221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
756658
"Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
GS Toán Nguyễn Tiến Dũng:
'Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm'
,

(VietNamNet) - Năm 15 tuổi, Nguyễn Tiến Dũng là người Việt Nam đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1985 (1 trong 14 HCV năm đó). Sau đó, con đường của anh cũng như nhiều nhà khoa học trẻ thời ấy: Du học ở "nước bạn vĩ đại" Liên Xô, trải qua khó khăn của một thời lịch sử biến động và tiếp tục theo đuổi con đường khoa học tại xứ người. Hiện anh đang làm GS Toán tại ĐH Toulouse, Pháp.

Soạn: AM 710735 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nguyễn Tiến Dũng: Tôi chỉ thuộc loại "làm Toán để sống"

Tháng 12/2005, nhân một chuyến công tác ngắn hạn ở Việt Nam, anh đã có cuộc trò chuyện cởi mở với VietNamNet về những suy nghĩ, dự định và ký ức một thời.

Sứ quán Việt Nam tại Nga từng chèn ép sinh viên

Nga một thời là "điểm đến" mơ ước của những trí thức trẻ, nhưng khi anh du học là lúc có nhiều biến động lớn. Ký ức của anh về giai đoạn này?

Thời kỳ đầu ở Nga (1986-1987) đối với tôi vẫn còn là thiên đường. Lúc đó, học bổng khoảng 90 rúp/tháng, nhưng ở KTX không mất tiền, và ăn uống mỗi ngày mất quãng 2 rúp nên mỗi tháng còn thừa tiền để mua sách, xem phim... 

Được một vài năm thì tôi cũng hiểu ra rằng hệ thống kinh tế của họ rất cứng nhắc và trì trệ. Đến quãng 1989 thì sự khủng hoảng bắt đầu lộ rõ. Phần lớn sinh viên VN chịu ảnh hưởng của xã hội, nói chung là rất khó học, vì nếu học thì không có gì ăn.

Cụ thể, khủng hoảng xã hội đó tác động như thế nào đối với các anh, những sinh viên du học?

Thời loạn, không đủ sống nên ai cũng phải tìm cách kiếm thêm, chủ yếu là buôn bán, từ son phấn, quần áo, máy móc đồ dùng Nga, cho đến những thứ nguy hiểm hơn như vàng, đô la. Ngay trong Khoa tôi, có người Việt bị trấn lột suýt chết trong lúc buôn bán, và trong trường thì có người bị chết thật. Tôi cũng từng đi buôn, nhưng nói chung không có duyên, có lần bị ăn trộm mất hết tiền (cười).

Hồi đầu mới sang, tôi thấy người Nga rất quý người Việt Nam, nhưng về sau thì họ ghét. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh sát Nga cầm dùi cui đánh người Việt ở sân bay như đánh súc vật. Các chuyến bay đi nước khác không có vấn đề gì, nhưng đi Việt Nam là hỗn loạn.

Sứ quán Việt Nam ở Nga hồi đó lại hay bắt nạt người Việt thay vì bảo vệ họ. Sự hỗn loạn ấy trở thành mảnh đất màu mỡ cho một số nhân viên sứ quán làm ăn. Ai quen biết hay đút tiền cho họ thì được bảo lãnh để vào "cửa riêng", còn lại thì "sống chết mặc bay".

Với lưu học sinh, sứ quán đặt ra điều kiện là "phải có thành tích học tập" mới được về phép. Nhưng không cần thành tích gì cả vẫn về phép được nếu "có quà" cho các chú quản lý lưu học sinh.

Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào với "các chú ấy" không?

Năm 1991, tôi và anh Thắng (GS Lê Tự Quốc Thắng) được mời sang  ICTP (Trung tâm Vật lý lý thuyết thế giới, ở Trieste, Italia) dự hội nghị. Lên Sứ quán xin visa thì ông trưởng phòng quản lý lưu học sinh hạnh họe: "Đi dự Hội nghị có đọc báo cáo không? Nếu không có báo cáo thì không cho đi".

Sinh viên thì lấy đâu ra "báo cáo mời", được người ta cho kinh phí để đến dự hội nghị mà học hỏi là vinh dự quá rồi. Cuối cùng cũng phải có "quà" mới qua.  

Tôi chỉ thuộc loại “làm Toán để sống”

Anh đã theo Toán 20 năm. Đối với anh, Toán mang lại những gì?

Có những nhà Toán học có thể xếp vào dạng “sống để mà làm Toán”. Tôi chỉ thuộc loại “làm Toán để sống”.

Thứ nhất, nghề Toán đã nuôi tôi và gia đình. Tuy không giàu có gì và cũng có những lúc rất khó khăn về vật chất, nhưng hiện tại khá ổn định.

Thứ hai, nó đã đem lại cho tôi sự thỏa mãn về nghề nghiệp và về tinh thần nhất định. Những kết quả Toán học mà tôi đạt được còn rất nhỏ bé so với những nhà Toán học lớn, nhưng tôi tin tưởng là những cái mình làm là có ý nghĩa, có đóng góp cho xã hội.

Khi một người khám phá được một kết quả khoa học thì điều đó có thể đem lại sự sung sướng về mặt tinh thần, sự hạnh phúc mà không tiền nào mua được. Thêm nữa, theo tôi, sự hiểu biết về Toán là một lợi thế khi tôi muốn tìm hiểu hay “đụng đến” những thứ khác.

Có lúc nào anh cảm thấy chán nghề?

Tôi chưa bao giờ chán Toán, chỉ chán cảnh "làm Toán thì bị đói" thôi.

Năm 1991, tôi tốt nghiệp bằng đỏ ở Nga, nhưng hoàn cảnh thay đổi, không còn chuyển tiếp sinh như trước, và tôi cũng đã mệt mỏi với nước Nga, cũng không nghĩ rằng mình sẽ còn đủ nhiệt tình theo nghề Toán "gặm giấy".

Lúc đó, tôi đã tính chuyện sẽ đi một nước nào khác tìm cách "làm ăn" (tuy chưa biết làm gì). Nhưng may mắn là trong thời gian đi dự hội nghị ở ICTP được Viện trưởng phân viện Toán của ICTP mời ở lại làm việc với thời hạn 2 năm. Thế là từ đó tiếp tục "dấn thân" vào con đường làm khoa học. 

Con đường khoa học của anh có vất vả, như người ta vẫn thường hình dung về các nhà Toán học?

Năm 1995, tôi được tuyển làm "chargé de recherche" (nghiên cứu viên) của CNRS (Trung tâm khoa học quốc gia của Pháp). Thời kỳ này, tôi tương đối nhàn rỗi, không phải dạy học mà chỉ làm nghiên cứu. Cũng có những thời gian dài (hàng năm) tôi mệt mỏi về chuyện nghiên cứu Toán, bỏ thời giờ cho những sở thích khác.

Năm 2000, các đồng nghiệp giục tôi lo chuyện bảo vệ Habilitation. Cũng may thời gian đó tôi làm được một hai kết quả mới mà tôi thực sự thích thú. Cuối năm 2001 tôi bảo vệ Habilitation, và xin làm Professor ngay sau đó. Làm GS lương khá hơn, nhưng không được tự do như ở CNRS vì có trách nhiệm dạy học và một vài trách nhiệm hành chính.

Hiện tại hàng năm tôi cố gắng dạy dồn những thứ mình phải dạy vào trong vòng 4-5 tháng, để thời gian còn lại cho việc nghiên cứu khoa học, đi hội nghị, hợp tác với nước ngoài…

Việt Nam cần phát triển nền Toán học

Soạn: AM 710741 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hội người Việt Nam dự Hội nghị ICTP năm 1991. Trong ảnh có GS Trần Văn Nhung, GS Ngô Việt Trung, GS Hà Huy Khoái, GS Nguyễn Hữu Đức, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Frédéric Phạm, GS Nguyễn Tiến Dũng, TSKH Lê Hồng Vân...

Anh Nguyễn Trung Hà, một cựu dân Toán MGU cho rằng, Việt Nam không nên khuyến khích người giỏi làm Toán, vì phí phạm, không hữu ích cho cuộc sống. Là một dân Toán, ý kiến của anh về nhận định này?

