221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
769711
Chuyện chức danh bằng cấp ở Việt Nam
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Chuyện chức danh bằng cấp ở Việt Nam
,

(VietNamNet) - Hệ thống bằng cấp ở Việt Nam chủ yếu là do du nhập từ nước ngoài về. Nhưng vì nhập nhiều nguồn khác nhau (Nga, Pháp, Mỹ, v.v., mỗi nước có một hệ thống khác nhau), nên không đồng bộ, khó thống nhất, gây nên nhiều tranh cãi; cải cách mấy lần mà vẫn còn nhiều vấn đề. 

  • Xem phần 1: Toán học Việt Nam: Danh và thực

  • Xem phần 2: Có phải làm toán là "ăn hại, tự sướng?"

  • Xem phần 3: "Cơm áo không đùa với khách...Toán"

  • Nên có cơ chế tuyển PGS, GS gắn liền với khả năng khoa học thực sự

    Soạn: AM 716481 gửi đến 996 để nhận ảnh này
    Trưng bày kết quả đào tạo sau ĐH tại một hội nghị (Ảnh: Lê Anh Dũng)

    Về mặt học hàm cao cấp, ở Việt Nam có GS (dịch ra tiếng Anh thành full professor), PGS (associate professor), nếu không kể học hàm Viện sỹ. Nhưng ở VN không có Viện Hàn lâm Khoa học, nên cái danh viện sỹ dễ thật giả lẫn lộn.

    Có những viện hàn lâm danh tiếng, ví dụ như RAN (Russkaya Academia Nauk - Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga) hay Académie des Sciences của Pháp, mà thành viên toàn là các nhà khoa học đứng hàng đầu thế giới, phải qua bầu bán lựa chọn khắt khe. Một viện hàn lâm uy tín và gần gũi với VN nhất là Third World Academy of Sciences, và có 7 nhà khoa học hàng đầu VN được bầu là viện sỹ của TWAS (theo thông tin năm 2005): Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái, Lê Dũng Tráng, Ngô Việt Trung, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Tuyên Hoàng.

    Mặt khác, có những "viện hàn lâm vườn" chẳng ai nghe tên, hoặc như kiểu New York Academy of Sciences, cứ đóng tiền là được thành "viện sỹ" không cần qua bầu bán gì, và nhiều "viện sỹ" ở trong nước thuộc loại như vậy.
     
    Tuy chức danh GS ở VN có thể dịch sang tiếng Anh thành professor, nhưng về mặt ý nghĩa nội dung khác xa so với chức danh professor ở phương Tây (ở đây, tôi không so sánh trình độ GS VN với GS phương Tây, chỉ nói chuyện hiện nay cách hiểu chức danh GS ở VN khác với cách hiểu chức danh GS ở phương Tây thế nào).

    Ở phương Tây, chức danh nói chung đi đôi với công việc/trách nhiệm và lương bổng. Người ta tuyển việc GS, tức là khi có một chân GS trống ở một trường ĐH thì tuyển một người (có thể từ nơi khác, hoặc ở sẵn trong trường nhưng chức thấp hơn) vào chân đó. Thông thường, người ta thích tuyển những người có tài và còn tương đối trẻ. Ở VN không có tuyển việc GS, PGS, mà chỉ phong hàm GS, PGS cho những người đang ngồi tại chỗ, và thường phải "hói đầu hay bạc đầu" mới lên được PGS, GS. Học hàm GS, PGS ở Việt Nam là "danh hão", không gắn liền trực tiếp tới trách nhiệm hay lương bổng.

    Theo tôi biết, trong đợt phong PGS gần đây nhất, có người "làm toán" không có kết quả khoa học gì đáng kể nhưng cũng "sản xuất" được hai "bài báo khoa học" cho đủ điểm khoa học để được phong PGS. Hai bài đó gửi đăng ở những tạp chí nghiêm chỉnh trong nước thì bị từ chối, nhưng đăng được ở Tạp chí Khoa học của ĐHQG (tôi được nghe phản ánh là tạp chí mới này không có quá trình phản biện nghiêm túc, nhưng không hiểu sao cũng được tính điểm tương đương với hai tạp chí toán học nghiêm túc của VN). Trong khi đó, có những TS trẻ trình độ cao ở VN, có nhiều bài báo khoa học có giá trị đăng trên các tạp chí quốc tế, phải "đợi còn lâu" mới lên được giảng viên chính hay PGS.

