221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1180272
Sẽ kiểm tra tác động của giờ cao điểm tính giá điện
1
Article
null
Sẽ kiểm tra tác động của giờ cao điểm tính giá điện
,

 -Sau những bức xúc của doanh nghiệp về sự bất hợp lý của quy định giờ cao điểm tính giá điện, chiều 24/3, Thứ trưởng kiêm người phát ngôn của Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu đã trao đổi với VietNamNet về vấn đề này.

Thưa ông, các doanh nghiệp kêu quy định giờ cao điểm rơi đúng vào giờ làm việc bình thường là vô lý,

Ông Bùi Xuân Khu. Ảnh: Phạm Huyền
ông đánh giá thế nào về những bức xúc này?

Tôi vừa đi làm việc với các doanh nghiệp ngành công thương ở các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong khủng hoảng kinh tế, cũng đã nghe họ phản ánh chuyện đó. Nhưng, các doanh nghiệp kêu vậy thì cũng có đơn vị kêu là hợp lý, có đơn vị kêu là chưa hợp lý lắm.

Khi áp dụng quy định mới, nhiều người dân cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Tôi thấy, cũng có doanh nghiệp lại sử dụng điện vào giờ cao điểm nhiều hơn mà giờ thấp điểm thì ít chú ý sử dụng. Tất nhiên, doanh nghiệp nào mà chỉ làm một ca thì sẽ gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp cho rằng, tránh giờ cao điểm thì xáo trộn sản xuất, không thể dừng sản xuất giữa chừng được, đây là ý kiến hợp lý, thưa ông?

Ai chẳng biết doanh nghiệp rất khó đổi giờ sản xuất. Trên thực tế, cũng có những sản phẩm mà đóng điện giữa chừng là hỏng luôn như máy cán nhựa chẳng hạn. Chính vì thế, chúng ta mới khuyến khích các doanh nghiệp cần sử dụng giờ thấp điểm. Ca làm việc phải dồn vào giờ thấp điểm, vừa có giá rẻ, vừa tiết kiệm điện năng cho hệ thống.

 

Chiều 24/3, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2510 gửi các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước nêu rõ: Từ sau 1/4, khi có các hoá đơn tiền điện của tháng đầu tiên được áp dụng theo quy định mới, Bộ Công Thương sẽ đánh giá cụ thể tác động của chính sách giá điện giờ cao điểm lên các đối tượng sử dụng điện khác nhau như sản xuất 1 ca, 2 ca, 3 ca và đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm đối tượng này.

Khi Nhà nước ban chính sách thì doanh nghiệp cần phải thích ứng. Những ngành nào muốn nâng cao tính cạnh tranh, có giá thành rẻ, thì phải chuyển giờ đêm, sau 22h mà làm. Các nước công nghiệp đều dùng điện theo giờ như vậy chứ đâu phải riêng nước ta làm.

Trước đây, giờ cao điểm chỉ là buổi tối, từ 18h-22h hàng ngày. Tại sao Bộ Công Thương lại đổi sang thành giờ buổi sáng, là lúc công nhân làm việc hiệu quả nhất?

Quyết định của Thủ tướng đã cho phép tăng giá điện bình quân lên mức 8,92%, ở mức 948,5đồng/kWh. Nhưng trong đó, 50kWh đầu vẫn phải giữ được giá thấp như trước, đồng thời, vẫn phải điều tiết giá điện cho khu vực nông thôn thấp hơn mức giá điện bình quân của cả nước. Nếu không tính giá điện cẩn thận, sau khi tăng giá điện thì tiền điện thu về không tăng được bao nhiêu, không thoả mãn được nhu cầu đầu tư của ngành điện.

Khi đi khảo sát các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, họ cũng đặt giờ cao điểm là 2 khoảng thời gian buổi tối và buổi sáng. Ví dụ, mỗi ngày ta chỉ có 10 tỷ kWh, nửa đêm chỉ dùng có 5 tỷ kWh nhưng buổi sáng lại dùng tới 15 tỷ kWh. Công suất lưới điện buổi sáng không đáp ứng được.

Nếu không đẩy giá điện lên vào thời gian này để người dân tiết kiệm, các doanh nghiệp sẽ không lựa giờ thấp điểm để sử dụng thì sẽ gây thiếu điện. Do vậy, quy định giờ cao điểm là một biện pháp để điều hoà lưới điện toàn quốc, giữ việc tăng giá điện đúng theo quyết định của Thủ tướng, đảm bảo lợi ích, đầu tư, phát triển lâu dài của ngành điện. Nếu không, chúng ta sẽ lại thiếu điện.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu xem xét dừng cách tính giờ cao điểm vào buổi sáng. Ảnh: Phạm Hải.

Cá nhân ông có thấy, quy định này là khó cho doanh nghiệp?

Lúc đầu, tôi cũng nghĩ, trong bối cảnh khủng hoảng, kinh tế khó khăn  thì mình không nên tăng giá điện cao vào buổi sáng. Nhưng khi tính tỉ mỉ thì không tăng không được, trước sau gì cũng phải tăng. Vì chính buổi sáng là lúc sử dụng nhiều điện nhất nhưng vì thiếu điện, phải hạn chế dùng giờ đó để giảm bớt việc thiếu điện. Chỉ khi thừa điện thì giá cao điểm thấp điểm mới bằng nhau. Các nước đều làm như thế. 

Thưa ông, trước mắt Bộ Công Thương có tạm dừng áp dụng giá điện giờ cao điểm để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang đi miền Tây đã gọi điện về cho tôi nói cần dừng ngay việc áp dụng giờ cao điểm sáng vì các tỉnh phản ánh khó khăn. Thế nhưng, sáng nay (24/3), tôi họp ở Văn phòng Chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến, giá điện áp theo giờ sử dụng là một chủ trương lớn, nếu vội vàng quyết định thì chưa thấu đáo.

Nếu chỉ có 1-2 doanh nghiệp kêu mà xử lý điều chỉnh ngay cho cả hệ thống điện thì chưa khách quan. Đây là chủ trương của Chính phủ, nếu chưa báo cáo Thủ tướng mà chúng tôi xử lý ngay thì sẽ là vượt thẩm quyền. Hơn nữa, nếu giá điện giờ cao điểm mà giảm xuống thì nghĩa là giá điện bán bình quân sẽ không còn là 948,5đ/kWh nữa, mà sẽ là chỉ còn 920-930đ/kWh. Như thế là không đúng với quyết định về tăng giá điện của Thủ tướng.

Vậy, dự kiến Bộ Công Thương sẽ xử lý việc này thế nào?

Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo chúng tôi việc này rồi. Cứ để các doanh nghiệp, địa phương sử dụng theo quy định mới trong 1 tháng đầu đã, rồi sau đó, Nhà nước mới đi kiểm tra, giám sát, thống kê để có căn cứ thực tiễn xử lý. Hết tháng 3 này, chúng tôi sẽ tính xem, chênh lệch chi phí tiền điện với tháng trước là bao nhiêu.

Doanh nghiệp nào gánh được thì không lo, còn doanh nghiệp nào không gánh được tác động thì sẽ phải có biện pháp tháo gỡ cho họ. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các sở công thương phải phối hợp kiểm tra vấn đề này, sau đó, Bộ Công Thương mới có cơ sở thực tiễn để trình tới Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cảm ơn ông!

  • Phạm Huyền (thực hiện)

   

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;