Tránh bệnh viện ra khám tư, bệnh nhân bị... “chém đẹp”

Cập nhật lúc 12:53, 26/10/2010 (GMT+7)

-Một số phòng khám tư nhân tại TP.HCM đã nhân cơ hội quá tải ở các bệnh viện mà…"đục nước béo cò". Nhiều bệnh nhân lặn lội từ tỉnh xa lên TP, ngại khám bệnh viện đã bị phòng mạch “chém” đẹp với mỗi đơn thuốc chữa viêm họng uống trong 2 ngày có giá lên tới 400.000 đồng.

Tin liên quan:
Bệnh hô hấp quá tải, bố ôm con nằm đất chờ…khám

 

                                                      Thực hiện: Thanh Huyền - Thanh Ca

Toa thuốc xịn nên giá cắt cổ(?)
 
Đã từ lâu danh tiếng phòng mạch chuyên khám ngoài giờ của bác sĩ D. trên đường Thạch Thị Thanh, quận 1, TP.HCM nổi tiếng và luôn đông khách. Ai muốn khám phải gọi điện thoại hẹn trước nửa ngày, nếu không sẽ khó lòng chen chân .

Trong vai bệnh nhân, chúng tôi đã tiếp cận hỏi chuyện một người phụ nữ dắt theo con nhỏ tên Thúy đang ngồi tại phòng chờ.

 

Mô tả ảnh.
Tại khu chờ khám bệnh phòng mạch bác sĩ D. lúc nào cũng nườm nượp khách.



Thấy chúng tôi có vẻ lơ ngơ nên chị Thúy cởi mở - “Lần đầu khám hả em? Yên tâm đi bác sĩ ở đây thuộc loại cao tay, kê toa uống vài ngày là khỏi liền. Chị ở tận Bình Dương, mỗi lần bị hắt hơi, xổ mũi hay viêm họng, viêm xoang gì là đều lên đây khám tuốt. Chị gọi điện thoại hẹn trước từ lúc 15 h chiều mà đến giờ vẫn chưa tới lượt đấy. À, em có mang đủ tiền không? Bác sĩ kê thuốc xịn nên toa mắc lắm đó. Mỗi toa thuốc trung bình khoảng 400.000 đến 500.000 đồng. Mọi người mua thuốc ở đây luôn, trong tiền thuốc có tính tiền khám rồi. Em mang toa ra ngoài mua, sợ thuốc đặc biệt nơi khác không có”

Tôi và một đồng nghiệp ngồi nhẩm, trong khu vực  chờ của phòng khám có hơn 20 bệnh nhân, chưa kể một số người vì ngột ngạt đã ra cửa ngồi đợi cho thoáng.

Khách ở đây  đa phần là người khá giả, thậm chí có cả những gia đình đi xe ô tô riêng đến khám.

Cô bạn đồng nghiệp vì đang sẵn cảm cúm nên vào đăng kí khám luôn để thử xem thày hay, thuốc giỏi đến cỡ nào thì được lễ tân trả lời – “Hôm nay không nhận thêm bệnh nữa em ạ. Em lần đầu khám hả?  Thứ 2 gọi điện thoại ghi tên rồi tối đến khám luôn nhé!”

Nhập nhằng tiền khám với tiền thuốc

Cách đây không lâu, Báo VietNamNet cũng nhận được phản ánh của một bạn đọc tên là Nguyễn  T., ngụ tại quận Tân Bình về việc tiền khám bệnh khá cao ở phòng mạch của bác sĩ D..

Chị T. bức xúc – Chúng tôi chẳng rõ tiền khám là bao nhiêu, còn bao nhiêu là tiền thuốc. Nhân viên ở quầy lễ tân lấy thuốc và đọc số tiền bằng miệng và không có hóa đơn.”

Chúng tôi đã cầm đơn thuốc của chị T., mang ra tiệm thuốc Tây cũng như đem đến hỏi một chuyên gia về dược thì biết được đây là toa uống trong 2 ngày để điều trị viêm họng.

 

Mô tả ảnh.
Đơn thuốc chữa viêm họng của chị T. lên tới 400.000 đồng.



Đó gồm có thuốc kháng sinh (6 viên), kháng viêm (8 viên), kháng histamin (4 viên), giảm đau hạ sốt (4 viên) và giảm ho, giãn phế quản (6 viên).

Trong tất cả các loại thuốc nói này, chỉ có duy nhất 6 viên kháng sinh là thuốc ngoại, có giá thị trường khoảng 9000 đồng/viên. Tất cả những loại thuốc còn lại đều sản xuất trong nước, có giá từ 300 đồng đến 2000 đồng/viên. Như vậy, tổng trị giá số thuốc của chị T. chỉ khoảng hơn 50.000 đồng, dù có tính luôn tiền khám mà tới tận 400.000 đồng thì phải chăng là vẫn quá đáng (?)

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng phòng dịch vụ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cho biết chỉ có quy định yêu cầu các phòng khám tư nhân phải công khai về giá khám bệnh chứ ngành y tế không áp mức giá khám bệnh. Theo đó, giá thành khám bệnh là do phòng mạch và bệnh nhân tự thỏa thuận. Bác sĩ không được vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Giá thuốc phải được niêm yết rõ ràng.

Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay toàn TP. có trên 7000 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, trong đó có 170 phòng khám đa khoa.

Hằng năm, để đảm bảo việc thực hiện tốt quy định về khám chữa bệnh của các cơ sở này, thanh tra Sở Y tế thường tổ chức 2 đợt kiểm tra định kỳ, mỗi đợt kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Những tiêu chí cơ bản được kiểm tra là giấy phép hành nghề y dược, điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất khám chữa bệnh, việc thực hiện khám, chữa bệnh của bác sĩ theo quy định của Bộ Y tế…

Bác sĩ Quốc cũng nhấn mạnh, bác sĩ và lãnh đạo của bệnh viện được phép mở phòng mạch tư nhưng chỉ được hoạt động ngoài giờ hành chính. Bác sĩ không được vừa bán thuốc, vừa khám bệnh.

  • Bài và ảnh: Thanh Huyền




Các tin khác