221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1003856
Bệnh tả: Cần người phát ngôn trước công chúng
1
Article
null
Bệnh tả: Cần người phát ngôn trước công chúng
,

(VietNamNet) – "Nói sự thật; thông báo sớm; minh bạch; công chúng và  kế hoạch"... Đó là những gì cần thiết khi phát ngôn trước công chúng về tình hình bệnh dịch, theo hướng dẫn của WHO.  

TS BS Hồ Thị Hồng Nhung, Viện Pateur TP.HCM đã có bài viết gửi VietNamNet trình bày một số suy nghĩ  của mình từ góc độ nhà chuyên môn xung quanh tình hình bệnh tả đang diễn ra.

Bài viết theo quan điểm riêng của tác giả. Tựa và tít nhỏ trong bài là do biên tập. 

Phát ngôn trước công chúng cần một hành động chuyên nghiệp... Trong ảnh: Một quan chức thuộc Bộ Xây dựng đang trả lời phỏng vấn của báo chí trong một cuộc họp báo (Ảnh: H. Cát)

Trong 10 năm trở lại đây, nước ta vẫn lác đác có một số ca tả hàng năm, đặc biệt là vùng biên giới gần Campuchia, Lào. Mỗi khi nước bạn có dịch là người dân nước ta ở vùng này cũng có ca mắc bệnh. Trong những năm qua, các Trung tâm Y tế dự phòng và các Viện Dự phòng đã làm tốt công tác kiểm soát bệnh tả. Tuy nhiên, những thông tin gần đây về bệnh tả ở Việt Nam đã khiến công luận phải xôn xao…

Thông tin rời rạc và lúng túng

Lần đầu VTV1 đưa một số thông tin về: “Dịch tiêu chảy cấp"; "Bệnh nhân đầu tiên là ở Hà Nội”; “80% bệnh nhân bị mắc có ăn mắm tôm”; “Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh thông thường”; “Không ăn các loại mắm sống, hải sản sống…”, những thông tin ban đầu rời rạc và chưa đầy đủ đó đã khiến tôi nghĩ đến bệnh đường ruột với loại phẩy khuẩn nguy hiểm Vibrio parahaemolyticus, chứ không nghĩ đến bệnh tả!

Cho đến nay, Việt Nam là nước mà bệnh tả, lỵ, thương hàn vẫn được Bộ Y tế xếp vào danh sách giám sát các bệnh truyền nhiễm qua đường nước rất chặt chẽ. Đồng thời, WHO cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách quốc gia có lưu hành loại dịch này và được WHO hỗ trợ. Riêng với bệnh tả, trong suốt hơn 2 thập niên qua, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM có một hệ thống giám sát khá đầy đủ, chi tiết ở qui mô toàn quốc. Những tư liệu chi tiết về số mắc bệnh, số chết, vụ dịch… ở Việt Nam từ 1979-1996 đã được đăng tải trên tạp chí lớn quốc tế là “Tạp chí vi sinh lâm sàng”  (“JOURNAL OF CLINICAL MICROBIOLOGY”) của Hiệp hội Vi sinh Hoa kỳ (American Society for Microbiology).

Hơn thế nữa, Việt Nam là nước duy nhất ngoài nước Mỹ sản xuất được vắc-xin tả uống (không phải tiêm chích) trên thế giới. Vắc-xin tả uống là tâm huyết của nhiều giáo sư đầu ngành của Việt Nam về sản xuất vắc-xin trong đó có cố GS. Đặng Đức Trạch.

Vắc-xin này của Việt Nam ra đời được còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Viện Vắc-xin Quốc tế (IVI) cùng với ngài Viện trưởng John D. Clemens, người có nhiều tâm huyết với Việt Nam. Vắc-xin tả uống của Việt Nam đã được đánh giá lâm sàng trên qui mô cực lớn với hàng trăm ngàn người được thử thuốc và có kết quả miễn dịch tốt. Loại vắc-xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. Một trong những ưu việt của vắc-xin này là ngừa được cả chủng tả mới O139, loại vi khuẩn tả chỉ mới gây ra dịch ở Ấn Độ và Bangladesh.

Thế rồi, những thông tin tiếp sau nữa mới khiến mọi việc rõ ràng hơn một chút… TV thông báo triệu chứng bệnh: mất nước nhiều, nôn mửa, phân đục như nước vo gạo… thì với các bác sĩ, mới rõ là bệnh gì! Thế nhưng với công chúng, chắc không ít người còn chưa rõ về bệnh này.

Từ những thông tin ban đầu nói trên, quả thật, đây là một tin "không dễ chịu" đối với ngành y tế và với cả Hà Nội. Làm sao mà có thể chấp nhận được các ca bệnh tiêu chảy cấp (TCC), trong đó có ca tả đầu tiên lại là ở Hà Nội? Đây là loại bệnh phát sinh của điều kiện sống thấp, vệ sinh kém, vùng lạc hậu... Ấy vậy mà ngay tại Hà Nội cũng có người mắc bệnh?!

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn thì cũng cần thiết phải nhìn nhận một sự thật. Đó là bất kỳ thành phố nào của ta, cũng đều có hàng quán “bụi”, dân ta lại dễ dãi với nơi ăn uống… và đây cũng chính là nguy cơ lây lan bệnh. Ngay như ở Mỹ, hàng năm vẫn có vài ca tả do đi du lịch mang về!

