Nhất là khi họ thấy cảnh người dân Đa Phúc đang hằng ngày thất nghiệp, đi đòi quyền lợi sau khi giao đất mà vẫn chưa có kết quả.

 

Mô tả ảnh.

Tờ rơi mô tả Dự án Tuần Châu Hà Tây được ông Lâm dùng để... làm bìa sổ ghi chép. Những lợi ích mà dự án "vẽ" ra trên tờ rơi này không biết rồi sẽ như thế nào, người dân Sài Sơn lo lắng hơn bởi không biết sắp tới dự án sẽ như thế nào? Đồng ruộng của họ có còn nữa không? Những lời hứa của dự án....?

 

Ở thôn Thuỵ Khuê không ai không biết đến hộ bà Nguyễn Thị Quỳ vì hoàn cảnh khó khăn của mẹ con bà. Di chứng của thuốc trừ sâu khi bà còn làm cho hợp tác đã khiến 2 trong 3 đứa con của bà không được bình thường.

 

Đứa con gái út của bà, em Nguyễn Thị Quyên năm nay đã 20 tuổi nhưng vẫn không thể nói được vì căn bệnh liệt nửa người đã 15 năm nay.

 

Chế độ trợ cấp cho đứa con bị tật không có, khó khăn chồng chất khi chồng mất, bà Quỳ chỉ nhìn vào mấy sào ruộng để nuôi con.

 

Bà kể: “Tôi chỉ nghe Tuần Châu Hà Tây về thu ruộng nhưng người dân chúng tôi không đồng ý bán ruộng. 27 triệu/sào thì tôi không đồng ý bởi vì dù chúng tôi có yếu thì có sào ruộng chúng tôi vẫn có cơm ăn, nếu mất ruộng thì 27 triệu thì chỉ tiêu vài năm là hết bởi không có cái gì để chúng tôi bám vào đấy để sống cả.

 

Dù gia đình chúng tôi rất là nghèo nhưng chúng tôi không bán ruộng. Chúng tôi không muốn lâm vào hoàn cảnh như ở Đa Phúc, bán đất rồi giờ đang đi đòi đât dịch vụ”.

 

Mô tả ảnh.

Bà Nguyễn Thị Quỳ đang cùng với đứa con gái tật nguyền tranh thủ bán thêm quán nước trong những ngày diễn ra Lễ hội chùa Thầy. "Chúng tôi có yếu thì có sào ruộng chúng tôi vẫn có cơm ăn, nếu mất ruộng thì 27 triệu thì chỉ tiêu vài năm là hết bởi không có cái gì để chúng tôi bám vào đấy để sống cả", bà nói. (Ảnh: V.Đ)

 

Ông Nguyễn Tất Chúc, xóm 1, thôn Thụy Khuê được dân làng biết đến là người đứng ra để nói lên nguyện vọng chính đáng cho bà con trong thôn. Bản thân gia đình ông cũng có đất nằm trong phần thu hồi của dự án Tuần Châu Hà Tây, nhưng ngay từ đầu, ông và rất nhiều người dân trong 2 thôn không đồng tình “bán” ruộng.

 

Thôn Phúc Đức và thôn Thuỵ Khuê là thuần nông nên dân không muốn mất ruộng. Phần đông người dân đều cho rằng mất đất cuộc sống sẽ rất khó khăn và không biết làm gì, đi đâu. Đất của chúng tôi là đất 2 lúa của cha ông bao đời để lại, bây giờ lại phải bán với giá 54 nghìn/m2, trong khi đó nghề nghiệp không có gì.

 

Đơn cứ như nhà tôi chỉ có mình tôi có lương trong khi đó 5 cặp vợ chồng con cái  với tổng thể 23 khẩu chỉ mình tôi có lương còn lại đều trông vào gần một mẫu ruộng. Mất ruộng thì chúng tôi biết bám vào đâu để sống, trình độ không có, ai thuê làm việc? Người dân Thuỵ Khuê và Phúc Đức không giao đất chứ như người dân Đa Phúc bây giờ mới ngã ngữa ra mình bị lừa”, ông Chúc cho biết. 

 

 

Mô tả ảnh.

Ông Chúc ở thôn Thụy Khuê nói rằng, người dân thôn ông kiên quyết không giao đất cho dự án này vì nhiều lý do. "Người dân Thuỵ Khuê và Phúc Đức không giao đất chứ như người dân Đa Phúc bây giờ mới ngã ngữa ra mình bị lừa", ông nói. (Ảnh: D.T)

 

Rồi ông nói tiếp: “Dân chúng tôi bảo, dân không chống nhưng khi nhà nước thu rồi thì cũng phải lo cho dân. Nhưng nếu chỉ là một số các ông ăn tay với nhau các ông buôn đất thì dân chúng tôi không tin nên không giao đất. Vì trong dự án này có 54 ha làm nhà cao cấp liệu từ dự án sân golf không thành rồi dự án sẽ biến tướng thì làm sao chúng tôi biết được”.

 

Người dân ở Thuỵ Khuê còn lo lắng hơn nữa vì dự án khu vui chơi giải trí nằm ngay dưới chân núi Thầy, nơi có ngôi Chùa Thầy nổi tiếng. Họ ví, nếu dự án này triển khai thành công thì núi Sài Sơn sẽ biến thành hòn non bộ trong của dự án.

 

Vậy nên đến nay họ vẫn kiên quyết giữ đất của cha ông để lại trừ khi dự án thực sự mang lại lợi ích cho người dân nơi đây. Mà điều này thì họ rõ hơn ai hiết sau hơn 2 năm dự án bắt đầu triển khai.

 

Hiện tại họ vẫn thấp thỏm chờ đợi quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền về số phận những đồng lúa của họ sau khi nghe tin dự án bị Chính phủ buộc dừng lại vì có hạng mục sân golf chiếm quá nhiều đất 2 lúa.

 

  • Nhóm PV Điều tra(Còn nữa)

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,