    VN nên có một cơ chế bầu (hay tuyển) PGS, GS gắn liền với khả năng khoa học thực sự (chú trọng hơn về thành tích khoa học và uy tín khoa học trên thế giới), trách nhiệm thực sự và lương bổng thực sự giống như nhiều nước khác thì sẽ tốt hơn so với kiểu "danh hão" và "lâu lên lão làng" hiện nay.

    Ở các nước tiên tiến tuổi trung bình khi nhận chức GS trong khoa học tự nhiên là quãng 40, trong khi ở VN người trẻ nhất trong đợt phong GS năm 2004 là 46 tuổi. GS Hà Huy Khoái (Viện trưởng Viện Toán) trong một lần trò chuyện với tôi có nói đùa (mà có ý đúng thật) là "như cậu mà ở VN thì xin GS không được mà xin PGS cũng không được vì người ta đòi hỏi những tiêu chuẩn khác bên Tây". Mới đây, có GS Ngô Bảo Châu được phong là GS ở VN. Chuyện hơi buồn cười vì GS Châu đang là professeur ở ĐH Paris Sud rồi, cái danh GS VN thì có hơn gì, nhưng có lẽ đó sẽ là tiền lệ để hy vọng rằng sẽ có nhiều người trẻ tài giỏi nhưng "non thâm niên" cũng sẽ được phong (hay được tuyển) thành PGS, GS ở VN.
     
    TS Phan Hà Dương, từng là "maitre de conférences" ở Paris, bỏ việc làm ở Paris (tuy đây là công việc ổn định - một "maitre de conférences" là một viên chức nhà nước Pháp, được chính phủ Pháp đảm bảo việc làm cả đời trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng), về VN làm việc tại Viện Toán Hà Nội từ năm 2005.

    Báo chí VN trong một bài giới thiệu TS (trong một loạt bài về những người từng thi toán quốc tế) có viết là "PGS ở tuổi 26", gây nên một trận bàn tán tranh cãi trong dư luận. Tôi đem từ điển Pháp-Việt ra coi thì thấy cụm từ "maitre de conférence" trong đó được dịch là PGS.

    Mấu chốt của sự tranh cãi chẳng qua là sự khác nhau về hệ thống bằng cấp, và sự hiểu khác nhau nghĩa của từ PGS. Ở VN, phải "hói đầu mới lên được PGS" nên chuyện "PGS tuổi 26" đúng là chuyện động trời. Ở Pháp, người ta thường tuyển việc những người trẻ và có nhiều triển vọng, có bằng Docteur mới được ít năm, vào chân maitre de conférences (tuổi trung bình khi tuyển vào maitre de conférences các ngành khoa học tự nhiên ở Pháp là 31 tuổi theo một thống kê gần đây của Bộ Giáo dục Pháp; được tuyển vào lúc 26 tuổi là trẻ hơn đáng kể so với trung bình, tuy hiện tượng này không hiếm lắm).

    Thông thường, những người khi được được tuyển vào "maitre de conférences" thì mới chỉ có ít công trình khoa học đầu tay. Những ai trong số đó làm việc tích cực và đạt nhiều kết quả tốt thì sau quãng một chục năm ở chức "maitre de conférences" có thể xin được việc professeur (tuổi trung bình khi nhận việc professeur trong khoa học tự nhiên ở Pháp là 42 tuổi).

    So sánh với hệ thống Mỹ, thì những người mới làm "maitre de conférences" ở Pháp tương tự như "tenure-track assistant professor" ở Mỹ. Các "tenure-track assistant professor'" ở Mỹ thường làm 5 năm ở chức này thì được tenure (biên chế) và được lên chức thành "associate professor". Ở Pháp thì "maitre de conférences" 5 năm sau vẫn là "maitre de conférences", nên những "maitre de conférences" có nhiều thâm niên có thể coi tương đương như "associate professor", hay là PGS, cũng được.

    Ngăn chặn bằng rởm: Không dễ
     
    Về mặt học vị, hiện nay ở VN có TS (tiến sỹ, coi tương đương với "kandidat nauk" của Nga hay PhD của nhiều nước) và TSKH (tiến sĩ khoa học, tương đương với "doktor nauk" hay "Dr. Habil."), với xu hướng đơn giản hóa chuyển về hệ một bằng TS cho giống hệ thống Mỹ, thôi không lập hội đồng bảo vệ TSKH nữa. Dưới bằng TS thì có bằng Thạc sỹ (tương đương với bằng Master ở các nước phương Tây; ở Pháp cũng có bằng Master, trước gọi là DEA; bằng agrégation của Pháp cũng được dịch là Thạc sỹ tuy bằng này khác bằng Master về ý nghĩa), Cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học).

    Nói lạc đề một chút, về bằng agrégation của Pháp: bằng này không liên quan gì đến chuyện nghiên cứu khoa học, mà là bằng chứng nhận nắm vững kiến thức ở mức độ đại học và có khả năng truyền đạt tốt (để có bằng này phải thi viết và thi nói). Ai có bằng agrégation thì có thể đi dạy trung học (lycée) nếu muốn (chính phủ sẽ phải phân việc cho), và hồi trước có thể xin làm giáo viên cấp thấp ở đại học, tuy bây giờ để có thể xin việc nghiên cứu/giảng dạy ở đại học ở Pháp nói chung phải có bằng Docteur và không cần bằng agrégation.
     
    Hệ thống một bằng tiến sỹ (Ph.D.) ở Anh, Mỹ hoạt động tốt, và hệ thống hai bằng ở Nga, Pháp Đức hoạt động cũng tốt (ở Nga có "candidat nauk" và "doctor nauk", ở Pháp và Đức thì có bằng "Habilitation" sau bằng Doctor). Tôi không biết chữ Habilitation dịch ra tiếng Việt là gì, nhưng bằng Habilitation của Pháp (gọi đầy đủ là Habilitation à Diriger des Recherches) có nghĩa là bằng cho phép hướng dẫn nghiên cứu sinh. (Hiện tại, ai ở Pháp mà muốn xin làm professeur thì phải có bằng này, nhưng không có nghĩa là ai có bằng này cũng đều sẽ lên professeur).

    Có những cuộc bàn cãi ở Pháp về chuyện nên bỏ bằng "Habilitation" (đơn giản hóa cho giống hệ thống Mỹ) hay nên giữ, nhưng đa số ý kiến hiện tại vẫn là nên giữ, vì nó đánh dấu sự  "chín muồi, độc lập tự chủ" của một người trong khoa học. Ở Việt Nam, chúng ta muốn đơn giản hóa theo hệ thống một bằng Ph.D., theo tôi cũng tốt. Điều quan trọng hơn cả là phải làm sao đảm bảo chất lượng bằng tiến sỹ, ngăn chặn những trường hợp bằng rởm (bằng "mua" từ Liên Xô cũ đem về, bằng dựa trên công trình do người khác làm hộ hay dựa trên kết quả ăn cắp của người khác, v.v.).
     
    Ở phương Tây, bằng tiến sỹ chỉ là điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để xin được một chân trong đại học hay viện nghiên cứu: mỗi suất tuyển việc thường có nhiều người xin, có cạnh tranh lớn. Bằng cấp chả giúp ích gì (trong xin việc, làm dự án khoa học, v.v.) nếu không có trình độ tương xứng: nếu hồ sơ khoa học "mỏng", ít năng lực, thì thường bị loại ngay vòng đầu bất kể có bằng gì. Bởi vậy ít ai có nhu cầu kiếm bằng "rởm".

    Ở VN hiên tại bằng "rởm" vẫn cho phép "thăng quan tiến chức" như thường nên mới có nhiều người kiếm bằng TS dù không có trình độ khoa học gì cả. Điều này tất nhiên là tai hại cho VN, nhưng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, ngăn chặn nó chắc không phải dễ.

    • Nguyễn Tiến Dũng

    Phần 5: Tạp chí toán học của Việt Nam: Cần "quốc tế hóa"

    Theo dòng sự kiện: 

    Ý kiến của bạn:

    ,
    Ý kiến của bạn
    Ý kiến bạn đọc
    ,
    ,
    ,
    ,