Bác sĩ nghèo trải lòng về y đức

Cập nhật lúc 16:17, 15/09/2010 (GMT+7)

– Không ít lần tôi tình cờ nghe được những lời đại loại như “mấy thằng cha bác sĩ” hay “mấy con mẹ y tá” vân vân và vân vân. Sự tôn trọng của xã hội dành cho nghề y không còn như xưa nữa.

"Không có bệnh chỉ có người bệnh"

Có lẽ không một sinh viên y khoa nào lại không thuộc nằm lòng bài học vỡ lòng của nghề “không có bệnh, chỉ có người bệnh”.

Có thể nói đây là một bài học dễ thuộc, dễ hiểu nhưng để thấm nó thì không phải một sớm một chiều và cũng không phải ở bất kỳ hoàn cảnh nào một thầy thuốc cũng có thể áp dụng được, dẫu biết rằng đó là chân lý, là nhân văn, là ĐẠO của người làm nghề chữa bệnh.

Con người không giống như cỗ máy. Chiếc xe dream đạp đinh và chiếc xe wave đạp đinh đều thủng ruột như nhau và một ông thợ nào đó trên vỉa hè có thể vô tư áp dụng đúng hệt một quy trình cho việc bịt lại lỗ thủng của hai chiếc lốp mà không cần phải nghĩ ngợi.

Nhưng con người thì khác. Có người đạp đinh chỉ xuýt xoa vài tiếng, đau ê ẩm một thời gian rồi quên béng. Người khác cũng đạp đinh, vài ngày sau vào viện, chuyển đến phòng hồi sức và rồi cuối cùng chết tức tưởi. Không thể tìm hai con người mắc cùng một bệnh lại có biểu hiện hoàn toàn giống nhau.

Bệnh ở một người nào đó là một phức hệ của chính tác nhân gây bệnh, sự đáp ứng sinh học của người đó và cực kỳ quan trọng nữa là yếu tố tâm lý. Một người đã từng chứng kiến bố hoặc mẹ chết vì nhồi máu cơ tim sẽ phản ứng với những cơn đau ở ngực hoàn toàn khác với một người hoàn toàn không có chút kiến thức gì về bệnh tim. Cơ địa, những trải nghiệm, sự kỳ vọng, những mối bận tâm và rất nhiều những yếu tố khác nữa làm cho người bệnh này rất khác biệt với người kia dẫu hai người cùng mang một bệnh.

Đứng trước mỗi bệnh nhân, người thầy thuốc không được phép xem đó là một bệnh mà phải là một người đang mắc bệnh. Phải cá nhân hóa từng người bệnh. Đó không chỉ là một yêu cầu chuyên môn mà lớn hơn đó chính là tình người. Không có được điều này thì việc điều trị chỉ mang tính phiến diện, máy móc, lạnh lùng. Trong khi đó ngành y tế đang phấn đấu vươn đến một chế độ điều trị toàn diện, cả phần xác lẫn phần hồn.

Thực tế thì sao?

Gần như lúc nào trên mặt báo ta cũng có thể nghe được lời phàn nàn rằng bệnh nhân không dám mở miệng hỏi thầy thuốc, mà có hỏi thì lắm khi cũng chỉ nhận được lời giải thích qua loa chiếu lệ. Không lẽ các thầy thuốc kênh kiệu đến vậy sao? Cũng có đấy nhưng không phải là tất cả. Nhưng tại sao tình hình quá bi đát?

Hãy tưởng tượng xem một bác sĩ trong một buổi sáng phải khám khoảng 50 đến 60 bệnh nhân, cá biệt có nơi lên đến 100 bệnh nhân. Có một bệnh viện lớn trung bình một bệnh nhân từ lúc vào phòng khám đến khi cầm đơn thuốc ra khỏi phòng khám là 112 giây. Chưa đầy hai phút cho chào hỏi, cân đo, thăm khám, ghi đơn, dặn dò và những thủ tục liên quan khác! Thầy thuốc lấy đâu ra quỹ thời gian mà giải thích?

Không phải thầy thuốc nào cũng chỉ muốn làm việc như một cái máy. Nhưng không thể làm khác. Ở những bệnh viện lớn, cứ nhìn cảnh chen chúc tránh nhau ở phòng khám là có thể hiểu được áp lực công việc, áp lực thời gian đặt trên vai người thầy thuốc. Bất cập nằm ở đâu? Chắc chắn không phải ở người bác sĩ đang tối mặt với công việc kia. Thử hỏi lúc ấy, người thầy thuốc này còn có thời gian để nghĩ “bệnh và người bệnh” không? Khó lắm. Dù muốn!

Bản thân tôi cũng đã từng bị cấp trên phê bình và cả người nhà bệnh nhân phản ứng vì khám bệnh quá lâu làm ứ trệ bệnh ở phòng chờ. Buồn nhất là sự phản ứng gay gắt, không hiếm khi xúc phạm của những người nhà bệnh nhân (tôi là bác sĩ nhi nên bệnh nhân của tôi chưa đủ lớn để có thể lên tiếng theo kiểu này).

Không mấy ai, đã theo nghiệp thầy thuốc, muốn làm một cái máy khám bệnh, muốn nghe những lời phàn nàn từ phía người bệnh, từ xã hội. Họ cũng là những con người, không tất cả thì cũng phần lớn, khi quyết định nộp đơn vào trường y đều có ước mơ cao đẹp là giúp người, giúp đời. Không ai muốn mình trở nên xa cách trong mắt bệnh nhân. Ai cũng muốn áp dụng bài học vỡ lòng của mình vào cuộc sống. Cơ chế nào để thầy thuốc và bệnh nhân có thể có thời gian ngồi lại với nhau lâu hơn, chân tình hơn, cặn kẽ hơn?

Đối với sự lành nghề của một người thầy thuốc lâm sàng thì bệnh nhân là những người thầy lớn nhất trong suốt cả cuộc đời chuyên môn. Có mấy ai đem thầy ra trục lợi. Nói vậy có chủ quan quá chăng? Dĩ nhiên tôi biết vẫn có những người làm nghề y (tôi không gọi là thầy thuốc vì sợ làm bẩn danh từ này) xem bệnh nhân và lòng tin của họ ra trục lợi. Và những người này rất giàu.

Tuy nhiên không phải tất cả những người thầy thuốc giàu có đều là những người trục lợi từ bệnh nhân. Họ làm giàu bằng chính mồ hôi trí tuệ và cả sự ấm nóng của trái tim người lương y. Không khó để tìm được những người như vậy.

Nếu cộng đồng và các phương tiện thông tin đại chúng cứ nhìn một chiều và phổ quát hóa một hiện tượng thì chúng ta khó có thể có tiếng nói xây dựng cho ngành y. Xây dựng ngành y không phải chỉ là nhiệm vụ của những người mặc áo blouse trắng. Bởi ngẫm cho cùng thì có mấy phần trăm dân số Việt Nam có thể có đủ tiền để ra nước ngoài chữa bệnh.

Hầu hết đều phó thác sức khỏe, tính mệnh của mình cho ngành y tế của chúng ta. Không tin tưởng nhau thì chẳng thể cùng nhau làm nên bất cứ chuyện gì cả. Điều đáng buồn là hình như chúng ta đang có khuynh hướng ngược lại. Không ít lần tôi tình cờ nghe những lời đại loại như “mấy thằng cha bác sĩ” hay mấy con mẹ y tá” vân vân và vân vân. Sự tôn trọng của xã hội dành cho nghề y không còn như xưa nữa.

Giữ mình đâu dễ dàng gì

Lỗi do từ ngành y, chắc hẳn nhiều người sẽ cho là như vậy. Nhưng xã hội không hề có lỗi gì sao? Nhiều người quan niệm rằng sức khỏe cũng là một hàng hóa. Hàng hóa thì có thể mua bán. Thuận mua, vừa bán chẳng nợ nần gì nhau. Nhưng chỉ có những người làm ngành y và những bệnh nhân trong cảnh thập tử nhất sinh mới hiểu được khái niệm trên không hoàn toàn đúng.

Sự tôn trọng (phương diện tinh thần) không còn như xưa vậy đãi ngộ về vật chất như thế nào? Người ta thường chỉ ra vị bác sĩ này hay bác sĩ kia thu nhập một tháng lên trăm triệu, có biệt thự, xe hơi. Con số ấy là mấy phần trăm so với cộng đồng những người làm nghề y? Không có con số thống kê nhưng chắc chắn là không lớn.

Lấy bản thân tôi làm ví dụ: 6 năm học y, 3 năm học nội trú tại Việt Nam, 1 năm nội trú tại Pháp, 3 năm làm nghiên cứu sinh ở Đức, tổng cộng là 13 năm liên tục miệt mài (chưa kể những đợt tập huấn, tu nghiệp ngắn ngày), rồi ra trường đi làm gần 10 năm nay nhưng giờ đây gia đình tôi (vợ tôi cũng là tiến sĩ trong ngành y) cũng vẫn đang ở thuê 2/3 căn hộ chung cư cũ. Và chuyện của chúng tôi không phải là hiếm.

Tôi có rất nhiều đồng nghiệp có tâm, có tài sau nhiều năm cống hiến vẫn đang sống rất thanh đạm. Khi viết những dòng này tôi vẫn còn nghe như đâu đây câu hỏi của một đồng nghiệp trẻ khi hai anh em đi làm về buổi tối khi tôi còn ở công tác ở miền Trung: “Hai anh em mình đầu óc cũng đâu đến nỗi nào, cũng học hành đàng hoàng trong nước ngoài nước, làm việc hết mình mà chỉ nhìn người ta giàu thôi mà mình cũng không tưởng tượng nổi tiền ở đâu ra nữa”.

Không tưởng tượng nổi là đúng khi cả hai chỉ sống vào đồng lương nhà nước và khi cả hai chưa một lần ngửa tay cầm phong bì của bệnh nhân trong ngần ấy năm. Bản thân tôi vì để vẹn cả đôi đường nghề nghiệp và thu nhập đành phải chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Còn người đồng nghiệp trẻ vẫn dũng cảm ở lại. Hôm qua gặp nhau, tôi thấy hơi lo vì đồng nghiệp của tôi đã có con nhỏ. Có thêm một đứa con, áp lực sẽ đè nặng hơn rất nhiều. Nói ngắn gọn lại là lương tiền cho nhân viên y tế thấp một cách phi lý và đau lòng.

Trong bối cảnh như vậy, chuyện giữ mình có phải là một việc dễ dàng hay không khi bản thân người thầy thuốc cũng có bao nỗi lo toan thường nhật như tất cả những người khác từ cơm áo, gạo tiền, điện nước, hiếu hỉ…

  • TS - BS. Lê Minh Khôi

Các tin khác