Lao Bảo sẽ trở thành "Thâm Quyến" của Việt Nam?
13:29' 05/08/2004 (GMT+7)

Trụ sở Ban quản lý Khu thương mại Lao Bảo.

(VietNamNet) - Điểm đầu của con đường xuyên Á - Lao Bảo (Quảng Trị) sẽ được xây dựng thành một đặc khu kinh tế thương mại có cơ chế tự do chưa từng có, với hy vọng sẽ phát triển như ''Thâm Quyến'' của Việt Nam. 

Tháng 6 vừa qua, đoàn công tác liên ngành gồm: thương mại, tài chính, hải quan... đã sang khảo sát, học tập mô hình xây dựng đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc. Một quy chế mới cho Lao Bảo với những cải tiến rõ nét đang được Bộ Thương mại xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan liên quan để sớm trình Thủ tướng trong quý III này. 

Quy chế hiện hành của Lao Bảo: vướng ở đâu? 

Lao Bảo là điểm đầu của con đường xuyên Á, trục  hành lang kinh tế Đông - Tây, nối từ Myamar (Đông Bắc Thái Lan) - Savanakhet (Lào) qua Lao Bảo, và từ Lao Bảo đến với các cảng biển miền Trung như: Cửa Việt, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng...; nối liền biển Đông với đại lục Tây Á rộng lớn với ý nghĩa là cửa ngõ cho hàng Việt Nam xâm nhập vào các thị trường phía Tây và hàng hóa từ nước bạn chảy vào Việt Nam. Hơn nữa, nằm trên giao điểm của các huyết mạch giao thông quan trọng: quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh (tương lai gần sẽ là đường cao tốc xuyên suốt Bắc Nam), Lao Bảo có tầm quan trọng đặc biệt với việc mở rộng thương mại sang phía Tây.

Ngày 12/11/1998, Chính phủ ban hành Quy chế Khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị (KTMLB). Bước đầu xây dựng, Lao Bảo đã được Chính phủ dành cho những ưu đãi có thể nói là quá hấp dẫn. Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong KTMLB và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào đây không phải chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào Lao Bảo cũng được hưởng thuế suất giá trị gia tăng là 0%. 

Tuy nhiên, sau 5 năm, những thành tựu của Lao Bảo vẫn dừng ở mức khiêm tốn. Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận: ''Lao Bảo đã có nhiều kêu gọi đầu tư nhưng hiệu quả còn hạn chế. Đặc biệt là khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời, Lao Bảo mất hẳn ưu thế. Hiện Lao Bảo mới có 17 dự án trong và ngoài nước đầu tư, với tổng số vốn trên 400 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 4 dự án nước ngoài, đều của Thái Lan (3 dự án đã đi vào sản xuất còn 1 dự án vẫn chưa khởi công). Phía Thái Lan có đăng ký một số dự án nữa, nhưng do một số trở ngại nên chưa đầu tư''.

Hạn chế của KTMLB trước hết bởi cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông, bưu điện. Riêng giao thông, đường 9 đoạn phía Lào đã được tu sửa, nhưng đoạn phía Việt Nam thì vẫn hư hỏng nặng. Theo đánh giá của JIBIC, hàng hóa từ Savanakhet đến Bangkok mất 1.200km trong khi đến Đà Nẵng chỉ mất 800km, nhưng, cước phí cho hàng hóa đến Bangkok lại rẻ hơn đến Đà Nẵng gần 30%. Phí quá cảnh hàng hóa qua Lào cao, làm cho việc thu hút các nhà đầu tư Thái Lan vào Lao Bảo càng khó khăn, hạn chế.

Vướng nhất đối với Lao Bảo là quy chế. Quy chế cũ được coi là mở nhưng thực ra lại chưa mở vì trong quá trình thực hiện, rất nhiều điều phải ''theo các quy định hiện hành''. Mặt khác, thủ tục hải quan còn nhiều bất cập. Hàng hóa vào KTMLB qua cổng A (cổng giữa Lào và Lao Bảo) vẫn phải làm thủ tục hải quan giống như cổng B (cổng giữa Lao Bảo và nội địa).