Ứng phó chậm…

Nếu như ngả về yếu tố nguồn gốc truyền bệnh khu trú là từ nguồn mắm tôm của Thanh Hoá, khiến tôi tự hỏi: Nếu cho là từ nguồn mắm tôm của Thanh Hoá thì tại sao, thời điểm trước ngày 23/10-2/11 không có ca TCC nào của Thanh Hoá (kể từ bệnh nhân mắc bệnh đầu tiên ngày 23/10/07, mãi cho đến tận 10 ngày sau (3/11) mới có thông báo có bệnh nhân TCC của Thanh Hoá)? Xét về thời kỳ ủ bệnh của tả thì từ 3 giờ đến 5 ngày.

Trong trường hợp này, nên chăng Bộ Y tế có thông báo chính thức về việc “chưa có ca TCC nào phát hiện được ở Thanh Hoá”. Cũng có thể mắm tôm Thanh Hoá bị oan lắm chứ?!

Về toàn cảnh dịch tễ trên thế giới thì những nước đang có dịch tả lưu hành là I-rắc (chiến tranh và dịch bệnh thường song hành). Ca tả đầu tiên là ở tỉnh Kirkuk, Bắc I rắc ngày 14/8/2007 đã lan ra 9/18 tỉnh của Irắc. Khoảng 30.000 người bị TCC, 3.315 người có vi khuẩn tả V. cholera, 14 người chết (WHO - Thông tin cập nhật ngày 3/10/2007).

Có thể đặt câu hỏi: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là điểm đến và đi lại của rất nhiều du khách và những người đi công tác nước ngoài, liệu đây có là con đường lây lan của dịch bệnh?

“Mọi biên giới và cửa khẩu đều có chỗ cho vi trùng gây bệnh đường ruột lọt qua” là câu nói của ngài Tauxe, phụ trách an toàn thực phẩm của WHO. Hay, có ai đó du lịch, công cán từ I rắc đến?

Vi khuẩn tả có thể có ổ chứa tự nhiên trong các động vật thân mềm như loại 2 mảnh (sò, hàu…), đặc biệt là hải sản nhưng bệnh nhân đầu tiên phát bệnh, được biết là do ăn thịt chó. Bệnh nhân này đã 73 tuổi nên sức đề kháng kém… Trong khi đó, lại không thấy Bộ Y tế thông tin xét nghiệm người và môi trường, nơi bệnh nhân đã mua thịt chó.

Việc định hướng nguồn bệnh luôn là yếu tố quan trọng trong dịch tễ, lại càng quan trọng hơn trong việc hướng dẫn cộng đồng phòng bệnh.

…Và chưa rõ ràng

Về mặt ngôn ngữ, việc thông báo “dịch tiêu chảy cấp”, thì các y văn của WHO cũng thông báo như vậy. Họ gọi là “The Acute Watery Diarrhoea” (AWD).

Cũng đôi khi, WHO cũng dùng trong các báo cáo trong ngành là “dương tính với phẩy khuẩn tả”, nhưng trong một vụ dịch, khi có kết quả xét nghiệm chắc chắn là vi khuẩn tả họ sẽ nói là “chẩn đoán xác định là (vi khuẩn) Vibrio cholera”. 

Vì vậy, việc nói ngay, nói rõ ràng có ca đã chẩn đoán xác định là tả, trong bối cảnh của nước ta hiện nay là cần thiết để cho nhiều người biết và phòng tránh.

Cần người phát ngôn chuyên nghiệp

Ảnh minh họa ( www.medandassociates.com)

Theo y văn của WHO/CDS/CSR/2003.7, có 2 loại tiêu chảy cấp bùng phát. Đó là Cholera = tiêu chảy cấp và lỵ trực trùng = tiêu chảy cấp có máu.

Hầu hết trên các báo đều là những trích dẫn lời hay công bố của quan chức cao cấp Nhà nước và Bộ Y tế mà không thấy nguyên văn của câu, chữ hay văn bản. Có báo trích dẫn lời Bộ trưởng Y tế nhưng lại có những câu trích dẫn thiếu chính xác về chuyên môn.

Ở đây, có mấy vấn đề đặt ra là chưa rõ đã có phát ngôn viên chính thức của Bộ Y tế trong việc thông báo nguy cơ hoặc có dịch hay các sự kiện liên quan đến y tế mà nhiều người quan tâm? Nếu có thì các bài phát biểu chính thức này nên được đăng nguyên văn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là tài liệu lưu trữ quan trọng.

Nếu đã có chức danh "người phát ngôn", thì vị quan chức đó cần phải hết sức chuyên nghiệp trong thông tin với các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cách đưa ra thông tin y tế cần thiết đến đại chúng đã được WHO hướng dẫn trong y văn "WHO/CDS/2005.28. WHO Outbreak communication guidelines" (Hướng dẫn truyền thông dịch bệnh).

Căn cứ trên tài liệu hướng dẫn này, việc truyền thông dịch bệnh gồm 5 tiêu chí lớn: 1. Nói sự thật; 2. Thông báo sớm; 3. Minh bạch; 4. Công chúng; 5. Kế hoạch. Đây là những tiêu chí "PR" ("Public Relations" - Quan hệ công chúng) mà người phát ngôn của ngành y tế cần đạt đến một cách chuyên nghiệp nhằm thuyết phục niềm tin của công chúng, trong khi TCC - tả ảnh hưởng rất lớn đến du lịch, thương mại.

  • TS.BS Hồ Thị Hồng Nhung 

                                       Ý kiến của bạn?

                                                                   

 
 
Tắt Telex Vni
Họ và tên:   
Địa chỉ:   
E-mail:   
Tiêu đề:   

File gửi kèm:   

(Max 100KB)

File gửi kèm:   

(Max 100KB)

File gửi kèm:   

(Max 100KB)
Nội dung:   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,