Trong tình hình xã hội mà những người muốn đi theo con đường khoa học chân chính bị bỏ đói (theo tôi biết, lương trung bình của cán bộ khoa học ở Việt Nam còn thấp hơn thu nhập của bác lái xe ôm) thì khoa học cơ bản, trong đó có Toán học, dễ bị coi là vô dụng.

Ở hoàn cảnh đó, những người có tài như anh Trung Hà chuyển sang làm kinh doanh và thành đạt là hợp lý và dễ hiễu. Nhưng điều đó không có nghĩa Toán học là vô dụng, là giỏi mà đi làm Toán thì phí phạm.

Theo anh, với nước ta, Toán hữu dụng đối với xã hội như thế nào?

Bất kỳ nước nào, để có một nền kinh tế phát triển, công nghệ hiện đại thì cần phải có một nền tảng khoa học cơ bản vững vàng, cần một đội ngũ trí thức đông đảo có trình độ cao.

Việt Nam, để đi lên từ một nước nghèo nàn lạc hậu thành một nước tiên tiến cần có một quá trình xây dựng liên tục, trong đó có xây dựng nền khoa học cơ bản.

Không phải đợi đến khi nào giàu có, đổ tiền vào là một sớm một chiều có thể tạo được ngay một đội ngũ khoa học, mà cần đầu tư liên tục để tạo ra một truyền thống văn hóa và khoa học, nâng chất lượng cao dần lên.

Ngay trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, việc phát triển nền Toán học (cũng như khoa học cơ bản nói chung) là rất cần thiết, vì nó là cơ sở cho việc hiện đại hóa công nghệ ở Việt Nam, và vì nó gắn liền đến việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí ở Việt Nam.

Theo anh thì cần thiết ở mức độ nào?

Một nước hơn 80 triệu dân cần một lượng đáng kể Tiến sỹ Toán. Theo đánh giá của một số đồng nghiệp của tôi ở trong và ngoài nước, Việt Nam mỗi năm cần thêm ít ra 50 Tiến sỹ Toán riêng cho việc nâng cấp các trường đại học trong vòng 20 năm tới.

Nhưng, sau khi hoàn thành TS Toán ở nước ngoài, một bộ phận lớn đều chọn con đường ở lại, chứ không phải về bổ sung cho các trường ĐH trong nước. Nếu vậy, hướng đi này phục vụ bao nhiêu cho sự phát triển khoa học, giáo dục trong nước, như anh nói?

Ở nước ngoài không có nghĩa là không đóng góp được gì cho đất nước. Ở nơi nào cũng có cách đóng góp và có lợi thế của nó.

Người ở trong nước có lợi thế nắm sát hơn nhu cầu phát triển và ứng dụng toán ở trong nước, nhưng ở nước ngoài có điều kiện làm việc tốt hơn, dễ đạt kết quả nghiên cứu tốt và uy tín khoa học cao hơn, dễ có tầm nhìn rộng hơn.

Người ở trong nước có thể trực tiếp truyền đạt kiến thức của mình cho các thế hệ sau ở Việt Nam, còn ở nước ngoài thì làm cầu nối cho việc hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế, giúp đỡ SV và NCS Việt Nam ra nước ngoài học, và cũng có thể  về thỉnh giảng trong nước…

Có một lợi thế nữa của người ở nước ngoài mà tôi thấy là: những người ở nước ngoài có thể nói thẳng những ý kiến đóng góp về tình hình ở trong nước, về những điều mà ở Việt Nam nhiều người cũng biết nhưng ít ai dám nói thẳng.

Theo tôi, khi có điều kiện thích hợp, một số người Việt đang làm Toán ở nước ngoài hiện nay sẽ về nước nếu họ cảm thấy họ có ích ở trong nước hơn là ở nước ngoài.

Tháng 6/2006: Hội nghị Toán quốc tế tại Hà Nội

Hai mươi năm đã qua, anh có giữ liên hệ với những người bạn cùng đợt thi HSG quốc tế năm ấy?

Tôi còn hay liên lạc với Lâm Tùng Giang, học cùng khoa Toán ở Lomonoxop với tôi, hiện làm cán bộ tin học ở Đà Nẵng, và Huỳnh Minh Vũ, bạn học với tôi từ thủa nhỏ. Anh Vũ học tin học ở Tbilisi, Nga sau đó chạy sang Đức học về tài chính, từng làm việc ở Đức và Mỹ một thời gian dài, và hiện đang làm đại diện cho một công ty Tin học nước ngoài ở Hà Nội.

