Đà Nẵng: 5 giải pháp lớn phát triển kinh tế biển
11:07' 21/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định triển khai 5 giải pháp lớn để đưa TP trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước và khu vực

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Đà Nẵng.

Mục tiêu lớn

Với chiều dài bờ biển lên đến 70km, trong đó có những "bờ biển năm sao" với hàng loạt các khu du lịch biển đã và đang hình thành, TP. Đà Nẵng có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển.

Sự phát triển hướng biển càng được thể hiện rõ hơn khi hành lang kinh tế Đông - Tây chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ ra biển của một vùng kinh tế rộng lớn đi qua 4 nước, bắt đầu từ TP cảng Mawlamyine (bang Mon), qua cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin - Myanmar), chạy qua 7 tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan của Thái Lan, qua Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh (Lào) và từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, TT - Huế và TP. Đà Nẵng.

Trong năm 2003, các ngành kinh tế biển (bao gồm khai thác và nuôi trồng thủy sản; cảng, vận tải biển, hậu cần nghề cá, du lịch và công nghiệp chế biển thủy hải sản, đóng sửa tàu thuyền) đã đóng góp 26,5% GDP, giải quyết việc làm cho 70.000 lao động và 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng. Tuy nhiên, kinh tế biển của Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và lợi thế vốn có.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 133 (4/8/2004) với quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước và khu vực. Mục tiêu là đến năm 2010, các ngành kinh tế biển chiếm 30-31% GDP của TP, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đạt trên 10 triệu tấn/năm, chế biến thủy sản đạt giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu và tạo việc làm thêm cho 7.000 lao động. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kinh tế biển (cảng biển hàng hóa, cảng du lịch, dịch vụ du lịch biển, dịch vụ khai thác, chế biến, hậu cần nghề cá…) cũng được xây dựng hoàn thiện, vào loại tiến tiến nhất trong khu vực.

5 giải pháp đồng bộ

TP. Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai một chương trình trọn gói với 5 giải pháp lớn:

Về phát triển cụm cảng biển, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa để đến năm 2010 đạt công suất từ 3,9 - 5 triệu tấn/năm; xây dựng mới cảng Liên Chiểu để bắt đầu hoạt động từ năm 2010; nâng cấp cảng Sông Hàn theo hướng cảng phục vụ du lịch; xây dựng cảng tổng hợp địa phương tại Vịnh Mân Quang - Sơn Trà với quy mô tiếp nhận tàu 5.000DWT, công suất từ 200.000 - 300.000 tấn/năm; đồng thời di chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê đi nơi khác. Ngoài ra, TP cũng tiến hành xây dựng Trung tâm hỗ trợ điều phối hàng xuất khẩu miền Trung - Tây Nguyên và các quốc gia lân cận.

Về phát triển ngành công nghiệp đóng tàu vận tải và tàu đánh cá, Đà Nẵng sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà máy đóng tàu biển và nhà máy cơ khí phục vụ sửa chữa tàu và đầu tư xây dựng Xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền đáng cá, dự kiến hoàn thành vào năm 2006.

Về phát triển ngành thủy sản,  Đà Nẵng tập trung phát triển đội tàu xa bờ để hạn chế đến mức thấp nhất đánh bắt gần bờ, xây dựng các tổ hợp tác nghề cá trên cơ sở thành lập các đội tàu đánh cá (từ 10 - 15 chiếc/đội) cùng nghề để hỗ trợ nhau trên biển. Phấn đấu đến năm 2010, đầu tư đóng mới 130 - 150 tàu có công suất trên 200CV, cải hoán 800 tàu có công suất nhỏ, nâng tổng công suất đội tàu của Đà Nẵng lên 80.000CV. Bên cạnh đó, TP sẽ đầu tư đội tàu hậu cần nghề cá với khoảng 5 - 10 chiếc có công suất từ 800-1000CV song song với việc quan tâm đúng mức công tác đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển nghề đánh bắt và chế biến thủy sản. Công tác nuôi trồng thủy sản sẽ tập trung vào nuôi tôm công nghiệp tại xã Hòa Liên và quận Liên Chiểu, với diện tích vào khoảng 400ha. Xây dựng từ 15 - 20 nhà máy có trình độ công nghệ cao, chế biến hàng tinh chế tại KCN thủy sản Thọ Quang để tăng cường xuất khẩu sản phẩm tinh, đạt tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ. Các kết cấu hạ tầng nghề cá cũng sẽ được quan tâm đầu tư, trọng điểm là các dự án: khu trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang; xây dựng cảng cá mới tạu Âu thuyền Thọ Quang; xây dựng trung tâm thương mại thủy sản với sàn giao dịch mua bán đấu giá hàng thủy sản, thành lập trung tâm huấn luyện nghề cá và trung tâm bảo tồn hải dương học Đà Nẵng trước năm 2009.

Về phát triển du lịch biển,  Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng những điểm du lịch có sức hấp dẫn cao dọc bờ biển, bán đảo Sơn Trà và phía Nam Hải Vân; đặc biệt là các khu nghỉ biển quốc tế với nhiều loại hình dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí như câu cá, lặn, lướt ván…

Giải pháp cuối cùng cũng rất được chú trọng là Đà Nẵng sẽ đầu tư kinh phí thích đáng để xây dựng trung tâm cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển cho TP và các địa phương lân cận.

Với việc triển khai đồng bộ 5 giải pháp trên, Đà Nẵng sẽ thật sự "vươn mình ra biển", thể hiện một quyết tâm lớn để trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước và khu vực.

  • Hải Châu
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ban hành quy chế khen thưởng DN, giám đốc tiêu biểu (19/08/2004)
Vĩnh Long: hỗ trợ 50% quảng cáo cho nhà đầu tư (19/08/2004)
Hà Nội cần 9 tỷ USD phát triển công nghiệp chủ lực (18/08/2004)
Lộ trình xây dựng Luật Giao dịch điện tử sẽ "siêu ngắn"? (17/08/2004)
VCCI cùng Hội Luật gia hỗ trợ DN (12/08/2004)
Hợp nhất Luật DN: Không dễ! (12/08/2004)
TCT phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho thành viên (11/08/2004)
TP.HCM: Giải quyết hơn 500.000 hồ sơ nhà đất (07/08/2004)
Lao Bảo sẽ trở thành "Thâm Quyến" của Việt Nam? (05/08/2004)
171 thương hiệu vào chung kết giải Sao Vàng đất Việt (04/08/2004)
J.W Thompson VN không được trực tiếp làm dịch vụ quảng cáo (31/07/2004)
Không được đấu thầu TPCP nếu bị kiểm soát đặc biệt (30/07/2004)
Tham gia hội nhập, năng lực DN mới mạnh lên (29/07/2004)
Military Bank mở chi nhánh đầu tiên tại miền Trung (28/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang