221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1171456
Vì sao ngành điện và dầu khí xung đột lợi ích?
1
Article
null
Vì sao ngành điện và dầu khí xung đột lợi ích?
,

 - Thiếu khí sẽ dẫn tới thiếu điện có nguyên nhân khách quan từ những trục trặc trong việc khai thác khí ngoài mỏ. Tuy nhiên, phía sau lời kêu cứu tới Bộ Công Thương và "trách" dầu khí của ngành điện lại là câu chuyện giữa hai tập đoàn.

Thiếu khí là rủi ro ngoài ý muốn

Trao đổi với phóng viên chiều 3/3, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết,  thực tế đúng là có chuyện đang hụt mất 30-50% sản lượng khí cung cấp cho 3 nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1. Do đó, cảnh báo thiếu điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là có cơ sở. Tuy nhiên, nhìn nhận công bằng thì việc thiếu hụt này là do nguyên nhân khách quan, mang tính kỹ thuật.

Điện lực muốn mua điện theo quý để muốn linh hoạt hơn về giá mua điện...

Tại cuộc họp chiều 2/3 giữa Bộ Công Thương và 2 Tập đoàn này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có báo cáo, khí cung cấp cho 3 nhà máy là khí đồng hành được khai thác cùng với dầu, nhưng dầu của mỏ PM3 hiện đang bị nhiễm lưu huỳnh, ảnh hưởng đến chất lượng dầu. Vì thế, nhà điều hành mỏ thuộc Malaysia đã có kế hoạch phải giảm sản lượng từ ngày 1/3 đến 15/3, dừng việc cấp khí trong 13 ngày trong tháng 5.

Thời gian này rơi đúng vào mùa khô nên càng làm gia tăng nguy cơ thiếu điện. Ông Tạ Văn Hường cho biết, phương án trước mắt để khắc phục thiếu điện mùa khô là PVN phải đàm phán lại với đối tác để lùi thời gian ngừng cấp khí sang các tháng mùa mưa.

Dự kiến, ngày 15/3 tới, đối tác liên kết cùng khai thác khí với PVN là Petronas sẽ sang Việt Nam làm việc và trao đổi về các phương án khai thác khí nhằm đảo bảo lợi ích cả 2 bên.

"PVN đã nỗ lực hết mình để khắc phục sự cố này. Thiếu khí là rủi ro ngoài ý muốn chứ không có chuyện Tập đoàn này làm khó Tập đoàn kia", ông Hường nhấn mạnh. Hiện nay, Bộ Công Thương đang giao cho PVN tính toán lại việc sản lượng bị thiếu hụt. Các nguyên nhân khác như sự cố nhà máy liên tục xảy ra, theo ông Hường nói, cũng là điều bình thường của các nhà máy điện mới vận hành. Ngay cả các công trình nguồn điện của EVN cũng đều xảy ra sự cố như vậy.

Đi tìm tiếng nói chung

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện thiếu khí, thiếu điện này là vấn đề của hai tập đoàn. Khúc mắc này nếu không sớm giải tỏa thì hệ lụy xấu là cả nước sẽ gánh chịu tình trạng cấp điện phập phù.

Ngày 3/3, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã từ chối bình luận về các thông tin thiếu điện do thiếu khí mà EVN báo cáo Bộ Công Thương ngày 2/3. Tuy nhiên, một Uỷ viên HĐQT  của Tập đoàn này trao đổi với phóng viên đã bày tỏ: "Việc cung cấp khí cho cụm 3 nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 có trục trặc nhưng nếu nhân cớ này, EVN đổ trách nhiệm cho ngành dầu khí trong việc thiếu điện trầm trọng trong mùa khô tới là không công bằng".

...nhưng dầu khí cũng có lý khi muốn bán điện theo năm để dễ đàm phán với đối tác mà tập đoàn này phải mua khí.

Các nhà máy điện khí của PVN chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng điện quốc gia nên không đến mức làm ảnh hưởng trầm trọng đến cung cầu điện năng quốc gia. Hơn nữa, EVN đang chiếm 60% nguồn điện cả nước. Nếu các nhà máy của EVN không bị chậm tiến độ thì cung cầu điện sẽ không đến mức căng thẳng khi có sự cố như vậy. "Lúc có khí đều đặn để cung cấp cho 3 nhà máy điện thì EVN lại không huy động hết công suất chạy khí. Lúc có sự cố như thiếu khí hiện này EVN lại đẩy vấn đề lên", vị lãnh đạo này bức xúc.

Thiện chí của PVN là nố lực đảm bảo khí để đủ điện cho đất nước. Theo vị lãnh đạo này, PVN muốn đề nghị ký hợp đồng với EVN cung cấp sản lượng cả năm của 3 nhà máy là 10 tỷ kWh. Nếu thiếu khí, PVN sẽ đổ dầu DO vào chạy phát điện và tự chịu chi phí chênh lệch. Tuy nhiên, EVN lại không đồng ý phương án này mà chỉ đăng ký mua điện theo quí.

Hiện nay, hợp đồng đàm phán mua bán điện giữa 2 tập đoàn vẫn chưa xong. Trong khi đó, phải có hợp đồng này thì PVN mới có căn cứ để đàm phán cụ thể với đối tác của Malaysia cùng khai thác khí về việc phân chia mua lượng khí như thế nào.

Cái khó của PVN là "người đứng giữa", bị phụ thuộc cả hai phía, một bên là đối tác cùng khai thác khí và một bên là đối tác mua công suất điện. Bất cứ sự thay đổi nào của hai bên này, như việc huy động không hết công suất hay thay đổi sản lượng khí đều phải tiến hành đàm phán khá phức tạp.

Thực ra, việc "kêu cứu" tới Bộ Công Thương của EVN cũng không khác gì hành xử của PVN trước đây. Cuối năm 2008, PVN cũng đã làm văn bản kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ, "tố" chuyện EVN không chịu huy động hết công suất chạy khí để phát điện khiến PVN phải gánh chịu rủi ro thừa khí, thua lỗ trong việc mua khí. Khi đó, lãnh đạo EVN cho rằng, trong lúc cung cầu ổn định thì EVN chọn nguồn điện giá rẻ để mua, trong khi đó, giá điện khí đắt hơn điện mua ngòai của Trung Quốc.

Có thể thấy, phía PVN e ngại một rủi ro khi đăng ký mua sản lượng khí trước nhưng sau đó, vào mùa mưa, EVN không lấy điện đủ công suất thì PVN sẽ chịu lỗ vì dư thừa khí. Đến lúc đó, Tập đoàn này lại phải đàm phán với EVN để mua điện của mình, như vậy là bị phụ thuộc. Trong khi đó, phía EVN lại không muốn cam kết mua điện cả năm bởi lý do, việc huy động công suất điện còn phụ thuộc vào thời điểm và cân đối các nguồn điện, giá thành đắt rẻ khác nhau.

Như ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nói, đó là sự xung đột lợi ích của hai tập đoàn. Một bên bán điện thì luôn muốn được huy động đều đặn công suất, đảm bảo đầu ra. Một bên thì chỉ muốn huy động theo thời điểm để có cơ hội huy động nguồn điện giá rẻ khác.

Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo hai tập đoàn này cần bàn với nhau cụ thể về cơ chế huy động nguồn điện khí hợp lý, đảm bảo lợi ích ổn định điện năng cho quốc gia.

  •  Diệp Anh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,