Ngoài ra cùng đoàn năm đó có anh Huỳnh Văn Thành, học kinh tế ở Moskva, và hai anh khác học ở Việt Nam (một vì lý do sức khỏe một vì lý do lý lịch nên không được đi học nước ngoài). Hiện tôi không có tin tức của 3 anh này. 

Rất nhiều cựu HSG quốc tế vẫn tiếp tục theo đuổi Toán học. Các anh có liên hệ với nhau trong công việc?

Tôi cùng một số đồng nghiệp người Việt ở nước ngoài, như các GS Phạm Hữu Tiệp, Lê Hồng Vân, Lê Tự Quốc Thắng, Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường… có bàn về chuyện liên kết những người Việt làm Toán ở nước ngoài với nhau để có thể hợp tác giúp đỡ Việt Nam hiệu quả hơn, chẳng hạn như trong chuyện giúp đỡ SV và NCS Việt Nam.

Đợt về nước này, anh có dự định gì?

Một trong những dự án gần nhất của tôi là tổ chức một hội nghị Toán quốc tế cỡ nhỏ, theo kiểu trường hè, về “Lượng Tử Hóa”, trong vòng một tuần, ở Hà Nội vào tháng 6/2006, cùng với GS Đỗ Đức Thái (ĐHSP), GS Đỗ Ngọc Diệp (Viện Toán) và hai đồng nghiệp ở Mỹ.

Các đồng nghiệp nước ngoài đến hội nghị đều tự lo tiền vé máy bay (chứng tỏ họ rất có thiện chí), phía Việt Nam chỉ cần lo ăn ở cho những người đến giảng bài. Tôi rất hy vọng là sẽ nhận được đủ tài trợ từ các cơ quan phía Việt Nam để trang trải cho hội nghị. Một trong những mục đích của hội nghị là tạo điều kiện cho SV và NCS Việt Nam có điều kiện học hỏi và làm quen với các GS nước ngoài (để tạo thành các quan hệ lâu dài). Nếu mọi việc trôi trảy, có thể thỉnh thoảng tôi lại tham gia tổ chức hội nghị ở Việt Nam, mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam.

Một chút về cuộc sống của anh hiện tại?

Tôi đã có vợ và hai con. Vợ tôi trước có dạy khoa Văn ở ĐH Tổng hợp Hà Nội, từ khi sang Pháp chuyển sang làm dịch thuật và viết văn. Những năm trước, hai cháu còn nhỏ, chúng tôi rất vất vả vì ở nước ngoài không dễ gì có được người giúp đỡ việc nhà như ở Việt Nam. Bây giờ, tụi nó lớn hơn nên cũng đỡ, có nhiều thời giờ cho công việc hơn.

Cảm ơn anh. Chúc anh thực hiện được những dự định của mình.

  • Hoàng Lê (thực hiện) 

Kỳ tới: Đoạt giải quốc tế. Du học: Thành tích giỏi hay xuất sắc. Có bằng Tiến sỹ hay cao hơn. Ở lại xứ người làm giảng viên hoặc nghiên cứu viên. Vài năm sau lên Associate rồi Full Professor. Không hay chưa trở về Việt Nam vì môi trường khoa học trong nước chưa đáp ứng nhu cầu làm việc và nghiên cứu... Nhiều nhân vật đều có chung đáp án như thế cho câu hỏi: Làm gì, ở đâu sau thành tích thuở học trò? Những câu chuyện có thể khác nhau đôi chút. Nhưng có chung một lộ trình: làm khoa học, làm thầy.  

******

Theo dòng sự kiện: 

Kỳ 1: Vũ Đình Hoà: Người gắn bó với Olymic Toán quốc tế

Kỳ 2: Phan Thị Hà Dương: Về nước là điều tất nhiên

Kỳ 3: Nguyễn Thúc Dương- Huy chương Olympic chỉ là bước khởi đầu

Kỳ 4: Ngô Bảo Châu: Mong một cơ sở đào tạo Toán bậc cao

Kỳ 5: Người giỏi làm Toán- Rất lãng phí!

 

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,