"Thâm Quyến" của Việt Nam có thành hiện thực?

Quy chế mới cho Lao Bảo lần này, được Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh khẳng định là sẽ tạo ra một ''cái ổ'' cho các nhà đầu tư vào ''đẻ trứng vàng''. Theo đó, quan hệ hàng hóa, dịch vụ giữa Đặc khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo và trong nước là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng hóa có xuất xứ từ nội địa Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Lao Bảo được miễn thuế xuất nhập khẩu. Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại Lao Bảo khi xuất khẩu ra nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu.

Thủ tục hải quan cho hàng hóa cũng sẽ được gỡ vướng. Bộ Thương mại đang cân nhắc một trong 2 phương án: hàng hóa, phương tiện vận tải, hành lý và ngoại hối từ nước ngoài đưa vào Lao Bảo và từ Lao Bảo đưa ra nước ngoài, qua cửa khẩu giữa Lao Bảo và Lào, chỉ chịu sự giám sát của cơ quan hải quan với hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu, phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và thống kê hải quan (nếu có). Hàng hóa, phương tiện vận tải, hành lý và ngoại hối từ nội địa đưa vào Lao Bảo và từ Lao Bảo vào nội địa phải làm đầy đủ các thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa là nông sản hoặc hàng hóa được sản xuất tại Lao Bảo mà không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài được miễn làm thủ tục hải quan.

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Trần Đức Minh nói: ''Khi lần đầu tiên tôi đến Thâm Quyến năm 1984, đây chỉ là một cái làng hẻo lánh, một vùng đồng không mông quạnh, chỉ có 3 thứ nổi bật nhất, một là cái lò gạch, hai là lau sậy ở hai bên bờ sông, ba là một cây cầu nhỏ. Nhưng bây giờ Thâm Quyến đã phát triển mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thâm Quyến đang đứng đầu Trung Quốc với 117 tỷ USD năm 2003, thu nhập bình quân đầu người cũng lên đến 6.500USD và trở thành cảng trung chuyển container lớn thứ 4 thế giới. Điểm ta phải học tập ở bạn là cơ chế giao quyền, mở cửa''. 

Lợi thế thì nhiều, nhưng để Lao Bảo đạt được mục tiêu trở thành ''Thâm Quyến'' của Việt Nam thì không hề đơn giản. Trước mắt, KTMLB đang phải chịu sự cạnh tranh của Khu kinh tế thương mại biên giới Đen-sa-vẳn (Lào), với một số chính sách ưu đãi tương tự. Mặt khác, 60% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thâm Quyến đến từ Hong Kong, 70% đầu tư ra nước ngoài của Thâm Quyến tập trung ở Hong Kong, kim ngạch mậu dịch Thâm Quyến - Hong Kong chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thâm Quyến. Và cái thiếu của Lao Bảo lại chính là một ''Hong Kong'' như vậy. 

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
171 thương hiệu vào chung kết giải Sao Vàng đất Việt (04/08/2004)
J.W Thompson VN không được trực tiếp làm dịch vụ quảng cáo (31/07/2004)
Không được đấu thầu TPCP nếu bị kiểm soát đặc biệt (30/07/2004)
Tham gia hội nhập, năng lực DN mới mạnh lên (29/07/2004)
Military Bank mở chi nhánh đầu tiên tại miền Trung (28/07/2004)
Hà Nội thí điểm triển khai Văn phòng đăng ký đất đai (20/07/2004)
Hà Nội đẩy nhanh xây dựng 65 khu đô thị mới (17/07/2004)
Văn hóa kinh doanh: Chữ tín làm trọng! (15/07/2004)
Thụy Sĩ huấn luyện quản lý DN tránh rủi ro (15/07/2004)
82.000 USD cho tìm kiếm tài năng kinh doanh trẻ 2004 (15/07/2004)
81DN tặng báo cho 103 thư viện trên toàn quốc (13/07/2004)
Toạ đàm về hành lang pháp lý cho xúc tiến thương mại (12/07/2004)
Gánh nặng tăng trưởng kinh tế dồn vào 6 tháng cuối năm (02/07/2004)
Quá trình đấu thầu còn mang tính hình thức (02/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang